column_right getExtensions 1714736298-1714736298

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714736298-1714736298

ĐÁ LỚN VẪY GỌI SINH TỒN

ĐÁ LỚN VẪY GỌI SINH TỒN

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:13-12-2022

ĐÁ LỚN VẪY GỌI SINH TỒN

Rời xã đảo Song Tử Tây và đảo Đá Nam, sau đêm giao lưu đặc biệt kỷ niệm lần thứ 132 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa đại dương, tàu Trường Sa 571 đưa Đoàn công tác số 8 tiếp tục hải trình ngày thứ hai theo đúng lịch trình. Con tàu hiên ngang đè sóng, lướt tới, vượt qua một loạt các đảo chìm, đảo nổi, dĩ nhiên trong đó có khu vực do một số nước chiếm đóng từ trước 1975, hoặc tranh chấp, đánh chiếm trong nửa cuối thập niên 80 và cả đầu những năm 90. Mặc kệ, biển, đảo của ta, chủ quyền của ta, con tàu vẫn trực chỉ cụm đảo Nam Yết. Cụm này có bốn đảo, nhưng cả đoàn chỉ “đổ bộ” lên mỗi một đảo Đá Lớn A.

TSKH Trần Kỳ Phúc - Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương) dâng hương trên đảo Đá Lớn A

Niềm chung và nỗi riêng

Trên tàu, tôi vẫn giữ nếp đặt báo thức qua điện thoại đúng 4 giờ 30 sáng như thường khi ở nhà để tập thể dục. Thức dậy sớm ở nơi chốn đông người, lợi ở chỗ mình chủ động được các công đoạn của cá nhân, tránh phải chen chúc, vội vã. Rạng sáng ngày 20-5-2022, nghe chuông, tôi bật dậy lẹ làng xuống tầng D đánh răng, rửa mặt. Hoàn tất mọi việc, trở về buồng, thấy xung quanh vẫn ắng ngắt. Lạ một điều là hầu như các buồng vẫn chìm sâu trong giấc ngủ, chứ không có tiếng lịch kịch bước chân người. Nghe rõ tiếng máy tàu, cả tiếng sóng vỗ lách chách hai bên mạn. Nghi hoặc, tôi bèn che Iphone để kiểm tra, nhìn rõ con số 05:00 trên đỉnh màn hình. Lẽ nào lại nhầm giờ? Ngó ra bên ngoài, vắng lặng, tôi đành chui vào giường, giữ yên lặng. Buổi sáng, khi lên đảo, tôi đem thắc mắc nói với Tiến sĩ Trần Văn Hải (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) thành viên cùng buồng C4, chàng trai trẻ cười hóm hỉnh, tại vì điện thoại của bác để tự động, nên nó nhảy theo múi giờ của cái nước đang chiếm giữ đảo của ta. Và cậu ấy chỉnh lại giúp. Đúng là lớp trẻ bây giờ, thật nhanh nhạy và tỉnh táo.

Tới khi trực ban điều hành tàu báo thức, tôi ra ngoài boong tàu làm vài động tác thể dục, chợt thấy một số người đang trầm trồ chỉ trỏ xuống biển. Thì ra có cả đàn cá heo bơi theo đùa giỡn bên cạnh mạn tàu. Nhiều cá thể nhảy lên quẫy tung cả sóng trắng. Đẹp, nhưng khó bấm máy, vì đàn cá không lớn lắm, vả lại những cú nhảy của chúng lại rất lẹ, cứ như dàn diễn viên xiếc vậy… Anh em thủy thủ cho biết, theo kinh nghiệm của những người đi biển lâu năm, ấy là dấu hiệu thời tiết sẽ thay đổi. Song ngắm mặt trời vừa chui lên khỏi bụng biển, nắng chói chang, tôi đâm ra hồ nghi, chẳng lẽ…?

