column_right getExtensions 1732356379-1732356379

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732356379-1732356379

MANG TINH THẦN ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀO TRẬN MỚI

MANG TINH THẦN ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀO TRẬN MỚI

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:25-04-2024

MANG TINH THẦN ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀO TRẬN MỚI

70 năm đã lùi lại phía sau, nhưng ký ức và giá trị của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên trong tâm thức mỗi người Việt Nam với niềm xúc động và tự hào khôn nguôi. Những giá trị đó đã giúp dân tộc ta lập nhiều kỳ tích trong cuộc trường chinh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Không chỉ hôm qua, hôm nay và muôn sau, tinh thần Điện Biên Phủ vẫn tiếp tục đồng hành cùng các thế hệ người Việt trên chặng đường vươn tới những đỉnh cao.

Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, thực hiện kế hoạch Na-va (Navarre), thực dân Pháp xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh với 16.200 quân, gồm các đơn vị thuộc loại tinh nhuệ nhất ở Đông Dương. Với 49 cứ điểm, địch tổ chức thành 8 cụm, mỗi cụm cứ điểm là một hệ thống hỏa lực nhiều tầng, có chiến hào ngang dọc, thậm chí cả hầm ngầm. Cả Mỹ và Pháp đều coi Điện Biên Phủ là “pháo đài không thể công phá”, nên thách thức đối phương và chờ “nghiền nát” chủ lực của Việt Minh.

Về phía ta, Bộ Chính trị Trung ương Đảng thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) xác định Điện Biên Phủ sẽ là trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay, nên ráo riết tập trung toàn lực, tất cả để chiến thắng. Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ủy viên Bộ Chính trị, trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy và Chỉ huy trưởng mặt trận.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế”. Ngày 22-12-1953, Người trao cờ Quyết chiến Quyết thắng cho quân đội, động viên các đơn vị thi đua giết giặc lập công.

Sau khi kiểm tra, phân tích kỹ so sánh lực lượng giữa ta và địch, Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận quyết định thay đổi phương châm chiến dịch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị hoàn toàn nhất trí với quyết định này. Ngày 11-3-1954, Bác Hồ gửi thư động viên bộ đội: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang”.

17 giờ ngày 13-3, quân ta nổ súng mở màn chiến dịch. Đến ngày 7-5-1954, qua ba đợt tiến công, trải “56 ngày đêm /khoét núi, ngủ hầm /mưa dầm, cơm vắt/ máu trộn bùn non/ gan không núng, chí không mòn” liên tục chiến đấu dũng mãnh, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống viên tướng chỉ huy Đờ Cát-xtơ-ri (De Castries), giành toàn thắng trận quyết chiến chiến lược oanh liệt, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Ngày 21-7-1954, thực dân Pháp buộc phải ký kết Hiệp định Giơnevơ, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, cam kết rút quân về nước. Từ đây, chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc thuộc địa trên thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc xâm lược.

Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, phụ nữ đã đóng góp trên 2,3 triệu ngày công, chiếm 50% số ngày công phục vụ hỏa tuyến. Bất chấp gian khổ, hiểm nguy, hàng vạn chị em đã hăng hái tham gia các đội dân công vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược, thuốc men ra chiến trường; tải thương, nuôi dưỡng thương binh… Chia lửa với chiến trường, phụ nữ ở hậu phương tích cực sản xuất làm ra nhiều lúa gạo tiếp tế cho tiền tuyến; tham gia du kích, đấu tranh chống giặc bắt lính, làm công tác địch vận, biểu tình, bãi công, bãi khóa, bãi thị, tuyên truyền vạch trần mọi âm mưu thâm độc của kẻ địch, đấu tranh trên các mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa. Chị em phụ nữ vùng Tây Bắc cùng với gia đình họ đã đóng góp nhiều nhất cho chiến dịch. Người Mông xưa nay chưa bao giờ xuống núi, nhưng phụ nữ đã vận động chồng con đi dân công phục vụ chiến dịch và tòng quân. Phụ nữ còn tham gia chiến đấu, góp phần tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Một số nữ du kích lập công xuất sắc, trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như chị Nguyễn Thị Chiên, liệt sĩ Mạc Thị Bưởi…

Phụ nữ Việt Nam vốn xưa nay anh hùng
(Khối nữ dân quân các dân tộc tại Lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, 2-9-2015)
Ảnh minh họa: THU HƯƠNG

Người Pháp buộc phải thừa nhận: “Các ông đã thắng vì các ông có dân, không những nam giới mà cả phụ nữ cũng có mặt ở tiền tuyến”. Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công của chính nghĩa, của phẩm giá con người Việt Nam; tinh thần đại đoàn kết dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn và ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta.

Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ năm xưa và đặc biệt là sự cống hiến xả thân của các thế hệ phụ nữ Việt Nam, mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ Quân đội (PNQĐ) hôm nay cần nhận thức sâu sắc vinh dự, tự hào và trách nhiệm vẻ vang. Cần tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng; nâng cao phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực và kiến thức toàn diện; phấn đấu thực hiện tiêu chí người PNQĐ thời kỳ mới “Trí tuệ, bản lĩnh, kỷ cương, nhân ái”, xây dựng tổ chức Hội phụ nữ vững mạnh, góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.

Năm tháng sẽ trôi qua, song chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước, di sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam, sẽ mãi trường tồn và soi sáng con đường phát triển, giúp đất nước vươn tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

PHỤ NỮ QUÂN ĐỘI

BÀI VIẾT NỔI BẬT