column_right getExtensions 1731116450-1731116450

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1731116450-1731116451

CÒN LẠI VỚI THỜI GIAN: TỪ NHỮNG ĐIỀU TƯỞNG CHỪNG ĐƠN GIẢN ẤY…

CÒN LẠI VỚI THỜI GIAN: TỪ NHỮNG ĐIỀU TƯỞNG CHỪNG ĐƠN GIẢN ẤY…

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:29-08-2024

Còn lại với thời gian: Từ những điều tưởng chừng đơn giản ấy…

Bằng sự nhạy cảm của một nhà làm phim đầy kinh nghiệm, đạo diễn Lê Hồng Chương đã tạo ra một tác phẩm tài liệu mang đậm dấu ấn về số phận của những người lính bảo vệ đất nước.

Năm 2005, tức 30 năm sau ngày thống nhất đất nước, đạo diễn Lê Hồng Chương thực hiện bộ phim tài liệu Còn lại với thời gian như một cột mốc cho chặng đường đã qua. Tác phẩm đã nhanh chóng gây tiếng vang và được đánh giá cao cả về mặt nội dung lẫn nghệ thuật. Phim thắng giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2005, sau đó đoạt giải Phim tài liệu xuất sắc ở Liên hoan phim châu Á Thái Bình Dương lần thứ 51, năm 2006.

Bộ phim nói về những người con miền Bắc vào Nam chiến đấu và hy sinh. Tài sản họ để lại chỉ là những dòng nhật ký, những lá thư sống mãi với thời gian. Nó như minh chứng cho trái tim bất khuất cũng như nỗi lòng rất đời thường của những chiến sĩ đã ra đi.

 

Nỗi lòng người ra đi

Ngay từ hoàn cảnh đầu tiên, bộ phim đã gây xúc động mạnh với lá thư của người con liệt sĩ gửi mẹ: “Cứ để cho con đi, một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực. Nếu con sống được về, con đền cơm trả sữa bố mẹ; nếu con có hy sinh thì bố mẹ đã có Nhà nước nuôi”. Chính trong sự bình thản đó, chúng ta thấy được tấm lòng trung dũng và bất khuất của người lính cách mạng.

Bộ phim mang tới những mẩu chuyện khác nhau của những người ở lại và ra đi, cho khán giả nhìn từ nhiều góc độ. Có người con trai từ biệt mẹ, có người đàn ông bỏ lại vợ chưa cưới, cũng có người anh rời xa em trai. Qua những câu từ đời thường, ý tứ của tác phẩm hiện lên đầy sự giản dị và da diết.

Thủ pháp tương phản được tận dụng hiệu quả trong tác phẩm của đạo diễn Lê Hồng Chương. Bộ phim đan xen những cuộc phỏng vấn từ người ở lại, tại thời điểm chiến tranh đã qua đi vài chục năm, với những lá thư của người ra đi năm xưa. Bằng giọng đọc trầm ấm, câu chuyện của những người đã khuất dần hiện ra sống động, không khỏi khiến người xem nức lòng và mường tượng ra những liệt sĩ ấy khi còn sống đã có một cuộc đời sôi nổi, đầy nhiệt huyết như thế nào.

Cứ thế, sự dịch chuyển giữa hiện tại và quá khứ hiện lên suốt tác phẩm. Thời gian qua đi, chỉ còn để lại những ký ức. Dòng chảy của nó cứ mãi trôi dù ta muốn hay không. Ngay từ tên phim, đạo diễn Lê Hồng Chương đã muốn nhấn mạnh rằng thời gian sẽ là yếu tố quan trọng trong bộ phim. Bằng cách đứng ở hiện tại và tìm kiếm những gì neo đậu để nhìn về quá khứ, tác phẩm tạo ra được nhiều khoảnh khắc để chiêm nghiệm. Hiện thực được phơi bày đầy khắc khoải nhưng cũng ngập tràn sự biết ơn và tình yêu Tổ quốc.

Bộ phim còn cuốn hút người xem khi pha trộn giữa nét bình dị và tinh thần anh hùng cao cả. Từng thước phim đưa khán giả qua những ngôi nhà bình thường, những khung cảnh bình thường, những mảnh đời bình thường. Tuy nhiên, những điều tưởng chừng đơn giản ấy lại ẩn chứa đức hy sinh cao cả ở cả người ra đi và người ở lại. Người ra đi mang trái tim sẵn sàng quyết tử để bảo vệ Tổ quốc, người ở lại cũng chuẩn bị tâm thế đón nhận tin dữ của người thân.

Qua những trang thư, thế hệ sau có thể hình dung về lý tưởng sục sôi và cả những suy nghĩ đời thường của người lính trẻ. Bên dưới sự anh hùng đó, họ cũng chỉ là những con người như bất kỳ ai trong chúng ta, cũng có những tâm tư đời thường hay tình yêu với những điều giản đơn trong cuộc sống. Tình yêu nước như sợi chỉ xuyên suốt qua các mẩu chuyện, xâu chuỗi hiện tại và quá khứ, không gian và thời gian, sự đời thường và vĩ đại.