Đá Lớn thuộc bãi đá ngầm của nền san hô ngập nước, bãi nằm theo hướng Bắc - Nam, được Hải quân ta triển khai đóng giữ từ trước khi xảy ra vụ CQ-88. Trong nhiều lần đến thăm Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân, tôi được nghe ông kể, vào thời điểm trên quần đảo Trường Sa đang diễn biến phức tạp, thì ngày 10-7-1988, một máy bay của Hải quân Mỹ từ Singapore đi Subic (Philippines) gặp nạn và rơi ở khu vực đảo Đá Lớn. Trên máy bay có ba người Mỹ: Richard Kamnarer, Stein Necker và Michael Rneel, may mắn gặp được tàu HQ-11 của ta do thuyền trưởng Nguyễn Quang Tạo và Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 Chữ Minh Toa chỉ huy đang trực bảo vệ đảo ở đó cứu sống. Không chỉ đối xử với họ rất tử tế, Hải quân ta còn dùng tàu đưa ba người Mỹ về đất liền, bàn giao cho cơ quan hữu trách phía Hoa Kỳ. Khi nhận lại những người bị nạn khỏe mạnh, họ rất cảm kích và tỏ lòng biết ơn Hải quân Việt Nam.

Doanh nhân Nguyễn Thị Hường và Trương Frank Định, hai kiều bào từ CHLB Đức trên cầu dẫn Đá Lớn

Những lính đảo kỳ cựu từng đóng ở đây cho biết ở khu vực này, ngay mé ngoài rìa của thềm san hô có rất nhiều loại cá quý, cá ngon như: chim, thu, ngừ, cùng một số loài hải sản có giá trị dinh dưỡng cao. Vậy nên không lạ khi bắt gặp những chiếc tàu cá loại nhỏ sơn nền xanh, có sọc đỏ chạy mềm mại song song, trên đỉnh cột phấp phới lá cờ Tổ quốc, ngay cạnh phần đuôi có vài ba chiếc thuyền thúng tròn dập dềnh, chấp chới. Nghe kể, khí hậu thủy văn ở Đá Lớn mang nhiều nét đặc trưng của quần đảo Trường Sa, nghĩa là hè mát, còn đông thì ấm. Mỗi ngày thủy triều lên một lần và xuống một lần, đúng chế độ nhật triều. Bấy giờ, đang là những ngày cuối của mùa khô, thời tiết chuẩn bị vắt sang mùa mưa.

Tảng sáng, mặt trời hẹn một ngày mới đầy oi ả.

Các đại biểu lục tục ra boong, choàng áo phao cài khóa cẩn thận, tay xách, nách mang lỉnh kỉnh xếp hàng. 6 giờ, chuyến xuồng đầu tiên rời tàu, hướng về đảo Đá Lớn A, thứ tự vẫn thế, thành phần ưu tiên rồi lần lượt các đoàn. Cán bộ, chiến sĩ Hải quân thực hiện thuần thục động tác giữ xuồng, đưa người lên xuống chắc cú. Kể cả người lớn tuổi vẫn ngon lành, không một ai bị trượt té.

Từ xa đã thấy ba khối nhà lâu bền, lừng lững nổi bật trên mặt biển xanh. Cầu dẫn bê tông dài hơn trăm mét, bờ dưới được xây vuốt lượn hình ngọn sóng, nom vừa thật mềm mại, song cũng rất vững chãi, hạn chế được sức công phá của sóng và gió mỗi khi thời tiết cuồng nộ. Lên đảo, không ai bảo ai, mọi người lặng lẽ tới am thờ nhỏ bên mé phải tòa nhà dâng nén hương cho các liệt sĩ từng công tác ở đảo. Xong xuôi, nhẹ lòng ai nấy mới ra chụp hình lưu niệm. Trong khi, đại diện các đoàn tiến hành tặng quà, giao lưu văn nghệ với sự chủ công của Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Quân đội, thì tôi tranh thủ cơ động khắp đảo.

Thú vị nhất là đi quanh mé ngoài tòa nhà trên đảo, bắt gặp một khu ven rìa được quây kín chung quanh và trùm cả nóc. Nghĩa là gió mặn và sóng biển cũng đành… chào thua! Sạch sẽ và tinh tươm. Tò mò, tôi bèn đẩy cửa bước vào trong, thì hóa ra đây là khu vườn tăng gia của lính đảo. Rau xanh trong đất liền có khi còn thua ở đây về độ tươi tốt và sự phong phú chủng loại. Nể phục cán bộ, chiến sĩ mình quá. Cả vườn cải tốt ngợp, bẹ to, nhiều nhất là cải đắng, có vạt đã tút ngồng, hẳn lính ta ăn không xuể. Chưa kể, ngắm vạt mùng tơi mơn mởn xanh non như cọng bún đua nhau vươn dài; rồi giàn khổ qua xanh mượt, lúc lỉu những quả nhiều gai nhọn, to bằng cổ tay người, mê mẩn luôn. Có lẽ đây là một trong những đảo chìm tuyệt đẹp, ấm lòng.

