column_right getExtensions 1716068881-1716068881

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1716068881-1716068881

PHU NHÂN MỘT DANH TƯỚNG

PHU NHÂN MỘT DANH TƯỚNG

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:23-04-2023

Phu nhân một danh tướng

Đầu năm 2005, tôi chuyển về Chi nhánh Nhà xuất bản (Nxb) Quân đội nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mới vừa chân ướt chân ráo, hãy còn lạ nước lạ cái, thì được giao ngay việc bản thảo “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm” của Thượng tướng Trần Văn Trà (1919-1996). Đây là một công việc nặng, rất nặng và sẽ là quá sức đối với một biên tập viên mới tập tọng vào nghề. May thay, là người cầm bút chuyên nghiệp, tôi từng có nhiều năm làm nghề “cạo giấy” ở một tờ tạp chí văn nghệ và tờ báo Đảng. Nhờ vậy, mà hoàn toàn tự tin nhập cuộc một cách đầy hào hứng và hoàn thành công việc sau hơn 1 tháng miệt mài. Đây là tác phẩm chọn lọc, gồm ba phần, với hơn ngàn trang in, số lượng 2.140 bản. Sách giấy tốt, bìa cứng, trình bày đẹp, ra mắt vào dịp kỷ niệm lần thứ 86 ngày sinh của ông. Tiến sĩ Lê Thị Thoa, phu nhân cố Thượng tướng, viết lời đề tặng, nét chữ tròn đều, rất đẹp.

Sau cú bị “nắn gân” ấy, tiếp đà thành công, tôi liên hệ với gia đình, xin tiếp cận “kho” tư liệu của vị tướng để lại. Và cô Thoa cho phép tôi chở nguyên thùng carton về cơ quan. Cuốn sách “Miền Nam thành đồng đi trước về sau” đã ra đời như thế, tuy số trang thì chưa bằng một nửa cuốn trước. Kể cũng đáng tiếc, nhưng quan trọng là sách đến với bạn đọc đầu tháng 4-2006, kịp giỗ lần thứ 10 của tướng Trà.

Tôi hẹn với lòng mình sẽ xin đến thăm cô Thoa, nhưng vẫn chưa thực hiện được. Cuối tháng 12-2021, đến dự ra mắt bộ sách “Thượng tướng Trần Văn Trà và những chặng đường lịch sử B2 Thành đồng” (Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành) tại đường sách Nguyễn Văn Bình, bên hông Nhà thờ Đức Bà, tôi mới gặp lại cô. Đầu tháng 3 năm nay, tôi được hầu chuyện phu nhân.

Cô Lê Thị Thoa và tác giả bài viết trong thư phòng

Gia tộc và gia cảnh

Những ai được tiếp xúc với TS Lê Thị Thoa, đều cảm nhận ở cô sự nhẹ nhàng, trí tuệ sâu sắc, bặt thiệp. Xuất thân trong một gia đình trí thức danh tiếng, cứ tưởng đâu người phụ nữ này được ủ trong nhung lụa từ tấm bé? Thân phụ, Luật sư Lê Đình Chi (1912-1949), quê ở xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, dòng dõi Nho gia. Còn thân mẫu là cụ Lê Thị Tường Lân, gốc gác Phú Thọ, nhưng gia đình chuyển về Hà Nội lập nghiệp. Trai tài, gái sắc đến với nhau, song do tư tưởng phong kiến nặng nề, cuộc hôn nhân thiếu “môn đăng hộ đối” không được bên nội chấp nhận. Bấy giờ, ông Chi vẫn đang theo học Trường Luật danh giá ở Hà Nội. Đường cùng, bà Tường Lân khi ấy đương bụng mang dạ chửa, tay bế con nhỏ, dắt con lớn 3 tuổi, dứt áo vào Nam. May nhờ một người bạn nhà ở đường La Grandière (sau đổi là Gia Long, nay là đường Lý Tự Trọng) Sài Gòn cho tá túc nhờ, bà vay vốn buôn bán. Hằng ngày, cô bé Thoa phải thay mẹ chăm em. Ban ngày, mấy chị em lê la ngoài vỉa hè, tối về ngủ vạ vật ở gầm cầu thang nhà người. Nhờ tài tháo vát, đảm lược, chỉ mấy năm sau, bà Tường Lân không chỉ trang trải xong các khoản nợ nần mà còn tậu được nhà.

