ĐẢNG ĐÃ CHO TA MỘT MÙA XUÂN
ĐẢNG ĐÃ CHO TA MỘT MÙA XUÂN
NGUYỄN LAN CHI
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà một người bạn, người đồng chí của Nguyễn Ái Quốc, cùng tham gia Đại hội Tours tháng 12-1920, sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, Paul Vaillant Couturier (1892-1937), từng phát biểu: “Chủ nghĩa cộng sản là tuổi thanh xuân của nhân loại”. Câu nói nổi tiếng này đã được nhạc sĩ Phạm Tuyên chọn làm đề từ cho một ca khúc kỷ niệm 30 năm tuổi Đảng, làm xúc động lòng người: “Đảng đã cho ta cả một mùa xuân”.
Nhớ lại, tháng 1- 1946, giữa bao công việc bộn bề của chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc, chan chứa tình cảm yêu thương. Trong thư, Người khẳng định: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.

Ngược lên những năm đầu thế kỷ XX, khi mà Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc bôn ba tìm đường cứu nước, tại Paris (Pháp) - Kinh đô Ánh sáng, Người đến với chủ nghĩa Mác-Lênin như một tất yếu của lịch sử và tìm thấy trong đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc. Với sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản, cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) thành lập tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, với hạt nhân là Thanh niên Cộng sản Đoàn đào tạo cán bộ. Nhiều thanh niên ưu tú ở trong nước được cử sang đây học tập.
Trước khi có Đảng, đất nước ta đắm chìm sâu trong đêm trường nô lệ, cả dân tộc chịu kìm kẹp dưới ách thống trị của thực dân và chế độ phong kiến hủ bại, tưởng chừng không có lối thoát. Đáp ứng nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân, quyết không chịu sống quỳ, các bậc sĩ phu hào kiệt khắp nơi đã dựng cờ tụ nghĩa, chiêu nạp đông đảo những người yêu nước, tập hợp lực lượng chống quân xâm lược. Xiết bao máu chảy đầu rơi. Nhưng người trước ngã, người sau đứng dậy, lớp lớp nối nhau, bền gan nuôi chí quyết giành độc lập, tự do… Tiếc thay, do chưa có được một bộ tham mưu đủ tầm vạch ra đường hướng chiến lược cho nên tất cả những phong trào ấy cuối cùng đều bị dìm trong biển máu. Những khúc bi tráng lẫm liệt của các thế hệ người Việt yêu nước, mãi vẫn còn đó như một lời thức tỉnh giống nòi. Đau thương và uất hận ngút trời hẳn sẽ còn tiếp diễn không ngừng, nếu như mùa xuân Canh Ngọ, chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam chưa ra đời và giương cao ngọn cờ lãnh đạo, tập hợp quần chúng.
Sau một quá trình dày công chuẩn bị cả về tư tưởng, lý luận và con người, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, ngày 3-2-1930, tại Cửu Long (Hồng Công, Trung Quốc), diễn ra Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, thành một chính đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện này đã chấm dứt cuộc khủng hoảng triền miên về đường lối và tổ chức của cách mạng Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta - kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đây là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho cách mạng thành công và kháng chiến thắng lợi của dân tộc ta. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và được chèo lái bởi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, kể từ đây, con thuyền cách mạng Việt Nam vững vàng lướt qua mọi thác ghềnh hiểm trở, hướng tới tương lai, cập bến bờ hạnh phúc.
Quả là một sự trùng hợp hết sức thú vị! Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời giữa mùa xuân. Và diệu kỳ thay, Đảng trở thành mùa xuân vĩnh cửu của dân tộc. Mặc dù theo yêu cầu nhiệm vụ lịch sử, nhiều lần thay đổi tên gọi, nhưng tôn chỉ mục đích của Đảng vẫn không hề thay đổi.
Tháng 10-1930, Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra 10 nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng phản đế và điền địa, trong đó, nhiệm vụ thứ 9 là thực hiện “nam nữ bình quyền”. Nghị quyết của Đảng khẳng định: “Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được”. Nhờ sự tuyên truyền, giáo dục và vận động tích cực của Đảng, phụ nữ Việt Nam được thức tỉnh và giác ngộ. Từ thân phận tôi đòi của người dân mất nước, họ đã thay đổi nhận thức chính trị to lớn và hiểu rằng, nếu phụ nữ đứng ngoài cuộc đấu tranh của công nông thì không bao giờ có thể đạt được mục đích giải phóng dân tộc, giải phóng nữ giới. Nói một cách hình tượng, thì lực lượng phụ nữ xưa nay tựa như nguồn nước mênh mông bị tù đọng và dâng đầy trong một con đập có bờ cao, lũy dày. Vậy nên, một khi họ đã nhận thức được vấn đề cốt tử thì giống như con đập bị vỡ bờ, nước tràn lên tạo thành dòng thác lớn, cuốn thúc vào chân móng của ngục tù đế quốc, phong kiến, với sức mạnh lớn chưa từng có.
Có thể nói, từ trước cho đến thời điểm này, chưa hề có một chính đảng nào, hội đoàn nào quan tâm đến công tác vận động phụ nữ như Đảng Cộng sản Đông Dương. Điều đó nhờ bởi tầm nhìn chiến lược, nhân văn cao cả và cũng là mục tiêu xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng.
Với đường lối đúng đắn, phương pháp cách mạng sáng tạo, Đảng ta đã tập hợp được đông đảo lực lượng quần chúng, bao gồm các giai tầng trong xã hội. Vậy nên, khi mới 15 tuổi, Đảng lãnh đạo toàn dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám 1945 long trời lở đất, đập tan xích xiềng nô lệ, xóa bỏ chế độ thuộc địa nửa phong kiến, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra một chương mới huy hoàng trong lịch sử dân tộc. Vừa ra đời, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức; cùng lúc phải đương đầu với thù trong, giặc ngoài; đó là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.
Đảng đã hồi sinh cả một dân tộc và thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh đòi quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc cho con người. Toàn thể dân tộc Việt Nam, triệu người như một, đã đem hết tinh thần và lực lượng, kiên quyết bảo vệ thành quả của cách mạng, xây dựng và củng cố chính quyền non trẻ, tích cực chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Và sức mạnh ấy được nhân lên gấp bội khi lời hiệu triệu toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”. Đáp lại lời hịch non sông, những người con đất Việt từ thành thị đến nông thôn đã anh dũng đứng lên cầm vũ khí, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tất cả sát cánh bên nhau, anh dũng chiến đấu, giữ gìn nền độc lập của nước nhà. Từ những bờ tre gốc rạ hiền hòa, đến những con đường, bức tường, mái phố, bỗng chốc đều trở thành trận địa và chiến lũy, ngăn chặn quân thù.
Trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến, với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Genève (7-1954) về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Từ đây, hai tiếng “Việt Nam” đã trở thành biểu tượng chói ngời đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới, cổ vũ họ đứng lên tranh đấu tự quyết định lấy vận mệnh của mình.
Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn vẹn. Bởi trong khi miền Bắc tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế, đi lên chủ nghĩa xã hội, thì miền Nam vẫn nằm dưới ách thống trị của thực dân, đế quốc. Theo tinh thần Hiệp định Genève, sau 2 năm sẽ có hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng đế quốc Mỹ nhảy vào hất cẳng Pháp, dựng nên chế độ tay sai Ngô Đình Diệm, với mưu đồ hòng chia cắt lâu dài nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, làm tiền đồn chống chủ nghĩa cộng sản.
“Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do!”.
Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành một chân lý, soi sáng con đường của cách mạng Việt Nam. Với ý chí sắt đá và quyết tâm không gì có thể lay chuyển được, Đảng lãnh đạo toàn dân và toàn quân ta vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, nhất là trong thời kỳ đen tối; lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Với đại thắng mùa Xuân năm 1975, non sông gấm vóc thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Có thể nói, lòng yêu nước thương nòi của dân tộc ta như một lò than hồng nồng đượm luôn được gìn giữ, thấm đượm trong tâm khảm và sôi sục trong huyết quản mỗi người con đất Việt dù họ ở tận chân trời góc biển nào cũng vậy.

Vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh lâu dài nhất trong lịch sử dân tộc, cả nước chung sức đồng lòng xây dựng kinh tế từ đống tro tàn đổ nát. Nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”. Còn chưa kịp gượng dậy thì cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới nổ ra ở cả hai đầu đất nước. Nhưng cũng chính vào thời điểm khó khăn cùng cực nhất thì luồng gió đổi mới đã kịp thời đánh thức nguồn lực nội sinh lớn lao và khơi dậy sức sáng tạo vô biên của cả dân tộc. Đảng ta đã đề ra và thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, từng bước xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, chặn đứng khủng hoảng kinh tế - xã hội, đưa cả nước vững bước tiến lên. Đường lối đổi mới đáp ứng đòi hỏi bức thiết của quá trình xây dựng kinh tế, củng cố quốc phòng và an ninh, mở rộng quan hệ đa phương, thể hiện bản lĩnh vững vàng và tư duy sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mở ra bước ngoặt cho thời kỳ phát triển mạnh, rộng, sâu và bền vững.
Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước vượt qua xiết bao khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh Liên Xô tan rã và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, kéo theo sự đổ vỡ niềm tin. Từ một nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bị bao vây cấm vận, đến nay, Việt Nam trở thành một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; hội nhập sâu rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại. Đặc biệt, từ chỗ thiếu đói triền miên, vươn lên nhất nhì trong khu vực về xuất khẩu gạo.
Theo thống kê, năm 2024, nền kinh tế nước ta đạt trên 470 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, chỉ còn 1,93% so với mức 60% khi bắt đầu công cuộc đổi mới (1986). Tiềm lực kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh không ngừng được nâng cao. Vai trò và vị thế của đất nước không ngừng được củng cố và khẳng định trên trường quốc tế. Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu; thực hiện nhiều nhiệm vụ trong vai trò thành viên ASEAN và Liên hợp quốc (LHQ). Đặc biệt, đến nay, nước ta đã cử gần 1.100 lượt sĩ quan và nhân viên tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại 3 Phái bộ và Trụ sở LHQ, trong đó hàng trăm nữ quân nhân đã vinh dự thay mặt cho phụ nữ toàn quân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở các Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đội Công binh Việt Nam. Những hoạt động tích cực trên đã được LHQ và cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Giữa ngày xuân, nhìn lại chặng đường 95 năm đầy chông gai, sóng gió, với những chiến công huy hoàng và những thành tựu nổi bật, lòng chúng ta khôn nguôi tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, vị lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Hồ Chí Minh khẳng định lịch sử Đảng ta là “một pho lịch sử bằng vàng”. Điều đó, mãi vẫn còn vẹn nguyên giá trị.

Vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của cả dân tộc, chúng ta càng thêm tin tưởng và tự hào về Đảng quang vinh. Xin mượn ca từ trong một sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên, từ 65 năm trước, một ca khúc “đi cùng năm tháng” để khép lại bài viết nhỏ này.
“Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng
Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi
Đảng đã đem về tuổi xuân cho nước non
Vang tiếng hát ca chứa chan niềm yêu đời.
… Tiến theo cờ Đảng là thấy tương lai sáng tươi”.