column_right getExtensions 1716060164-1716060164

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1716060164-1716060164

NGƯỜI CON GÁI KINH BẮC

NGƯỜI CON GÁI KINH BẮC

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:23-05-2023

NGƯỜI CON GÁI KINH BẮC

Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Yên Thảo

Trong chiến tranh, tình báo luôn là tai, mắt quan trọng của các bên tham chiến. Binh pháp dạy, biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng. Muốn hiểu đối phương một cách cặn kẽ thì cần có điệp báo giỏi.

Nhận rõ vị trí và tầm quan trọng, ngay sau Hiệp định Giơnevơ, để chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài, nhiều cán bộ ưu tú được lựa chọn để cài cắm vào hàng ngũ địch. Ngày ấy, miền Bắc Việt Nam chưa có trường đào tạo tình báo mà chỉ có những khóa bồi dưỡng ngắn hạn. Nhưng đúng là “khôn ngoan trong ý lượng ra”, hầu hết các tình báo viên của ta đều kinh qua thực tế mà trưởng thành, họ luồn sâu, leo cao vào tận hang ổ của kẻ thù. Đó là những vị tướng tình báo tầm cỡ như: Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung), Vũ Ngọc Nhạ, Đặng Trần Đức (Ba Quốc), Nguyễn Văn Khiêm (Sáu Trí); các nhà tình báo tài ba: Phạm Ngọc Thảo, Lê Hữu Thúy…

So với các đồng nghiệp nam, các nữ điệp báo tuy khiêm nhường hơn về số lượng, song chiến tích của họ lập được rất đáng tự hào. Nghe danh của nữ tình báo Nguyễn Thị Yên Thảo (Tám Thảo), thành viên Cụm tình báo chiến lược H63 từ khá lâu, nhưng gần đây tôi mới có dịp được diện kiến bà.

Danh hiệu cao quý và xứng đáng

Từ quê hương Quan họ

Tên khai sinh của bà thật đẹp: Nguyễn Thị Mỹ Nhung. Xửa xưa, đất làng Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh có dáng tựa như chiếc khăn gói (bao), nên làng còn có tên là Nội Duệ Bao. Không phải ngẫu nhiên mà ca dao mãi lưu truyền câu: “Trai Cầu Vồng, Yên Thế. Gái Nội Duệ, cầu Lim”. Bao đời nay, dân làng đã nổi tiếng với nghề dệt tơ lụa. Đây là vùng lõi của miền quan họ, một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận từ năm 2009.

Mỹ Linh xuất thân trong một gia đình khá giả, có đông anh em (3 trai, 5 gái), người cha là cụ Nguyễn Đăng Phong, mẹ là cụ Đào Thị Tư. Trên đường rong ruổi làm ăn, buôn bán, cha mẹ neo lại ở đâu thì con cái chào đời ở đấy. Mỹ Nhung được sinh ra ở Lạng Sơn, còn hai cô em út thì tít trong Bạc Liêu. Cho dẫu cất tiếng khóc chào đời ở đâu thì dòng chảy văn hóa Kinh Bắc vẫn luôn thấm đậm vào hồn cốt của các thành viên trong gia đình nền nếp ấy.

Từ rất sớm, song thân dẫn con cái vào Bạc Liêu bán tơ lụa, cửa hiệu An Thành gần xa biết tiếng. Cả hai cụ đều rất bặt thiệp, riêng người vợ có biệt tài ngoại giao. Nghệ thuật thu hút khách hàng bằng sự khéo léo, tử tế, đã giúp cho công việc buôn bán thuận lợi và phát đạt.

Tham gia Việt Minh, trong tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, cụ Phong cùng đoàn thể cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật ở địa phương. Cụ bà nhiều lần ủng hộ tiền vàng cho “Tuần lễ Vàng” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động trong cả nước. Khi giặc Pháp trở lại xâm lược lần thứ 2, chúng ráo riết truy lùng những người theo cách mạng. Ở tỉnh Bạc Liêu, địch treo thưởng cho ai bắt được Nguyễn Đăng Phong. Tình thế nguy kịch, người vợ bàn với chồng đưa các con lên Chợ Lớn lánh tạm. Tiếp đó, bà dẫn hai con gái sang Vĩnh Long. Công việc làm ăn coi như phá sản.