Có bằng Cử nhân Luật, ông Lê Đình Chi không nhận chức tri huyện mà vào Sài Gòn làm commis greffier (lục sự) tại Tòa áo đỏ (Tòa đại hình). Ông hỏi thăm bạn bè rồi đi tìm vợ con và hết sức kinh ngạc khi đứng trước cơ ngơi do bà Tường Lân gây dựng từ hai bàn tay trắng. Nhà cửa khang trang, ba cô con gái xinh đẹp, học giỏi.

Luật sư Lê Đình Chi tích cực tham gia phong trào Đông Dương đại hội, đòi quyền dân chủ, nâng cao dân sinh, cải thiện dân trí. Căn nhà và văn phòng luật sư của ông trên đường La Grandière là nơi gặp gỡ của nhiều trí thức nổi tiếng, đứng về phía Việt Minh. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Luật sư cùng gia đình bỏ cuộc sống giàu sang để vào chiến khu. Ông đảm nhiệm chức Trưởng phòng Quân pháp Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Khi thoát ly, ông gửi nhờ một người quen trông nom nhà cửa, và bi kịch bắt đầu. Từ chỗ sống sung túc, học trường Tây, giỏi tiếng Pháp, cô Thoa và các em bỗng lâm vào cảnh “ở đậu” ngay trong nhà mình, cùng cực.

Với trọng trách Giám đốc Nha Quân pháp Nam Bộ, cùng với việc cho dịch nhiều sách luật, ông Lê Đình Chi còn mở lớp đào tạo cán bộ tư pháp cho kháng chiến. Cô Thoa và các em được tổ chức đón vào chiến khu cùng cha mẹ. Chưa kịp vui sum họp thì nửa tháng sau, gia đình phải gánh chịu sự tổn thất quá lớn. Luật sư Lê Đình Chi đi công tác cùng người con gái thứ, hy sinh ngày 2-6-1949 tại Đồng Tháp Mười trong trận càn quy mô lớn của giặc Pháp.

Dẫn đầu đoàn cán bộ Trung ương vào đến Nam Bộ, ông Lê Đức Thọ liền gửi thư chia buồn tới bà quả phụ Lê Đình Chi. Lời lẽ thống thiết: “Tôi không thể nào nói hết sự đau đớn của tôi khi nghe tin anh và cháu bé bị nạn… Tôi vào đây được gặp anh và hy vọng ở tương lai của anh rất nhiều, anh là một cán bộ có tài và đắc lực. Anh mất đi để thiệt thòi không nhỏ cho hàng ngũ kháng chiến…”.

Tại lễ truy điệu Luật sư, nhiều đoàn thể và đồng bào đến viếng, trong đó có Tư lệnh kiêm Chính ủy Khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Trần Văn Trà (tên khai sinh Nguyễn Chấn). Có công lớn trong việc xây dựng bộ đội chủ lực ở Nam Bộ, Khu 8, đặc biệt là Tiểu đoàn 307 oai hùng, năm 1948 ra Bắc, người chỉ huy trẻ tài năng được Cụ Hồ trao thanh bảo kiếm mang về Nam diệt thù. Ấn tượng đọng lại trong tâm khảm người con gái vừa tuổi tròn trăng: “Anh ấy đẹp trai, giọng nói sang sảng rất có uy”.

Từ trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố, học xong y tá, cô Lê Thị Thoa về Ban Dân y Nam Bộ. Càng lớn, cô càng xinh đẹp, ăn nói nhỏ nhẹ, cử chỉ đoan trang. Được thừa hưởng sự giáo dục của một gia đình gia giáo, cô khiến bao chàng trai để ý và quý mến. Có điều, thiếu nữ chưa gật ai, bởi lẽ tuổi đời còn trẻ, tang cha quá nặng và nhất là thương mẹ, thương em côi cút.

