column_right getExtensions 1733246030-1733246030

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1733246030-1733246030

“BIỆT ĐỘI C4” TRƯỜNG SA

“BIỆT ĐỘI C4” TRƯỜNG SA

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:05-05-2023

“BIỆT ĐỘI C4” TRƯỜNG SA

Trên đảo Đá Lớn A (từ trái qua: tác giả, Phúc, Cường, Long, Hải, Sơn, Nam)

Đó là cái tên mà anh em trong Đoàn công tác số 8 gọi vui đặt cho buồng C4 trên tàu Trường Sa 571, chứ thực ra không có gì đặc biệt cả. Vậy mà khi xướng lên nghe oách chả kém gì “Biệt đội CI 5” trong phim hành động vậy. Không hề “kén cá, chọn canh”, việc sắp xếp nơi ăn ở trên tàu do Ban tổ chức quyết định và được thông báo trước lúc các đại biểu lên tàu. Bởi vậy, mới có chuyện tréo ngoe là nhóm bạn đi cùng nhau, nhưng khi lên tàu thì xé lẻ, mỗi người lại ở một buồng khác nhau, thậm chí là khác tầng. Mới đầu cũng có đôi chút lạ lẫm, thậm chí “lăn tăn”, mặc dầu chuyến hải trình không dài, nhưng tâm lý “đêm nằm bằng năm ở” vẫn ngự trong đầu, vả lại được sát cánh cùng những người “hợp cạ” thì xem chừng vẫn thú hơn, là nghĩ thầm vậy chứ ai nấy đều tuân thủ sự phân công. Trong bộ quân phục áo trắng, quần xanh, mũ kê-pi trắng nom thật trẻ tráng, các chiến sĩ Hải quân nhanh nhẹn giúp từng đại biểu chuyển hành lý, hướng dẫn về đúng buồng mình ở. Có lẽ với ngay cả người khó tính nhất cũng cảm thấy hết sức hài lòng về cách ứng xử đậm chất văn hóa của những người lính biển.

Khi đã ổn định chốn ở, ra boong quan sát, mới thấy con tàu lừng lững như một tòa nhà nổi có 4 tầng, Trên cùng, tầng A gồm cabin tàu cùng kíp thủy thủ và trực ban điều hành. Các trưởng, phó đoàn, cùng lãnh đạo, chỉ huy Vùng 4 và các lữ đoàn Hải quân, được bố trí mỗi người một buồng khép kín ở tầng này. Tầng B dành cho cán bộ cấp Cục, Vụ và tương đương. Còn tầng C nằm ngang mạn tàu, cửa sổ ngó thẳng ra mớn nước, được bố trí các đại biểu chức vị tầm tầm cùng một số kiều bào (nam giới). Phần đuôi của tầng này là khu hậu cần, bếp núc. Dưới cùng là tầng D kín đáo, được dành phụ nữ, văn công và bộ phận lẻ còn lại.

Mỗi buồng tùy theo diện tích được xếp từ 7-10 người, danh sách được niêm yết ngay cửa, bên trong xếp 3-4 giường tầng, thêm cái nệm mút đặt dưới sàn, hệt như ký túc xá dành cho sinh viên trong các trường đại học.

“Cái duyên là cái vô tình/ Ai mà cố ý chả thành được duyên”. Có lẽ vậy mà các thành viên buồng C4 có được cuộc hạnh ngộ đầy bất ngờ. Mang tên loại chất nổ cực mạnh, nhưng cả buồng không một ai “nổ” cả, tất thảy đều vui vẻ, khiêm nhường và hòa đồng, thân ái.

*

Tầm 15 giờ, con tàu kéo còi chào đất liền và từ từ rời cảng. Bầu trời cao vòi vọi, mây xôm xốp trắng, nắng chói chang, núi im lìm, biển biếc xanh và tĩnh lặng. Nhìn cảnh ấy, những đại biểu mới lần đầu được ra Trường Sa thì chừng như háo hức tột độ, có người thốt lên, trời yên biển lặng thế này, có mà đi cả tháng. Họ đâu biết rằng khi đang ở trong cửa vịnh thì nom biển giã có vẻ êm, hiền vậy thôi… Quả vậy, chừng hơn hai tiếng sau, sóng ì oạp vỗ rồi lớn dần. Mặt biển biếc xanh thôi tĩnh lặng. Con tàu bắt đầu nhồi lắc như chao võng.

