VỊ NỮ TƯỚNG, ANH HÙNG…
VỊ NỮ TƯỚNG, ANH HÙNG…
NGUYỄN MINH NGỌC
Đó là bà Nguyễn Thị Định (1920-1992), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, nguyên Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam - một người phụ nữ tài đức vẹn toàn, như trăng rằm vằng vặc.
Sinh thời, Giáo sư Trần Văn Giàu, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động, một cây đại thụ vắt qua hai thế kỷ, từng nhận xét: “Những người như chị (N.T.Đ) sống làm tướng, chết thành thần”.

Địa linh sinh nhân kiệtLà một tỉnh đồng bằng nằm trong vùng châu thổ sông Cửu Long, với địa hình sông rạch chằng chịt, hiểm trở, nhìn trên bản đồ, Bến Tre có hình tựa như chiếc rẻ quạt căng mình đón gió. Được hợp bởi cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh, do phù sa của bốn nhánh sông bồi tụ qua nhiều thế kỷ mà thành, từ xưa, Bến Tre được biết đến bởi câu khái quát “sấu nghé, cọp gầm, sông sâu, rừng rậm”. Mồ hôi của bao thế hệ lưu dân người Việt đã tưới đẫm vùng đất này, tạo nên những thôn ấp, làng mạc trù phú. Với lòng yêu nước nồng nàn, từng “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”, họ mang tính cách nghĩa hiệp, hào phóng và pha chút ngang tàng. Câu nói “kiến ngãi bất vi vô dũng dã” được coi là phương châm ứng xử đầy khí phách của con người nơi đây.
Ở đất Bến Tre, hỏi mấy ai không biết truyện “Lục Vân Tiên” và tâm đắc với “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của cụ Đồ Chiểu? Trai gái sống ở vùng cù lao đều thuộc nằm lòng câu văn tế: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia…”; hay câu thơ “Trai thời trung hiếu làm đầu. Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình” trong truyện Lục Vân Tiên để tự răn và tu thân.
Tại xã Lương Hòa, Giồng Trôm, một huyện trung tâm của tỉnh Bến Tre, bà Nguyễn Thị Định chào đời ngày 15-3-1920 trong một gia đình nông dân nghèo, có 10 người con. Là con út, từ nhỏ bà đã phải chịu nhiều nỗi cơ cực và thiệt thòi dưới chế độ thực dân, phong kiến, nhất là không được tới trường. Nhờ sự kèm cặp, bày vẽ của anh Ba Chẩn trong nhà mà cô Út biết đọc, biết viết.
Hấp thu lòng yêu nước của quê hương và gia đình, Út Định sớm được giác ngộ cách mạng nhờ bởi sự khai tâm của người anh ruột, Ba Chẩn. Ở tuổi “trăng tròn lẻ”, cô Út trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, nước da trắng hồng, môi thắm như quết nước trầu, tóc quăn tự nhiên. Một vẻ đẹp mặn mòi, khiến cho bao chàng trai xốn xang, nhiều phú hộ rắp ranh dạm hỏi, cưới về làm dâu.
Bấy giờ, phong trào dân chủ đang lên cao, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, khắp xứ Nam kỳ có hàng trăm Ủy ban hành động của công nhân, nông dân và công chức, do những người cộng sản và trí thức tiến bộ làm nòng cốt, được thành lập. Phong trào lan rộng về các xóm cù lao, khiến cô Út Định không quan tâm chuyện chồng con, mà chỉ say sưa nghe anh Chẩn cùng các bậc đàn anh diễn thuyết. Cô hăng hái tham gia rải truyền đơn, rồi chạy thư từ và lo đưa cơm nước cho mấy anh hoạt động. Tuy nhiên, phận làm con, “áo mặc chẳng quá đầu”. Mỗi khi về nhà, cô Út thường bị gia đình rầy hối phải lấy một người mà song thân đã chọn và dấm sẵn, đặng sớm yên bề gia thất. Hiểu lòng cha mẹ, rất hiếu thuận, nên cô chỉ cười nhẹ rồi kiếm cớ lãng tránh. Tìm gặp người của tổ chức, Út Định kể sự tình và nằng nặc đòi đi làm cách mạng, chứ ở nhà thì khó tránh khỏi chuyện thường tình. Cô nói, nếu lấy chồng, thì phải chọn người cùng chí hướng... Năm 1938, cô Út được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Thấu hiểu câu chuyện, các anh đã sắp xếp và nhắn Út Định ra một điểm hẹn để gặp một người. Đó là anh Nguyễn Ngọc Bích, một thanh niên cao ráo, đẹp trai, cùng hoạt động với anh Ba Chấn và các đồng chí khác. Cuộc gặp gỡ tại vườn quýt đã kết nối duyên phận đôi trai tài gái sắc với nhau. Gia đình cô Út đồng ý tác thành. Song le, hạnh phúc của cặp vợ chồng trẻ trôi vèo như vệt nắng giữa ngày giông bão. Kẻ thù tàn ác đã chia lìa họ ra đôi ngả.
