column_right getExtensions 1743603826-1743603826

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1743603826-1743603826

ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY NGƯỜI ĐẸP VÀ LÍNH BIÊN PHÒNG

ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY NGƯỜI ĐẸP VÀ LÍNH BIÊN PHÒNG

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:23-03-2025

ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY

NGƯỜI ĐẸP VÀ LÍNH BIÊN PHÒNG

Người đẹp không ngủ trong lâu đài

Người đẹp thức với mái sàn chờ đợi

Lính biên phòng tuần tra biên giới

Mang gió rừng lên từng bậc cầu thang.

 

Người đẹp ngồi bên bếp bóc măng

Ngọn măng trắng hay cổ tay ngần trắng

Dao thái măng thì lưỡi dao lấp loáng

Mắt cắt gì mà sắc thế, mắt ơi!

 

Lính biên phòng đùa một câu thôi

Để được thấy người đẹp cười e lệ

Hàm răng trắng, làn môi tươi tắn thế

Sao bàn tay người đẹp cứ hờ che?

 

Người đẹp quen đón các anh về

Bếp lửa đỏ hong khô sương núi

Rá sắn luộc thơm từng ngọn khói

Bát khoai lang đảo mật, ngọt câu mời.

 

Không ăn nhiều, người đẹp không vui

Nụ cười tắt còn lửa nào sáng được

Thì ăn thêm, đáp tấm lòng chân thật

Đường tuần tra còn lắm dốc, đêm dài.

 

Lính biên phòng lại đi vào mưa rơi

Người đẹp xuống tận chân cầu thang đưa tiễn.

- Noọng ngủ ngon! - Người đẹp ờ một tiếng

Nghe quen rồi cứ ngọt suốt đường biên!

Cao Bằng, 1988

VƯƠNG TRỌNG

(Rút trong “Ngoảnh lại”, Tuyển tập thơ Vương Trọng, Nxb. Thanh Niên, H. 2001)
Lời bình của nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC

Trong cuộc sống, không ít người vẫn lầm nghĩ toán học vốn khô khan thì trái ngược với thi ca. Hóa ra không phải vậy. Bởi trong nền thơ Việt Nam đương đại có khá nhiều người là dân toán xịn, họ cầm bút và trở thành những thi nhân sáng giá. Nhà thơ Vương Trọng quê ở xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, là một trong số đó. Ông có một người cháu họ là nhà thơ Thạch Quỳ (Vương Đình Huấn, đã mất), học toán sư phạm, đi dạy cấp 3, làm thơ rất độc đáo.

Tốt nghiệp khoa Toán của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (1965), Vương Trọng nhập ngũ. Sau 3 năm công tác ở một đơn vị thuộc Bộ Tổng Tham mưu, ông chuyển sang dạy toán ở Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng và bắt đầu nghiệp cầm bút. Suốt 33 năm (1970-2007) nhà thơ Vương Trọng (biệt danh Đồ Nghệ) là cán bộ biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ông để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Đến nay, Đồ Nghệ đã có 30 đầu sách được xuất bản, trong đó có 16 tập thơ và trường ca. Vương Trọng 2 lần đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 5 lần Giải thưởng Bộ Quốc phòng; ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt II (tháng 2-2007).

Trong thi ca, có những người vừa xuất hiện đã lóe sáng, và con đường thơ của họ có nhiều thành tựu, nhưng quan trọng nhất là thơ đứng được với thời gian. Từ năm 1969, Vương Trọng đã nổi tiếng với “Bài thơ nằm võng” đoạt giải thưởng cùng Phạm Tiến Duật trong cuộc thi thơ của báo Văn nghệ (Hội Nhà văn VN). Nếu trong chiến tranh, bạn đọc tâm đắc với mảng thơ trận mạc của nhà thơ mặc áo lính, thì sang thời bình, họ lại thích mảng thơ thế sự của Vương thi sĩ, đau đáu nỗi nhân tình.

Bài thơ “Người đẹp và lính biên phòng”, được viết trong một chuyến ngược lên biên giới của nhà thơ Vương Trọng. Một góc nhìn riêng, nhẹ nhàng mà sâu sắc về tình cảm quân dân gắn bó trong việc chung sức chung lòng, cùng giữ gìn từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Cách đặt vấn đề của tác giả vừa dung dị, lại vừa thật tự nhiên. Lối kể và dẫn thơ mộc mạc như lính vậy.

Có lẽ từ câu chuyện cổ “Công chúa ngủ trong rừng” của Grimm, tác giả lẩy nên ý thơ vừa hóm hỉnh, lại vừa rất gần gũi. “Người đẹp không ngủ trong lâu đài/ Người đẹp thức với mái sàn chờ đợi”. Nàng ấy đang ngóng ai? Không phải chờ trai bản đến “cướp vợ” mà chờ người đáng đợi sẽ đến trong chốc lát đây thôi. “Lính biên phòng tuần tra biên giới”. Họ chính là người “Mang gió rừng lên từng bậc cầu thang” của nhà sàn. Ý nhị và đằm sâu.

