column_right getExtensions 1714937539-1714937539

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714937539-1714937539

NỮ ANH HÙNG BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN

NỮ ANH HÙNG BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:27-07-2023

NỮ ANH HÙNG BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN

Chị Đoàn Thị Ánh Tuyết lúc tuyên dương Anh hùng LLVTND (1978)

Quê gốc ở xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi, nhưng chị Đoàn Thị Ánh Tuyết được sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn (1951). Gia đình ba má chị là cơ sở cách mạng. Năm 14 tuổi, cô nữ sinh trường Gia Long tham gia hoạt động bên cánh học sinh thuộc Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định. Tham gia treo cờ Mặt trận, rải truyền đơn, xây dựng cơ sở, vận chuyển tài liệu, chị ao ước được trở thành người chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trả thù cho bà con cô bác.

Lòng căm thù giặc đã giúp Ánh Tuyết can đảm học lái xe, sử dụng súng và thành thạo cách cấu tạo chất nổ. Năm 1968, từ Thành Đoàn chị xin chuyển về Đội biệt động N13 thuộc Phân khu 6, lãnh nhiệm vụ chiến đấu ngay trong lòng địch. Từ sau cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968, Mỹ ngụy tung gián điệp, rải mật vụ chìm khắp nơi. Nhiều cơ sở nội thành của ta bị bể, lực lượng tổn thất nặng. Địch huênh hoang: “Việt cộng thua đau phải trốn chui, trốn nhủi vào rừng!”. Xong khóa huấn luyện, Ánh Tuyết trở lại Sài Gòn, ngụ trong một gia đình cơ sở. Nơi đây thành trạm tiếp nhận vũ khí, chất nổ từ căn cứ đưa vào. Năm 1969, chị vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Để kiếm sống và tạo vỏ bọc, Ánh Tuyết đi bỏ báo, nhận dạy kèm, lãnh thêm áo dài về may, v.v... Đầu năm 1970, chị được phân công đánh Tòa hành chánh quận 3. Đây là một trong những nơi lưu trữ hồ sơ của địch, nên chúng kiểm soát rất ngặt. Nhờ điều nghiên cứu nắm vững quy luật hoạt động của địch, quyết định chọn thời cơ đánh, chị đưa quả mìn hẹn giờ giấu trong túi xách đặt vào tòa nhà. Mìn phát nổ, hàng chục tên ác ôn phải đền tội, kho hồ sơ bị thiêu hủy.

*

Nhận nhiệm vụ đánh Trung tâm báo chí quốc gia ở góc đường Lê Lợi và Tự Do (nay là đường Đồng Khởi) gần trụ sở Hạ viện nghị viện (Quốc hội ngụy), trong vai một nữ sinh áo dài, Ánh Tuyết vờ ôm sách ngồi học ở ghế đá gần đó, để quan sát. Chị ghi nhớ cách ăn mặc của các nữ ký giả, đồng thời chị tìm hiểu cả thói quen của họ. Mỗi khi qua cổng, từng người phải đưa túi xách và máy ảnh cho lính soát xét. Ánh Tuyết lân la bắt quen được với một lính gác. Thông qua những món quà tặng cho vợ con tên này, chị khai thác được quy luật họp báo và cả lịch trình gác xách của hắn cũng như tình hình ở Trung tâm báo chí. Nhờ vậy, chị lọt được vào bên trong để quan sát, lúc về ngồi vẽ lại sơ đồ tòa nhà báo cáo với cấp trên.

“Làm cách nào để đưa được chất nổ vào bên trong trót lọt?”. Cận kề ngày hành động, Ánh Tuyết vẫn bí rị. Chợt thấy tấm thiệp cưới trên bàn, một tia chớp loé lên trong đầu chị. Để có thể ôm khối chất nổ C4 nặng 4 kg gọn gàng, chị lấy gạch đá trộn với cát cho đủ bằng ấy trọng lượng rồi dồn vào chiếc hộp thiếc tròn để tập. Rồi dượt động tác, dáng đi nhiều lần cho thật nhuyễn.

Chiều mùng ba Tết Canh Tuất (8-2-1970), đường phố Sài Gòn tấp nập người qua lại. Một nữ đồng đội dùng Honda 50 chở Ánh Tuyết đến cổng Trung tâm báo chí. Trong vai một nữ ký giả đi dự tiệc cưới, chị cười tươi mở ví lấy phong bao tiền lì xì vợ con tên lính gác mới quen và chị đàng hoàng ôm món “quà cưới” trong tay qua cổng mà không hề bị soi xét.

