column_right getExtensions 1714225732-1714225732

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714225732-1714225732

“ĐẦU SÚNG TRĂNG TREO”

“ĐẦU SÚNG TRĂNG TREO”

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:01-01-2024

“ĐẦU SÚNG TRĂNG TREO”

Bài và ảnh: NGUYỄN LAN CHI

Ấy là câu kết bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu, gợi ý tưởng để họa sĩ Mai Văn Hiến thiết kế nên biểu trưng cho Nhà xuất bản Vệ quốc quân từ năm 1948, tiền thân của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (Nxb QĐND) ngày nay. Điều đó lý giải vì sao “chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang” luôn là mảng đề tài ruột của Nxb này. Nhiều năm nay, cơ quan xuất bản của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng vẫn đều đặn mở Trại sáng tác tại các địa phương: Đại Lải, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, Cần Thơ…

Khai mạc Trại sáng tác Đà Nẵng

Trực thuộc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), Nhà sáng tác Đà Nẵng được khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2016. Tọa lạc ở khu dân cư Bá Tùng, quận Ngũ Hành Sơn, cơ ngơi khá bề thế, nhưng vị trí hẻo lánh vì xa trung tâm, nhà không số, “phố” không tên nên chẳng dễ tìm. Tuy nhiên, con đường nhựa chạy xế vào cổng Nhà sáng tác lại mang tên Vân Đài Nữ Sĩ và cách một quãng song song là đường Hằng Phương Nữ Sĩ. Đây là 2 trong số 5 gương mặt nữ hiếm hoi của phong trào Thơ mới (1932-1945). Đáng nói, nhà thơ Hằng Phương quê ở Điện Bàn, Quảng Nam, từng hoạt động trong Hội phụ nữ Cứu quốc và tham gia kháng chiến chống Pháp. Bà là vợ của nhà văn Vũ Ngọc Phan, và là thân mẫu của GS, TS. Vũ Tuyên Hoàng - Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học nông nghiệp Liên bang Nga, nhà khoa học xuất sắc của Việt Nam, 4 khóa liền là ông Ủy viên Trung ương Đảng. Việc chọn đặt tên đường thật ý vị.

Năm ngoái, kết thúc Trại viết Tây Đô, tôi đề xuất nên tổ chức trại ở Đà Nẵng. Bởi tại đây, Nxb QĐND có cơ quan Đại diện, rất cần quảng bá hình ảnh với bạn đọc và nhất là đội ngũ cộng tác viên ở “thành phố đáng sống”. Thứ đến, sau ngày non sông liền một dải, theo sáng kiến của nhà văn Nguyễn Chí Trung, cấp trên quyết định chuyển Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung bộ thành Trại sáng tác văn học Quân khu 5, đứng chân ở Đà Nẵng. Từ mảnh đất mầu mỡ này, nhiều người lính cầm bút và những tài năng văn học có cơ hội phát triển. Tồn tại trong khoảng từ 1976-1980, có thể xem đây như một mô hình “trường bồi dưỡng viết văn” thu nhỏ, vun bồi giúp nhiều cây bút thành danh. Cũng từ trại này, bao dự định được ấp ủ và manh nha từ trong khói lửa chiến tranh được chưng cất thành nhiều tác phẩm văn học ra mắt bạn đọc. Hàng chục tập truyện ngắn, tập ký, tiểu thuyết, kịch bản phim, thơ và trường ca, tái hiện vùng đất khu Năm đau thương và dữ dội. Ngoài một số thành viên của trại được cử đi học khóa đầu tiên của Trường Viết văn Nguyễn Du (1979), kết thúc nhiệm vụ, có 4 người đầu quân cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ). Nhiều tác giả bứt phá, định hình và trở thành những nhà văn sáng giá trên văn đàn Việt. Có thể kể đến Thanh Quế, Thái Bá Lợi, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Bảo… Cho nên việc Nxb QĐND mở trại viết ở Đà Nẵng mang ý nghĩa kép.