Không một nhân vật nào có tuổi có tên cả, chỉ là những đại từ như “người đẹp”, hay “lính biên phòng”, nhưng chắc một điều họ đều là những người trẻ, thậm chí còn rất trẻ, tuổi mười tám, đôi mươi, căng tràn sức sống. “Người đẹp” ở đây có thể là một cô gái xinh giòn người Tày, hay người Nùng của non nước Cao Bằng. Cô không cầm “bầu rượu, nắm nem” mà ngồi bên bếp lửa bóc măng vì biết ai sẽ ghé lại. Và các chàng “lính biên phòng” cũng vậy. Họ đi tuần dọc đường biên, nhưng không thể kìm lòng khi gặp nếp nhà sàn bình yên trong đêm. Bởi dưới mái nhà sàn có đóa hoa rừng là “người đẹp” chủ nhân. “Ngọn măng trắng hay cổ tay ngần trắng”. Nói đến ánh mắt của mỹ nữ, xưa nay, người ta thường ví “mắt sắc như dao cau”, hay ngoa dụ “chớ rửa lông mày, chết cá ao anh”... Vương Trọng tài hoa thì đã đành, thơ ông rất thông minh. Ông đã học hỏi và kế thừa phong cách dân gian khi diễn đạt “Mắt cắt gì mà sắc thế, mắt ơi!”.

Thì lý do những người lính biên phòng ghé nhà sàn, chẳng có gì to tát. Đơn giản, để “đùa một câu thôi/ Để được thấy người đẹp cười e lệ/ Hàm răng trắng, làn môi tươi tắn thế”. Thật tinh tế khi nhà thơ viết “Sao bàn tay người đẹp cừ hờ che?”. Kín đáo, như là sự giữ gìn rất bản năng con gái, chứ không hề buông tuồng.

Không cảm động sao được, khi mà “Người đẹp quen đón các anh về/ Bếp lửa đỏ hong khô sương núi/ Rá sắn luộc thơm từng ngọn khói/ Bát khoai lang đảo mật, ngọt câu mời”. Nào có gì cao lương, mỹ vị đâu, chỉ là củ sắn, củ khoai lang, những thức dân dã của rừng, của đất, quá quen thuộc với cuộc sống thường nhật của bà con. Lính biên phòng trở thành những đứa con của bản, họ là điểm tựa cho cuộc sống bình yên chốn biên cương.

Tình cảm quân dân cứ nâng lên từng bậc trong bài như bước lên cầu thang nhà sàn vậy. Khoai, sắn nóng hôi hổi dọn ra kề bếp lửa. “Không ăn nhiều, người đẹp không vui/ Nụ cười tắt còn lửa nào sáng được”. Hiểu lòng gia chủ, nên lính ta cũng chẳng cần khách khí. “Thì ăn thêm, đáp tấm lòng chân thật”. Bởi tuy không nói ra, song người đẹp hiểu rõ: “Đường tuần tra còn lắm dốc, đêm dài”. Nên các anh cứ phải “nạp thêm năng lượng”, như vậy thì em đây mới thật yên lòng.

Ở khổ thơ cuối, hai câu trần thuật, gói cả một tấm lòng. “Lính biên phòng lại đi vào mưa rơi”. Họ men dọc đường biên, gió mưa lạnh lẽo, căng mắt nhìn xuyên màn đêm, đâu thể như người đi dạo được. Bởi nếu các anh lơi lỏng thì phía trước sẽ có bao điều bất trắc. Biết là không thể níu giữ chân lính biên phòng ở bên bếp lửa hồng, nên “Người đẹp xuống tận chân thang đưa tiễn”. Thương lắm chứ. Bạn đọc hiểu cả điều cô gái chẳng nói ra.

- “Noọng ngủ ngon!” không chỉ là một câu chào tạm biệt, mà cao hơn, như một lời hứa, một câu thề của lính biên phòng, thể hiện trách nhiệm cao cả trước cuộc sống và giấc ngủ của mỗi người dân… Không nói được điều gì, người đẹp chỉ “ờ một tiếng”, như thể dỗi hờn mà ôm chứa cả nỗi niềm. Vâng, các anh đi, chân cứng đá mềm. Lời từ con tim của người đẹp thoảng bay trong gió, đủ ấm lòng mỗi bước chân của lính biên phòng. Bởi họ “Nghe quen rồi cứ ngọt suốt đường biên”.

Một bài thơ được viết theo lối truyền thống, pha chút cổ tích huyền ảo, nét bút như một bức tranh thủy mặc. Lãng đãng khói sương, mà sâu đậm tình người. Gieo yêu tin cho người đọc.

BÀI VIẾT NỔI BẬT