column_right getExtensions 1714914130-1714914130

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714914130-1714914130

“NƠI HẦM TỐI… LÀ NƠI SÁNG NHẤT”

“NƠI HẦM TỐI… LÀ NƠI SÁNG NHẤT”

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:23-06-2023

“NƠI HẦM TỐI… LÀ NƠI SÁNG NHẤT”

Ấy là câu thơ trong bài “Đất quê ta mênh mông” nổi tiếng của nhà thơ Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc) thời chiến tranh, bài thơ được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc làm rung động con tim của biết bao người. Nói về địa đạo thì trước tiên phải nói đến Củ Chi, nơi gắn liền với những kỳ tích của chiến tranh nhân dân thắng Mỹ. Địa đạo ở vùng “Đất thép Thành đồng” đã trở thành biểu tượng sáng chói của lòng yêu nước và ý chí bất khuất, quật cường, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Công trình đánh giặc thuộc loại sáng tạo độc đáo có một không hai này chưa bao giờ xuất hiện trong lịch sử các cuộc chiến tranh vệ quốc ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới.

Sơ đồ mô phỏng hệ thống địa đạo Củ Chi

Vùng đất Củ Chi gắn với lịch sử các bậc tiền nhân mở cõi xuôi về phương Nam. Từ hơn 300 năm trước, những cư dân người Việt đã ngược theo sông Sài Gòn, sông Thị Tính, đến vùng đất này khẩn hoang, lập ấp, mở làng, gây dựng cơ nghiệp. Cuộc chống chọi với thiên nhiên hoang dã đầy khắc nghiệt trên vùng đất mới đã tạo nên tinh thần cố kết, trí thông minh, tính cần cù và lòng quả cảm của con người. Dưới thời Pháp cai trị, địa bàn này thuộc quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Từ năm 1957, chính quyền Sài Gòn cắt một số xã phía bắc Hóc Môn, lập nên quận Củ Chi trực thuộc tỉnh Bình Dương. Tháng 10-1963, quận Củ Chi được chia tách thành quận Phú Hòa thuộc Bình Dương và quận Củ Chi (mới) thuộc tỉnh Hậu Nghĩa vừa thành lập (nay thuộc Long An). Sau ngày đất nước thống nhất, hai quận này được sáp nhập trở lại, thành huyện Củ Chi của Sài Gòn - Gia Định (nay là TP. HCM).

Về nguồn gốc địa danh Củ Chi, có nhiều cách lý giải, song hầu hết các nhà nghiên cứu đều nghiêng về tên gọi một loại cây thân gỗ mọc thành cổ thụ có nhiều ở vùng đất này từ thưở khai thiên phá thạch. Đó là cây Mã Tiền, tên khoa học là Strychnos nux-vomica, thuộc họ Loganiaceae, độc dược. Trong cuốn “Hán - Việt tự điển” học giả Đào Duy Anh chú giải: Mã Tiền tức là Củ Chi, dùng để làm thuốc. Nhà văn hóa Huỳnh Tịnh Paulus Của, trong sách “Đại Nam quốc âm tự vị” ghi rõ: Củ Chi là cây Mã Tiền, vị thuốc trị phong bại. Như vậy, Củ Chi là tên dân dã gọi cây Mã Tiền, được chọn làm địa danh để chỉ một vùng đất.

Gần 30 năm chống ngoại xâm, đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vùng đất này là căn cứ đứng chân của Khu ủy và Quân khu Sài Gòn - Gia Định (T4), của Huyện ủy, Huyện đội Củ Chi, cùng một số các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang cách mạng.

Với tinh thần “tuốt gươm, không chịu sống quỳ”, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp gây hấn và trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, cùng với cả Nam Bộ và Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định, với truyền thống quê hương “Mười tám thôn Vườn Trầu”, người dân nơi đây đã anh dũng đứng lên cầm vũ khí chống giặc. Từ năm 1947-1948, địa đạo xuất hiện ở hai làng Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An, ban đầu tuy hãy còn đơn sơ nhưng thực sự đã phát huy tác dụng, trở thành điểm tựa cho bộ đội và du kích bám dân, chiến đấu. Tuy nhiên, thời điểm manh nha của địa đạo thì sớm hơn, ngay sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940. Số là, bị khủng bố và truy lùng ráo riết, sau nhiều ngày lánh trong rừng hoặc trú náu ở ngoài đồng bưng, nhưng vẫn không được yên ổn, một số nghĩa quân bèn nghĩ cách lui về quê đào hầm ẩn núp với sự bảo bọc của làng xóm và gia đình. Trong số này có ông Trần Văn Hồ (Ba Hồ) ở ấp Cây Da, làng Tân Phú Trung.

