column_right getExtensions 1716069841-1716069841

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1716069841-1716069841

NGƯỜI MẸ TRUNG ĐOÀN

NGƯỜI MẸ TRUNG ĐOÀN

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:18-06-2023

NGƯỜI MẸ TRUNG ĐOÀN

Đó là tên gọi thân thương mà cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 anh hùng (Đoàn Triệu Hải, Sư đoàn 320B) dành cho má Sáu Ngẫu. Tên khai sinh của má là Huỳnh Thị Sáu, quê ở xã Thuận Giao, quận Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương). Nhưng gần như cả đời người phụ nữ này gắn bó với xã An Thạnh (nay là phường An Thạnh, thị xã Thuận An), một căn cứ lòng dân - nơi trên đường tiến vào Sài Gòn, trung đoàn đã chắp nối được liên lạc với má.

Má Huỳnh Thị Sáu (1930-1989)
Vững tin con đường sáng

Chào đời năm 1930 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, thân phụ của cô Sáu là cụ Huỳnh Văn Thà, một cơ sở cách mạng từng nuôi giấu nhiều cán bộ nằm vùng hoạt động bí mật. Là chị hai của năm đứa em, Sáu Ngẫu có người em kế là Huỳnh Thị Chung tập kết ra Bắc (1954) theo ngành y và phục vụ trong quân đội; em trai Huỳnh Văn Phục là chiến sĩ biệt động Sài Gòn… Học xong trung học đệ nhất cấp, cô làm giao liên, chuyển công văn chỉ thị của tổ chức kháng chiến về các cơ sở mật trong vùng. Đến năm 1948, cô Sáu thoát ly đi hoạt động. Ban đầu làm thư ký Hội phụ nữ xã, rồi thư ký Hội phụ nữ quận Lái Thiêu. Bấy giờ, cơ sở hoạt động chủ yếu đóng ở rừng chiến khu Thuận An Hòa và một số nơi khác. Lúc ở sâu trong rừng già, khi luồn qua khe suối về tận thôn, ấp. Thời gian ở Hội phụ nữ tỉnh, Huỳnh Thị Sáu làm công tác binh vận, thoắt lại lui về quê hoạt động bí mật. Cô tham gia biểu tình đòi dân sinh dân chủ, rải truyền đơn tố cáo bọn chủ Tây bóc lột và tụi lính đàn áp dân lành. Cùng với việc tích cực vận động quyên tiền bạc, thuốc men, ủng hộ kháng chiến, cô Sáu còn khéo thuyết phục đưa anh em trí thức ra chiến khu học tập và trở về hoạt động trong lòng địch, về sau, nhiều người thành đạt. Vừa hoạt động, cô vừa ráng học thêm tiếng Pháp để có lúc làm giáo viên sinh ngữ cho một trường tư thục.

Cuộc đời hoạt động cách mạng đã khiến Sáu Ngẫu, cô gái miệt vườn Lái Thiêu “cây trái ngọt lành” gặp anh Đinh Quang Kỳ (Tư Ca), một chàng trai xứ Nghệ. Mối lương duyên ấy trải qua nhiều thử thách. Anh Kỳ sinh quán tại xã Đức Thủy, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng quê thuần nông, mượt mà khoai, lúa. Học xong bậc tiểu học, giỏi thơ văn và có năng khiếu hội họa, anh rời quê hương vào miền Đông Nam Bộ khi 20 tuổi. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, anh gia nhập hàng ngũ lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Thủ Dầu Một, rồi được kết nạp vào Đảng. Hai người cảm mến nhau và tình yêu nẩy nở. Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sau Hiệp định Giơnevơ (1954), Tư Ca xin được ở lại tiếp tục công tác chứ không đi tập kết ra Bắc. Nhưng tình hình ngày một xấu đi…

Khi người Mỹ nhảy vào hất cẳng Pháp, gạt Bảo Đại, dựng nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thời kỳ đen tối của cách mạng miền Nam bắt đầu. Kẻ thù thẳng tay đàn áp những người cộng sản và kháng chiến cũ. Thực thi chính sách “tố cộng, diệt cộng” tàn bạo, luật 10/59 ra đời. Máy chém xuất hiện ở nhiều nơi. Cảnh đầu rơi, máu chảy diễn ra từ làng quê đến phố thị. Vì vậy, mọi hoạt động của cách mạng đều phải rút vào bí mật để giữ gìn lực lượng, chờ chỉ thị mới của cấp trên.

