GIA ĐÌNH CỦA LÍNH BIÊN PHÒNG
Gia đình của lính Biên phòng
VĂN TRÍ
Thiếu tá Trần Văn Vĩnh hiện đang là Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Hòn Khoai, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Cà Mau. Hơn 2 năm công tác, điều kiện đi lại khó khăn nên số lần anh Vĩnh về thăm nhà không nhiều. Mỗi tháng, anh được cấp trên cho phép về thăm nhà một lần nhưng mất tới 2 ngày cho việc đi lại. Anh tâm sự: “Người ta thường bảo đàn ông là trụ cột của gia đình, nhưng với những gia đình quân nhân thì vợ mới là trụ cột. Cũng như nhiều người lính biên phòng khác, tôi không có điều kiện ở gần nhà nên tất cả mọi việc trong gia đình, từ nuôi dạy, chăm sóc con cái tới phụng dưỡng bố mẹ hai bên hay ma chay, hiếu hỉ đều do một tay vợ tôi chu toàn”.
Vợ anh Vĩnh là chị Phạm Thị Tiền, hiện là Phó ban bảo vệ dân phố phường Tân Xuyên, thành phố Cà Mau. Chị vốn là giáo viên nhưng do hoàn cảnh con nhỏ, bố mẹ hai bên đau yếu, bệnh tật nên việc xoay xở thời gian dành cho gia đình rất chật vật, chị đành phải xin nghỉ việc. Khi con lớn một chút, chị mới có điều kiện xin đi làm công việc hiện tại. Nơi làm việc cách nhà 30km, mỗi ngày, chị Tiền phải thức dậy từ sáng sớm, chuẩn bị đồ ăn sáng và cơm trưa cho hai con gái rồi đi làm tới chiều mới về. Bố công tác ngoài đảo, mẹ lại đi làm xa, hai con của vợ chồng anh Vĩnh sớm phải thích nghi với hoàn cảnh của gia đình. Những ngày hè này, bé lớn 9 tuổi thay mẹ trông nom, chăm sóc em 4 tuổi khi mẹ vắng nhà.
Chị Tiền kể, khi anh Vĩnh nhận nhiệm vụ ngoài đảo, xa đất liền, tuy có lo lắng nhưng đã xác định tinh thần ngay từ lúc mới kết hôn nên chị tự nhủ phải cố gắng và tập quen dần với việc thiếu vắng chồng nhiều ngày. Còn anh Vĩnh dành cho vợ những lời trân trọng nhất. Anh chia sẻ: “Tôi không mấy khi có mặt ở nhà nên gánh nặng gia đình dồn hết lên vai vợ. Tôi rất hiểu và thương cô ấy”.
Những ngày đầu xa chồng, chị Tiền sợ nhất là khi mùa mưa bão tới, bởi khu vực chị ở hay bị dông gió, nước ngập mà ngôi nhà của hai vợ chồng chị lại không được kiên cố. Dù ở xa, nhưng mẹ con chị Tiền luôn cảm giác có hình bóng của anh Vĩnh ở nhà bởi ngày nào anh cũng gọi điện video về nhà trò chuyện, động viên vợ con. Còn khi được nghỉ phép, anh đều làm hết việc nhà, đưa vợ con đi chơi.
Để bù đắp cho vợ, anh Vĩnh tự tạo những niềm vui bất ngờ cho vợ con. Vào những dịp đặc biệt như sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới..., nếu không về nhà được, anh sẽ chuẩn bị quà rồi nhờ người tới tặng tận tay người vợ hiền. Những món quà tuy giá trị vật chất không lớn nhưng đong đầy tình cảm ấm áp của người nơi xa.
*
Gia đình Thiếu tá Trần Thị Bích Thảo - Chủ nhiệm Nhà Văn hóa, BĐBP Lạng Sơn cũng có hoàn cảnh khá đặc biệt. Hai vợ chồng chị đều là BĐBP nhưng mỗi người công tác ở một đơn vị. Trung tá Đoàn Thanh Dương, chồng chị, công tác tại Phòng Tham mưu, BĐBP thành phố Hải Phòng. Gia đình nhỏ của chị Thảo có 4 người nhưng ở 3 nơi khác nhau. Chị và con gái lớn 10 tuổi ở Lạng Sơn, anh Dương ở Hải Phòng, còn con trai út 5 tuổi của anh chị thì ở với ông bà nội ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Do vậy, thời gian cả gia đình sum vầy là rất ít.
Ngoài công việc chuyên môn ở Phòng Chính trị, chị Thảo còn là Chủ tịch Hội phụ nữ BĐBP Lạng Sơn nên công việc càng bận rộn hơn. Như bao người lính khác, chị thường đi công tác biên giới, tham gia các phong trào thanh niên, các hoạt động xã hội…
Bố mẹ là lính Biên phòng, thời gian dành cho gia đình không nhiều, trong khi ông bà nội ngoại ở xa nên các con của chị Thảo đều được rèn tính tự lập từ nhỏ. Chị Thảo kể, có lần đi biên giới cả ngày, cháu ở nhà tự nấu ăn. Thậm chí, có lần chị phải ở lại nơi công tác, con gái can đảm ngủ ở nhà một mình. Là người mẹ, dù con có tự lập đến đâu thì chị Thảo vẫn có những lo lắng riêng. Để đảm bảo an toàn cho con, chị hướng dẫn con kỹ năng xử lý các tình huống trong cuộc sống, cảnh giác trước người lạ. Chị còn lắp camera trong nhà để có thể quan sát con lúc vắng nhà và thuê riêng một người đưa đón con đi học khi chị bận việc. Hai vợ chồng đều là lính nên họ rất hiểu công việc của nhau, dễ cảm thông và chia sẻ. Cứ có dịp đoàn tụ là cả nhà cùng nhau đi xem phim, đi chơi, bù đắp tình cảm những lúc xa nhau.
Nhắc về con gái Đoàn Bảo Ngọc, chị Thảo tự hào bởi cháu không chỉ có năng khiếu hội họa, mà còn đam mê các môn thể thao. Ngay từ khi còn học mẫu giáo, Ngọc đã thể hiện niềm yêu thích với bộ môn hội họa. Phát hiện năng khiếu của con, chị Thảo đăng ký cho con gái học vẽ từ năm 8 tuổi. Bố công tác xa nhà, mẹ hay phải đi biên giới nên Bảo Ngọc luôn mong ước cả nhà được ở gần nhau. Điều đó được thể hiện cả trong những bức tranh của họa sĩ nhí. Cô bé sáng tác nhiều đề tài khác nhau, nhưng đề tài thích nhất là về gia đình, biên giới. Gần đây nhất, bức tranh với chủ đề “Gia đình hạnh phúc” của Bảo Ngọc đã đạt giải Khuyến khích cho lứa tuổi dưới 18 tại Cuộc vận động sáng tác và triển lãm tranh về đề tài bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 do Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Quốc phòng tổ chức. Thông điệp mà Bảo Ngọc gửi gắm trong tác phẩm của mình là: “Hãy cùng nhau chia sẻ, vun đắp yêu thương, để bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới không thể len lỏi phá vỡ hạnh phúc của mỗi gia đình”. Mong ước bình dị về hạnh phúc gia đình của cô con gái nhỏ cũng chính là mong ước của những người cha, người mẹ “chiến sĩ quân hàm xanh” như anh Vĩnh, chị Thảo, bởi “vì bình yên cho biên cương Tổ quốc”, họ sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của bản thân mình…