column_right getExtensions 1714281374-1714281374

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714281374-1714281374

XUÂN VỀ, NHỚ BÁC

XUÂN VỀ, NHỚ BÁC

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:02-01-2024

XUÂN VỀ, NHỚ BÁC

Trọn đời vì nước, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh có cách mừng Xuân rất riêng. Người dành trọn những ngày Tết để đi thăm, chúc Tết đồng bào, chiến sĩ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc Tết đồng bào, chiến sĩ

Biết dân còn nghèo, nhiều gia đình chưa có Tết, nên sinh thời, Bác Hồ chỉ tổ chức ăn Tết với anh chị em Văn phòng Phủ Chủ tịch một bữa vào chiều 30 Tết, còn những ngày sau đó, Bác giữ mức sinh hoạt bình thường.

Trước Tết ba tháng, Người đã nhắc các cơ quan, các ngành, đoàn thể chú ý chuẩn bị mọi mặt cho dân. Bác tự mình lo sớm ba việc: Tìm ý cho bài thơ chúc mừng năm mới, nhắc văn phòng in thiệp “Chúc mừng năm mới” để kịp gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo xa xôi và cán bộ công tác ở nước ngoài; chương trình đi thăm và chúc Tết nhân dân.

Kể từ tối 30 Tết Bính Tuất (1946) - Tết Độc lập đầu tiên cho đến mùa Xuân cuối cùng của cuộc đời Người - Xuân Kỷ Dậu 1969 (trừ những năm kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc) Bác đều đi thăm và chúc Tết đồng bào, chiến sĩ, đặc biệt là những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Người muốn đến với những người nghèo bởi họ cần có sự quan tâm đúng lúc, cũng như muốn có cái nhìn thấu đáo, thực tế để khẳng định trách nhiệm của Đảng cầm quyền phải hết sức chăm lo đến đời sống của nhân dân. Hình ảnh vị Chủ tịch nước gày gò trong đêm 30 Tết Bính Tuất đi vào ngõ Hàng Đũa, phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội) thăm gia đình một người làm nghề kéo xe, thật xúc động.

Đêm giao thừa năm Canh Tý (1960), Bác chúc Tết gia đình ông Trần Công Tốt công nhân Nhà máy đèn Hà Nội

Chiều 30 Tết Đinh Dậu (1957), Bác đến chúc Tết gia đình ông Nguyễn Văn Hào, công nhân nhà máy điện An Dương. Không chỉ thắp hương lên bàn thờ tổ tiên của gia đình này, Người còn xuống tận bếp, xem nồi bánh chưng…

Tết Tân Sửu 1961, ngày đầu năm, Bác đến thăm và chúc Tết Nhà máy Rượu Hà Nội. Người đặc biệt quan tâm đến lực lượng công nhân, thanh niên của Nhà máy và căn dặn: “Làm việc gì cũng phải nghĩ ngay đến tăng năng suất, giảm sức lao động nặng và tiết kiệm”.

Sáng mồng 1 Tết Nhâm Dần (1962), Bác Hồ đi chúc Tết nhân dân xã Đông Ngạc (Từ Liêm). Người khen gia đình anh Tấu chăn nuôi tốt. Đến bên bể nước nhà anh Miên, Bác nhắc phải đánh phèn cho nước trong rồi hãy cho các cháu ăn, uống… Trong dịp Tết này, Người đến chúc Tết các cháu Trường học sinh miền Nam ở Hải Phòng. Sau khi hỏi chuyện ăn Tết, học hành, sức khỏe..., Bác Hồ xem các cháu biểu diễn văn nghệ. Bác bắt nhịp cho các cháu nhỏ hát bài “Giải phóng miền Nam”. Trên nét mặt mọi người, nhất là các cháu thiếu nhi miền Nam đều phấn khởi và cảm động.

Bác Hồ tại Câu lạc bộ thiếu nhi đêm giao thừa Nhâm Dần

Đến với công nhân khu gang thép Thái Nguyên vào dịp Tết Giáp Thìn 1964, Bác hài lòng khi được chứng kiến không khí vui tươi, phấn khởi đón năm mới trên công trường. Người nói: “Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép, như gang”.

Năm 1965, vui vì thành tích công nhân mỏ than khai thác vượt kế hoạch, Bác Hồ về ăn Tết ở Quảng Ninh. Nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy điện Uông Bí và mỏ than Vàng Danh, Người lưu ý: "Phải tăng cường quản lý kinh tế, nắm vững kỹ thuật; phải giữ gìn kỷ luật lao động; phải thường xuyên học tập kinh nghiệm của các đồng chí chuyên gia và công nhân Liên Xô. Công tác thiết kế và xây dựng phải làm cho chắc, cho kỹ. Tránh làm ẩu rồi phải chữa đi chữa lại, vừa lãng phí sức người sức của, vừa không tốt cho sản xuất…”.

Tết năm 1967, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm bộ đội và nhân dân các tỉnh Khu 4. Trước lúc Đại tướng lên đường, Bác đã đến chuyển lời chúc Tết đồng bào, cán bộ và bộ đội. Người gửi thiệp mừng Xuân và hỏi những thứ bộ đội cần đã đem theo đủ chưa. Bác dặn, bộ đội chiến đấu ở trong đó căng thẳng nhiều. Nhớ đem kha khá thuốc lào, giấy viết và mỡ để biếu các chú ấy…

Những câu chuyện về Bác Hồ đón mừng năm mới, chúc Tết nhân dân, mỗi câu chuyện đều mang nhiều ý nghĩa.

Chắt lọc từ những câu chuyện tưởng là nhỏ ấy, chúng ta thấy được bao điều lớn lao để suy nghĩ, để học theo Bác và làm theo Bác.

Vũ Kim Yến
Ảnh: Tư liệu

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:1081
Trong tuần:9218
Trong tháng:9218
Cả năm:9218
Tổng lượt xem:9218