Từ cuộc dấn thân
Khi cô Út vừa sinh con trai đầu lòng được 3 ngày, thì mật thám Pháp tới nhà bắt anh Bích - Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Bến Tre. Quá bất ngờ và đau đớn, nhưng cô hiểu ngay tâm địa của kẻ cầm quyền muốn diệt cộng sản. Bồng con đi thăm chồng, cô Út mới biết anh bị kết án 5 năm tù và 5 năm đày biệt xứ. Họ đặt tên con là Nguyễn Văn Minh (tự On), với hàm ý viên ngọc của tình yêu sáng mãi. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, người vợ trẻ hé cho chồng biết, sẽ gởi con, để thoát ly. Dẫu rất yêu vợ, thương con, nhưng anh Bích gật đầu đồng ý vì hiểu rằng chỉ có hoạt động cách mạng, thì Út mới có thể nguôi ngoai nỗi lòng.
Nhưng khi còn 2 hôm nữa mới tới hẹn với tổ chức, đi thoát ly, thì ngày 19-7-1940, mật thám ập tới bắt cả hai mẹ con cô. Tại khám Lá, cô Út biết chúng sẽ đẩy mình lên Bà Rá. Đành đoạn trao lại đứa con vừa 7 tháng tuổi đang bú sữa cho cha mẹ, lòng cô quặn đau như ai vò, ai xé. Ít hôm sau, cô Út Định bị chuyển lên một trại giam ở Sài Gòn và tình cờ, anh Bích cũng đến đây. Nhưng hai vợ chồng không thể gặp nhau. Từ trại giam trung chuyển này, anh Bích bị đày ra Côn Đảo, còn cô Út ngược lên Bà Rá, Phước Long (nay thuộc tỉnh Bình Phước) chốn rừng thiêng nước độc. Ở khu B dành cho nữ tù chính trị, các bạn tù gọi chị bằng tên thân thương, Ba Bích.
Sau hơn 3 năm bị đọa đày, tin người chồng vẫn biền biệt ngoài chốn địa ngục trần gian, cộng thêm nỗi nhớ thương con, đã khiến bệnh tim của chị Ba Bích trở nặng. Các bạn tù kiên trì đấu tranh với tụi cai ngục, buộc chúng phải đưa Ba Bích đi điều trị. Sau đó, nữ đảng viên “cứng đầu” bị đưa về quản thúc tại địa phương. Vừa gặp lại con trai lên 4 tuổi, “ngày vui ngắn chẳng tầy gang”, thì vài tháng sau, chị nhận được tin rụng rời, anh Bích đã hy sinh ở Côn Đảo. Khô cạn cả nước mắt, ngã quỵ, tưởng chừng không thể sống nổi, nhưng nhớ lời chồng dặn, chị đã nuốt buồn đau, gượng dậy. Bắt liên lạc được với tổ chức và gửi con cho mẹ rồi chị lao vào công tác.
Tham gia lãnh đạo giành chính quyền thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám 1945, chị Ba về cơ quan phụ nữ tỉnh Bến Tre. Giữa lúc hăng say công việc đoàn thể, thì chị được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ đặc biệt, ra Bắc báo cáo tình hình với Bác Hồ và Chính phủ, xin chi viện cho Nam bộ kháng chiến. Các thành viên trong đoàn gồm Đào Văn Trường - Khu bộ trưởng Khu 8, Ca Văn Thỉnh, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, Nguyễn Thị Định.
