column_right getExtensions 1732798646-1732798646

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732798646-1732798646

NGƯỜI DÀNH CẢ ĐỜI NGHIÊN CỨU VÀ CHỐNG LẠI AIDS

NGƯỜI DÀNH CẢ ĐỜI NGHIÊN CỨU VÀ CHỐNG LẠI AIDS

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:23-11-2024

Người dành cả đời nghiên cứu và chống lại AIDS

Françoise Barré-Sinoussi là nhà nghiên cứu ở Viện Pasteur từ năm 1975, hiện nay bà phụ trách phòng thí nghiệm sinh học về Rétrovirus của viện.

- Thật ra chọn lựa nghiên cứu đầu tiên của tôi không phải là AIDS, vì vào những năm 70 (thế kỷ XX) trên thế giới có ai biết gì về căn bệnh này đâu - bà Françoise Barré-Sinoussi mở đầu như thế khi trò chuyện với báo giới.

Nhà khoa học Francoise Barré-Sinoussi

 

Định mệnh đã chọn

Sinh ngày 30-7-1947 tại Paris, bảo vệ Tiến sĩ tại Đại học Khoa học Paris (1974) Françoise Barré-Sinoussi trở thành chuyên gia nghiên cứu về virus học tại Viện sức khỏe và nghiên cứu y học quốc gia Pháp (INSERM). “Sự khám phá ra HIV không diễn ra ở một thời điểm xác định, mà đó là một tiến trình với sự hợp tác chặt chẽ với những chuyên gia lâm sàng, nghĩa là từ giường bệnh đến phòng thí nghiệm và ngược lại”.

Tháng 6-1981, nước Mỹ phát đi những báo cáo đầu tiên về các ca viêm phổi do Pneumocystis trong số những người hoàn toàn khỏe mạnh ở Los Angeles và một vài thành phố khác. Khi đó, cộng đồng khoa học không ai ngờ rằng đây là sự khởi đầu của một đại dịch cho nhân loại. Căn bệnh này thoạt đầu được gọi là “bệnh 4-H” vì nó chỉ tấn công những người đồng tính (homosexuels), mắc bệnh máu loãng (hémophiles), hút chích ma túy (héroïnomanes) và người Haïti.

“Tháng 1-1983, Willy Rozenbaum, một bác sĩ lâm sàng làm việc với chúng tôi về nhóm retrovirus đã trình bày về một bệnh nhân bị suy yếu miễn dịch trước đó chấp nhận sinh thiết hạch. Chúng tôi đã nghĩ ngay đó là một type của HTLV (virus hướng lympho T ở người, là retrovirus người đầu tiên, được nhận diện vào năm 1977), tiến hành nuôi cấy nó và thử xem nó có mối liên hệ bất kỳ gì với HTLV hay không. Sau nhiều tháng trời kiên trì, chúng tôi đã đi đến thành công”. Dưới sự điều hành của giáo sư Luc Montagnier, ngày 20-1-1983, bà Barré-Sinoussi và đồng nghiệp Jean-Claude Chermann truy tìm retrovirus lạ trong các mẫu cấy và phân lập được virus HIV.

Luc Montagnier, Françoise Barré-Sinoussi và Jean-Claude Chermann, những nhà khoa học đã khám phá ra virus HIV, trong phòng thí nghiệm của Viện Pasteur ở Paris, 1984

 

Âm thầm cống hiến

Khám phá HIV đã làm đảo lộn sâu sắc cuộc đời của Françoise Barré-Sinoussi. Trên tờ L’Express của Canada, bà nói: “Có thể nói rằng tôi có một cuộc đời trước và sau khi phát hiện HIV. Từ đó trở đi, tôi đã dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu AIDS”. Tuy nhiên, thực tế là sau thành công đó, Barré-Sinoussi cũng chỉ sống trong âm thầm. Phát hiện HIV quả là một chấn động trong y học, nhưng hầu như mọi vinh quang chỉ đổ dồn cho nhà khoa học tên tuổi: giáo sư Luc Montagnier. Không hề gì, khiêm tốn đó là một trong những đức tính lớn của Françoise Barré-Sinoussi.