Nhưng mật thám vẫn lần ra manh mối, chúng bắt ông Phong cùng một số người trong gia đình, tống giam. Hay tin, người vợ tất tả lên Sài Gòn chạy đôn chạy đáo hỏi vay mượn tiền của bạn buôn, lo lót bảo lãnh, ông Phong mới thoát ra được. Nhưng gia đình lâm vào cảnh khánh kiệt, nợ nần. Để tránh sự săn đuổi của kẻ thù, ông bà tạm thời chấp nhận chia lìa. Người chồng dẫn theo hai con trai và ba con gái ra Bắc, về Nội Duệ. Ngoài đó vẫn còn nhà cửa, ruộng vườn. Người vợ cùng hai con gái, Mỹ Nhung và Mỹ Linh ở lại Vĩnh Long. Được một bà bạn thân cho mượn tiền, hằng tuần, cụ Tư lặn lội lên Sài Gòn mua vải lụa về bán sỉ trong vùng. Số còn lại, bà mở sạp vải giao cho hai con ngồi bán lẻ. Người mẹ bày cho các con cách mua, bán và quan trọng hơn là lối giao thiệp giữ chữ tín với bạn hàng. Không chỉ thạo buôn bán, hai chị em vừa giỏi tính toán, trợ thủ đắc lực cho mẹ, nên kinh tế gia đình dần hồi phục, trả lần được nợ nần.

Đến năm 1950, khi đã có chút lưng vốn, cụ Tư quyết định chuyển lên Sài Gòn, bán vải ở chợ Bến Thành. Mua được căn nhà ở số 136B đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng, Quận 1, TP. HCM), bà đón chồng và các con vào đoàn tụ.

Người thầy đầu tiên

Những biến cố của thời cuộc, sự ly tán đã tác động lên tâm tư tình cảm của các thành viên gia đình, nhất là với hai tiểu thư đẹp người đẹp nết. Tâm hồn trắng trong, song họ hiểu thời cuộc và luôn hướng lòng mình đến với cách mạng.

Năm 1948, ở Vĩnh Long, một hôm Mỹ Nhung và Mỹ Linh đến thăm nhà ông cậu họ thì bất ngờ gặp chị Nguyễn Thị Minh, một cán bộ quê ở Sóc Trăng, vừa đi rải truyền đơn về. Thấy hai cô gái trẻ thông minh, nhanh nhẹn, chị Minh đem chuyện kháng chiến ra kể. Chị nói về chiến khu, về lòng căm thù giặc Pháp đàn áp những người yêu nước, thuật lại lời Cụ Hồ kêu gọi đồng bào đoàn kết đánh đuổi giặc ngoại xâm. Chị Minh rủ rỉ tâm tình, khiến Mỹ Nhung và My Linh thích mê và muốn tiếp bước tham gia kháng chiến.

Tiểu thư Mỹ Nhung đến với cách mạng

16 tuổi, giấu mẹ, Mỹ Nhung xuống bến sông nhờ một chiếc ghe hàng đi vào chiến khu Tam Bình. Khi biết chị Minh làm tình báo, cô gái trẻ càng thêm háo hức. Gặp lại, chị Minh nhận xét, Mỹ Nhung có nhiều phẩm chất cần cho nghề tình báo, như xinh đẹp, thông minh, nhanh nhẹn nhưng kín đáo, biết giữ thái độ thản nhiên, che giấu được cảm xúc. Phụ nữ làm tình báo có nhiều ưu thế, song muốn thành công thì phải tự học tập, rèn luyện nhiều mặt. Nên nhớ là phải chấp nhận hy sinh nhiều lắm đó nghe. Hai chị em ôm riết lấy nhau. Lễ “nhập môn” nghề tình báo chỉ giản đơn vậy. Chị dạy cho Mỹ Nhung cách bơi xuồng, cách nhận ám tín hiệu khi đi gặp cơ sở. Do hăng hái và công tác tốt, tháng 5-1950, Mỹ Nhung được kết nạp Đảng. Cùng trong năm này, cả gia đình có 4 người gia nhập hàng ngũ những người cộng sản. Đó là người cha Nguyễn Đăng Phong và anh ruột Nguyễn Đoàn Hồng (sau là GS-TS) ở ngoài Bắc, người bạn đời Lê Văn Phong.