Tháng 3-1946, phái đoàn rời cửa biển Bến Tre, trên một chiếc tàu đánh cá đến Phú Yên. Từ đây, họ đáp xe lửa ra Hà Nội. Đoàn vừa tới Thủ đô hôm trước, thì hôm sau được Bác Hồ đến thăm. Báo cáo với Bác, chị Ba xúc động khi nghe Người hỏi: “Thiếu súng đạn lắm phải không? Các cô chú muốn xin bao nhiêu khẩu mang về?”. Chị thưa với Bác, dạ nhiều lắm ạ. Bác Hồ trầm ngâm: “Thế nào rồi Trung ương và Chính phủ cũng có súng gửi vào Nam. Nhưng nước ta còn nghèo, các cô, các chú phải đánh Pháp cho giỏi, cướp lấy súng của nó dùng thì cái vốn đó mới nhiều…”. Lời dạy của Bác về sau được chị Ba vận dụng sáng tạo ở chiến trường miền Nam.
Trở về, phái đoàn đi thẳng vào Quảng Ngãi, nơi đóng trụ sở của Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Nam, nhận súng, tiền và tài liệu về cho Xứ ủy Nam bộ. Tất cả vũ khí, cùng người, được xe lửa chuyển tới ga Tuy Hòa. Từ đây trở vào, địch kiểm soát gắt gao đường bộ, máy bay rà trời, tàu chiến soát biển. Sau cả tháng chờ đợi, tháng 11-1946, trên một chiếc ghe cũ, với lòng quả cảm và trí thông minh, chị Ba Định cùng đoàn vượt biển, đưa 12 tấn vũ khí về đến nơi an toàn. Trên thế giới, trong các cuộc chiến tranh, chưa một phụ nữ nào làm được công việc lớn lao như vậy.
Hiệp định Genève được ký kết, chị Ba Định ở lại miền Nam. Tiễn con trai 14 tuổi xuống tàu ra Bắc, không ngờ cuộc chia tay thành sự biệt ly vĩnh viễn.
Thời kỳ đen tối của cách mạng miền Nam bắt đầu khi Mỹ - Diệm thiết lập bộ máy cai trị từ trung ương xuống tận cơ sở, thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng”, chúng kìm kẹp và đàn áp nhân dân vô cùng tàn bạo. Bấy giờ, tỉnh Bến Tre với 115 xã, nhưng có tới 300 đồn bót địch. Hoạt động trong điều kiện ngột ngạt như vậy, chị Ba nhiều lần cải dạng làm người tu hành, người chăn vịt, người buôn bán nhỏ… qua mắt kẻ thù. Nhờ vậy, nhiều lần chị thoát chết trong gang tấc. Địch treo giá cái đầu của Tỉnh ủy viên Nguyễn Thị Định 10.000 đồng, một khoản tiền lớn lúc ấy.
Trước yêu cầu bức xúc của quần chúng cách mạng, sau khi được Khu ủy phổ biến Nghị quyết 15 của Trung ương, chị Ba Định cùng các đồng chí mình trở về, họp bàn hành động tức khắc. Các thành viên Tỉnh ủy đều dùng từ “Đồng khởi”. Hội nghị chọn huyện Mỏ Cày làm trọng điểm. Nan giải nhất là vấn đề con người và vũ khí. Để có ngay lực lượng làm nòng cốt, chị Ba đề nghị mỗi xã chọn một số tráng đinh trung kiên, lập tổ hành động; trang bị bằng dao, mác, mã tấu, giao mỗi tổ một cây súng vừa được sửa chữa để làm “vốn”.
Ngày 17-1-1960, mở đầu cho cuộc Đồng khởi ở Bến Tre. Tổ vũ trang được sự phối hợp của đồng bào, lấy gọn bót Định Thủy (Mỏ Cày). Trận thắng này đã hình thành thế trận ba mũi giáp công, một phương pháp cách mạng do Nguyễn Thị Định sáng tạo, góp phần đưa cách mạng miền Nam lên thành cao trào. Cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng phụ nữ giành thắng lợi, được Bác Hồ gọi là “Đội quân tóc dài”. Tên tuổi của Nguyễn Thị Định gắn liền với phong trào Đồng khởi vang dậy như triều dâng, thác cuốn và “Đội quân tóc dài” ở miền Nam.

