column_right getExtensions 1716064859-1716064859

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1716064859-1716064859

NỮ LÃNH ĐẠO KHỞI NGHĨA Ở VŨNG LIÊM

NỮ LÃNH ĐẠO KHỞI NGHĨA Ở VŨNG LIÊM

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:02-06-2023

NỮ LÃNH ĐẠO KHỞI NGHĨA Ở VŨNG LIÊM

Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ rung chuyển đất trời phương Nam, vang dội khắp cả nước, diễn ra vào nửa cuối tháng 11-1940, có một nữ Bí thư Quận ủy trẻ tuổi, từng là một nhà báo, người trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa ở quận Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Đó là bà Nguyễn Thị Hồng, tên khai sinh là Hà Thị Lan.

Bà Nguyễn Thị Hồng (1915-1992)

Bà chào đời vào năm 1915 tại làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), trong một gia đình nông dân nghèo. Song thân là cụ ông Hà Văn Sâu và cụ bà Lương Thị Nữ, vốn có truyền thống yêu nước, hiếu học.

Sau khi ba tổ chức cộng sản hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ một thời gian ngắn, nhiều tổ chức cơ sở đảng được hình thành ở Nam Kỳ. Tuy mới 15 tuổi, Hà Thị Lan đã được dìu dắt tham gia cách mạng, hoạt động trong ban Đồng Ấu, ca hát cổ vũ lòng yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm của dân tộc. Tới khi chính quyền thực dân cai trị phát hiện được và ra lệnh cấm đoàn hát hoạt động, tổ chức phân công Hà Thị Lan làm công tác giao liên; nhận lãnh nhiệm vụ rải truyền đơn, chuyển sách báo tài liệu của Đảng về Sài Gòn. Một lần, bị địch bắt, song bà đã mưu trí tìm cách trốn thoát và chuyển địa bàn hoạt động về Cà Mau.

Nhờ được học hành và có chữ nghĩa, bà Nguyễn Thị Hồng bước vào nghề báo. Năm 1938, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và trở thành một cây bút của báo Dân chúng (do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Hà Huy Tập, sáng lập và chủ trì). Tờ báo xuất bản công khai. Với bút danh Hồng Hoa, bà viết bài tuyên truyền, góp phần giác ngộ quần chúng đấu tranh chống thực dân và phát xít, cổ vũ cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Thời gian công tác ở Cần Thơ, bà Hồng tham gia hoạt động kỷ niệm 150 năm ngày quân khởi nghĩa Pháp đánh chiếm ngục Bastille (14-7-1789). Thực chất bên trong là một cuộc mít tinh nhằm tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở thuộc địa, hô hào các tầng lớp dân chúng noi theo tinh thần “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” của cách mạng Pháp ở chính quốc, vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc. Thay mặt cho giới phụ nữ, các đại biểu trí thức, nông dân và lao động phát biểu, bà Nguyễn Thị Hồng kêu gọi nhân dân đứng lên chống thực dân Pháp. Cuộc mít tinh gây bất ngờ lớn, khiến nhà cầm quyền thực dân hết sức lúng túng tìm cách đối phó.

Từ tháng 4-1938, Chính phủ cánh hữu do E. Daladier đứng đầu lên cầm quyền, từng bước xóa bỏ các thành quả tự do dân chủ giành được trong thời kỳ Mặt trận Bình dân Pháp. Lợi dụng tình thế này, bọn phản động ở Đông Dương càng ra tay bóp nghẹt tự do dân chủ. Đầu tháng 9-1939, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, các nước thuộc địa bị cuốn vào guồng máy chiến tranh. Sau khi E. Daladier ra sắc lệnh giải tán Đảng Cộng sản Pháp và bắt bớ những người cộng sản ở chính quốc thì Toàn quyền Đông Dương G. Catroux cũng ra nghị định “Cấm tất thảy mọi hoạt động trực tiếp hay gián tiếp tuyên truyền khẩu hiệu của Quốc tế Cộng sản hoặc những tổ chức do Quốc tế Cộng sản kiểm soát”; “Giải tán Đảng Cộng sản, những tổ chức hoặc cá nhân nào có liên hệ với Đảng Cộng sản…”.

Bấy giờ, nữ đồng chí Nguyễn Thị Hồng được Xứ ủy phân công về hoạt động ở tỉnh Vĩnh Long. Là Tỉnh ủy viên, Bí thư Quận ủy Vũng Liêm, bà cùng với đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long (sau làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ), hai người tuyên truyền giác ngộ và giới thiệu anh thanh niên Phan Văn Hòa (tên khai sinh của đồng chí Võ Văn Kiệt) quê ở xã Trung Hiệp, quận Vũng Liêm vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đây, Phan Văn Hòa làm Bí thư chi bộ, rồi Quận ủy viên Quận ủy Vũng Liêm, tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tại địa phương. Với tài năng và đức độ của mình, trong hai cuộc kháng chiến, ông được Đảng giao đảm trách nhiều mảng công việc quan trọng. Trở thành Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, đồng chí Võ Văn Kiệt (1922-2008) là một trong những kiến trúc sư hàng đầu của công cuộc đổi mới đất nước.

Nằm cách tỉnh lỵ tỉnh Vĩnh Long chừng 35km về hướng đông nam, quận Vũng Liêm là một địa bàn có nhiều kênh rạch, cù lao, đồng ruộng phì nhiêu và miên man cây trái. Đây là vùng đất nức tiếng về truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm; là một trong những nơi phát triển phong trào Đông Du, Duy Tân… Bấy giờ, toàn quận chỉ có 12 làng, nhưng một nửa trong đó đã có lực lượng du kích và cơ sở cách mạng.