Được chị Minh cử chèo xuồng rước anh Phạm Ngọc Thảo - Trưởng phòng Mật vụ Nam Bộ đi công tác, Mỹ Nhung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chị Minh và Mỹ Nhung được nhà tình báo tầm cỡ trực tiếp bồi dưỡng nghiệp vụ trong vài tháng. Tiếp bước người chị, Mỹ Linh cũng xin phép mẹ vào chiến khu Vĩnh Long tham gia kháng chiến. Đầu năm 1953, hai chị em được phân công về Sài Gòn hoạt động.

Cuối năm 1954, Xứ ủy Nam Bộ phân công ông Trần Quốc Hương (Mười Hương) vào nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn, trực tiếp nắm một số đầu mối tình báo tổ chức theo đơn tuyến. Và chị Phương Điền giới thiệu Mỹ Nhung với ông Mười Hương, một gia đình đảng viên, cơ sở tin cậy, nhà ở trung tâm thành phố. Người chỉ huy tình báo từng bước dìu dắt cả hai chị em Mỹ Nhung, Mỹ Linh vào Ban địch tình của Xứ ủy cùng với chị Phương Điền và anh Phạm Xuân Ẩn.

Là người thông thạo nhiều ngoại ngữ, hằng tuần, Phạm Xuân Ẩn tới nhà dạy tiếng Anh cho Mỹ Nhung và Mỹ Linh. Ông thầy đánh giá hai trò học rất tốt, sau này có thể làm việc được với tụi Mỹ. Quả vậy, nhờ có vốn liếng ban đầu ấy mà cả hai chị em tiếp tục dấn thêm và chẳng bao lâu thì đã có thể độc lập đi làm.

Bấy giờ, tổ tình báo có 5 người, chỉ huy là ông Mười Hương, các thành viên có chị Phương Điền, anh Phạm Xuân Ẩn, Mỹ Nhung và Mỹ Linh (lúc này chưa vào đảng). Tháng 10-1957, anh Ẩn được bố trí qua Mỹ học nghề báo. Thời gian ấy, hệ thống tình báo của ta bị chính quyền Ngô Đình Diệm đánh phá rất dữ dội, nhiều cán bộ bị sa vào tay địch, bị tra tấn cầm tù rất dã man. Phó ban địch tình Xứ ủy, ông Mười Hương bị bắt ở Sài Gòn (6-1958); trước đó, chị Phương Điền cũng ngồi tù. Thành thử, chi bộ tình báo còn duy nhất Tám Thảo (Mỹ Nhung). Nếu không vững vàng, thì rất dễ mất phương hướng, thậm chí hoang mang, dao động, làm phương hại đến tổ chức.

Vượt qua thử thách

Xưa nay, tạo hóa thường không cho ai tất cả, nhất là với phụ nữ, người xinh đẹp thường ít thông minh và ngược lại. Nhưng lạ thay, Mỹ Nhung lại được trời phú cả hai một cách hoàn hảo. Trong những ngày đen tối, cô nhớ nằm lòng lời ông Mười Hương, rằng còn một người cũng đánh, chờ Ẩn về sẽ có thêm người hoạt động trong lòng địch. Dần dà, Tám Thảo chắp nối được với chị Nguyễn Thị Thanh, người ngồi tù chung với chị Phương Điền. Và chị Thanh đã đưa Tám Thảo đến gặp các đồng chí lãnh đạo ngành tình báo như Sáu Hoàng (Cao Đăng Chiếm), Mười Nho (Nguyễn Xuân Mạnh). Cuối tháng 9-1959, Phạm Xuân Ẩn về nước. Chưa bắt liên lạc được với tổ chức, anh tìm đến gia đình cơ sở. Tám Thảo là người kết nối và dẫn Hai Trung ra mật khu Phú Hòa Đông (Củ Chi) để gặp ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) cùng lãnh đạo ngành tình báo. Xong việc, trở ra, anh Ẩn nói với Tám Thảo, chị làm liên lạc cho tôi. Chi bộ tình báo được tái lập. Phạm Xuân Ẩn tiếp, “bây giờ mỗi tháng tôi và chị đều đóng đảng phí. Chị đóng qua tôi”. Hai đảng viên mật trở lại Sài Gòn.

