THƠ TÌNH NGƯỜI LÍNH BIỂN
Đến với bài thơ hay
Thơ tình người lính biển
TRẦN ĐĂNG KHOA
Anh ra khơi
Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng
Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng
Biển một bên và em một bên…
Biển ồn ào, em lại dịu êm
Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ
Anh như con tàu, lắng sóng từ hai phía
Biển một bên và em một bên…
Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn
Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc
Thăm thẳm nước trời nhưng anh không cô độc
Biển một bên và em một bên…
Đất nước gian nan chưa bao giờ bình yên
Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng
Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng
Biển một bên và em một bên…
Vòm trời kia có thể sẽ không em
Không biển nữa. Chỉ mình anh với cỏ
Cho dù thế thì anh vẫn nhớ
Biển một bên và em một bên…
(Nguồn: Trần Đăng Khoa, Bên cửa sổ máy bay, NXB Tác phẩm mới, 1985)
“Thơ tình người lính biển” của Trần Đăng Khoa sáng tác năm 1981 khi nhà thơ là lính hải quân. Thi phẩm tái hiện cuộc chia tay đầy lưu luyến nhưng cũng rất đỗi tự hào của người lính ra đi canh giữ biển trời Tổ quốc. Tình yêu của cô gái dành cho chàng trai trong bài thơ là sự kết tinh cao đẹp tình cảm của hậu phương dành cho tiền tuyến.
Sức hấp dẫn của bài thơ trước hết ở thi tứ độc đáo: “Biển một bên và em một bên…”. Hai hình ảnh đối ngẫu thật cân chỉnh trong hai vế câu thơ, ở giữa có hệ từ “và” phân định rạch ròi. Với thể tự do, đan xen các câu từ 3 đến 9 âm tiết, tương ứng với cảm xúc thơ nhiều cung bậc, ngôn ngữ giàu hình ảnh và nhạc điệu, thi phẩm giúp người đọc hiểu ở người lính biển có sự hội tụ hài hòa tuyệt đẹp giữa tình yêu đất nước và tình yêu lứa đôi. Trong mối quan hệ chung và riêng, người lính luôn đặt tình yêu Tổ quốc trên hết. Những hình ảnh mở đầu vừa hiện thực vừa đậm chất lãng mạn: “Anh ra khơi/ Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng/ Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng/ Biển một bên và em một bên…”. Cảnh tượng đôi trai gái chia tay trên bến cảng khá quen thuộc, người đọc như thấy chàng lính biển rảo bước sánh vai cùng người yêu. Đúng lúc đó, anh nhận ra những vầng mây tựa những cánh buồm trắng – một hình ảnh đẹp, đầy chất thơ. Đấy cũng là hình ảnh rất thân quen với người lính biển.
Tâm hồn tươi trẻ giàu mơ mộng, người lính nhìn mây treo ngang trời tựa cánh buồm đang trôi như mời gọi anh tạm xa người yêu để về với biển. “Biển” ở đây chính là biểu tượng của Tổ quốc vững bền, “em” chính là hiện thân của tình yêu son sắt. Cả hai đồng hành, gắn bó, rất thiêng liêng, đều là lẽ sống của người chiến sĩ. Thời khắc ấy, giai điệu hạnh phúc ngọt ngào biển và em, đất nước và tình yêu cùng rung ngân tha thiết trong lòng anh.
Khoảnh khắc ấy, nhà thơ đã phát hiện ra nét khác biệt giữa biển và em: “Biển ồn ào, em lại dịu êm”. “Biển” sôi nổi phóng khoáng dào dạt; còn “em” hiền hòa, e thẹn nép bên anh. Cả hai được người lính mang theo trong tâm khảm mình mọi nơi, mọi lúc. Nhịp điệu của bài thơ tựa những con sóng biển vỗ dìu dặt. Cảm xúc suy tư về trách nhiệm công dân và trọng trách của người lính hải quân kết tinh cô đọng trong những câu thơ: “Đất nước gian nan chưa bao giờ bình yên/ Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng/ Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng/ Biển một bên và em một bên…”. Khổ thơ có một dòng rất độc đáo với sự liên kết của ba câu đơn: “Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng”. Điều này đem lại hiệu quả biểu đạt sâu sắc. Câu thơ “Anh đứng gác” đã trở thành cột mốc sống khẳng định chủ quyền lãnh hải, là biểu tượng của lòng yêu nước và niềm kiêu hãnh của dân tộc. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, những chàng trai Việt tạm xa quê hương làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo.
Ở khổ thơ kết, nhân vật trữ tình hóa thân thành con tàu đón sóng từ hai phía. Khi ấy, anh chợt nhận ra: “Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn/ Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc/ Thăm thẳm nước trời nhưng anh không cô độc/ Biển một bên và em một bên…”. Hai từ “ngày mai” liên tiếp bên nhau như một sự khẳng định chắc chắn: nơi anh đến thật xa xôi, cách trở. Không gian ấy trải dài có đảo chìm, đảo nổi với thăm thẳm nước trời tiếp giáp và chùm sao xa. Dẫu vậy, người lính không hề cô đơn bởi trong anh có tình yêu Tổ quốc, có đồng đội ở bên, có hậu phương vững mạnh, có hình bóng em nơi quê nhà… Vì đất nước và tình yêu, người chiến sĩ sẵn sàng đi đến nơi đầu sóng thực hiện nghĩa vụ của mình trong tâm thế tràn đầy tự tin và kiêu hãnh.
Bài thơ giàu chất trữ tình với những hình ảnh ấn tượng sâu lắng này được nhạc sĩ Hoàng Hiệp chắp cánh thành bài hát “Chút thơ tình người lính biển”. Thi phẩm cùng với bài ca được đông đảo mọi người đón nhận và sẽ mãi song hành cùng năm tháng.
Thái Dũng