Được hỏi: “Vậy đâu là những phẩm chất của người phụ nữ để có thể thành công trong khoa học?”, bà khẳng định: “Đó là sự nhẫn nại, kiên định, có một động lực mạnh mẽ và nghĩ đến lợi ích của người khác”…

Sinh ra để làm khoa học, Barré-Sinoussi xác định: “Ngay từ những bước đầu tiên trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tôi cho rằng khoa học là một lĩnh vực thăm dò với mục tiêu duy nhất là mang lại lợi ích cho nhân loại. Đó cũng là một trong những giá trị căn bản của Viện Pasteur mà tôi luôn trung thành dù cuộc sống có nhiều thử thách”.

Kể từ năm 1988, Barré-Sinoussi chuyển sang nghiên cứu vaccine ngừa HIV tại Viện Pasteur Paris. Ở đây, trong căn phòng nhỏ, bà điều hành phòng thí nghiệm của viện với khối lượng công việc kinh khủng: làm việc 7 ngày/tuần, mỗi ngày hơn 13 giờ. Ngã mũ bái phục người phụ nữ này cho dù bà thú nhận không dành bất kỳ thời gian nào cho gia đình và dù bà có một “tật xấu” đó là... ghiền thuốc đầu lọc bạc hà!

 

Một tình yêu cho người nghèo

Ngày 6-10-2008, Françoise Barré-Sinoussi nhận được tin đoạt giải Nobel Y học khi bà có mặt tại Viện Pasteur Phnom Penh (Campuchia), điều hành cơ quan Nghiên cứu quốc gia bệnh AIDS và viêm gan (ANRS) ở Đông Nam Á. Là một nhà khoa học, nhưng bà không đóng khung trong “tháp ngà” mà đem những sản phẩm nghiên cứu ứng dụng vào cuộc sống, đóng góp cho cộng đồng, tích cực đấu tranh phòng chống AIDS. Bà chia sẻ: “25 năm qua, kể từ khi phát hiện ra HIV, cuộc chiến chống AIDS đã đạt được nhiều thành tựu trong chẩn đoán và điều trị. Giờ đây với liệu pháp nhiều thứ thuốc kết hợp, dù cho y học chưa chữa lành được bệnh AIDS, nhưng chí ít cũng có thể kéo dài cuộc sống của rất nhiều người, đặc biệt bệnh nhân ở các nước nghèo châu Phi, châu Á”.

Chủ nhân giải Nobel Y học 2008

Giọng bà chợt lắng xuống: “Kể từ năm 1981 đến nay đã có hơn 25 triệu người tử vong vì HIV/AIDS. Trên toàn thế giới hiện có hơn 33 triệu người chung sống với căn bệnh này. Một vaccine ngừa AIDS là một giấc mơ và trăn trở với các nhà khoa học. Chúng tôi đã thành công phần nào trong việc phòng ngừa bệnh, đặc biệt từ mẹ sang con, nhưng thực tế nhiều phụ nữ vẫn chưa tiếp cận được chương trình này”.

Cho dù con đường tìm kiếm vaccine ngừa AIDS chưa thấy lối ra, nhưng ít nhiều cũng có vài tia hy vọng. Barré-Sinoussi nói: “Y học đã biết rằng có khoảng 1–2% những người nhiễm HIV không hề bị AIDS cho dù họ không được điều trị bằng bất kỳ thứ thuốc nào. Bằng việc nghiên cứu những bệnh nhân này, chúng tôi có thể hiểu được cơ chế kiểm soát bệnh”.

Ngoài nghiên cứu, Françoise Barré-Sinoussi còn là Chủ tịch Hội đồng khoa học ANRS (một trong những đồng sáng lập), giám đốc nghiên cứu tại INSERM, chủ nhiệm Ủy ban Y đức Viện Pasteur Paris, cố vấn tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tổ chức HIV/AIDS của Liên hiệp quốc. Bà là đồng tác giả của hơn 200 công bố khoa học, tham dự trên 250 hội nghị quốc tế và hướng dẫn nhiều nhà nghiên cứu trẻ.