Mối lương duyên

Cuộc gặp gỡ thoáng chốc, để lại sự rung động trong con tim người trai quê hương núi Ấn, sông Trà. 5 năm vèo trôi, anh vẫn lo đánh giặc, dù đã sang tuổi 35. Cấp trên quan tâm việc Trần Văn Trà chưa lập gia đình và được biết nguyên do “lấy vợ thì sẽ không thể chuyên tâm vào công tác được”. Khi ông Lê Đức Thọ dò hỏi thì vị Tư lệnh Phân liên khu miền Đông buột miệng: chẳng hay con gái Luật sư Lê Đình Chi dạo này ra sao? Là người lãnh đạo cao nhất về Đảng ở Nam Bộ lúc bấy giờ và là cha đỡ đầu của Lê Thị Thoa, nghe vậy, ông Sáu Thọ liền chắp nối và tác hợp duyên lành.

Người chỉ huy được bố trí về miền Tây Nam Bộ vừa họp, vừa để gặp mặt tìm hiểu, nếu hai bên tâm đầu ý hợp thì tiến tới hôn nhân. Nhưng mới đi được nửa chừng thì có điện gọi trở về gấp. Không lâu sau đó, tổ chức cử người xuống đón cô Thoa và bà Tường Lân lên miền Đông.

Trên miền Bắc, mùa Xuân (Hà Nội, 1955)

Cuộc sống ở chiến khu Đ ngày ấy, mỗi năm có tới 6 tháng ăn củ mì thay cơm. Xuân về, khắp các cánh rừng muôn hoa khoe sắc, ngát hương. Sáng mồng 1 Tết Giáp Ngọ (1954), đám cưới của cặp “trai anh hùng gái thuyền quyên” được tổ chức trong căn nhà lá. Anh chị em ra rừng hái hoa về tặng cô dâu, chú rể. Phó Bí thư Trung ương Cục, ông Phạm Hùng, đại diện nhà trai, mừng quà cưới một lạng đường cát trắng. Thêm cục xà bông thơm của một người bạn… những thứ vô cùng quý giá lúc bấy giờ. Buổi tối, bên ánh lửa bập bùng, mọi người nắm tay nhau, hòa ca: “Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa. Đây bao la hương sắc chan hòa…”.

Tháng 9-1954, cô Lê Thị Thoa và mẹ lên chuyến tàu cuối cùng đi tập kết. Trung ương giao cho tướng Trần Văn Trà tổ chức đưa cán bộ, bộ đội tập kết, nên ông phải lo toan nhiều thứ. Đi cùng tàu, nhưng chả mấy khi vợ chồng gặp nhau, cô Thoa liền tay dọn dẹp, săn sóc cho người bị say sóng nằm la liệt.

Tàu cập bến Sầm Sơn, vợ chồng son phải tạm xa nhau, cô Thoa dừng xứ Thanh, còn ông ra Hà Nội. Ít lâu sau, cô chuyển về Thủ đô nhận việc tại Bệnh viện B303 (về sau, hợp nhất với một bệnh viện khác, lấy tên Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, nay là Bệnh viện Hữu Nghị). Là một cán bộ quân sự tài năng, am hiểu chiến trường và giàu tâm huyết, tướng Trần Văn Trà được giao nhiệm vụ sắp xếp, tổ chức lại các lực lượng vũ trang miền Nam tập kết. Ông giữ nhiều trọng trách: Tổng Tham mưu phó, kiêm Giám đốc Học viện Quân chính, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương.

Sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương, tướng Trần Văn Trà được Bộ Chính trị bổ nhiệm làm Phó Bí thư Quân ủy Trung ương. Trên cương vị mới, ông giúp Quân ủy ra bản chỉ thị quan trọng “phải đập tan 2/3 ấp chiến lược”. Và ông là một trong hai người đề xuất với Bộ Chính trị ý tưởng đưa cán bộ tập kết về Nam hoạt động, đồng thời mở đường Trường Sơn 559 và đường vận tải biển 759, đưa người và vũ khí, trang bị theo hai đường này vào các chiến trường miền Nam.