Từng có một phần tư thế kỷ gắn với miền thùy dương cát trắng Nha Trang và trở lại Trường Sa lần thứ 2, mặc dầu đã chuẩn bị kỹ về tư thế và tâm thế để đón nhận, nhưng tôi vẫn không sao lẩn tránh được thử thách của biển cả. Mọi sự đề phòng hóa thừa, bởi nó không có tác dụng gì. Nên đành bấm bụng chịu trận và quyết định không đụng đến cơ số thuốc chống say sóng, bởi cảm thấy nó sai sai thế nào, trái với lẽ tự nhiên, nên tự nhủ hẵng cứ chấp nhận rồi cơ địa sẽ quen thôi. Thì xưa nay, đã có ai bị làm sao với say sóng đâu chứ.

Nắng, vẫn nắng ráo riết. Và cường độ sóng gia tăng. Tiếng vỗ ì oạp xô mạn tàu, sóng trắng dựng tóe cả lên boong. Sóng lừng! Các buồng, thảy đều lảo đảo ôm đầu rồi nằm vật ra giường như cá bị quăng lên bờ giữa nắng to. Không thể chống trụ nổi, hầu hết các thành viên đều tọa cho nó lành.

Sau đêm đầu tiên hứng chịu trận “đòn biển”, 5 giờ sáng tiếng loa rành rọt vang lên: “Đã hết giờ nghỉ. Báo thức toàn tàu. Toàn tàu báo thức!”.

Bảy gã đàn ông trong buồng lần lượt cựa quậy rồi chui ra khỏi “ổ”. Những gương mặt heo héo, nhưng ngắm kỹ thì đều “chuẩn men”. Lát sau, một chiến sĩ trẻ mang đến một xoong mì tôm có “người lái”. Nhiều giờ đồng hồ bị rỗng ruột và say, giờ ai nấy đều… thèm ăn. Anh em đùa nhau, món này đệ nhất ngon. Quả vậy, húp bát mì thấy ruột gan cứ là mát… rười rượi!

Vỗ về ông “anh ruột” xong, các thành viên bắt đầu làm quen với nhau. Thì ra, chỉ có hai người thuộc đội hình Ban Tuyên giáo Trung ương, còn 5 anh em khác ở Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương. Một căn buồng nhỏ hội đủ cả mấy chữ: Phúc, Nam, Hải, lại có Rồng (Long) trên núi (Sơn) rất hùng mạnh (Cường)… Mới thấy “bất chiến tự nhiên thành” đẹp!

Đầu bảng là anh Trần Kỳ Phúc, tuổi Ất Tỵ (1965), quê ở Phước Lộc, Tuy Phước, Bình Định. Năm 1996, anh bảo vệ Tiến sĩ Khoa học (TSKH) ngành Năng lượng Đại học Bách khoa Kharkov, Ukraina. Hiện anh Phúc là Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương). Viện đứng chân trên con phố Tôn Thất Tùng, Hà Nội. Là một nhà khoa học thực thụ, song anh Phúc rất khiêm nhường, sống kiệm lời và chân tình. Đặc biệt, bên trong gương mặt thuần hậu của anh ẩn chứa một tâm hồn nghệ sĩ bay bổng. Ngắm chiếc máy Canon 5D và phong cách tác nghiệp mỗi lần đổ bộ lên đảo, hay cả những lúc ở trên tàu, rất dễ nhầm anh với một tay máy chuyên nghiệp nào đó. Mới thấm câu: “Lúa chín cúi đầu, sông sâu tĩnh lặng” biết nhường nào.

TSKH Trần Kỳ Phúc trên tàu

Lê Thành Nam, chàng trai “Lam Đệnh” (Nam Định) chính hãng, vóc dáng vạm vỡ cao ráo, đôi mắt tinh nhanh, một cây hóm hỉnh. Từ tháng 4-2015 đến nay, anh đảm nhiệm Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS). Nam là người rất chịu khó đọc sách, hiểu biết rộng và có những nhận xét phản biện khá bất ngờ. Với khiếu hài hước, Nam kể, có lần họp cuối năm, em tỉnh queo “tự thú”, tôi vừa kiếm được triệu đô (USD), tậu thêm 2 miếng đất và 1 biệt thự, sắm con xe 2 tỷ… khiến mọi người cứ mắt chữ Y mồm chữ O, rồi vỡ ra cười rũ. Nam có một gia đình nhỏ ngụ tại Biên Hòa, ông bố của hai cậu con trai kể chuyện “chiều” con và dạy quý tử khiến ai nghe cũng phục lăn. Đặc biệt, Nam dùng nhiều ngôn từ rất mới mẻ. Hôm tổng kết chuyến đi trên tàu Trường Sa 571, bức ảnh “Trường Sa trong tim ta” của Lê Thành Nam được Ban tổ chức trao giải Nhì.

