column_right getExtensions 1714417325-1714417325

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714417325-1714417325

NỮ HỌA SĨ CON NHÀ LÍNH

NỮ HỌA SĨ CON NHÀ LÍNH

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:23-03-2024

NỮ HỌA SĨ CON NHÀ LÍNH

Nguyễn Minh Ngọc

Thoạt trông vẻ ngoài, họa sĩ Võ Anh Thơ có dáng dấp hệt như một phụ nữ xứ Hàn ở nét thông minh, đầy cá tính và quyết đoán. Hàng chục năm nay, chị là một họa sĩ chuyên thiết kế bìa sách có thương hiệu, nhưng có lẽ không mấy ai biết rõ cơ duyên vì sao chị lại gắn bó mật thiết với mảng sách của những người lính đến vậy.

Trường Sa, 2004

“Cha Đàng Ngoài, mẹ ở Đàng Trong”.

Mượn câu thơ của Xuân Diệu đem vận vào hoàn cảnh xuất thân của họa sĩ Võ Anh Thơ, thật đúng. Chị sinh trưởng trong một gia đình quân nhân tại Hà Nội. Thân phụ là ông Võ Bảo, quê ở thị xã Đáp Cầu, tỉnh Bắc Ninh, thuộc dòng dõi họ Vũ Đình có tiếng. Tên khai sinh của ông là Vũ Đình Bảo, nhưng khi thoát ly gia đình vào bộ đội pháo binh, ông đổi sang họ Võ. Còn thân mẫu là bà Nguyễn Kim Huy, nguyên quán ở thị trấn Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Là con út thuộc hàng “tiểu thư” trong một gia đình tiểu tư sản, ông bố làm chủ nhà máy điện Bà Rịa, nhưng khi lớn lên được giác ngộ cách mạng, thiếu nữ đã trốn gia đình, thoát ly. Dám bỏ lại cuộc sống ấm êm, cùng tài sản, nhà cửa, bà Kim Huy lên chuyến xe thổ mộ bí mật vào chiến khu tham gia kháng chiến. Chỉ với bộ bà ba đen, “gia sản” mang theo gồm mấy cuốn mẫu thêu và sách dạy làm bánh, bà hăm hở ra đi không chút tiếc nuối. Chẳng nề gian khổ, không quản ngại hy sinh, bà dốc lòng theo cách mạng.

Vững tin ở con đường mình đã chọn, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, sau Hiệp định Genève, bà tập kết ra Bắc. Thuở nhỏ đi học, bà đã biết tiếng Pháp và tiếng Anh. Nay vào trường ngoại ngữ ở Thanh Xuân (Hà Đông) bà được phân công học tiếng Nga. Ông Võ Bảo và bà Kim Huy gặp nhau, nên duyên vợ chồng trong quân ngũ. Tốt nghiệp ra trường, bà Kim Huy về công tác tại Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) làm phiên dịch.

Con nhà lính, nên từ bé, Võ Anh Thơ đã sớm biết tự lập. Chị may mắn được thừa hưởng gene trội với những nét hào hoa từ người cha gốc Kinh Bắc, cùng sự và vén khéo léo của người mẹ quê hương Đất Đỏ. Người cha thường bận công tác xa nhà, cơ quan bố trí cho ba mẹ con tá túc trong một căn phòng nhỏ ngay sau Cột Cờ. Bởi vậy, tuổi thơ của chị gắn với phố phường Hà Nội cổ kính, với những hàng me, hàng sấu cổ thụ, trong ngan ngát mùi hương hoa sữa… Nhưng quan trọng hơn là nhờ nguồn gốc xuất thân mà chị sớm được đắm mình trong hồn thiêng của lịch sử. Mỗi khi có phái đoàn nước ngoài vào Bảo tàng, thấy mẹ mặc quân phục đứng dịch tiếng Nga… cô bé tò mò lén đi theo và quan sát.

Vào các buổi sáng trong tuần, Anh Thơ thường lon ton theo chân mẹ cầm cây chổi lông gà đi phủi bụi bặm cho súng, pháo, xe tăng… ở phòng trưng bày vũ khí, hiện vật bảo tàng. Mỗi chiều muộn, cô bé lại bê bát cơm đến phòng sa bàn chiến dịch Điện Biên Phủ vừa ăn, vừa mê mải xem không biết chán. Dường như cảm hứng lịch sử đã sớm ngấm vào trong huyết quản chị.