Cuối năm 1963, Trung tướng Trần Văn Trà được cử vào Nam làm Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam. Thấy cha thu xếp quần áo, con gái thứ hai Xuân Hồng mới 6 tháng tuổi, cứ bò theo. Người ra trận nặng gánh, nhưng người ở lại hậu phương cũng oằn cả hai vai. Công việc y tá ở bệnh viện rất cực nhọc, người ốm nhách, cô Thoa chỉ còn 36 ký. Có lần, bệnh viện bị cúp điện, dẫu đang mang bầu, nhưng với tinh thần phục vụ, cô ráng sức xách từng xô nước từ dưới đất lên lầu cho bệnh nhân. Vì quá nặng nhọc, nên bị trụy thai. May thay, bên cạnh cô còn có mẹ làm chỗ dựa. Bà ngoại Lê Thị Tường Lân đã hết lòng vì con, cháu.

Vừa công tác, nữ y tá vừa dồn sức lo việc học hành. Lúc thi vào Đại học Y dược khoa Hà Nội, cô Thoa tính học bác sĩ, nhưng ngó sức khỏe của tân sinh viên mỏng quá, Nhà trường chuyển cô sang học dược. Ngày ấy, ở giữa Thủ đô, nhưng đời sống vẫn còn bao nỗi gian truân. Thu nhập của y tá vốn đã thấp, đi học đại học, theo quy định, cô Thoa còn bị khấu trừ 20% lương. Mấy mẹ con, bà cháu cứ phải chắt bóp, giật gấu vá vai. Quần áo của trẻ nhỏ đều được tận dụng từ đồ của người lớn, cắt ra khâu lại. Đến giờ, người mẹ vẫn còn giữ chiếc áo gối của các con được khâu bằng những mảnh vải vụn. Năm 1965, cô tốt nghiệp Dược sĩ, bấy giờ chiến tranh phá hoại rất ác liệt.

Tướng Trà từ chiến trường ra thăm vợ con, cuối năm 1967

Tiếp tục con đường học vấn, năm 1969, dược sĩ Lê Thị Thoa được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Chồng ở chiến trường, cô gửi lại ba con nhỏ cho mẹ trông nom để đi tu nghiệp. Đến Lovov, một thành phố cổ kính, rất đẹp, nằm ở phía tây Ukraina (gần Ba Lan), cô là người Việt Nam duy nhất ở Trường Đại học Y dược này, được bạn bè ai cũng quý mến. Sau 3 năm miệt mài, cô Thoa bảo vệ thành công Luận án Phó TS dược khoa. Lý giải động lực giúp mình vượt khó, cô chia sẻ: “Tôi phấn đấu trước hết là để xứng đáng với cha mẹ và chồng tôi”. Năm 1974, phu quân Trần Văn Trà được thăng hàm Thượng tướng.

Về nước, cô Lê Thị Thoa giảng dạy bộ môn Sinh hóa tại Đại học Dược Hà Nội. Đất nước thống nhất, cô chuyển vào Sài Gòn giữ chức Phó Viện trưởng Viện Pasteur cho đến lúc nghỉ hưu. Bấy giờ, cô mới hiểu thấu tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ khi tập trung đào tạo con em miền Nam đủ mọi ngành nghề, chuẩn bị cho ngày chiến thắng. Nhờ vậy, sau ngày 30-4-1975, mặc dù người cũ bỏ đi nhiều, nhưng cả guồng máy của một thành phố lớn vẫn hoạt động bình thường. Không chỉ phụ trách 50% công việc xét nghiệm của Viện, cô còn gánh thêm nhiệm vụ giảng dạy ở Trường Đại học Dược thành phố…

Phu nhân Lê Thị Thoa cùng chồng tại TP. HCM, năm 1982

Hồi tưởng, TS Lê Thị Thoa nhớ chồng mình rất yêu thơ và thích hoa hồng. Có lẽ vậy, mà “hai ả Tố Nga” đều được đặt tên Hồng (Thu Hồng và Xuân Hồng). Cuối đời, tướng Trà bị bệnh tim nặng, người vợ hiền luôn bên cạnh ông. Trong một chuyến qua nước ngoài làm việc với đối tác, bệnh cũ tái phát, vừa ra khỏi thang máy của một cao ốc, vị tướng đưa tay ôm ngực, lảo đảo. Cô Thoa chỉ kịp bước lên đỡ. Ông ra đi trong tay vợ với câu: “Em ơi, anh mệt quá”. Hôm ấy là ngày 20-4-1996.