Lần này, trại quy tụ 15 tác giả, chủ yếu là các nhà văn từng mặc áo lính với nhiều thành tựu sáng tác. Có hai cây bút nữ đến từ Bình Phước xa ngái, tuy luống tuổi song các chị hãy còn khá lạ lẫm với bạn đọc. Có điều, không khí ở trại thật sự ấm áp, các thành viên gắn bó, sẻ chia trên tình đồng nghiệp.

Phút thư giãn

Đại lão văn nhân “đầu lĩnh” trại là bác Hà Phạm Phú, sinh trưởng ở Hạ Hòa, Phú Thọ. Tuổi bát thập, tóc mây, nhưng hãy còn tráng kiện, lưng thẳng, nụ cười tươi rói, ung dung tự tại. Vào lính 1961, ông từng là giảng viên Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện KTQS); phóng viên báo QĐND. Chuyển ngành, ông làm Chánh Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch. Hà Phạm Phú được bạn đọc biết qua tập truyện ngắn “Sĩ quan Trung đoàn” (1985); các tiểu thuyết “Em phải sống” (1990), “Lữ quán” (1992); các tập thơ “Hát về nguồn” (1981), “Cỏ yêu” (1999), “Trăng khuyết” (2004). Thông thạo tiếng Trung, ông là dịch giả của 5 tác phẩm văn học Trung Quốc, trong đó có 2 cuốn tiểu thuyết. Hà Phạm Phú ẵm nhiều giải thưởng về truyện ngắn. Với cương vị là Giám đốc sản xuất phim, ông được nhận giải Bông Sen VàngCánh Diều Vàng cho bộ phim truyện nhựa “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”.

Kế đến, nhà văn Hà Đình Cẩn, sinh năm 1945, quê ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Nhập ngũ 1965, lính Sư đoàn 312 ở Thượng Lào. Từ năm 1971, là phóng viên chiến trường báo QĐND. Mùa thu năm 1987, ông chuyển ra làm Phó Tổng biên tập (TBT) Tạp chí Sân khấu; TBT Tạp chí Nhà văn… Hà Đình Cẩn 2 lần nhận Giải thưởng Bộ Quốc phòng về văn học nghệ thuật (VHNT), 7 giải Nhì về kịch bản văn học. Những ngày ở trại, ông nêu một tấm gương về miệt mài lao động. Hầu như văn nhân chỉ rời bàn phím vào các bữa ăn. Đêm nào cũng “cày” thật lực, nhưng cứ 4 giờ 30 phút sáng, đã thấy phòng ông sáng đèn. Xuất bản 7 tập truyện, ký; 1 tập thơ, 3 tập kịch, 4 tiểu thuyết, với phong cách lạ. Đáng chú ý có các tiểu thuyết: “Tam Đảo mù sương (2017), Bên kia là núi (2018)…

Quê ở Lâm Thao, Phú Thọ, nhà văn Nguyễn Trọng Tân tuổi thật Đinh Hợi, nhưng giấy tờ ghi 1949. Đi bộ đội năm 1966, qua các chiến trường B, C; làm phóng viên báo Thông tin. Hòa bình, ra quân đi học, làm giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từng là Phó ban thường trực Ban sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam, Quyền TBT Tạp chí Văn học nước ngoài. Ông công bố 6 tập truyện ngắn, 8 tập ký và chân dung văn học; 7 cuốn tiểu thuyết đầy đặn, như: “Thư về quá khứ” (2016), “Đa đoan cõi tạm” (2020), “Thiên mệnh” (2021), “Thiên thu huyết lệ” (2022).

Vóc dáng đậm đà, chắc nịch, với hàng ria mép “chuẩn men” ấn tượng là nhà văn An Bình Minh, một người con của Hà Nội hào hoa. Thế nhưng, do song thân tham gia kháng chiến, nên ông chào đời vào mùa xuân 1948 tại thôn Yên Thiết, xã Quang Yên, huyện Lập Thạch (nay là huyện Sông Lô) tỉnh Vĩnh Phúc. Để ghi nhớ ân tình vùng đất, các cụ đặt tên con trai là Bùi Bình Yên Thiết. Thế nhưng thời học cấp 2, bạn bè thường hay trêu chọc rằng tên 4 chữ chỉ dành cho con gái, vậy nên theo lời ông kể là đã “dại dột” bỏ luôn chữ đệm “Yên”, chỉ giữ Bùi Bình Thiết. Nhập ngũ 1965, vào lính Phòng không - Không quân (PK-KQ), ông từng làm trinh sát, tiêu đồ, pháo thủ; rồi văn công PK-KQ. Sau chuyển ra đi học, làm báo và viết văn. Ông đoạt giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí VNQĐ, giải Ba cuộc thi tiểu thuyết (không có giải Nhất) của Hội Nhà văn Việt Nam (2005-2015) cho cuốn “Dư chấn 3,5 độ richter”.

