Giới thiệu

GIỚI THIỆU

1. Phụ nữ Quân đội

Phụ nữ Quân đội là tập hợp toàn thể lực lượng nữ đang công tác trong Quân đội, bao gồm: sĩ quan; quân nhân chuyên nghiệp; hạ sĩ quan, binh sĩ; công nhân, viên chức quốc phòng; người lao động hợp đồng ở các cơ quan, đơn vị toàn quân. Phụ nữ Quân đội thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao theo sự phân công, đồng thời hoàn thành thiên chức thiêng liêng trong gia đình và ngoài xã hội như mọi phụ nữ bình thường khác.

2. Khái lược lịch sử phát triển của lực lượng PNQĐ

Phụ nữ Quân đội là một lực lượng quan trọng của Phụ nữ Việt Nam. Kế thừa truyền thống anh hùng của dân tộc “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, các chị được giác ngộ lý tưởng và một lòng đi theo Đảng, họ có mặt từ rất sớm trong các tổ chức vũ trang cách mạng, từ các đội tự vệ, đội du kích Bắc Sơn, quân du kích Nam Kỳ, đội du kích Ba Tơ, Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân… Phụ nữ lực lượng vũ trang đã nhanh chóng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngoài lực lượng nữ dân quân tự vệ, du kích ở các địa phương, số lượng chị em tham gia vào các đơn vị bộ đội tập trung (bộ đội chủ lực) cũng ngày càng tăng lên. Phụ nữ có mặt nhiều nhất ở các bộ phận nuôi quân, quân y, sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài, đạn dược ở các xưởng quân giới, văn công văn nghệ và các đội dân công hỏa tuyến tham gia mở đường, vận chuyển lương thực, vũ khí, ra mặt trận.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng nữ tham gia bộ đội, thanh niên xung phong có lúc lên đến hàng chục vạn người. Thời kỳ này chưa có tổ chức Hội phụ nữ cơ sở và hệ thống cơ quan công tác phụ nữ trong quân đội. Công tác vận động phụ nữ trong quân đội được đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng, sự điều hành của người chỉ huy, sự hướng dẫn tổ chức thực hiện của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp. Nội dung công tác phụ nữ trong quân đội từng bước được hoàn thiện qua các giai đoạn lịch sử đã đoàn kết, tập hợp, huy động đông đảo phụ nữ quân đội phát huy vai trò, truyền thống của phụ nữ Việt Nam tích cực tham gia mọi mặt công tác kháng chiến, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của lực lượng vũ trang trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tổ chức quần chúng trong quân đội có Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn Quốc phòng, Hội đồng Quân nhân. Về công tác phụ nữ trong quân đội thời gian này vẫn đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị cùng cấp (ở những nơi không có tổ chức công đoàn), ở những nơi có tổ chức công đoàn, hầu hết đã thành lập Ban nữ công cơ sở để giúp

Ban chấp hành công đoàn cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn công tác vận động nữ công nhân viên chức quốc phòng hoạt động theo kế hoạch, chương trình công tác hàng năm của Ban Công đoàn Quốc phòng đề ra.

Bước sang giai đoạn đổi mới toàn diện đất nước, công tác vận động quần chúng trong lực lượng vũ trang đã có nhiều biến chuyển mới, nhất là trong công tác vận động phụ nữ quân đội. Ngày 10-3-1993, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 102/QĐ-QP thành lập Ban Công tác Phụ nữ Quân đội trực thuộc Tổng cục Chính trị. Ngày 25-8-1993, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ra Quyết định số 619/QĐ-TM về việc biên chế hệ thống công tác phụ nữ trong quân đội trực thuộc cơ quan chính trị các cấp. Thực hiện Quy định số 72/QĐ-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tổ chức cơ quan chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, ngày 4-12-1993, Tổng cục Chính trị đã ban hành Quy chế 428/QC-CT về “Tổ chức và hoạt động của Hội phụ nữ cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam” quy định hệ thống tổ chức cơ quan (cán bộ) chuyên trách công tác phụ nữ; tổ chức hội phụ nữ; chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động, mối quan hệ công tác… của các thành phần có liên quan trong Quân đội. Từ đây, công tác phụ nữ quân đội được Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Tổng cục Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp. Công tác phụ nữ quân đội mau chóng đi vào nền nếp, hoạt động theo hệ thống, thống nhất trong toàn quân.

3. Ban Phụ nữ Quân đội

Là cơ quan chuyên trách thuộc Tổng cục Chính trị, có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất giúp Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về chủ trương, nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, công tác giáo dục mầm non trong Quân đội; tổ chức thực hiện chỉ đạo của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các mặt công tác trên đối với cơ quan, đơn vị trong toàn quân.

4. Lãnh đạo, chỉ huy Ban PNQĐ qua các thời kỳ

1. Đại tá Vũ Thị Hồng, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Trưởng ban Phụ nữ Quân đội (4/1993 – 6/2007)
2. Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà
Trưởng ban Phụ nữ Quân đội (6/2007 – 6/2013)
12-2013: Được thăng quân hàm Thiếu tướng, Chính ủy Viện Y học cổ truyền Quân đội
3. Đại tá Bùi Thị Lan Phương
Trưởng ban Phụ nữ Quân đội (6/2013 – 4/2018)
7-2020: Được thăng quân hàm Thiếu tướng, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương
4. Đại tá, Tiến sĩ Phùng Thị Phú
Trưởng ban Phụ nữ Quân đội (4/2018 đến nay)