Xanh tươi một góc đảo chìm

“Như đá vững bền, như đá tốt tươi…”

Ấy là câu thơ trong bài “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” của Trần Đăng Khoa, viết từ mùa khô năm 1981, được bạn đọc yêu thích. Trở về tàu từ đảo Đá Lớn A, dường như cảm xúc vẫn ắp đầy. Cơm nước xong, ngả lưng một chốc, ngó qua cửa sổ tàu đầy nắng đã thấy một doi đất dài xanh mượt bóng cây nom hệt như một thị tứ sầm uất hiện ra. Ấy là làng đảo Sinh Tồn. Cảm giác mới thật nao nức.

Hai cán bộ, giảng viên Đại học VHNT Quân đội biểu diễn ở Sinh Tồn

20 năm trước, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là đảo Sinh Tồn Đông, gần với Cô Lin và Len Đao. Lính đảo nói cả tháng rồi chưa có được một giọt mưa để làm “thuốc”. Bất chấp nắng nóng, trên khoảng sân cạnh gốc cây bàng vuông cao quá đầu người, văn công và lính đảo cùng “Nối vòng tay lớn”! Và thật bất ngờ, giữa cái nóng oi nồng, ngột ngạt, cả đoàn được đón một cơn mưa nặng hạt. Chủ, khách đều ướt mèm, nhiều người không kịp vuốt nước mưa trên mặt, nhưng ai nấy đều hoan hỉ đón nhận “lộc trời”. Buổi chiều, cả đoàn lên đảo Sinh Tồn Lớn. Trung úy Phân đội trưởng Hà Quang Hoãn nhiệt tình dẫn tôi đi một vòng giữa miên man cây xanh, và say sưa giới thiệu những cây mù u sum suê cao ngang nóc nhà, những cây dương, cây bàng vuông, cây phong ba, cây bão táp… loài cây chịu được nắng và gió biển. Đáng nói là tôi cùng một vài nhà báo được thỏa thích vùng vẫy trên biển mặn Sinh Tồn. Đêm ấy, phần lớn đoàn công tác được phép nghỉ lại trên đảo cùng cán bộ, chiến sĩ. Riêng tôi đành phải quay ra tàu, vì trót bơi lâu, mà trên đảo vốn không dư dả nước ngọt, không nỡ phí phạm tiêu chuẩn của lính, nên tôi chỉ dội qua quýt, hậu quả là không thể tẩy hết sự dấp dính của nước biển, toàn thân ngứa ngáy, khó chịu. Một cuộc giao lưu hiếm có, nghe kể lại mà tiếc hùi hụi.

Lần này, trở lại đảo Sinh Tồn (không còn gọi Sinh Tồn Lớn như trước nữa) thật sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay kỳ diệu. Đây là một trong ba xã, thị trấn quy mô của huyện đảo Trường Sa. Sững sờ, tôi ngắm cái cổng chào ngay đầu xã đảo, cứ mường tượng nó giống cái cổng làng ở những xã nông thôn mới trong đất liền, lại na ná như mẫu cổng doanh trại quân đội, bởi bên trái có bốt gác. Trên đảo có đủ các thiết chế văn hóa, có trường tiểu học và bệnh xá, lại có cả trạm khí tượng thủy văn nằm trong hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia và thế giới. Cột bia chủ quyền đảo Sinh Tồn, nhìn góc nào cũng đẹp, khiến các đại biểu, nhất là các anh chị đoàn kiều bào, đều muốn lưu lại những tấm ảnh quý giá trong cuộc đời. Nhiều công trình dân sự trên đảo được cấu trúc rất đẹp, vô số cây cảnh được tạo dáng rất công phu, khiến nhiều người mê lịm cứ ngỡ như lạc vào công viên…

Tác giả trước chùa Sinh Tồn

Điểm nhấn nằm ở ngôi chùa với mái ngói đỏ au, hai đầu đốc cong vút uốn lượn, bậc tam cấp lót bằng đá thanh rất đẹp, bậu cửa cùng loại đá được chạm trổ hoa văn, họa tiết. Trong khuôn viên chùa, một không gian cổ kính. Trên sảnh xanh mềm mại các chậu kim tiền, dưới sân những chậu hoa sứ, bông giấy phơn phớt hồng được bài trí khá đẹp. Bên tay trái là nhà chuông. Bên phải có tấm bia đá “Phương danh anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma 14-3-1988” quay mặt ra sân. Phải rồi, từ đây ngó sang Gạc Ma gần xệu, chừng 9 hải lý, tôi hiểu. Thế nên sau khi dâng hương Đức Phật và Phật bà Quan âm, ai nấy đều dừng lại trước nhà bia… Khói nhang cuộn vòng, bảng lảng.