Cuối năm 1964, bố mẹ chị về ngụ trong khu tập thể Nam Đồng, khu gia binh lớn nhất Hà Nội lúc bấy giờ. Đây là nơi ghi nhiều dấu ấn trong ký ức tuổi thơ cùng bè bạn con nhà lính. Và họ vẫn tự hào gọi nơi đây là “quân khu” Nam Đồng. Khi giặc Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, bà Kim Huy được giao phụ trách trại trưởng trại sơ tán con em cán bộ thuộc Tổng cục Chính trị. Lên 9 tuổi, Võ Anh Thơ được mẹ cho đi học vẽ ở Câu lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội. Nhưng rồi chiến tranh, sơ tán liên miên nên việc học hành bị gián đoạn. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, các gia đình lần lượt trở về Hà Nội, chị mới được học tiếp nghề cầm cọ. Có chút ít kiến thức hội họa, ngoài giờ đi học, Anh Thơ lại theo mẹ vào cơ quan, giúp kẻ chữ chú thích trên hiện các hiện vật, hoặc vẽ phục chế một số phù hiệu của binh lính địch. Cô bé lấy làm thích thú mỗi khi được cầm giẻ lau sạch đất bám trên các mảnh xác máy bay Mỹ do bộ đội ta bắn rơi từ nhiều nơi trên miền Bắc đưa về, ghi rõ ngày tháng và địa điểm... Ngạc nhiên khi thấy “họa sĩ nhí” viết chữ đẹp, mấy chú ở Bảo tàng Quân đội liền dẫn Anh Thơ đến khu vực trưng bày hiện vật ngoài trời, giao cho “nhiệm vụ” kẻ vẽ. Công việc này được trả tiền thù lao. Cô bé thấy vui vì vừa giúp được mẹ, lại có thêm chút đỉnh thu nhập. Và cứ thế, Anh Thơ say sưa hoàn thành xuất sắc công việc ngoài giờ, kể cả những trưa hè bỏng rát.

 

Tự lập, tự tin sáng tạo

Chị kể hồi mới lọt lòng mẹ, bị nhau quấn cổ, ai cũng bảo đứa bé sau này sẽ lì đòn và gan cóc tía lắm. Nhưng mẹ chị bảo, con gái dễ nuôi. Ngày ấy bà Kim Huy đang theo học ngoại ngữ. Hai mẹ con ở trong ký túc xá của nhà trường. Mới hơn tháng tuổi, chẳng có ai trông nom, mẹ chị đành ủ con nằm ngủ một mình rồi lên lớp, cứ hết tiết học bà lại chạy ù về cho bú mớm. Cứ thế, cô bé lớn lên, nhanh chóng thích nghi với mọi hoàn cảnh. Xa cha mẹ từ lúc bốn tuổi, được nuôi dưỡng trong môi trường trại trẻ quân đội, nếp sống quy củ, kỷ luật như người lính đã ảnh hưởng đến tính cách của chị. Đó là tự lập, can đảm và nghĩa hiệp.

Quãng thời gian đi học vẽ, mỗi tối bà Kim Huy vẫn đạp xe chở cô con gái bé bỏng đến lớp đều đặn. Lắm bữa, đêm đông giá buốt, khuya về ngồi sau xe, Anh Thơ gà gật, bị té xuống đường, u cả đầu nhưng chỉ xuýt xoa chứ không hề khóc. Nhiều hôm tan học, chẳng thấy mẹ đâu, biết là mẹ bận họp nên cô bé chủ động cuốc bộ từ Bờ Hồ về Cửa Đông, nép bên gốc cây trước cổng phố nhà binh đợi. Bạn bè ai cũng có người thân đưa đón chu đáo, nhưng với Anh Thơ việc phải dài cổ ngóng mẹ rồi đi bộ về nhà là chuyện thường ngày.