Nhưng cũng trong năm này, người nữ Bí thư Tỉnh ủy lại nhận thêm một tin đứt ruột, con trai “viên ngọc” On bị bệnh, mất ngày 4-5-1960 trên đất Bắc. Trước nỗi đau đớn tột cùng, bà đã nuốt sâu tận đáy lòng, tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu mới. Tháng 5-1961, bà Định là Khu ủy viên Khu 8, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Khu 8.
Đến ngã rẽ cuộc đời
Ngày 8-3-1965, Đại hội Phụ nữ Giải phóng lần thứ nhất tổ chức tại căn cứ Dương Minh Châu (Tây Ninh) đã bầu bà Nguyễn Thị Định làm Hội trưởng Hội LHPN Giải phóng. Ít lâu sau, bà được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mời sang Bộ Chỉ huy Miền làm việc. Đại tướng thông báo, Bác Hồ và Bộ Chính trị quyết định rút chị lên làm Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Không khỏi lo lắng trước trọng trách lớn lao, nhưng bà hiểu đã nhận nhiệm vụ thì phải ráng hết sức, vừa làm, vừa học. Chính thức nhập ngũ và trở thành người chỉ huy, nhớ lời dạy của Bác Hồ từ 20 năm trước, bà học lý luận, nghiên cứu khoa học quân sự, một cách cặn kẽ và thấu đáo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”. “Vị tướng quân gái” là cách Bác Hồ tôn vinh người phụ nữ tài giỏi, trí lự và quả cảm. Phải đến năm 1974, bà mới nhận quân hàm Thiếu tướng. Đây là vị nữ tướng đầu tiên trong thời đại Hồ Chí Minh. Thượng tướng Trần Văn Trà cũng từng nhận xét, chị Ba Định là người “Có tài thao lược, ý chí cao, nghệ thuật điều hành của đội quân tóc dài, vừa hình thành tổ chức, vừa tác chiến ngay tại chiến trường vô cùng phức tạp và đã đem lại chiến thắng vẻ vang”.
Đạo diễn Đặng Hữu Vinh, người cháu rể của bà, tác giả 3 tập phim tài liệu “Nhớ cô Ba Định” dẫn tôi thăm nhà lưu niệm trong hẻm nhỏ trên đường Pasteur, quận 3 (TP. HCM). Mới hay, ở chiến trường, vị nữ tướng hầu như không mấy khi mang quân phục. Trang phục quen thuộc vẫn bộ bà ba, khăn rằn choàng cổ, đội nón lá, đi dép râu, nghỉ ngơi trên chiếc võng bạt, đắp mền dù. Nhưng trong chiếc túi khoác của bà Định luôn có hộp kim và cuộn chỉ, để khâu vá áo cho bộ đội. Những người lính truyền nhau, cứ ở đâu có “chị Ba” thì ở đó cuộc sống của anh em tươi hẳn. Ai cũng yêu quý và kính trọng người chỉ huy bình dị với nụ cười đôn hậu trên môi.

Mùa khô năm 1967, Mỹ - ngụy mở cuộc hành binh quy mô lớn Gian-xơn Xi-ty (Junction) dài gần 2 tháng trời. Địch huy động 45.000 quân, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não cách mạng, gồm Trung ương Cục, Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, Bộ Chỉ huy Miền, đồng thời “bẻ gãy xương sống Việt cộng”… Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định trực tiếp chỉ huy các đơn vị tuyên huấn, văn công, du kích các cơ quan, đoàn thể tham gia đánh địch, chống càn. Họp toàn thể anh chị em, bà nói, mình ít người, ít vũ khí, phải chia thành các tổ nhỏ, đào công sự, đón đánh địch, làm cho chúng không biết đâu mà lần. Bà điềm tĩnh chỉ huy chiến đấu. Sau mấy ngày quần nhau ác liệt, Bộ Chỉ huy Miền nhận tin, du kích khối cơ quan do chị Ba chỉ huy đã bắn cháy một số xe tăng địch.