Lên lầu, hai người lấy đồ ra trang điểm tự nhiên. Khéo léo để hộp thiếc vào đúng chỗ, chị day qua đùa giỡn đám sĩ quan ngụy, còn Hạnh điềm nhiên trò chuyện với tụi Mỹ. Nhưng chỉ một loáng, cả hai đã ra khỏi phòng, xuống tầng trệt và nhảo ngay ra cổng. Ánh Tuyết cười tỉnh bơ, lấy cớ đi mua tờ giấy bao gói quà.

Chiếc Honda rồ ga. Đèn phố bật sáng. Đã tới giờ sao vẫn im ắng? Câu hỏi quay cuồng trong đầu Ánh Tuyết? Giây lát, chị quyết định quay lại. Nếu địch phát hiện được khối thuốc nổ thì coi như cơ hội đánh mục tiêu này sẽ không còn. Nguy nhất là chúng sẽ lần theo dấu vân tay và không khó để truy ra đối tượng. Khi chiếc xe máy vừa chớm tới công trường Lam Sơn thì ánh chớp nhoáng lên, rồi một tiếng nổ kinh hoàng, rung chuyển. Những tiếng la lớn, hoảng loạn: “Việt cộng tấn công…!”. Hai chị em quay xe vọt lẹ. Tòa nhà Trung tâm báo chí bị hư hỏng nặng, toàn bộ hồ sơ, tài liệu thành tro bụi. 28 tên tình báo Mỹ ngụy phải đền tội. Đội biệt động N13 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Đoàn Thị Ánh Tuyết được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

Tháng 8-1970, chị lãnh nhiệm vụ đánh Tòa hành chánh Gia Định, nơi tập trung nhiều cảnh sát và tề ngụy thuộc hạng chóp bu của tỉnh. Đây cũng là nơi có đông người dân qua lại làm các thủ tục giấy tờ, vì vậy phải chọn thời điểm đánh cho thích hợp để tránh không gây thương vong cho dân. Ánh Tuyết phát hiện với những người phụ nữ có bầu thì hầu như địch không mấy để ý! Cuối ngày làm việc, người dân ít qua lại, đám nhân viên chuẩn bị bãi sở. Trong vai một bà bầu đi tìm người thân, sau khi đặt được khối thuốc nổ, chị tìm cách lẩn ra ngoài. Mấy phút sau, một tiếng nổ lộng óc phát ra. 17 tên địch bị diệt.

*

Sau 7 trận lớn nhỏ, đánh sập một số mục tiêu trọng yếu, diệt 60 tên địch (chủ yếu là sĩ quan, ác ôn), tháng 10-1970, chị Ánh Tuyết bị bắt, do kẻ chiêu hồi chỉ điểm. Trải qua nhiều cực hình tra tấn dã man, chị vẫn không hé nửa lời. Tại “địa ngục trần gian” Côn Đảo, chị vẫn tiếp tục đấu tranh, giữ vững khí tiết. Những vần thơ mộc mạc của chị đã nói lên tất cả: “Dụ dỗ không xong lại khảo tra/ Thành trì bảo mật chỉ làn da/ Chết đi sống lại bao nhiêu trận/ Kẻ thắng sau cùng nhất định ta!”.

Sau 5 năm bị địch đầy đọa, chị Ánh Tuyết được trở về đất liền. Những ngày đầu thành phố Sài Gòn mới được giải phóng, do yêu cầu nhiệm vụ, chị được tăng cường về Quận ủy Quận 2. Ngày 6-11-1978, Đoàn Thị Ánh Tuyết được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đại tá Đoàn Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Bảo tàng LLVT miền Đông Nam Bộ

Từ cơ quan Bộ Tư lệnh Đặc công, đầu năm 1980, chị về làm trợ lý thanh niên, phụ trách công tác Đoàn của lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh. Chị lần lượt giữ chức Trưởng ban Chính sách, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố, Phó Giám đốc Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ, v.v… Ở cương vị nào, chị cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ và được đồng chí, đồng đội yêu mến, tin cậy. Tên tuổi của chị được định vị trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam.

Anh hùng LLVTND Đoàn Thị Ánh Tuyết (bên phải) tại Đại hội đại biểu phụ nữ TP Hồ Chí Minh lần thứ X (tháng 10/2016)

Người bạn đời của chị, anh Huỳnh Đảm nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trở về với cuộc sống đời thường, Đại tá Đoàn Thị Ánh Tuyết vẫn luôn tâm niệm mình là “Bộ đội Cụ Hồ”, là chiến sĩ Biệt động Sài Gòn!

Bài và ảnh: NGUYỄN MINH NGỌC

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:65
Trong tuần:65
Trong tháng:8255
Cả năm:8255
Tổng lượt xem:8255