column_right getExtensions 1716062442-1716062442

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1716062442-1716062442

NGƯỜI MANG TIẾNG HÁT VƯỢT TRƯỜNG SƠN

NGƯỜI MANG TIẾNG HÁT VƯỢT TRƯỜNG SƠN

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:16-06-2023

NGƯỜI MANG TIẾNG HÁT VƯỢT TRƯỜNG SƠN

Mỗi khi nói đến Đoàn Văn công Quân Giải phóng miền Nam (nay là Đoàn Văn công Quân khu 7), nhiều người vẫn thường nhắc đến một nữ diễn viên đa tài với tất cả tình cảm yêu mến, cảm phục, xen lẫn sự tiếc thương. Đó là chị Nguyễn Thị Kim Yến, người được sinh trưởng trong một gia đình trí thức lớn của đất nước. Chị là con thứ hai của Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng, quê ở tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) và dược sĩ Mai Thị Tùng Thọ. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (12-1946), Cục phó Cục Quân y Nguyễn Tấn Gi Trọng được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách Tổng giám đốc Nha thông tin tuyên truyền. Ông là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đặc biệt, bác sĩ Trọng là một trong những thầy thuốc bên cạnh Bác Hồ, chăm lo sức khỏe cho Người. Mới 2 tuổi, Kim Yến được cha mẹ đưa lên chiến khu Việt Bắc. Và nhờ vậy, cô bé có may mắn được sống trong tình thương bao la của vị Cha già dân tộc. Một lần Kim Yến được Người bón cơm và nghệ sĩ nhiếp ảnh đã ghi lại được khoảnh khắc kỳ diệu ấy. Lên 5-6 tuổi, nhiều lần Kim Yến được theo cha vào gặp Bác Hồ và hát cho Người nghe.

Bác Hồ bón cơm cho bé Kim Yến trong chiến khu Việt Bắc

Sau ngày hòa bình lập lại (1954), Kim Yến theo gia đình về Hà Nội. Học hết phổ thông, chị thi vào trường âm nhạc. Là một cô gái thông minh, xinh đẹp và hiếu động, sở hữu giọng hát thiên phú từ tấm bé, Kim Yến còn học cả accordéon. Tốt nghiệp âm nhạc, Kim Yến học tiếp trường nghệ thuật kịch nói Việt Nam, cùng khóa với nữ diễn viên Trà Giang… Năm 1964, tốt nghiệp hạng ưu, với điều kiện thuận lợi của gia đình, con đường tu nghiệp ở nước ngoài đang rộng mở thênh thang trước mắt chị. Nhưng nghĩ cảnh đất nước còn bị chia cắt, Kim Yến gia nhập Đoàn Văn công của Sư đoàn 330 để có cơ hội trở về Nam phục vụ đồng bào và chiến sĩ, góp phần giải phóng quê hương. Chị đã cùng các đồng nghiệp mang lời ca tiếng hát vào miền đất lửa Quảng Bình và tuyến đường Trường Sơn, dưới tầm pháo bầy và bom B52 rải thảm, bất chấp biệt kích địch và cả hàng rào điện tử Mc Namara…

Gia đình bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng

Đầu năm 1969, Tổng cục Chính trị quyết định bổ sung cho Đoàn Văn công Quân giải phóng một lực lượng được đào tạo chính quy, cùng một số diễn viên của Sư đoàn 330. Trong số này có cặp vợ chồng trẻ Tiến Hiển (diễn viên kịch) và Kim Yến. Để ghi dấu đoàn nghệ thuật thứ hai chi viện cho tiền tuyến lớn, nên đoàn này lấy tên là Z2. Từ Hà Nội, xe chở đoàn tới làng Ho, miền tây Quảng Bình, nơi đặt Binh trạm 27 của Bộ Tư lệnh 559. Thử thách đầu tiên là vượt dốc Cổng Trời cả ngàn thước, bắt đầu chặng hành trình dặc dài, gian khổ. Đi bộ, trèo đèo, lội suối, xuyên dải Trường Sơn hùng vĩ. Nhằm bảo đảm kế hoạch hành quân, chi bộ Đảng họp ra nghị quyết: đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, quyết tâm về tới nơi an toàn. Tuyệt đối, các cặp vợ chồng trẻ không ai được có bầu dọc đường! Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, các thành viên trong đoàn đều tự nguyện gác lại tình riêng.