Năm 1975, Võ Anh Thơ thi vào Trường Mỹ thuật Việt Nam (42, Yết Kiêu, Hà Nội), chị đỗ á khoa với 45 điểm (5 môn: Trang trí, Hình họa, Bố cục, Văn, Toán). Chẳng những biết khéo thêu thùa và làm bánh giỏi, bà Kim Huy cũng có năng khiếu vẽ từ nhỏ, nhưng hiềm nỗi không được học bài bản mà thích tự vẽ chơi. Bà luôn mong mỏi con gái nối tiếp ước mơ thành họa sĩ, nên khi Anh Thơ đỗ vào Trường Mỹ thuật danh giá, bà lấy làm tự hào lắm.

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Kim Huy chuyển công tác vào Quân khu 7. Chưa có chỗ ở riêng, cả gia đình được mượn tạm một căn phòng nhỏ trong khu số 2 Lê Duẩn, Quận 1, ngay trước cổng Thảo Cầm Viên. Nơi này vốn là Trường cao đẳng Quốc phòng của chế độ cũ, vừa được chuyển thành Phòng trưng bày chiến dịch Hồ Chí Minh (nay là Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh). Là sinh viên Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Võ Anh Thơ vừa học vừa làm, phụ giúp bố mẹ. Chị vẽ pano, kẻ chữ bảng kê trích, làm sa bàn, chép tranh, làm phù điêu, gò đồng, tranh kính màu, v.v… cho nhiều nơi, tham gia thực hiện nhiều công trình lớn cho Bảo tàng lực lượng vũ trang miền Đông, Bảo tàng Đồng Nai, Bảo tàng Tây Ninh, Bảo tàng Cần Thơ.

Ít lâu sau, bà Kim Huy chuyển ngành ra dân sự. Nghỉ hưu, sức khỏe bà suy giảm, nhiều lần phải nhập viện. Những khi vào thăm mẹ, nhiều bệnh nhân nằm cùng phòng biết Anh Thơ là họa sĩ nên nài nỉ chị vẽ chân dung. Thế là chị cầm cọ để vẽ tặng cho những người bạn mới của mẹ, để bà vui lòng.

Đối diện với hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, với nhiều biến cố lớn, song Võ Anh Thơ vẫn không nản chí. Chọn con đường hội họa trước hết vì chị đam mê, nhưng quan trọng là được tự do sáng tạo, thích thì vẽ chứ không bị ép buộc. Ngày còn nhỏ lúc ở ngoài Bắc, thời chiến tranh, chị thường hay vẽ các chú bộ đội bắn máy bay Mỹ. Nay học xong, chị về Công ty Mỹ thuật làm tranh sơn mài mỹ nghệ một thời gian, sau đó làm tự do. Từ thời sinh viên, chị đã nhận được các hợp đồng mỹ thuật cho nhiều địa phương. Trong đó đáng chú ý là chị hoàn thành bức tranh tường “Đường Trường Sơn” dài 12m, được giới mỹ thuật cùng nhiều người khen ngợi. Tốt nghiệp ra trường, chị vẫn giữ được mối liên hệ, sự tín nhiệm từ nhiều địa phương và một số đơn vị. Không ngại khó, ngại khổ, cũng chẳng nề hà vất vả, có lần mình chị đảm đương công việc vẽ trên trần nhà rộng 200m2 cho công trình nhà lưu niệm Chiến thắng 75 tiểu đoàn địch thời chống Mỹ (1973) tại xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Để tập trung vào công việc, chị mua một thùng mì ăn liền, mỗi sáng trước khi leo giàn giáo thì tự “bồi dưỡng” cho mình hai gói mì. Đang làm, thiếu sơn chị bắt xe ôm chạy 70km về trung tâm thành phố mua rồi quay lại vẽ tiếp. Điều đáng nói là suốt quá trình chị làm không hề có ai phụ giúp, chỉ dám thuê một cậu bé người địa phương hằng ngày trực đẩy giàn giáo có gắn bánh xe theo yêu cầu.

