ĐỔI MỚI TẠO NÊN SỰ KHÁC BIỆT
ĐỔI MỚI TẠO NÊN SỰ KHÁC BIỆT
Đó là Thiếu tá Phạm Thị Ngọc Hà, tuổi khá trẻ, nhưng cô đã có 12 năm công tác tại Phòng Chuyên đề Truyền hình, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Quân đội. Từ khi còn là sinh viên Khoa PT-TH của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cô đã làm việc bán thời gian tại Trung tâm Phát triển nội dung, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (nay là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội - Viettel). Năm 2012, khi Viettel phối hợp với Trung tâm PT-TH Quân đội thành lập kênh, Ngọc Hà được tuyển về làm phát thanh viên, biên tập viên của kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam (QPVN).
Đến với Trung tâm PT-TH Quân đội vào đúng ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, Ngọc Hà yêu thích ngay không khí làm việc tại đây. Nhỏ tuổi nhất, được những người đi trước dìu dắt, cô mau chóng làm quen và hòa nhập. Trong một chuyến công tác, Ngọc Hà biết chuyện về Trường Mầm non Pa Vây Sử, thuộc xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Gần 200 học sinh dân tộc thiểu số, mỗi em chỉ có 7.000 đồng tiền ăn một ngày; nhiều em đi bộ tới trường không áo ấm, không giày dép, ăn cơm nguội, cơm độn ngô hoặc mèn mén. Khó khăn khiến nhiều em phải nghỉ học. Một đơn vị quân đội trên địa bàn đã ủng hộ tiền mua gạo, nấu cơm… hằng ngày vượt đường dốc, mang đến cho thầy trò. Tuy nhiên, điều kiện đường sá xa xôi, cách trở, việc ủng hộ này khó có thể duy trì lâu dài. Trở về, Ngọc Hà đề xuất với chỉ huy Trung tâm và Chi đoàn, Hội phụ nữ xây dựng chương trình thiện nguyện, vận động đồng nghiệp và các nhà hảo tâm chung tay lo cho trẻ. Với số tiền 140 triệu đồng mua được 5,4 tấn gạo đủ ăn trong 1 năm học, cùng nhiều đồ dùng thiết yếu được trao cho thầy trò. Mô hình “Cơm nóng cho em” ra đời từ đó, nay đã bước sang năm thứ 3.
Quá trình làm công tác thiện nguyện, với cảm hứng mãnh liệt, Ngọc Hà thực hiện bộ phim tài liệu không có lời bình với tựa “Chuyện chưa cũ” phản ánh nét đẹp văn hóa của “Bộ đội Cụ Hồ”. Ngay sau khi phát sóng, phim đã tạo được hiệu ứng xã hội. Các nhà hảo tâm đã liên hệ để ủng hộ 300 triệu đồng, cùng quân đội xây dựng các công trình nước sạch tại các điểm trường khó khăn xuất hiện trong phim. Với tác phẩm này, Ngọc Hà và đồng nghiệp được nhận giải B - giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Búa Liềm Vàng) lần thứ VII, năm 2022. Khởi đi từ mối duyên thiện nguyện đến với đời sống xã hội và quay trở lại hành trình ý nghĩa với cộng đồng… đã giúp cô phóng viên trẻ này hiểu rằng, những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim.
Cô cũng được nhận giải C báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (2021- 2023); giải Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 41, năm 2023.
Là trưởng nhóm sản xuất chương trình “Quốc phòng địa phương”, Ngọc Hà cùng nhóm còn thực hiện 2 chương trình khác là “Tôi tự tin” - về kỹ năng sống và “Lớp học vì sao” - chương trình truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi đầu tiên của kênh QPVN. Cô tham gia sản xuất các chương trình giao lưu, các sự kiện và phim tài liệu phục vụ sơ kết, tổng kết các đề án, phong trào thi đua, hội thi cấp toàn quân. Khó khăn lớn nhất là nhiều đầu việc, nhiều nhiệm vụ một lúc. Vừa dẫn chương trình, vừa sản xuất 3 chương trình và những nhiệm vụ đột xuất lớn nhỏ khác nhau luôn đặt ra cho cô những áp lực nhất định.
Bên cạnh đó, Ngọc Hà còn là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Phát thanh - Chuyên đề Truyền hình, Ủy viên Ban chấp hành Hội phụ nữ Trung tâm PT-TH Quân đội. Để làm tròn các nhiệm vụ và thiên chức của người mẹ sẽ một thử thách đối với cô trong những thời điểm bận rộn. Mỗi ngày thức dậy, Hà đều ghi ra những việc cần làm trong ngày, việc gì trước, việc gì sau và cập nhật đến cuối ngày. Một ngày của cô thường bắt đầu từ khoảng 3 - 4 giờ sáng. Trên hành trình không ngừng nỗ lực ấy, Ngọc Hà đã ghi dấu ấn với nhiều năm được bầu là Chiến sĩ thi đua (2017, 2020, 2022, 2023). Năm 2022, cô là cán bộ Hội phụ nữ xuất sắc và là gương mặt trẻ tiêu biểu cơ quan Tổng cục Chính trị. Năm 2023, Thiếu tá Phạm Thị Ngọc Hà được vinh danh là “Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân”.
Tuy bận rộn nhưng Ngọc Hà vẫn nỗ lực xây dựng thật tốt các chương trình mà nhóm đang đảm nhận, đặc biệt là tiến tới xã hội hóa và đẩy mạnh sản xuất, phân phối các chương trình trên nền tảng số. Cùng với đó là dự định một series phim tài liệu về đồng bào vùng biên. Và chắc hẳn không thể thiếu những mô hình thiện nguyện thiết thực với các em nhỏ nơi vùng sâu, vùng xa và con quân nhân có hoàn cảnh khó khăn.
THIÊN MINH
Ảnh: NVCC