Là cán bộ của Ban tuyên huấn Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, anh Tư Ca thường bám trụ cơ quan đóng trong rừng để hoạt động. Chuyện tình cảm giữa hai người, tổ chức biết và ủng hộ, nhưng khi đã thành đôi lứa thì họ không dám công khai ra ngoài xã hội vì tránh hệ lụy cho gia đình. Bởi vậy, những đứa con sinh ra đều mang họ mẹ. Bốn lần sinh nở, nhưng vợ chồng chỉ nuôi được hai người con, Huỳnh Thị Kim Ngân (tự Phước) và Huỳnh Văn Đức. Kệ thiên hạ đàm tiếu, người mẹ trẻ kiên gan chịu đựng, lặng lẽ nuốt buồn tủi vào lòng, dốc sức cho nhiệm vụ theo sự phân công của cách mạng.

Tháng 10-1956, chính quyền Diệm giải thể tỉnh Thủ Dầu Một, lập ra các tỉnh Bình Dương, Bình Long, Phước Long. Bấy giờ, tỉnh Bình Dương có 05 quận, 10 tổng, 60 xã. Riêng quận Lái Thiêu có 01 tổng Bình Chánh và quận lỵ là Tân Thới.

Sự đè nén, quản chế của địch càng ngày càng gắt gao. Hai người thành “vợ chồng Ngâu”, mỗi lần chị Sáu ra căn cứ có việc, hoặc khi anh Tư Ca được phái về Lái Thiêu công tác, họ mới có dịp “đoàn tụ” chốc lát. Nhưng tình yêu và lý tưởng cách mạng đã gắn kết hai người, họ vững tin kháng chiến sẽ thành công, đất nước rồi sẽ hòa bình, thống nhất, Nam Bắc sum họp một nhà.

Vợ chồng Tư Ca - Sáu Ngẫu cùng các con, tại Sài Gòn năm 1967
Trải lòng tận tụy, hiếu trung

Vừa là một cơ sở mật ở miệt Lái Thiêu, lại vừa là một nữ giao liên thông minh và gan góc, không quản nguy nan, Huỳnh Thị Sáu thường len lỏi khắp nơi, nhận chuyển và đưa tài liệu an toàn. Với bộ đồ bà ba đen giản dị, khăn rằn vắt vai, đầu đội nón lá, cô Sáu đi vận động và thuyết phục các thương lái, chủ xưởng và các hộ kinh doanh khấm khá, những người có cảm tình với cách mạng, ủng hộ tiền bạc, thuốc men, vải vóc, chuyển ra căn cứ. Trong số những địa chỉ cô Sáu thường lui tới, có xưởng cưa Hiệp Sanh ở xã An Thạnh. Mỗi lần chủ xưởng đều chuyển cho cách mạng thông qua cô Sáu từ vài triệu đồng (tiền Sài Gòn), trong khi giá vàng hồi ấy chỉ có 180.000 đồng một lượng. Việc nhận vật chất và tiền bạc đều được chuyển giao rõ ràng, minh bạch, có hồi âm kèm lời cảm ơn. Rồi một xưởng cưa khác tại xã Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, cũng vậy. Cách ứng xử tinh tế, chân tình của cô Sáu khiến cho những người có làm ăn “máu mặt” trong vùng càng thêm tin tưởng và hết lòng giúp đỡ cách mạng.