Bức ảnh “Trường Sa trong tim ta” của Lê Thành Nam đoạt giải Nhì

“Áp út” là chàng TS Trần Văn Hải, cao 1m 80, gương mặt sáng, nụ cười tươi tắn, rất dí dủm. Sinh trưởng ở xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Vùng quê của Hải có ngôi đền Vũ Điện danh tiếng, từ đây qua Hưng Yên bằng cây cầu Hưng Hà, nối với Thái Bình bằng cầu Thái Hà. Hải bảo vệ Tiến sĩ Sinh học (9-2020). Hiện anh là Phó Chánh văn phòng Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Với sức khỏe tốt, tác phong xông xáo, hoạt bát, Hải là thành viên duy nhất của “Biệt đội C4” đổ bộ lên được tất cả các đảo, từ Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Lớn A, Sinh Tồn, Núi Le B, Tốc Tan B, Đá Đông B, Trường Sa Đông, Đá Tây C, đảo Trường Sa; đặc biệt là cưỡi sóng leo Nhà giàn DK 1/2 Phúc Tần trong thềm lục địa, bất chấp mưa to, gió lớn. Số người có được vinh dự ấy đếm chưa đủ trên 10 ngón tay. Ngon lành vậy, nhưng khi trở về tàu, nét mặt ông nghè trẻ vẫn bình thản như không.

TS Trần Văn Hải (đầu trần) cưỡi sóng ra Nhà giàn DK1

Thứ đến là Bùi Nguyên Long, quê ở Cao Mại, Phong Châu, Vĩnh Phú (nay là thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Tốt nghiệp Kỹ sư kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội, Long từng làm việc tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Sau thì chuyển ra ngoài lập nghiệp. Anh hiện là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Atera Việt Nam và là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Xây dựng Leemobi, công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, dịch vụ và đầu tư nhỏ… Nhất mực khiêm nhường, Long mang theo rất nhiều trà ngon, anh em cùng buồng được thơm lây. Một điều khá đặc biệt là chỉ với chiếc điện thoại Samsung Galaxy S21 Ultra, nhưng Long chộp được nhiều bức ảnh Trường Sa đẹp không thua gì máy ảnh xịn.

Tác nghiệp khi tàu cập cảng Trường Sa

Nguyễn Đức Sơn, tuổi Giáp Tý (1984) là người trẻ nhất buồng. Quê ở xứ Đông (Hải Dương), Sơn là cán bộ Văn phòng Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương. Cao lớn và đô con, nhưng anh chàng lại thường xuyên bị nàng “sóng” bắt nạt, nên khi ở trên tàu, Sơn thường co thủ ôm nệm. Một chàng trai lành hiền, vẻ nhút nhát.

Nhân vật thứ 6 là Nguyễn Mạnh Cường, quê ở Bắc Giang. Anh hiện là Phó trưởng Ban Tổ chức, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy, Chánh văn phòng Đảng - Đoàn thể, công tác bên Kiểm toán Nhà nước. Ngoại trừ những lúc lên đảo, còn lại không mấy khi thấy Cường rời khỏi trang sách. Không chỉ hỏi nhiều chuyện văn chương và ngoài văn chương, chuyện của Hội Nhà văn Việt Nam, anh còn đưa ra nhiều nhận xét về sách khiến tôi ngạc nhiên. Lẳng lặng nhưng hóm hỉnh, người con của “Phủ Lạng Thương” chứa cả một kho từ vựng.

“Tay cân lại của cha ông từng nắm đất” (thơ CLV)

Cuối cùng là tôi, một cựu binh có 40 năm lính đã nghỉ hưu, mang danh “gã đầu bạc” và là một người cầm bút nhưng hiện là “phó thường dân” thứ thiệt. Mỗi thành viên buồng C4 đều có sở trường, sở đoản riêng. Tất cả đều góp phần bé nhỏ của mình, làm nên thành công cho cả chuyến công tác, đoàn kết, giữ nghiêm kỷ luật, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Kết thúc chuyến hải trình, mỗi người đều được nhận Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa; những người có 2 lần đến quần đảo Bão Tố thì được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, do Trung tướng Nguyễn Văn Bổng - Chính ủy Quân chủng Hải quân ký.

Tôi học và nhận được khối thứ từ anh em. Đó là hạnh phúc. Cảm ơn chuyến hải trình nên nghĩa, thắm tình anh em. Mãi nhớ “Biệt đội C4” Trường Sa.

Bài và ảnh: NGUYỄN MINH TUÂN

BÀI VIẾT NỔI BẬT