Theo kế hoạch của Xứ ủy, tại vàm Nước Xoáy, thuộc xã Hòa Hiệp, quận Tam Bình, đã diễn ra cuộc hội nghị kiểm tra tình hình và thành lập Ban chỉ đạo khởi nghĩa tỉnh Vĩnh Long, do Bí thư Tỉnh ủy Thái Văn Đấu làm Trưởng ban; Phó bí thư Tỉnh ủy Ngô Thị Huệ (sau là Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) làm Phó ban, kiêm chỉ đạo khởi nghĩa ở quận Châu Thành (Long Hồ). Thành viên Ban khởi nghĩa gồm các đồng chí: Nguyễn Thị Hồng (Vũng Liêm), Nguyễn Hiếu Tự (Tam Bình), Quảng Trọng Hoàng và Nguyễn Hùng Phước, chỉ đạo về quân sự. Hội nghị đánh giá, các quận Tam Bình, Vũng Liêm, Châu Thành (Long Hồ), tình hình chuẩn bị lực lượng tương đối khá, ta có một số nhân mối trong binh lính địch. Các địa phương này, ta đều nắm được quần chúng, nhiều nơi có du kích mật được luyện tập võ nghệ, có khả năng cướp súng giặc, đánh địch giành chính quyền…

Tuy nhiên, đến phút chót do bị lộ, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã không nổ ra ở Sài Gòn đêm 22 rạng ngày 23-11-1940 như kế hoạch, nhưng vẫn bùng phát tại các địa phương khác như: Biên Hòa, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ… với quy mô và mức độ khác nhau. Tại các địa phương như Hòn Khoai (Cà Mau); Cần Giuộc, Đức Hòa (tỉnh Chợ Lớn); Vũng Liêm… cuộc khởi nghĩa nổ ra rất mãnh liệt.

14 giờ ngày 22-11-1940, lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ về đến Tỉnh ủy Vĩnh Long. Ban lãnh đạo khởi nghĩa quận Vũng Liêm họp, chỉ đạo tập trung vào trọng điểm quận lỵ, lấy các làng làm diện. Tại quận lỵ, du kích và quân khởi nghĩa chia làm ba mũi. Bí thư Quận ủy Nguyễn Thị Hồng trực tiếp chỉ huy một mũi với hơn 80 người đánh chiếm dinh quận, áp đảo; bà dùng loa tay kêu gọi binh sĩ địch ra hàng, thu súng. Truyền đơn, băng cờ cách mạng xuất hiện trên nhiều ngả đường. Tiếng trống mõ thúc giục, quân khởi nghĩa với giáo mác và tầm vông vạt nhọn, hừng hực khí thế. Chỉ sau một giờ đồng hồ, ta đã làm chủ quận Vũng Liêm, đốt toàn bộ sổ sách “nhà việc”, tập hợp người dân tuyên truyền thắng lợi. Tên chủ quận Lê Phú Hải hốt hoảng cải dạng làm người câu cá chạy trốn về hướng Trà Vinh.

Trong lúc mũi chủ công đánh chiếm quận Vũng Liêm thì các đội nghĩa quân khác đánh đồn Trung Nghĩa và đồn Qưới Thiện, nhấn chìm bắc (phà) Nước Xoáy. Khi thực dân Pháp điều lính từ Trà Vinh lên, từ Vĩnh Long xuống chiếm lại quận Vũng Liêm thì quân khởi nghĩa nhanh chóng rút về Trung Hòa, Hiếu Kinh. Lúc ấy, ta còn khoảng 200 chiến sĩ, với 20 súng.

Tinh thần quật khởi của nhân dân miền Nam trong khởi nghĩa Nam Kỳ

Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp ra sức truy lùng, bắt bớ đàn áp hết sức khốc liệt. Hầu hết các lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh ủy Vĩnh Long đều bị sa vào tay giặc. Chỉ tính riêng quận Vũng Liêm đã có tới 467 người bị bắt, trong đó có 164 người bị đày ra Côn Đảo. Bí thư Quận ủy Nguyễn Thị Hồng và đồng chí Phan Văn Hòa nhiều lần qua được mắt địch, thoát về mạn Rạch Giá tiếp tục hoạt động. Thời gian làm Bí thư Quận ủy Châu Thành, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang), bà Hồng bị địch bắt và kết án 05 năm tù giam.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, thoát khỏi ngục tù, bà Nguyễn Thị Hồng nhận công tác ở quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc Đồng Tháp). Tiếp đó, bà được điều động trở lại làm Bí thư Quận ủy Vũng Liêm. Bà không đi tập kết mà được phân công ở lại tiếp tục hoạt động gây dựng phong trào cách mạng ở địa phương. Năm 1958, giữa vòng vây và sự kiềm tỏa khốc liệt của chính quyền Ngô Đình Diệm, bà đảm nhiệm Bí thư Thị ủy Trà Vinh. Tuy nhiên về sau, do sức khỏe sút kém, bà được Đảng phân công làm Trưởng ban giao liên tỉnh Cần Thơ, rồi rút về Khu 9 làm cán bộ chỉ đạo phong trào.

Người bạn đời của bà là ông Trần Thành Đại, từng làm Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh. Ông bà đã sát cánh bên nhau hoạt động và công tác, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đóng góp cho kháng chiến và cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bà Nguyễn Thị Hồng tạ thế ngày 2-3-1992. Khi ấy, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gửi vòng hoa, với dòng chữ: “Kính viếng người chị, người thầy và đồng chí thân thương nhất”.

NGUYỄN LAN CHI

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:604
Trong tuần:1514
Trong tháng:1514
Cả năm:1514
Tổng lượt xem:1514