Giàu đức hy sinh, Huỳnh Thị Sáu lo toan trọn vẹn công việc chung riêng, không nề gian nan, cực nhọc. Một lần nhận chỉ thị chuyển tài liệu quan trọng về Tỉnh ủy trong căn cứ Long Nguyên, thuộc khu rừng Căm Xe, được yêu cầu chuyển gấp và bảo đảm tuyệt đối an toàn, nữ giao liên đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Tài liệu được bọc kỹ bằng nilon và giấy chống thấm, giấu trong người, bên ngoài khoác hai lần áo. Lựa chọn lối đi, cô Sáu quyết định băng rừng Tà Lung xuyên đêm. Sáng hôm sau, nắng vừa lên ngang ngọn cây sào, thì bất ngờ máy bay B52 ập đến rải bom tọa độ. Mặt đất rung chuyển bởi hàng dây tiếng nổ, lửa khói trùm lên mịt mù. Sức ép kinh hoàng của các đợt bom kéo dài, khiến cô Sáu ngất xỉu, máu trào ra từ tai và mũi. Lúc tỉnh dậy, toàn thân rã rời như bị ai dần, song cô vẫn ráng bươn bả tới được đúng nơi giao tài liệu rồi mới gục xuống. Nhưng đôi tai bị điếc đặc, phải điều trị vài ngày, thính lực mới dần hồi lại được phần nào.

Năm 1967, để chuẩn bị trước cho một kế hoạch lớn, táo bạo, tổ chức phân công Huỳnh Thị Sáu vào Sài Gòn móc nối đặt một cơ sở bí mật. Nhiệm vụ rất khó khăn, song nữ giao liên vẫn không lùi bước. Với vẻ ngoài bặt thiệp của một giáo viên Pháp ngữ, cô Sáu tìm được căn nhà 59 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận Nhì (nay thuộc quận 1, TP. HCM) gần Tổng nha cảnh sát. Tại đây, có lúc cả vợ chồng, con cái về tá túc làm bình phong, nhưng chủ yếu là nơi họp hành, “lót ổ” để cấp trên thực hiện nhiệm vụ đặc biệt… Trong những lần đi công tác bằng đường hợp pháp, anh Tư Ca đã kịp quan sát và vẽ bản đồ khu vực bắc Sài Gòn, nam Bến Cát chi tiết, tỉ mỉ. Rồi một hôm, anh Tư giao lại tấm bản đồ cho vợ và dặn hãy cất giữ cẩn thận, sẽ có lúc cách mạng cần. Từ đấy, hễ đi đâu, quan sát thấy địch mới bố trí binh lực chỗ nào, Sáu Ngẫu lại đánh dấu bổ sung vào bản đồ…

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, các quận Lái Thiêu, Dĩ An (Bình Dương) thuộc Phân khu 5. So sánh lực lượng quá đỗi chênh lệch, thế trận giữa ta và địch ở thị xã Thủ Dầu Một diễn ra rất ác liệt. Đối phương mạnh, lại có thêm sự yểm trợ đắc lực của không quân Mỹ, nên đơn vị biệt động của ta bị vây chặt và thương vong nhiều. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ khôn khéo của một số cơ sở bí mật, trong đó có cô Sáu, các thương binh và tử sĩ được chuyển hết ra ngoài, số anh em còn lại của đội cũng rút lui về cứ an toàn.

Từ đó trở đi, trong căn nhà nhỏ ở An Thạnh, người mẹ luôn thắp ngọn đèn dầu. Cây đèn tự chế, chân đế vững, bầu dầu to tròn, cao hơn một gang tay. Đám mật vụ địch với cặp mắt “cú vọ” đã phát hiện ra “sự lạ”, chúng cật vấn, đêm nào bà cũng để đèn hoài vậy, tính làm ám hiệu cho Việt cộng hả? Sáu Ngẫu nói tỉnh rụi, mấy ông nói vậy chớ tui phận đàn bà, đêm hôm phải có ánh lửa để bớt cô quạnh. Và hằng đêm, ngọn đèn như cặp mắt canh thâu, bất chấp gió mưa. Nhờ vậy mà anh em đằng mình vào quận lỵ, biết được nơi chốn bắt liên lạc.

Vừa lo công tác binh vận, nhưng người nữ giao liên vẫn tranh thủ làm rẫy kiếm sống và lo dành dụm tiền bạc, tích trữ lương thực để nuôi giấu cán bộ và ủng hộ cách mạng. Sau chuyến công tác vào Sài Gòn trở về, Huỳnh Thị Sáu bị cảm sốt li bì. Cơn sốt chưa kịp lui thì tin dữ bất ngờ ập tới. Người bạn đời, Chánh văn phòng Ban tuyên huấn Tỉnh ủy Bình Dương, ông Tư Ca đi công tác bị lọt vào ổ phục kích của địch và bị chúng sát hại ngày 05-10-1969. Tưởng như trời đất sụp đổ dưới chân, cô Sáu tột cùng đau đớn. Nhưng rồi, nghĩ đến trách nhiệm của mình và nhất là nhìn hai đứa con còn thơ dại, nữ cán bộ binh vận ráng gượng dậy, lấy công việc làm nguồn động viên mình. Nỗi đau tột cùng khiến Huỳnh Thị Sáu già sọm trước tuổi… Từ đây, nhiều người trẻ quen gọi má Sáu.