Tiếp đến Châu La Việt, tên khai sinh Lê Khánh Hoài, tuổi Nhâm Thìn, đi bộ đội năm 1969. Gốc gác Quảng Trị, nhưng sống ở Sài Gòn, ông viết nhiều, nhưng bạn đọc biết đến các bút danh nhà báo Triệu Phong, Trương Nguyên Việt hơn. Thạo làm truyền thông và “nhiệt tình” tham dự các trại viết, bất kể ở trong Nam hay ngoài Bắc; có khi cùng thời điểm ông dự 2-3 trại, thường chỉ góp mặt những lúc khai mạc và bế mạc, còn thì… “trên từng cây số”.

Gắn bó với quân ngũ lâu nhất trại (40 năm) là nhà văn Nguyễn Minh Ngọc, tuổi Đinh Dậu, quê Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ở bộ binh, hết chiến tranh, cuối năm 1975, thì về PK-KQ. Dù là chia tách hay nhập quân chủng thì trước sau ông vẫn gắn bó với không quân trọn vẹn 30 năm. Nhờ vốn sống ngồn ngộn ấy mà ông viết thành công 50 tập kịch bản phim truyện “Cao hơn bầu trời”, Hãng phim Giải phóng sản xuất, phát sóng hơn 30 lượt trên nhiều kênh truyền hình cả nước. Cầm bút muộn, viết chậm rãi, đến nay, ông có 15 tác phẩm, nhiều thể loại. Đáng chú ý là các tựa sách “Đất thiêng” (2 tập), Người đàn bà trước biển”, “Chị Ngần”, “Đất lành”, “Một thoáng đất và người”; mới nhất là tập “Núi rộng, sông dài”… Nhà văn đoạt giải Nhì truyện ngắn giải Cây Bút Vàng lần thứ nhất (1996-1998).

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc trao đổi với Đại tá, TS. Đặng Mỹ Hạnh - Phó trưởng Phòng VHVN, Cục Tuyên huấn, TCCT

Đồng niên 1957 là Hoàng Dự, quê ở Thành Nam. Nhà văn từng là lính Thiết giáp, đi B, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Xuất ngũ năm 1978, học hành rồi làm báo. Ông có tiểu thuyết “Nợ đời”, tái bản lần thứ 3, và 1 tập truyện ngắn. Hiện là TBT tờ Thời báo Văn học nghệ thuật (Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam).

Gày gò đến độ “hom hem” là nhà văn Nguyễn Tam Mỹ, tên khai sinh Thái Nguyên Tài, người con của Núi Thành, Quảng Nam. Tóc đen, râu trắng, để dài nom như ông cụ, nhưng thực ra anh vừa mới qua ngưỡng lục thập chưa lâu. Nhập ngũ 1980 và “xuất ngoại” sang chiến trường đông bắc Campuchia, trụ bám 5 năm trời lăn lộn chiến đấu, nếm trải đủ mùi gian nan. Nhờ vậy mà anh có được cuốn truyện ký “Chinh chiến nơi miền đất lạ”, với gần 300 trang in, rất sinh động và độc đáo. Rời quân ngũ năm 1985, đi học rồi làm báo, viết văn. Đã công bố các tiểu thuyết: “Máu và tội ác”, “Dưới tán rừng thốt nốt”, “Sấp ngửa bàn tay” (2 tập), “Tứ trụ kình thiên” (2 tập)…

Trại còn có sự góp mặt vào giờ chót của một cây bút Công an, đó là Trần Khánh Toàn. Anh đến Đà Nẵng được vài hôm, thì nhận tin vui, tiểu thuyết “Biển bây giờ vẫn khát” viết về lực lượng Cảnh sát biển, đoạt giải A.

