BÌNH ĐẮNG GIỚI TRONG XÃ HỘI SỐ
BÌNH ĐẮNG GIỚI TRONG XÃ HỘI SỐ
Phụ nữ Việt Nam ngày càng chứng minh được năng lực của mình và tiềm năng của họ không khác gì nam giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nếu được tạo điều kiện và có cơ hội.
Về cơ bản, xã hội số giúp thu hẹp khoảng cách giới, tức là bình đẳng hơn. Tuy nhiên, cũng không ít quan điểm lo lắng điều ngược lại, với xã hội số khoảng cách giới sẽ càng bộc lộ rõ. Bởi phụ nữ ít có cơ hội tiếp cận, học hỏi về công nghệ hơn, nên sẽ không được giỏi bằng nam giới, việc vận dụng công nghệ số mang lại lợi ích cho bản thân sẽ hạn chế hơn. Ngay chính các nhóm nữ giới cũng có những sự khác biệt. Ví như phụ nữ ở đô thị cơ hội tiếp cận với internet, với các phương tiện kỹ thuật số, hay kỹ năng sử dụng, khả năng hưởng lợi cũng nhiều hơn so với phụ nữ nông thôn, hay phụ nữ vùng sâu, vùng xa.
Việt Nam hiện nay chưa có nghiên cứu cụ thể nào về sự khác biệt giữa các giới trong việc tiếp cận, sử dụng và hưởng lợi từ công nghệ, chuyển đổi số. Nhưng thế giới đã có nhiều nghiên cứu dựa trên ba tầng bất bình đẳng (BBĐ): thứ nhất là khả năng tiếp cận internet; thứ hai là kỹ năng sử dụng; thứ ba là ứng dụng, lợi ích, kết quả của việc sử dụng internet mang lại lợi ích gì và cho ai. Với hệ thống khối lượng dữ liệu lớn (big data), họ có thể nhận thấy những sự khác biệt rõ ràng hơn, thuyết phục hơn.
Bằng kinh nghiệm và nghiên cứu về BĐG trong nhiều năm nay, tôi nhận thấy khoảng cách giới vẫn tồn tại rất lớn. Chẳng hạn như việc tiếp cận, giáo dục, học tập về kỹ thuật, công nghệ của phụ nữ luôn kém hơn, bởi họ không được khuyến khích. Nhiều người cho rằng đấu tranh giành quyền bình đẳng giống như một cuộc đấu tranh giai cấp căng thẳng, thậm chí còn rất phản cảm. Chúng tôi chỉ đang chống lại những quan điểm, định kiến cổ hủ về năng lực và vai trò của mình.
Trong xã hội hiện nay vẫn tồn tại quan điểm cho rằng vai trò chính của phụ nữ là chăm sóc con cái, giữ gìn hạnh phúc gia đình, không cần và cũng không nên dành nhiều thời gian cho sự nghiệp. Trong khi đó, những công việc liên quan đến công nghệ, chuyển đổi số thì đòi hỏi sự tập trung, dốc toàn sức và tâm huyết. Mọi người có thể rất hoan nghênh một chàng trai say mê nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo trong công việc, có thể quên ăn quên ngủ, nhưng người ta sẽ không khuyến khích một cô gái làm việc tương tự. Họ rất sợ một cô gái như vậy sẽ không lấy chồng, hay mải mê công việc mà bỏ bê con cái...
Chính những quan niệm như vậy khiến cho phụ nữ không được khuyến khích học các ngành nghề kỹ thuật hay công nghệ và bản thân chị em vốn nhập tâm định kiến ấy, nên luôn cho rằng mình nên chuẩn bị để trở thành một người vợ, một người mẹ tốt. Đó là những rào cản xã hội đặt ra cho nữ giới và phụ nữ tự đặt ra cho chính mình.
Trong xã hội số, khoảng cách giới cũng được xóa mờ đi phần nào. Nếu trước đây có những ngành nghề đòi hỏi sức lực, chỉ nam giới mới có thể làm thì bây giờ với công nghệ hiện đại, chỉ cần bấm nút, vận hành máy móc, thì phụ nữ hoàn toàn có thể tham gia. Bởi vậy, cơ hội việc làm dành cho phụ nữ trở nên rộng mở hơn. Vấn đề nằm ở chỗ chị em có thể vượt qua những rào cản đã nói ở trên hay không và xã hội có tạo cơ hội hay không.
Nếu không thay đổi những quan điểm về vai trò cũng như năng lực của phụ nữ, tạo cơ hội cho họ thì bất BĐG sẽ càng bị kéo giãn. Nam giới vẫn sẽ thống lĩnh trong xã hội số, họ sẽ là người kiểm soát, là người hưởng lợi chính từ tiến trình chuyển đổi số, còn phụ nữ nếu không vượt lên chính mình sẽ luôn là người đứng bên lề và chắc chắn sẽ bị bỏ lại phía sau với khoảng cách ngày càng xa, tốc độ ngày một nhanh.
Để gia tăng những lợi ích và ngăn chặn nguy cơ, quan trọng nhất vẫn là giáo dục; ngay từ bậc tiểu học, trẻ em cần được biết những kỹ năng mềm trong xã hội số. Ngày nay, trẻ 3-4 tuổi đã có thể lướt, vuốt điện thoại như gió, nhưng nếu không được trang bị các kỹ năng cơ bản sớm thì sẽ “lợi bất cập hại”.
Để xóa bớt đi những bất bình đẳng, các chính sách không chỉ tập trung vào những vấn đề kỹ thuật. Hiện nay, chúng ta đang thiên về kỹ thuật hơn là các vấn đề xã hội. Khía cạnh xã hội của công nghệ vẫn chưa được quan tâm đúng mức, như các khác biệt về giới, khu vực địa lý, vùng miền, nông thôn hay thành thị. Rất cần những chiến lược đặc thù dành cho các nhóm xã hội khác nhau để có thể hướng đến sự phát triển đồng đều.
TS KHUẤT THU HỒNG
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội
(Nguồn: Báo PNVN)
Ảnh minh họa: Internet