Nói về đạo nghĩa phu thê, cô bùi ngùi: “Nhờ có cách mạng mà tôi mới được gặp ông ấy. Chồng tôi là một người đàn ông tuyệt vời, cả cuộc đời không làm chuyện gì có lỗi với vợ con. Hạnh phúc gia đình tôi có được cũng là từ những ngày tháng gian lao sống trong lửa đạn. Cuộc sống hiện tại của tôi là mãn nguyện bên con cháu, tôi đã trở thành bà cố ngoại. Chỉ có một điều hơi tiếc nuối là chúng tôi kết hôn 42 năm, nhưng chỉ ở với nhau được 18 năm trước khi ông mất…”.

Làm khoa học, nhưng TS Lê Thị Thoa rất yêu nghệ thuật. Sau ngày ông đi xa, để nguôi ngoai, cô tìm đến với hội họa. Sáng 20-4-2015, kỷ niệm 19 năm tướng Trần Văn Trà mất, Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh khai mạc phòng tranh chung của 4 họa sĩ: Kim Vinh, Lê Tâm, Thanh Minh và Lê Thoa. Ba người trước đều là họa sĩ chuyên nghiệp, mình cô Thoa không chuyên. Một triển lãm để lại nhiều dư âm.

Chân dung tướng Trà, tranh sơn dầu. Tg: Lê Thoa

Sâu đậm tình người

Sinh thời, lúc còn khỏe, vị tướng đi nhiều nơi, về lại chiến trường xưa, thăm đồng đội cũ và những người dân từng hết lòng vì cách mạng. Tận mắt chứng kiến bao cảnh nghèo, ông dặn vợ con: “Bây giờ và cả sau này, khi tôi không còn, em và các con phải nhớ để chia sẻ với anh em…”. Tài cao, đức trọng, Thượng tướng Trần Văn Trà để lại tình người đậm đà, thủy chung.

Thực hiện di nguyện của chồng, cô Lê Thị Thoa giao trọng trách nghĩa tình đó cho người con trai út, khảo sát xem xét hỗ trợ các gia đình chính sách. Nhiều năm nay, doanh nhân thành đạt Nguyễn Việt Chi, cùng vợ, TS Cung Dương Hằng, phối hợp với gia đình 2 người chị là nhà báo Thu Hồng và TS, bác sĩ Xuân Hồng lập quỹ xây nhà cho các gia đình có công với cách mạng còn gặp khó khăn. Chỉ tính riêng từ 2004 - 2010, gia đình Thượng tướng Trần Văn Trà đã xây dựng được 164 căn nhà tình nghĩa, trị giá gần 4 tỷ đồng. Đến nay, thật khó mà thống kê cho xuể. Trên bàn cô Thoa khi tôi đến, có ảnh và giấy tờ của Việt Chi vừa bàn giao thêm 3 ngôi nhà...

Ra mắt bộ sách quý. Từ trái sang: TS Lê Thị Thoa đứng thứ 2

Tôi lặng người giữa thư phòng bộn bề các giá sách ngồn ngộn vây quanh, hầu như các di vật của vị tướng đều được phu nhân giữ gìn nguyên vẹn. Ngắm bức tượng đồng và di ảnh của ông với ánh mắt hiền từ, cứ ngỡ như Thượng tướng vừa chợt giải lao đâu đó. Quanh giá vẽ, có nhiều họa phẩm vừa hoàn thành, cô Thoa tiết lộ, bức vẽ hoa này dành tặng con gái, còn đây là quà mừng sinh nhật thằng cháu ngoại…

Tuổi 90, hằng ngày TS Lê Thị Thoa vẫn cầm cọ, đọc sách và thư giãn bên cây đàn. Một gia đình trí thức có tới 3 liệt sĩ, 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (cụ Lê Thị Tường Lân), 1 danh tướng, 3 Tiến sĩ. Cao hơn tất cả, ấy là mạch nguồn văn hóa phì nhiêu…

Bài và ảnh: NGUYỄN MINH NGỌC

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:791
Trong tuần:1701
Trong tháng:1701
Cả năm:1701
Tổng lượt xem:1701