Bằng “Tổ quốc ghi công” và chân dung liệt sĩ Đinh Quang Kỳ (Tư Ca)

Nhờ móc nối được với cơ sở bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn, năm 1970, Sáu Ngẫu gửi cậu em Huỳnh Văn Phục vào Đội 5. Thời gian sau, anh được tổ chức bố trí vào lính không quân đóng ở sân bay Tân Sơn Nhất, làm nghề quan trắc khí tượng, mục đích theo dõi nắm bắt tình hình địch tại khu vực này. Trải nhiều bầm dập, sau ngày đất nước thống nhất, anh Phục trở thành đảng viên, giữ chức Giám đốc Trung tâm cung ứng hàng xuất khẩu, Phó GĐ Công ty chế biến thủy hải sản Việt Phú (Tổng Cty Nông nghiệp Sài Gòn), rồi Phó Tổng GĐ Cty cổ phần xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm Sài Gòn…

Tấm bản đồ và thời khắc lịch sử

Đầu năm 1975, việc quân ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long là một đòn trinh sát chiến lược có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Từ sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng Huế và Đà Nẵng, thế ta mạnh như chẻ tre.

17 giờ ngày 26-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Trên tất cả các hướng, đại quân ta dũng mãnh tiến công, vừa đánh địch vừa mở đường tiến về Sài Gòn. Vành đai phòng thủ của địch ở vòng ngoài bị vỡ toang từng mảng.

Đêm 28-4-1975, nghe tiếng súng nổ dập dồn từ nhiều hướng, má Sáu Ngẫu không ngủ, tay bưng cây đèn dầu sốt ruột đi vào, đi ra trông ngóng. Chiều hôm sau, hai mẹ con lên rẫy trong Thuận Giao, cách nhà chừng 2-3km. Nhìn trời đất, má sốt ruột biểu con trai về trước, rồi quẩy gánh củ mì (sắn) đi sau. Ra tới quốc lộ 13, Đức thấy xe tăng Quân giải phóng đậu từ ngã tư Hòa Lân kéo lên tận trước ngõ nhà mình. Từng nhiều lần được má dẫn lên Chiến khu Đ gặp các chú, các anh bộ đội, nên Đức mừng ra mặt. Một anh dáng chỉ huy, đứng cạnh xe tăng thấy cậu bé chừng 13 tuổi lanh lẹ thì vẫy lại và ôm vào lòng, rồi lấy phong lương khô 702 ra cho. Về sau, Đức mới biết đó là anh Hoàng Thọ Mạc, Đại đội 3, Tiểu đoàn 66, Lữ đoàn 202.

Lúc này, Trung đoàn 27 được Sư đoàn 320B giao nhiệm vụ đập tan tuyến phòng thủ phía bắc Sài Gòn của địch trên trục lộ 13 và giữ bằng được các cây cầu để quân ta thọc sâu vào nội đô. Lái Thiêu được coi là tuyến “tử thủ” của quân đội Sài Gòn. Bấy giờ, Ban chỉ huy Trung đoàn tạm dừng trong một lô cao su ven lộ, cách bắc Lái Thiêu chừng 03km. Khó khăn lớn nhất là đơn vị chưa nắm được cụ thể địch tình trong quận lỵ Lái Thiêu như thế nào. Không thể chần chờ, Ban chỉ huy Trung đoàn quyết định “xuất tướng”. Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu và Chính ủy Trịnh Văn Thư, cùng Tham mưu trưởng Nguyễn Viết Giáp, dẫn theo một tổ trinh sát, khi trời vừa nhá nhem tối, men theo hàng cây ven lộ, bí mật lần vào quận lỵ. Khi tới gần nghĩa địa của khu vực Búng, họ phát hiện từ xa có ánh đèn le lói trong căn nhà lụp xụp. Ba chiến sĩ trinh sát tiến vào gõ cửa. Một bà má xách cây đèn ra, thăm dò. Nhận đúng anh em đằng mình rồi, đặc biệt là ám tín hiệu quy định, song má vẫn cẩn trọng hỏi mật khẩu: “Hồ Chí Minh”; tức thì chiến sĩ trinh sát đáp: “Muôn năm!”.