Ngoài những đóng góp khoa học của mình, Barré-Sinoussi còn là hình mẫu và nguồn cảm hứng cho vô số nhà khoa học trẻ, đặc biệt là phụ nữ. Bà làm việc không mệt mỏi để thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập trong khoa học, đồng thời khuyến khích thế hệ các nhà khoa học tiếp theo theo đuổi đam mê và có những đóng góp có ý nghĩa cho xã hội.

Barré-Sinoussi, một biểu tượng nữ quyền trong khoa học

“Trong bất kỳ gia đình nào, phụ nữ cũng thường đóng vai trò người nội trợ, chăm sóc người thân yêu khi họ bị bệnh. Họ làm việc trong tĩnh lặng, dịu dàng và với một tấm lòng yêu thương thực sự. Đó là điểm mạnh của mọi phụ nữ” - Barré-Sinoussi trả lời câu hỏi phẩm chất cần thiết của phụ nữ để thành công trong khoa học.

Năm 1988, GS. Françoise Barré-Sinoussi đến Việt Nam, tổ chức khóa đào tạo đầu tiên về HIV/AIDS cho các nhà khoa học Việt Nam. Đến nay, giáo sư đã có hơn 20 lần đến Việt Nam và có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ tại dải đất hình chữ S. Bà đã giúp đỡ Việt Nam kết nối với nhiều chuyên gia trên thế giới.

 

Bền bỉ cuộc chiến chống HIV/AIDS

Năm 2010, với cương vị là Chủ tịch Hội AIDS quốc tế, bà đã lập nhóm nghiên cứu về HIV Cure - Chữa khỏi HIV. Từ đó đến nay, mặc dù bà đã rời vị trí Chủ tịch, các nhà khoa trẻ vẫn đang tích cực nghiên cứu và có nhiều tiến triển tốt, nhiều liên minh được thành lập nhằm hướng đến điều trị khỏi hẳn HIV.

Trong hành trình phát hiện ra virus HIV/AIDS, GS. Francoise luôn tự hào là chính nhờ sự kết hợp giữa cộng đồng và các bên mà tiến trình điều trị phát triển nhanh và có hiệu quả. Bà khẳng định cộng đồng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển chiến lược điều trị khỏi. Những nhà nghiên cứu cần biết cộng đồng có thể chấp nhận được chiến lược nào vì một số biện pháp có thể độc và nguy hiểm. Do vậy, chúng ta cần và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong nghiên cứu, thực hiện các thử nghiệm lâm sàng để từ đó, phát triển và triển khai các chiến lược phù hợp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Giáo sư Francoise Barre-Sinoussi (14-11-2023)

Với những nỗ lực không ngừng của cả thế giới trong nhiều thập kỷ qua, cuộc chiến chống lại căn bệnh thế kỷ AIDS đang đạt được những bước tiến đáng khích lệ. Tuy nhiên, để tăng cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân nhiễm HIV, các nước, trong đó có Việt Nam cần tăng cường nỗ lực hơn nữa.

“Chúng ta cần tiếp tục gắn bó, đoàn kết chiến đấu cùng nhau. Chúng tôi cần các bạn. Các bạn cần chúng tôi. Chúng ta cần làm việc cùng nhau. Những việc các bạn đang làm là quan trọng để bảo vệ bạn và người khác” - GS. Francoise một lần nữa kêu gọi cộng đồng cùng chung tay, hợp sức trên hành trình chiến đấu chống lại HIV/AIDS đầy cam go.

Ngoài giải Nobel, Barré-Sinoussi đã nhận được các giải thưởng danh giá khác như: Huân chương Bắc Đẩu bội tinh, Giải thưởng Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, Giải thưởng Vua Faisal trong lĩnh vực Y dược học…

THIÊN ÁNH (tổng hợp)

BÀI VIẾT NỔI BẬT