Cứ thế ngày đi, đêm nghỉ. Đến mỗi binh trạm, Đoàn Z2 lại tổ chức biểu diễn. Có trạm chỉ vỏn vẹn vài người, song đoàn vẫn thực hiện trọn vẹn một chương trình. Trải nhiều cung đường, mệt bở hơi tai, nhưng hễ cứ gặp bộ đội công binh mở đường hoặc thanh niên xung phong, là đoàn liền dừng lại phục vụ. Lời ca, tiếng hát trong trẻo của văn công thực sự mang lại niềm lạc quan tin tưởng vô bờ bến cho những người đang ở tuyến trước. Là “đào kép” chính, Kim Yến đảm nhận nhiều vai nòng cốt. Đó là người mẹ trong vở kịch “Đâu có giặc là ta cứ đi” của Nguyễn Vũ (Ngô Y Linh), rồi “Em bé giao liên”… được bộ đội hoan nghênh nhiệt liệt. Thoắt cái, chị đã sôi nổi, dịu dàng trong vũ điệu “Cô gái Uzbekistan”. Kim Yến say sưa kéo phong cầm cho tiết mục tấu vui nhộn “Anh hùng đâu cứ phải mày râu”. Thông thường, mỗi chương trình, bao giờ chị cũng phải xuất hiện với tần suất 4-5 lần. Lắm khi bị cơn sốt hành hạ, song chị Kim Yến vẫn cố vượt lên để không bị rớt lại, kịp biểu diễn phục vụ bộ đội.

Văn công Quân giải phóng biểu diễn phục vụ bộ đội

Dọc đường hành quân, tình cảm lứa đôi đã khiến Kim Yến “vỡ kế hoạch”. Chi đoàn thanh niên họp kiểm điểm và thi hành kỷ luật, khai trừ Tiến Hiển - Kim Yến ra khỏi Đoàn. Một quyết định có phần thái quá, để lại kỷ niệm buồn cho những người trong cuộc, khiến họ về sau mãi vẫn còn ân hận. Không hề nản chí, cặp vợ chồng trẻ vẫn cùng đồng đội hành quân.

Ròng rã gần 6 tháng trời, Đoàn Z2 mới vào đến miền Đông Nam Bộ, về căn cứ Chàng Riệc, Tây Ninh. Chưa kịp nghỉ ngơi lấy sức, Kim Yến cùng các đồng nghiệp bắt tay vào luyện tập. Sau khi ổn định nơi ăn chốn ở cho anh chị em trong đoàn, Đoàn Văn công Quân giải phóng xây dựng chương trình mới phục vụ các cánh quân chủ lực đang hoạt động ở Phân khu 6 và Long An, đồng thời phục vụ Đại hội tổng kết của Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền.

Mùa mưa. Trong cánh rừng già, khắp nơi một không khí ẩm ướt, những tán lá ủ ê nặng trĩu suốt ngày đêm, hiếm khi có được một lúc khô ráo. Bệnh sốt rét bùng phát và gần như không chừa một ai. Có điều, không gì có thể quật ngã được ý chí và nghị lực của những người nghệ sĩ - chiến sĩ. Tháng 10-1969, những cơn mưa lê thê vẫn kéo giằng dai. Khắp vùng, những trảng cỏ, có nơi nước ngập đến bụng, đến ngực. Lãnh đạo, chỉ huy Đoàn Văn công Quân Giải phóng quyết định lên đường đi biểu diễn phục vụ các “đám giỗ”. Anh chị em trong đoàn ai cũng háo hức. Trước giờ xuất phát, chị Kim Yến lên cơn sốt rét. Nhưng niềm ao ước được ra quân cùng đồng đội khi về đến chiến trường miền Đông đã khiến chị cố giấu và nói nhẹ để được đi. Cả đoàn, ai cũng thương ai cũng quý người con gái tài hoa, xinh đẹp. Quân y đơn vị đã tập trung thuốc men ưu tiên cứu chữa cho Kim Yến, song cơn sốt quái ác dường như không hề có dấu hiệu thuyên giảm. Sau khi hội ý chớp nhoáng, lãnh đạo đoàn đi đến quyết định tạm gửi bệnh nhân ở lại hậu cứ.