Giữa năm 1946, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Gia Định, ông Tô Ký về xem xét hệ thống hầm bí mật tại Tân Phú Trung. Gặp anh Ba Hồ, nghe kể tỉ mỉ quá trình đào hầm bí mật, ông Tô Ký trực tiếp đi kiểm tra cụ thể. Trên cơ sở nhận xét đánh giá của một cán bộ chỉ huy quân sự, Tỉnh ủy Gia Định dành hẳn một nghị quyết về xây dựng hầm bí mật. Quá trình triển khai thực hiện, nhiều kinh nghiệm được đúc rút và kịp thời bổ khuyết, hầm được kéo dài thành từng đoạn đường ngầm không chỉ độc một cửa mà được khoét thành nhiều ngách có lỗ thông hơi, có nắp đậy kín đáo, vững chãi. Xuất phát từ thực tế cuộc kháng chiến và những yêu cầu bức thiết của việc bảo tồn lực lượng để bám trụ và đánh giặc, hệ thống đường hầm liên tục được cải tiến đầy sáng tạo. Ngay khi đường hầm vừa hình thành, mọi người mau chóng thống nhất cách gọi là “địa đạo”. Theo từ Hán - Việt, địa là đất, còn đạo là con đường, “địa đạo” nghĩa là đường dưới lòng đất.

Trong lòng địa đạo

Sau khi thiết lập được bộ máy cai trị, thực hiện âm mưu “tố cộng, diệt cộng”, Mỹ - Diệm mặc sức đàn áp những người yêu nước, thực hiện mưu đồ chia cắt đất nước ta lâu dài. Để có thể bám nắm được dân và hoạt động, cán bộ, đảng viên phải xây dựng các cơ sở quần chúng bí mật, làm nòng cốt lãnh đạo cuộc đấu tranh chính trị và từng bước hoạt động vũ trang nhỏ lẻ. Cùng với việc đào hầm bí mật, các đoạn đường ngầm cũ thời “chín năm” được phục hồi và tu bổ lại. Phong trào kiến tạo địa đạo phát triển mạnh và trở thành nhu cầu bức thiết ở Củ Chi. Nhà nhà làm địa đạo, người người đào địa đạo. Từ liên gia đến liên thôn, liên xã, hệ thống địa đạo được hình thành rộng khắp, giúp quân và dân Củ Chi vững vàng bước vào cuộc chiến đấu mới đầy cam go, thử thách.

Địa đạo Củ Chi xuất hiện sớm nhất, song không phải là duy nhất. Ở miền Bắc, thời chống Mỹ, ngay vùng cận kề giới tuyến tạm thời có địa đạo Vĩnh Mốc, thuộc xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Nó được kiến tạo vào khoảng 1966-1967, gồm ba tầng, có bậc thang lên xuống uốn lượn. Các tầng 1 và 2 đều có giếng nước, nhà vệ sinh… Khu trung tâm có hội trường, bệnh xá, nhà hộ sinh. Đây là nơi trú tránh bom đạn của người dân, lúc cao điểm có thể chứa tới 1.200 người.

Hầm phẫu thuật

Ở miền Đông Nam Bộ, còn có địa đạo Phú Thọ Hòa, thuộc tổng Dương Hòa Thượng, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay thuộc phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP. HCM). Đây là nơi trú ém của một số đơn vị vũ trang ta trước lúc xuất quân đánh địch, trong đó có tổ chiến sĩ Tiểu đoàn Quyết tử 950 do các Anh hùng LLVTND Bùi Văn Ba và Phạm Văn Hai thực hiện (31-5-1954) đánh tổng kho Phú Thọ Hòa của địch, thiêu hủy khoảng 10 triệu lít xăng dầu và gần 10.000 tấn bom đạn. Ngoài ra, còn phải kể đến địa đạo Long Phước, ở huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu…

Bếp giấu khói Hoàng Cầm

Tuy nhiên, hầu hết các địa đạo kể trên chủ yếu làm nơi trú ẩn hoặc giấu quân, chờ thời cơ chiến đấu, hay dùng cất trữ lương thực, đạn dược. Chỉ duy nhất địa đạo Củ Chi trở thành “địa đạo chiến”, là nơi trực tiếp đánh giặc. Trong cuộc đọ sức với Mỹ, tên đế quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới, dựa vào đôi tay, chỉ bằng cuốc ngaoky chệt, quân và dân Củ Chi đã kiến tạo được gần 250km địa đạo. Từ trục xương sống, hệ thống đường ngầm tỏa dọc ngang chi chít trong lòng đất như mạng nhện. Dưới địa đạo có đủ hầm cho y tế, cơ yếu, hậu cần, lại có cả giếng nước và bếp giấu khói Hoàng Cầm… Dựa vào địa đạo và chiến hào, trên dải đất mà bom đạn giặc Mỹ hủy diệt thành “vùng trắng”, lực lượng cách mạng vẫn phát triển và không ngừng lớn mạnh. Và trong lòng địa đạo đã có biết bao câu chuyện đầy bi tráng. Những chiến công của bộ đội và du kích Củ Chi “xuất quỷ, nhập thần” từ lòng đất xông lên đánh địch rồi rút êm, đã khiến cho kẻ thù kinh hoàng, bạt vía; đồng thời làm nức lòng phấn khởi nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Cuốc ngao và ky chệt, dụng cụ chính đào địa đạo

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông gấm vóc thu về một mối, năm 1976, Thiếu tướng Trần Văn Danh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh báo cáo kế hoạch phục chế, bảo tồn địa đạo Củ Chi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đại tướng đã cho ý kiến, chỉ đạo cụ thể.

