CÔ GIÁO DẠY VĂN
Cô giáo dạy văn
Bài và ảnh: LÊ THỊ HUYỀN
Trưởng thành từ “lò” Trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa, đoạt giải Ba quốc gia môn Ngữ văn, năm 2003, Nguyễn Thị Thủy vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, học Khoa Ngữ văn. Tốt nghiệp, chị học tiếp sau đại học, chuyên ngành Lý luận văn học. Cơ duyên đã giúp chị đến với với Trường Sĩ quan Chính trị, nơi đào tạo những cán bộ chính trị cho quân đội.
6 năm liên tục, chị đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp trường. Nhạy bén trước các vấn đề chính trị - xã hội và gương mẫu trong đạo đức, lối sống, nữ quân nhân nhận được sự tin yêu, quý trọng của đồng nghiệp và học viên. Bất cứ nhiệm vụ nào được giao, chị đều dành tâm huyết để hoàn thành thật tốt.
Bên cạnh chuyên môn, chị còn kiêm nhiệm Chủ tịch Hội phụ nữ Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ (VHNN) của Nhà trường. Gương mẫu, với tinh thần trách nhiệm cao, Ban chấp hành Hội tổ chức được nhiều hoạt động trong điều kiện hội viên công tác ở hai khu A, B và phân tán nhiều khoa khác nhau. Cuối năm 2021, hưởng ứng đợt thi đua cao điểm lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ Quân đội lần thứ VII (2021-2026), Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022-2027 do Nhà trường phát động, chị Thủy cùng Ban chấp hành Hội đề xuất tổ chức mô hình nhóm “Cây bút nữ”.
Mục tiêu hoạt động của nhóm là phát huy tinh thần vượt khó, chủ động, sáng tạo của cán bộ, hội viên trong nghiên cứu khoa học, viết bài tuyên truyền, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” và sáng tác văn học, nghệ thuật. Nội dung các bài viết nhằm giáo dục truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho cán bộ, hội viên phụ nữ nói riêng và quân nhân nói chung, phục vụ cho công tác giáo dục - đào tạo của trường, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao; xây dựng Hội phụ nữ vững mạnh xuất sắc, khoa vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.
Để khuyến khích chị em tích cực tham gia nhóm “Cây bút nữ”, Chủ tịch Hội phân công các thành viên tư vấn, hỗ trợ nhau trong quá trình lên ý tưởng và viết bài. Nhờ đó, các bài viết đều có chất lượng, phản ánh kịp thời các hoạt động của đơn vị. Nhiều sáng tác văn học, nghệ thuật có chất lượng được đăng tải trên một số tờ báo và tạp chí, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, hội viên.
Niềm hạnh phúc của người dẫn dắt nhóm nhân lên gấp bội khi năm 2022 “Cây bút nữ” được Nhà trường lựa chọn là phần việc tiêu biểu của đợt thi đua. Hội phụ nữ Khoa VHNN vinh dự được Thủ trưởng Tổng cục Chính trị tặng bằng khen. Đặc biệt, sáng 8-3-2024, “Cây bút nữ” được chương trình Phát thanh Quân đội (PTQĐ) giới thiệu trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Trung tá Nguyễn Thị Thủy còn trực tiếp tham gia biên tập một số ấn phẩm văn học, nghệ thuật của Nhà trường như “Những dấu son”, “Hoa quyết thắng”, “Từ quan họ áo xanh đến xứ Đoài mây trắng”,… và của khoa; của Hội phụ nữ như “Sắc màu văn hóa”, “Viết tiếp trang sử hồng”, “Tự hào những cô giáo áo xanh”…
Trước đó, năm 2020, chị lên ý tưởng, viết kịch bản “Sóng ngầm” tham gia cuộc thi video tuyên truyền về Công ước chống tra tấn của Liên hiệp quốc, nhận giải C toàn quân.
*
Không chỉ nuôi dưỡng đam mê, việc cầm bút đối với Nguyễn Thị Thủy còn là trách nhiệm. Lặng lẽ viết bài, chị đề xuất những suy nghĩ tích cực, không ngại phê phán những quan điểm sai trái, những cái xấu, cái ác... Mặc dù viết bài với nhiều chuyên mục, nội dung khác nhau nhưng có lẽ, công việc yêu thích và ý nghĩa nhất đối với chị là cộng tác viên phê bình văn học của chương trình PTQĐ. Từ năm 2019 đến nay, chị Thủy đã có hơn 30 bài viết được phát thanh. Ngoài ra, chị còn có hàng chục bài báo khác.
Chị được nhận nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác văn học nội bộ của trường. Việc lan tỏa giá trị của những bài viết về cách mạng, về người lính, về Tổ quốc và nhân dân, giúp người nữ giảng viên thêm bền chí trên con đường cầm bút.
Chuyện nghề, chuyện đời sẽ thật ý nghĩa khi có những con người nặng lòng và tâm huyết như Trung tá Nguyễn Thị Thủy.