Tháng 3-1970, Mỹ bật đèn xanh cho Lonnon đảo chính lật đổ Norodom Sihanouk, hòng triệt phá các căn cứ của ta dọc biên giới và cả trên đất Campuchia. Tình thế rất nguy nan. Nắm vững tình hình, bà Định chủ động trao đổi với lãnh đạo H12 (Trường quân chính sơ cấp Miền, tiền thân của Trường Sĩ quan Lục quân 2). Bà chỉ đạo gấp rút hình thành lực lượng tập trung thống nhất, để đủ sức đối phó; ngụy trang chu đáo các kho tàng, phân tán kho lớn, đem vũ khí gọn nhẹ như AK, “bá đỏ”, B40, K63… chia cho các đơn vị giữ và chiến đấu. Dám nghĩ, dám chịu trách nhiệm trước cấp trên, bà quyết định đánh. Khi nghe Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát trao đổi phương án di chuyển cơ quan về phía Nam, với tầm nhìn của một nhà quân sự, bà Định phân tích, nếu làm vậy sẽ mắc mưu địch. Vị Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời đồng ý. Trong khi Mỹ ùn ùn đổ quân, xe tăng hùng hổ bao vây, máy bay B-52 liên tục dội bom… bà Định cùng ông Huỳnh Tấn Phát dẫn cơ quan gần cả ngàn con người, lặng lẽ băng rừng dưới mưa đến nơi an toàn.

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Nguyễn Thị Định là Ủy viên Trung ương Đảng 3 khóa liên tục (IV, V, VI), đại biểu Quốc hội 3 khóa (VI, VII, VIII). Bà nhận lãnh nhiều trọng trách nặng nề, Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Nhiều phần thưởng cao quý, bà được trao tặng, như: Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin...

Trọn đời vì cách mạng
Khi ở cương vị công tác cao nhất, bà Ba Định vẫn giữ tác phong gần dân và chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân. Ngoại trừ lúc bận họp hay đi công tác, còn thì người dân đến xin gặp lúc nào, bà cũng vui vẻ tiếp, kể cả khi đang ăn cơm. Giúp đỡ, minh oan cho nhiều người, bà được coi là “Bao Công thời nay”. Trên hết, với tất cả tấm lòng, bà đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo và bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, đáp ứng nhu cầu đổi mới của đất nước. Khi lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, bà có những thay đổi tích cực, khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ và đội ngũ cán bộ nữ trong cả nước.
Tuổi cao, bàn giao công việc cho người kế nhiệm, bà Định thanh thản trở về Nam. Hành lý trên vai, một bên là bọc hài cốt của con trai, bên kia là tro cốt con một người đồng chí. Cứ thế, bà lặng lẽ lên xe giữa mùa đông giá buốt căm căm. Ông Ba Bích, người bạn đời thân yêu của bà, vẫn nằm tại Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo. Bà sống an nhiên những ngày cuối cùng

Đêm 26-8-1992, bà Nguyễn Thị Định nhẹ cánh bay về cõi hạc, đi gặp Bác Hồ kính yêu, khép lại một cuộc đời tận tụy vì dân, vì nước. Nào ai ngờ, người phụ nữ xinh đẹp, tài ba, đức độ nhường ấy mới chỉ được hưởng hạnh phúc lứa đôi chưa tròn tháng! Bao mất mát hy sinh đổ ập xuống, nhưng bà vẫn kiên cường trụ vững và tỏa sáng.
Sau khi mất, bà an nghỉ tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội. Người con trai, Nguyễn Văn Minh (tự On) cũng được nằm bên mẹ.
Để tri ân công lao đóng góp to lớn và những cống hiến xuất sắc của đồng chí Nguyễn Thị Định, ngày 30-8-1995, Nhà nước đã truy tặng bà danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, nhất là với Nam bộ “Thành đồng Tổ quốc”, bà là hiện thân của vẻ đẹp thuần khiết và tuyệt vời của phụ nữ Việt Nam. Có thể nói bà Ba Định là “hậu duệ” xứng đáng của Bà Trưng, Bà Triệu. Không chỉ là nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác văn học, nghệ thuật, hương linh của bà được rước thờ trong Đền thờ Hai Bà Trưng ở Hát Môn, Hà Nội. Nhiều đường phố, trường học trong cả nước, được mang tên nữ tướng Anh hùng. Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định tại quê nhà Lương Hòa, Giồng Trôm, trở thành một điểm du lịch về nguồn hấp dẫn...
Ảnh: TL