Và đoàn lên đường. Phương tiện di chuyển là lội bộ, khuân vác, đội mưa mà đi. Cứ thế, đến ngày thứ ba thì đến được Lò Gò. Trong khi cả đoàn tạm nghỉ chuẩn bị vượt sông Vàm Cỏ, thì chiến sĩ trinh sát chạy đến báo cáo: từ hai ngày nay có một “cái đuôi” bám theo rất đáng ngờ. Nghe vậy, chỉ huy đoàn liền cử một tổ bí mật quay lại. Nửa giờ sau, anh em dẫn về một cô gái mặt mày tái nhợt, người ướt sũng từ đầu đến chân. Đó là Kim Yến. Cả đoàn sững sờ trước ý chí không gì lay chuyển nổi của chị. Lập tức, các đồng nghiệp nam chặt cây dựng cột và quây chiếc lều tạm bằng nilon. Cánh nữ xúm lại dìu Kim Yến vào trong lều chăm sóc và ủ ấm cho chị. Nằm trên võng, Kim Yến khóc tức tưởi: “Các anh chị định bỏ em, nhưng làm sao em có thể ở nhà được khi mà đợt ra quân đầu tiên của đoàn đến với các chiến sĩ Quân giải phóng. Em không thể yên lòng khi các bạn em đi về gần quê hương yêu dấu”.

Đoàn trưởng Vũ Thành bố trí người dìu Kim Yến, cả đoàn tiếp tục hành quân. Các thành viên khỏe mạnh thì dùng tấm nilon bọc quần áo làm phao để vượt sông, chỉ mượn được một chiếc xuồng nhỏ ưu tiên cho người ốm và chở nhạc cụ nặng. Sang sông trót lọt, đi thêm hai ngày nữa thì Kim Yến sốt hầm hập và hôn mê. Đoàn cử người khiêng cáng đưa chị tới trạm phẫu tiền phương. Nhưng vì thuốc men hạn chế, nên các thầy thuốc ở đây đành bó tay. Anh em tiếp tục dò đường chuyển Kim Yến đến bệnh viện đa khoa của Mặt trận do bác sĩ Thúy Ba phụ trách. Gần 9 giờ đêm, cáng thương mới tới nơi. Song tất cả đã quá muộn. Nhiều ngày dầm mình trong mưa lạnh và lội nước đã khiến Kim Yến không giữ được cái bào thai. Do không có bác sĩ chuyên khoa sản, nên chị bị sót nhau rồi nhiễm trùng nặng. Nửa đêm hôm ấy, Kim Yến ra đi ở tuổi 25 mà không kịp trối lại một lời. Người chiến sĩ - nghệ sĩ đa tài ấy mất đi để lại niềm tiếc thương không gì bù đắp nổi trong lòng anh chị em của Đoàn Văn công Quân Giải phóng miền Nam.

Là phó bí thư chi bộ, nhạc sĩ Vũ Thành đề nghị phục hồi danh dự đoàn viên cho Kim Yến - Tiến Hiển, để chị ra đi được thanh thản. Cấp ủy nhất trí, chi bộ tán thành. Anh em trong đoàn gạt nước mắt đưa thi hài Kim Yến vượt sông Vàm Cỏ trở về đất mẹ Việt Nam. Để đánh dấu, mộ chị được đặt nằm cạnh một gốc cây khế gần cánh rừng Lò Gò, giữa bến Ra, bên dòng sông rì rầm ru hát. Sau ngày đất nước thống nhất, anh em đồng đội trở lại tìm mộ chị Kim Yến, nhưng cả khu vực đã bị bom Mỹ đào xới nát. Cho đến 34 năm sau (7-2003), hài cốt của chị mới được tìm thấy và đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh.

Người con gái sông Tiền, một nghệ sĩ tài hoa và anh dũng, với những vai diễn để đời, đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Thật đáng tiếc là cho đến nay, chị vẫn chưa hề được nhận bất kỳ một danh hiệu nào. Nhưng tên tuổi của chị mãi lưu danh cùng Đoàn Văn công Quân giải phóng, một đạo quân nghệ thuật trên chiến trường. Vâng, chị là nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Yến!

NGUYỄN MINH NGỌC

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:491
Trong tuần:1401
Trong tháng:1401
Cả năm:1401
Tổng lượt xem:1401