Mùa vải chín. Tranh màu nước

Tuy bận rộn kiếm sống nhưng chị vẫn tranh thủ sáng tác. Đến nay, họa sĩ Võ Anh Thơ đã vài lần tổ chức triển lãm tranh cá nhân và tham gia các triển lãm nhóm. Nhiều tranh của chị có mặt tại các bộ sưu tập trong nước và ngoài nước, như Pháp, Mỹ, Nhật, Canada…. Đặc biệt, bức tranh lụa “Chiều trên sông” được bán đấu giá tại Paris (1992). Vẫn biết hội họa là một nghề không chỉ cực nhọc, lam lũ, nên chỉ có tình yêu đích thực cùng với sự đam mê mới có thể giúp con người ta theo đuổi nghệ thuật trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Võ Anh Thơ tâm niệm vậy. Gần đây, chị tham gia nhóm Họa sĩ ngẫu hứng Sài Gòn, vừa sáng tạo, vừa không ngừng học hỏi. Ngoài chất liệu sơn dầu từng tiếp thu ở Trường Đại học Mỹ thuật, chị còn học thêm vẽ tranh độc bản, tranh khắc trong mùa dịch bệnh Covid-19, biết thêm kỹ thuật in tranh, có lúc tự in bản khắc, in bằng tay tại nhà… Vào tuổi lục thập, chị mới thu xếp cho mình được một cuộc chơi hội họa. Số tiền làm thiết kế chị dành dụm một phần để mua họa phẩm, làm khung tranh… Và gia tài của chị hiện có hàng trăm bức tranh với các chất liệu sơn dầu, acrylic, tranh độc bản, tranh khắc, tranh màu nước.

Miệt mài bên giá vẽ

Thổi hồn vào các bìa sách

Từ năm 2003, ngoài việc chuyên thiết kế hàng chục mẫu lịch, kiêm chụp ảnh lịch, họa sĩ Võ Anh Thơ bắt đầu tham gia làm bìa sách cho các nhà xuất bản trong cả nước. Với sự mẫn cảm nghề nghiệp, bước đầu chị đã gặt hái được một số thành công. Nhiều bìa sách do chị thiết kế đã giành được giải cao (bìa “Ánh trăng” đoạt giải Vàng, bìa “Quà muộn” giải Bạc, v.v…). Giữa năm 2004, chị được mời thiết kế bìa sách cho Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (Nxb QĐND). Công việc khiến họa sĩ gắn bó, bởi chị thấy mình như được trở về thời ấu thơ. Là con nhà lính, chị mê từ cái biểu trưng “đầu súng trăng treo”, đến sự phong phú đa dạng của nhiều mảng sách, từ hồi ký của các tướng lĩnh, đến sách văn học, rồi sách lý luận chính trị, sách lịch sử quân sự, khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn, v.v…

Có thể ví mỗi bìa sách tựa như chiếc áo sang trọng của một cuốn sách. Bởi vậy, cho dù là sách thuộc dạng thức nào thì họa sĩ thiết kế cũng phải cố gắng tìm tòi ý tưởng, chắt lọc công phu, và quan trọng hơn, thể hiện cho được hồn cốt của sách, chứ không dễ dãi. Và dường như ít khi Võ Anh Thơ chịu lặp lại mình. Đến nay, chị đã thiết kế được hàng ngàn bìa sách cho Nxb QĐND, từ những bộ “Tổng tập” đồ sộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của Giáo sư Trần Văn Giàu, Đại tướng Lê Trọng Tấn, Đại tướng Hoàng Văn Thái và gần đây là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; hay “Tuyển tập” của Đại tướng Văn Tiến Dũng, “Tuyển tập” Trần Bạch Đằng; rồi “Võ Văn Kiệt, đổi mới, bản lĩnh và sáng tạo”, đến “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm” của Thượng tướng Trần Văn Trà... là những bìa mà chị đã dồn hết tâm huyết nảy ra được nét đặc sắc riêng.

Những bìa sách tiêu biểu của họa sĩ Võ Anh Thơ

Có thể nói mảng bìa sách hồi ký của các tướng lĩnh quân đội ta để lại dấu ấn sâu đậm nhất, thể hiện lòng kính trọng và khả năng sáng tạo dồi dào của một nữ họa sĩ xuất thân từ một gia đình quân nhân. Nhiều cuốn hồi ức gây được tiếng vang như: “Một thời Quảng Trị” của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, “Với cả cuộc đời” của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, “Nhớ một thời quân ngũ” của Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, hay như “Đời chiến sĩ” của Đại tướng Phạm Văn Trà, “Đường lên phía trước” của Thiếu tướng Trần Chí Cường; hoặc cuốn “Những vị tướng quê hương núi Ấn, sông Trà”, v.v… Lao động sáng tạo của họa sĩ Võ Anh Thơ góp phần tôn thêm giá trị cho mảng sách của Nxb QĐND. Trong đó, có nhiều cuốn sách đã giành được giải thưởng sách hay, sách đẹp những năm vừa qua.

