“TIẾNG REO NÚI VỌNG SÔNG RỀN”…
“Tiếng reo núi vọng sông rền”…
Ấy là một câu thơ nằm ở nửa cuối bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” nổi tiếng của Tố Hữu, được ông viết ngay sau chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc Việt Nam. Bài thơ dài 96 câu in trên trang nhất báo Nhân Dân, số ra ngày 11-5-1954, làm nức lòng toàn quân và toàn dân ta lúc bấy giờ. Đây là tác phẩm dài hơi xuất hiện sớm nhất, kịp thời nhất viết về chiến thắng Điện Biên Phủ, mang giá trị lịch sử và văn chương, có sức sống lâu bền. Tại sao vậy?
Vì lẽ, với tài năng lớn, Tố Hữu (1920-2002) là nhà thơ tiêu biểu và là ngọn cờ đầu của nền thi ca cách mạng. Cuộc đời ông gắn bó với sự nghiệp cao cả của Đảng và của nhân dân ta. Sau ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, năm 1947, đang giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Tố Hữu được điều ra Việt Bắc phụ trách công tác văn nghệ của Đảng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Về sau, Tố Hữu còn giữ nhiều trọng trách khác của Đảng và Nhà nước. Với ông, thơ và đời quyện hòa làm một.
Bấy giờ Tố Hữu đã có tập “Từ ấy” say mùi hương chân lý. Với tư cách là Trưởng ban Tuyên truyền, nhưng ông đâu có được trực tiếp ra mặt trận Điện Biên Phủ, chứng kiến toàn bộ chiến dịch. Chỉ bằng cảm xúc dào dạt, nhà thơ đã huy động trí tưởng tượng và viết rất nhanh “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Khi trả lời báo chí, có lần Tố Hữu kể rằng, vừa hay tin chiến thắng, ông vội xin đến gặp Bác Hồ để xem Người chỉ thị cần phải tuyên truyền như thế nào. Thi sĩ hết sức bất ngờ khi thấy vị Tổng tư lệnh tối cao vẫn thản nhiên, ung dung. Người nói đại ý, quân đội ta là quân đội quyết chiến quyết thắng, nên đã đánh thì tất nhiên là sẽ chiến thắng. Nhà thơ kinh ngạc khi nghe Bác nhắc nhở phải luôn đề cao cảnh giác, chiến tranh chưa kết thúc đâu. Kẻ thù bây giờ không phải là Pháp nữa, mà là Mỹ… Đúng là tầm nhìn xa trông rộng của nhà chiến lược thiên tài Hồ Chí Minh.
Chưa hình dung nổi hình thế của Điện Biên Phủ ra làm sao, nhà thơ hỏi Bác Hồ. Người bèn lật chiếc mũ nan ra và nói như này, như này. Nó như là một cái lòng chảo. Trở về, trong đầu Tố Hữu nảy ra tứ thơ và ý trước gọi lời sau, câu chữ cứ tuôn chảy như dòng suối đại ngàn. Những gì nghe được về Điện Biên Phủ, nhà thơ đều huy động bằng hết, đưa vào bài cho nó có vần, có điệu. Thể thơ tự do được ông vận dụng và viết một cách vô cùng sảng khoái. Nói vậy, chứ trong bài vẫn có cả những câu lục bát và song thất lục bát, để diễn tả trọn vẹn niềm hân hoan chiến thắng. Với đề tài này, nếu chọn thể thơ truyền thống thì khó mà chuyển tải được tiết tấu nhanh, mạnh, dồn dập như sóng reo, thác cuốn: “Tin về nửa đêm/ Hỏa tốc hỏa tốc/ Ngựa bay lên dốc/ Đuốc chạy sáng rừng/ Chuông reo tin mừng/ Làng bản đỏ đèn, đỏ lửa…”. Câu chữ giản dị, mang hàm lượng thông tin rất cao, vừa tạo được không khí vừa rất thật, rất ấn tượng. Xúc cảm mạnh đã khiến nhà thơ hình dung đầy đủ cả không gian chiến thắng. Nét bút ký họa mới thật tài tình. Về tên bài thơ, sinh thời, nhà thơ Tố Hữu kể mới đầu, ông đặt là “Điện Biên Phủ”, nhưng ngẫm lại thấy không ổn, bèn đổi ra “Chiến thắng Điện Biên”, nghe như tít một bài báo. Khi soát lại toàn bài, ở cả ba phần đều có câu “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, ông bèn lấy luôn làm tên bài. Rất hợp với hào khí chiến thắng.