 

Đừng đốt, vì trong đó đã có lửa

Khoảng 1/3 cuối phim tập trung vào câu chuyện của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và nhà báo Văn Giá. Chị Đặng Thùy Trâm sinh năm 1942 ở Huế, năm 1966 xung phong công tác ở chiến trường B. Năm 1970, chị bị phục kích và hy sinh khi mới 27 tuổi. 2 tập nhật ký do chị viết đã được Frederic Whitehurst - cựu sĩ quan quân báo Mỹ - lưu giữ suốt 35 năm cho đến khi được trả lại cho gia đình chị vào năm 2005. Lúc có được chúng, Frederic Whitehurst tính đốt bỏ nhưng người thông dịch của ông đã cản: “Đừng đốt, vì trong đó đã có lửa”.

Đạo diễn Lê Hồng Chương tập trung vào một lát cắt của câu chuyện, đó là theo chân 2 người Mỹ đến Việt Nam đi tìm gia đình chị Trâm và cùng gia đình chị về Đức Phổ, nơi chị đã hy sinh. “Khi những người lính Mỹ đến từ một đất nước xa xôi để đánh nhau với người Việt Nam, không ai trong số họ hiểu về người Việt Nam… Thùy Trâm khiến chúng ta tự hỏi tại sao chúng ta lại tàn sát lẫn nhau trong khi chúng ta giống nhau đến thế” - một người Mỹ chia sẻ.

Cũng trong hành trình này, 2 người ngoại quốc đến thăm liệt sĩ, nhà báo Văn Giá - người đã chụp lại những tấm ảnh quý giá ở chiến trường. Chuyện của Nguyễn Văn Giá và Đặng Thùy Trâm không phải là quá khứ mà thuộc về mọi thời đại. Bằng việc sử dụng góc nhìn của một người nước ngoài bay nửa vòng trái đất tới Việt Nam, tác phẩm nêu ra một lớp ý sâu hơn về thông điệp rằng hòa bình là đích đến của mọi người dân trên thế giới.

 

Nghệ thuật điện ảnh trong phim tài liệu

Cầm trịch Còn lại với thời gian là Lê Hồng Chương - một đạo diễn nổi tiếng của dòng phim cách mạng. Ý tưởng làm phim đến với ông từ sự ra đời của cuốn sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm cùng nhiều nhật ký chiến tranh khác. Trước đó nhiều năm, nhà làm phim đã muốn tái hiện chân dung một lớp người anh hùng đã ra đi vĩnh viễn, chỉ còn để lại những trang thư và nhật ký. Thế nhưng, phải đến năm 2005, ông mới có đủ tư liệu và điều kiện để thực hiện.

Đề tài về những người đã ra đi vốn khá rộng với một bộ phim tài liệu dài chưa đến 30 phút. “Đụng vào một vấn đề quá lớn, nếu ta quá tham lam, muốn nói tất cả nghĩa là sẽ không nói được gì” - đạo diễn chia sẻ. Thế nên, ông chọn góc tiếp cận riêng bằng cách đi sâu vào một số lát cắt nhất định. Với sự nhạy cảm về mặt điện ảnh và chủ đề tác phẩm, đạo diễn khéo sắp xếp mạch truyện để những cá nhân trong phim nêu bật lên được suy tư của mình.

Thuộc dòng phim tài liệu hậu chiến, Còn lại với thời gian mang nhịp điệu từ tốn, sâu lắng. Bộ phim không trình hiện quá nhiều cảnh bom đạn nhưng qua lời thoại, khán giả vẫn có thể cảm nhận được sự tàn khốc của chiến tranh. Lời dẫn chuyện và các cuộc phỏng vấn được hòa quyện khéo léo để nêu bật tình yêu Tổ quốc và gia đình, kết nối ý tứ ở hoàn cảnh từng nhân vật.

Điện ảnh là cuộc chơi của hình ảnh, như chính lời của Lê Hồng Chương - một đạo diễn tốt nghiệp ngành quay phim. Tránh được sự khô cứng của không ít bộ phim tài liệu, Còn lại với thời gian mang đến nhiều khung hình giàu cảm xúc. Đó là cảnh mở đầu phim khi người mẹ Lại Thị Lê của 2 liệt sĩ ngồi nơi sân ga, nhìn về nơi vô định.

Tác phẩm cũng khép lại với cú chuyển cảnh đầy ý tứ, kết nối giữa hướng nhìn của người đàn ông Mỹ trên tàu hỏa với ánh mắt của người mẹ Việt Nam đang trông ngóng con bên chuyến tàu. Đó là gạch nối của 2 đầu chiến tuyến, của 2 con người khác xa nhau về hoàn cảnh nhưng đều chung cảm xúc da diết về sự hy sinh và tình yêu hòa bình.

Ân Nguyễn
(Nguồn: PN TPHCM)

BÀI VIẾT NỔI BẬT