Lần này, Ban tổ chức trại có ý dành thời gian cho các trại viên tập trung hoàn thiện bản thảo, hạn chế tham quan, du ngoạn. Thế nên, trại chỉ đến thăm mỗi Lữ đoàn Thông tin 575, Quân khu 5. Trong khi toàn Quân khu vào mùa diễn tập, bận rộn, nhưng Lữ đoàn vẫn dành cho các nhà văn sự đón tiếp trọng thị. Không chỉ đi thăm nơi ăn ở, sinh hoạt và khu trực thông tin, mà dưới mây trắng nắng vàng gay gắt, đoàn còn được xem thao diễn kỹ thuật trên các trang thiết bị hiện đại, với sự thuần thục, chuẩn xác của những người lính mang quân hàm cánh sóng. Tại buổi giao lưu, một số nhà văn đã tặng sách cho đơn vị.

Thăm Lữ đoàn Thông tin 575

Sau nửa tháng lao động cật lực, các trại viên đã “nộp quyển” gần 2 vạn trang viết. Trong đó có 11 tiểu thuyết, 1 trường ca, 4 tập bút ký và 1 chuyên luận phê bình. Nội dung các tác phẩm đều hướng về kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đáng chú ý, một số tiểu thuyết sử dụng bút pháp mới mẻ, như: “Rừng mặn” của Hà Đình Cẩn; “Miền cỏ tranh” của Nguyễn Minh Ngọc; “Chiến binh và cuộc đụng đầu lịch sử” của Nguyễn Trọng Tân; “Một và nhiều” của Hà Phạm Phú; “Ba người đi ngược thời gian” của Nguyễn Tam Mỹ; “Im lặng sống” của An Bình Minh. Trong vai trò trại trưởng, cây bút trẻ Xuân Hùng (Trưởng phòng Văn nghệ, Nxb QĐND) kịp hoàn thành chuyên luận “Tiểu thuyết viết về chiến tranh từ góc nhìn hiện đại”…

Ngoài ra, có thể kể thêm: “Trăng Him Lam” của Châu La Việt; “Thao thức phía hoàng hôn” của Trần Khánh Toàn, viết về lính mũ nồi xanh Việt Nam tham gia giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc; “Nước mắt quê hương” của Hoàng Dự; “Hạnh phúc” của Bùi Thị Biên Linh…

Lễ bế mạc trại có mặt nhiều vị khách quý: Thượng tướng PGS - TS. Võ Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị (TCCT), cùng đại diện các đơn vị PK-KQ, Hải quân, các phóng viên thông tấn, báo chí trong và ngoài quân đội trên địa bàn Đà Nẵng.

Các tướng lĩnh và đại biểu cùng các nhà văn, nhà thơ

Ngay khi trại vừa khép lại, một số nhà văn đã kịp đăng ký đề tài tâm huyết với Nxb QĐND cho năm tới. Nhà văn An Bình Minh thai nghén tiểu thuyết “Sông Uông rực lửa” viết về cuộc chiến đấu của Trung đoàn pháo Phòng không cùng quân dân địa phương đập tan cuộc tập kích của máy bay Mỹ, bảo vệ nhà máy điện Uông Bí và con đường 18 huyết mạch. Các nhà văn Hà Đình Cẩn, Nguyễn Minh Ngọc, Hà Phạm Phú, Nguyễn Trọng Tân, Nguyễn Tam Mỹ… đều ấp ủ những dự định riêng.

Văn công Quân khu 5 biểu diễn bế mạc trại

Từ vụ “bội thu” này, tin rằng bạn đọc trong và ngoài quân đội sẽ sớm được tiếp cận với nhiều tác phẩm tâm huyết, tươi mới. Vỉa quặng đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” còn rất dày dặn, sẽ mãi tươi xanh và có sức hấp dẫn kỳ lạ.

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:5
Trong ngày:1717
Trong tuần:7869
Trong tháng:7869
Cả năm:7869
Tổng lượt xem:7869