“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp!”. Nhà thơ hiểu rất rõ vai trò của người cầm quân ngoài mặt trận và dành cho vị Đại tướng lỗi lạc đầu tiên của Quân đội ta những lời trân trọng, xứng tầm. Từ đây, tác giả hào sảng nâng mạch cảm xúc, gieo niềm tin sắt son của toàn dân tộc đối với đất nước, với lãnh tụ kính yêu. “Vinh quang Tổ quốc chúng ta/ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa/ Vinh quang Hồ Chí Minh, Cha của chúng ta ngàn năm sống mãi”.
Dường như nhà thơ đã huy động hết mọi cảm quan của mình, sử dụng ngôn ngữ thi ca, tạo nên một âm hưởng tự hào, đọc lên, ai cũng thấy như hồn mình đang bay lên cùng sông núi quê hương. “Kháng chiến ba nghìn ngày/ Không đêm nào vui bằng đêm nay/ Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực”.
Phần II của bài, khắc họa hình tượng chiến sĩ Điện Biên cao đẹp, dũng cảm vô song, có một không hai trong cuộc chiến tranh cách mạng. “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non”. Đâu chỉ nói về những người lính “thân chôn làm giá súng”, “đầu bịt lỗ châu mai” hay “chèn lưng cứu pháo”… nhà thơ không quên nhắc đến công lao của hàng ngàn dân công hỏa tuyến “chị gánh anh thồ”. Điều này, chỉ có thể xuất hiện với những người dân Việt Nam yêu nước, một lòng một dạ theo Đảng, theo cách mạng, tham gia kháng chiến, mà kẻ thù xâm lược không thể nào lý giải được. Bởi vậy, họ không hề quản ngại gian khổ, hy sinh. “Dù bom đạn xương tan, thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…”.
Và nhà thơ nhiệt tình, kiêu hãnh. “Hỡi các chị, các anh/ Trên chiến trường ngã xuống/ Máu của anh chị, của chúng ta không uổng/ Sẽ xanh tươi như đồng ruộng Việt Nam”. Tố Hữu đã dệt nên một tấm thảm nhiều sắc màu, khiến bạn đọc thích thú vì nó vừa đậm chất lãng mạn cách mạng, nhưng lại rất chân thực, bởi nó gắn liền với các địa danh ở Điện Biên Phủ. “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”.
Phần III, tác giả dành hầu hết để nói đến vị thế thê thảm của kẻ xâm lược. Chúng chỉ có “Một là tử địa, hai là tù binh/ Hạ súng xuống rùng mình run rẩy”. Liền đó, nhà thơ khẳng định: “Rực trời đất Điện Biên toàn thắng!... Tiếng reo núi vọng sông rền/ Đêm nay chắc cũng về bên Bác Hồ”.
Ở phần IV, vỏn vẹn chỉ có 16 câu để khép lại cả bài thơ dài. Thông qua hình tượng Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng phái đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa trên bàn Hội nghị Gèneve, nhà thơ gửi gắm những điều Bác Hồ vừa dự báo và căn dặn. “Tổ quốc chúng tôi/ Muốn độc lập hòa bình trở lại/ Không muốn lửa bom đổ xuống đầu con cái”. Rõ tư thế hiên ngang của người chiến thắng. Bằng sự khái quát, tác giả cảnh báo kẻ xâm lược. “Ở Việt Nam, các anh nên nhớ/ Tre đã thành chông, sông là sông lửa/ Và trận thắng Điện Biên/ Cũng mới là bài học đầu tiên!”.
“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” đã trải 70 xuân chín, vậy mà lạ thay bài thơ vẫn cứ tươi mới, vẫn cuốn hút rạo rực. Đây chính là tượng đài thơ sừng sững tạc vào lịch sử đấu tranh của dân tộc và nền văn học cách mạng Việt Nam.
NGUYỄN LAN CHI
Ảnh minh họa: Tư liệu TTX