Người mẹ mừng rỡ nắm tay các chiến sĩ giải phóng giục vào nhà mau. Một trinh sát liền đưa chỉ huy vào gặp má. Hai chị em Phước và Đức nhanh chân ra vòng ngoài cảnh giới. Trong căn nhà lợp tôn tuềnh toàng, trước chiếc bàn cũ kỹ, má hỏi các cán bộ trung đoàn:

- Các con cần má giúp gì?

Sau khi trình bày vắn tắt nhiệm vụ của đơn vị, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu thưa:

- Nhờ má chỉ đường đi lối lại ở Lái Thiêu. Chúng con chưa rõ nội tình địch ở đây như thế nào.

Vừa nói, người chỉ huy vừa trải tấm bản đồ quân sự ra bàn. Nhưng vừa ngó qua, má Sáu Ngẫu lắc đầu.

- Cái này má không rành. Mấy con đợi chút xíu.

Má đi vào buồng, lát sau cầm một cuộn giấy được bao gói kỹ bằng tờ nhật trình đã ố vàng. Đó là tấm bản đồ của người chồng để lại, được má bổ sung thêm nhiều chi tiết quan trọng. Dưới ngọn đèn dầu, má treo mục kỉnh, chỉ vào những ký hiệu đánh dấu các vị trí của địch, lưu ý anh em cần đánh chỗ nào và bỏ qua những đâu… Nhận tấm bản đồ như bắt được vàng, người chỉ huy trung đoàn nói lời cảm ơn má rồi xin phép về chuẩn bị ngay. Chưa hết cảm kích, nghe má xin trực tiếp dẫn đường cho đơn vị, ai nấy đều xúc động và cảm phục. Nhưng thấy má Sáu sức yếu, Ban chỉ huy Trung đoàn quyết ngăn lại. Má liền tiến cử Hai Mỹ (Bí thư Quận đoàn Lái Thiêu) và Sáu Châu đi thay mình.

Bên tấm bản đồ má Sáu Ngẫu trao, đêm 29-4-1975. Từ trái qua phải: Huỳnh Thị Kim Ngân (tự Phước), Chính ủy Trịnh Văn Thư, má Sáu Ngẫu, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu, em Huỳnh Văn Đức

Sáng 30-4-1975, trên đường hành tiến, nghe lời má Sáu dặn, Trung đoàn 27 dùng loa kêu gọi gần 2.000 lính địch ở trại Huỳnh Văn Lương ra hàng. Sau hơn 02 giờ chiến đấu liên tục, trung đoàn làm chủ quận lỵ Lái Thiêu. Tuyến “tử thủ” mà địch hy vọng chặn được các mũi tiến công của quân ta, đã bị đập tan.

Tuy nhiên, trong cơn tuyệt vọng, kẻ địch vẫn điên cuồng chống cự. Đến cầu Vĩnh Bình trên lộ 13, xe tăng của Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc bị trúng đạn. Anh nhảy ra khỏi xe tiếp tục chỉ huy chiến đấu và anh dũng hy sinh. Ngày 23-9-1975, liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc được Đảng và Nhà nước truy tặng Anh hùng LLVTND.

Thừa thắng, Trung đoàn 27 đánh chiếm BTL Thiết giáp địch, căn cứ Lục quân công xưởng tại Gò Vấp (nay là Nhà máy Z751), căn cứ 60 tiếp vận truyền tin (Trại Nguyễn Thái Học), nơi tồn trữ nhiên liệu đặc biệt (Trại Phạm Tất Được), Tổng y viện Cộng hòa (nay là Bệnh viện Quân y 175)… Nhờ có tấm bản đồ chỉ dẫn của má Sáu Ngẫu mà trung đoàn giảm được rất nhiều thiệt hại. Và báu vật ấy hiện được lưu giữ trong Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngày 01-5-1975, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng một số anh em trở lại Lái Thiêu thăm và cảm ơn má Sáu như đã hứa. Bà con lối xóm ùa ra chào đón những người lính Giải phóng ân tình thủy chung.