Không đủ thời gian để thăm thú cho khắp đảo. Nhưng đi tới đâu, cũng bịn rịn vì cây cối níu chân người. Những cây bàng vuông cao lớn như cổ thụ, cành giao nhau, tán xòe bóng mát rời rợi. Nhóm văn nghệ xung kích của Trường đại học VHNT Quân đội tổ chức biểu diễn ngay trên khoảng sân rợp bóng lá bàng vuông. Lính đảo quân phục tề chỉnh nghiêm ngắn, các sĩ quan đội mũ kê pi thì đứng, còn lính để đầu trần cùng ngồi với các đại biểu kín cả một vòng rộng đón xem các tiết mục ca, múa. Ngắm nhìn những gương mặt lính trẻ, thảy đều sáng rỡ và đáng yêu lạ.

Lính đảo say sưa xem văn nghệ

Nhiều tay máy tỏa đi săn ảnh về hoa và quả bàng vuông, thực quý giá. Có lẽ giữa đại dương thì hoa bàng vuông vẫn là đệ nhất các loài hoa, áo hoa màu trắng muốt ôm gọn búi sợi dài phơn phớt hồng, xếp cuộn đan cài như thể được tạo bởi bàn tay của một nghệ nhân bậc thầy, tạo nên vẻ đẹp tinh khiết, bền bỉ. Khi nở, hoa bàng vuông bung xòe ra tua tủa những sợi hồng, nom cả chùm hoa lẫn nụ tỏa sáng dưới tán xanh, sao mà ngây ngất và quyến rũ. Vài anh em trẻ buồng C4, nhanh nhạy, xông xáo, không chỉ có được những tấm hình chụp hoa và cây nom chả kém cạnh các nghệ sĩ nhiếp ảnh là mấy, họ còn khéo tán được các chàng lính trẻ trẩy giấu cho mấy quả bàng vuông xanh óng, để cắc củm đùm túm mang về làm quà.

Sau khi dâng hương ở chùa, tôi nhảo ra thăm một số hộ dân, trò chuyện chớp nhoáng với Huỳnh Đức Phong, quê ở đảo Bình Ba (Cam Ranh, Khánh Hòa), vợ là Nguyễn Thị Ngọc Nơi, gốc ngoài Tuy An (Phú Yên); hộ anh Lê Minh Hải và Phan Nguyễn Chung Thủy; hộ anh Lê Xuân Chức và vợ, Nguyễn Thị Thu Nga; cặp đôi Trương Đức Lành và Nguyễn Thị Thu Thủy… Trước khoảnh sân rợp bóng giàn khổ qua, chủ nhân nào cũng xởi lởi muốn được đón rước khách vào nhà mình. Không thể ghé lâu vì còn phải nhường cho các đại biểu khác, nhất là các anh chị kiều bào khao khát muốn thực mục sở thị. Để chờ tới lượt mình, họ ngồi dưới tán cây chiêu hụm nước. Lưa thưa những gốc dừa vươn cao quá nóc nhà. So với bên Song Tử Tây thì khu “làng” Sinh Tồn xum xuê hơn với khá nhiều cây bàng vuông, chắc mới trồng được dăm năm, có điều lá bàng bị sâu ăn khô xác cả vạt, chắc xòe diêm là bốc cháy. Thương quá.

Một gia đình trẻ, công dân Trường Sa

Trong đầu tôi chợt nhớ những câu thơ thật hay: “Ôi hòn đảo Sinh Tồn, hòn đảo thân yêu/ Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo/ Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương đầy gió bão…”.

Đoàn công tác khép lại hành trình ngày thứ hai lên đảo như vậy. Các đại biểu ắp đầy niềm tự hào, chỉ tiếc không thể nán thêm chút nữa.

NGUYỄN MINH NGỌC

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:1492
Trong tuần:1492
Trong tháng:1492
Cả năm:1492
Tổng lượt xem:1492