Điều khiến nhiều người, ngay cả những vị khó tính nhất cũng cảm thấy quý mến và trân trọng họa sĩ Võ Anh Thơ, bởi tinh thần đam mê lao động nghệ thuật. Chị luôn thẳng thắn, cởi mở và cầu thị, đặc biệt là ít khi sai hẹn. Mỗi khi nhận được đơn đặt hàng những bìa sách “đinh”, chị thường trăn trở tìm tòi cho tới khi cảm thấy hài lòng mới thôi. Chị là người luôn đặt chữ “Tâm”, chữ “Tín” lên hàng đầu. Còn nhớ lúc hoàn thành bìa cuốn “Nhật ký Vũ Xuân”, biết liệt sĩ chỉ để lại có mỗi tấm hình bé xíu, chị đã âm thầm chỉnh sửa và phóng một tấm hình cỡ 20 x 30 gắn trên khung gỗ (hình Lamina) gửi tặng gia đình liệt sĩ để làm ảnh thờ. Sau này, nhiều vị tướng lĩnh đã khuất cũng được chị dành tâm huyết ân tình như vậy.

Cố vấn Võ Văn Kiệt thăm Võ Anh Thơ, 2006

Một bờ vai tin cậy

Đằng sau sự thành công của họa sĩ Võ Anh Thơ thấp thoáng bóng dáng của một người đàn ông, người thầy, người bạn đời và là chỗ dựa tin cậy của chị. Đó là kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Trọng Huấn, người con xứ Huế từng là một chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa. Nhiều năm, ông công tác tại Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh, làm Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc và Đời sống. Năm 2004, họa sĩ Võ Anh Thơ cùng KTS Nguyễn Trọng Huấn được ra thăm quần đảo Trường Sa. Đến đâu, anh chị cũng hòa mình với cuộc sống của những người lính biển và để lại nhiều tình cảm nồng hậu, ấm áp.

Trong gia đình, mặc dù chênh lệch về tuổi tác, song chị vừa là người vợ, người mẹ tảo tần chăm lo quán xuyến mọi việc. Con gái Thủy Tiên của chị cũng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Chị bật mí, mỗi bìa sách được thiết kế xong, bao giờ chị cũng tham khảo ý kiến hai vị “giám khảo” nghiêm khắc ấy duyệt trước.

Bây giờ, dẫu đã lên chức bà ngoại, nhưng công việc thiết kế bìa sách cũng như cầm cọ vẫn chiếm khá nhiều thời gian và tâm huyết của họa sĩ Võ Anh Thơ. Tuy bận rộn, nhưng có lẽ do say nghề nên lúc nào chị cũng giữ được tâm hồn trẻ trung, đặc biệt là nụ cười lạc quan, yêu đời. Chị có mặt trong nhóm bạn họa sĩ trẻ vẽ trực họa đường phố, những công trình của Sài Gòn xưa. Mới đây, chị tham gia triển lãm tranh màu nước quốc tế với sự tham gia của 42 quốc gia tổ chức tại Hội Mỹ thuật TP. HCM. Chị cùng nhóm họa sĩ triển lãm tranh màu nước Phương Nam, tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội; chị thiết kế mỹ thuật cho triển lãm “Thơ Thiền” của Nguyễn Duy, tổ chức tại Huế…

Cùng vợ chồng con gái và các cháu

Tình yêu và nghị lực phi thường, đúng hơn là chất lính đã giúp họa sĩ Võ Thơ đứng vững và vượt lên trước những khó khăn, biến cố tưởng chừng không thể vượt qua nổi trong cuộc sống. Với sức sáng tạo không mệt mỏi, chị đã góp phần làm nên “thương hiệu” bìa sách, đưa sách của Nhà xuất bản QĐND đến với bạn đọc trong cả nước.

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:323
Trong tuần:4329
Trong tháng:14731
Cả năm:14731
Tổng lượt xem:14731