Ca khúc và tượng đài

Sau ngày non sông liền một dải, với sự cống hiến của mình, má Huỳnh Thị Sáu được chính quyền cách mạng cấp cho một căn nhà gần hồ Con Rùa (quận 3, TP.HCM) nhưng má xin trả lại, để về quê. Nhờ có chiếc máy trợ thính của bác sĩ Trịnh Kim Ảnh, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy tặng, má nghe được gần như bình thường. Nhưng rồi cuộc sống ngày một khó khăn, vừa bị di chứng chiến tranh hành hạ, lại thêm bịnh hen suyễn, má đau yếu và phải nhập viện luôn. Chị Phước đang học bác sĩ ở Đại học Cần Thơ phải bỏ dở. Anh Đức vừa xong lớp 10 ở Trường thiếu sinh quân 2 (Vũng Tàu) cũng đành rẽ ngang. Thương mẹ, cả hai chị em dồn sức lo thuốc thang, chăm sóc. Cuối thu, vào một ngày mưa tầm tã, má Sáu giã biệt cõi trần khi chớm vào tuổi 60. Hôm ấy là ngày 07-10-1989, nhằm ngày 08-9 năm Kỷ Tỵ.

Các CCB Trung đoàn 27 dâng hương trước phần mộ má Huỳnh Thị Sáu

Năm 2000, di cốt của má Sáu được cải táng và rước về xây cất trong khu đất của gia đình. Không chỉ hằng năm về dâng hương, dịp 30-4-2007, Thượng tướng Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã kỳ công mang một cây bồ đề từ Ấn Độ về trồng trước nơi an nghỉ của má. Vị tướng còn đặt làm một tấm bia ở Thanh Hóa đem vào gắn trên phần mộ: “Đại đoàn Đồng Bằng, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Triệu Hải, ghi nhớ công ơn má Sáu Ngẫu đã dẫn đường cho mũi thọc sâu cánh bắc Sài Gòn 30-4-1975”.

Thượng tướng, Viện sĩ, TS, Anh hùng LLVND Nguyễn Huy Hiệu nâng niu cây đèn dầu, kỷ vật gắn bó với má Sáu Ngẫu

Trước đó, nhạc sĩ Văn Thành Nho sáng tác ca khúc “Tấm bản đồ má trao”, chan chứa ân tình. “Đường về Thành đô con chưa quen lối/ Những ngã năm, ngã ba, ngọn đèn đêm khuya ai còn thức/ Vững lòng tin mẹ ngồi đợi chúng con/ Mẹ trao ánh mắt tin yêu của quê hương đã bao năm đợi chờ…”.

Bản nhạc “Tấm bản đồ má trao” của nhạc sĩ Văn Thành Nho

Từ giữa năm 2015, Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 27 đã lập đề án xây dựng tượng đài “Bà má tham mưu”. Dựa vào nguồn kinh phí xã hội hóa, những ngày cuối năm 2020, bức tượng đá hoa cương nguyên khối nặng trên 60 tấn, cao hơn 06m đã được chuyển về đặt ngay trước khu mộ má Sáu Ngẫu. Hình tượng bà má tay nâng cây đèn dầu, tay chỉ hướng tiến công, thật đẹp và gần gụi. Đây là nghĩa cử cao cả và là tấm lòng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đoàn Triệu Hải anh hùng tri ân công lao đặc biệt với người mẹ của trung đoàn.

Tượng đài hoàn tất trước Tết Tân Sửu 2021

Từ nhiều năm nay, hồ sơ đề nghị Nhà nước truy tặng má Huỳnh Thị Sáu, danh hiệu Anh hùng LLVTND đã hoàn tất và được trình lên cấp có thẩm quyền. Cây bồ đề trước mộ má nay đã cao lớn, tỏa bóng mát sum suê…

TP. HCM, chiều 14-2-2021
NGUYỄN MINH NGỌC
Ảnh: TƯ LIỆU

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:834
Trong tuần:1744
Trong tháng:1744
Cả năm:1744
Tổng lượt xem:1744