Thiếu tướng Trần Văn Danh, Tư lệnh BTL TP.HCM báo cáo kế hoạch phục chế, bảo tồn địa đạo Củ Chi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1976)

Tuy nhiên, kế hoạch chưa kịp triển khai vì sau đó tình hình trên biên giới Tây Nam diễn biến phức tạp và ngày một xấu đi. Trong khi cơm chưa đủ no, áo chưa đủ lành, quân và dân cả nước ta lại phải gồng mình với cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở cả hai đầu biên giới. Nhưng với sự quan tâm sâu sắc của cấp ủy, chính quyền và LLVT thành phố mang tên Bác Hồ, công việc phục chế, tôn tạo vẫn được tiến hành. Khởi đầu từ một số đoạn đường hầm ở ngã ba Bến Dược, vốn là căn cứ của T4 thời đánh Mỹ, diện mạo khu di tích địa đạo từng bước hình thành và phát huy tác dụng.

Ngày 29-4-1979, Khu địa đạo Bến Dược (thuộc ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, Củ Chi) được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 54/VHQĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin. Hệ thống địa đạo Bến Đình (thuộc xã Nhuận Đức) cũng được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 101/QĐ-BVHTT, ngày 15-12-2004 của Bộ Văn hóa - Thông tin.

Nhờ làm tốt công tác giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; đồng thời quảng bá rộng rãi, giúp cho bạn bè năm châu hiểu được tầm vóc vĩ đại của cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do của nhân dân ta, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh (Quân khu 7) được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì “Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 2005-2014, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc” (30-5-2015). Tiếp đó, Địa đạo Củ Chi được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2367/QĐ-TTg, ngày 23-12-2015, xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Hàng chục năm qua, Địa đạo Củ Chi trở thành một điểm đến không thể thiếu đối với du khách thập phương. Thật khó liệt kê hết có bao nhiêu đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, cùng các phái đoàn nguyên thủ của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ; các đảng phái, tổ chức chính trị xã hội trên thế giới đã viếng thăm nơi này. Ngày 09-02-1992, khi về dâng hương ở đền Bến Dược, đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VII) khẳng định: “Địa đạo Củ Chi là một biểu tượng của lòng yêu nước và ý chí bất khuất kiên cường vì độc lập, tự do của nhân dân ta”.

Đến với Củ Chi hôm nay không chỉ bằng đường bộ, mà còn đường thủy theo sông Sài Gòn, du khách trong và ngoài nước sẽ có dịp tận mắt chiêm ngưỡng hệ thống địa đạo miên man dưới lòng đất và hiểu sâu sắc thêm về cuộc chiến đấu oai hùng của quân dân miền Nam nói chung, của vùng “Đất thép Thành đồng” nói riêng; đồng thời tri ân sự hy sinh của biết bao anh hùng liệt sĩ, cùng hàng vạn người yêu nước đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Tái hiện một cảnh giao ban dưới địa đạo

Trước đền Bến Dược linh thiêng, lặng ngẫm về những dòng chữ khắc trên bia đá (do nhà thơ Viễn Phương soạn) ai nấy đều nghẹn ngào, xúc động: “Vùng đất sáng ở miền Nam Tổ quốc, nửa tiếp Trường Sơn, nửa nối đồng bằng. Chống xâm lăng từ Trương Định, Trương Quyền, máu dũng sĩ chảy tràn sông suối”. “Moi ruột đất ẩn sâu vào lòng đất, trái tim thành chiến hào, ánh mắt hóa vì sao, bàn tay thành lưỡi kiếm”. “Đất nước lớn vì nhân dân anh hùng. Nhân dân lớn vì tấm lòng yêu nước. Người đang sống nhớ thương người đã khuất…”.

Văn bia Đền Bến Dược

Trong năm 2005, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietnam Records Book Center) xác lập hai kỷ lục: Đền Bến Dược “Bức tranh gốm lớn nhất Việt Nam” và “Địa đạo Củ Chi - Địa đạo dài nhất Việt Nam”. Năm 2012, tổ chức Kỷ lục châu Á chính thức công nhận: Địa đạo Củ Chi là địa đạo dài nhất châu Á.

Có thể nói Địa đạo Củ Chi là một trong những “địa chỉ đỏ” tiêu biểu của cả nước, nơi bảo tồn ký ức kháng chiến và lòng yêu nước bất tận. Đây cũng là nơi góp phần “giữ lửa” cho muôn đời các thế hệ mai sau, nhắc nhở người Việt thêm yêu quý cuộc sống thanh bình hôm nay, càng tỏ rõ quyết tâm gìn giữ và bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của ông cha để lại!

NGUYỄN MINH LAN CHI

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:2
Trong ngày:1315
Trong tuần:7848
Trong tháng:7848
Cả năm:7848
Tổng lượt xem:7848