Một sáng, Tám Thảo đương ngồi ở sạp vải trong chợ Bến Thành thì Hai Trung đến rủ “đi ăn sáng”. Nhưng nào có ăn uống gì, họ lên chiếc xe đậu gần tượng Phù Đổng. Phạm Xuân Ẩn cầm lái, đưa Tám Thảo một cái túi và nói khẽ, phim đấy. Chuyến công tác đầu tiên ra cứ, nên cả hai chưa có kinh nghiệm. 24 cuộn phim Kodak đánh số mà Hai Trung chụp từ các tài liệu của địch, được Tám Thảo đem bọc giấy báo thành hai gói rồi bỏ vào giỏ, bên trên xếp trái cây, nhang đèn. Xe tới Hóc Môn, bất ngờ cảnh sát tuýt còi ách lại khám xét. Với bản tính trầm tĩnh, Tám Thảo chủ động xách giỏ đến thẳng trước mặt tên chỉ huy, cô mỉm cười bắt chuyện. Bỗng dưng được người đẹp ăn nói có duyên “quan tâm”, gã sếp mê mụ. Tới lúc xe sắp chạy, hắn ngạc nhiên hỏi Tám Thảo, ủa sao cô chưa lên xe đi? Dạ, tại thầy hỏi nhiều quá. Tuy háo sắc nhưng y vẫn không lơi “nhiệm vụ”, nên hỏi, lính đã xét cô chưa? Dạ chưa, thầy xét đi ạ. Tám Thảo làm bộ như đưa túi cho hắn, lúc ấy “bác tài” đã nổ máy và sốt ruột nhấn còi. Thấy vậy, ngài sếp “galant” vội phẩy tay, thôi cô đi đi. Tám Thảo thong thả bước lên xe và thoát hiểm ngoạn mục.

Sau khi nhận và tự tay tráng phim xong, ông Mười Nho rủn hết cả người. Tất cả các kế hoạch liên quan tới chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, bao gồm kế hoạch tổng thể của cuộc chiến, các tài liệu về xây dựng lực lượng quân sự, sự hỗ trợ của quân Mỹ, kế hoạch lập ấp chiến lược, kế hoạch tái chiếm vùng giải phóng và kế hoạch củng cố lực lượng ngụy quân bằng trang thiết bị quân sự của Mỹ, đã nằm gọn ngay trước mặt. Sau này, nhớ lại, Đại tá Nguyễn Xuân Mạnh, cựu Trưởng phòng Điệp báo TCII Bộ Quốc phòng, đánh giá: “Có cả tỷ đôla cũng không thể mua được những tài liệu như vậy”.

Sau vài lần Tám Thảo ra cứ, ông Sáu Dân yêu cầu phải cử gấp người khác thay, chứ để cô ấy tiếp tục như này rất dễ bị lộ. Và bà Ba làm nghề buôn bán vặt ở nội thành (đảng viên, liên lạc cho Xứ ủy trước đây) được cử làm giao liên cho Phạm Xuân Ẩn. Tháng 7-1965, hay tin anh Phạm Ngọc Thảo bị địch sát hại, Tám Thảo rất đau buồn, cô đành “nằm im” một thời gian để bảo vệ an toàn cho lưới tình báo.

Đầu năm 1966, Tư Cang (Nguyễn Văn Tàu) Cụm trưởng Cụm tình báo H63 vào nội đô Sài Gòn hoạt động, tá túc tại gia đình Tám Thảo ở đường Gia Long, trong vai một gia sư dạy tiếng Pháp. Lúc này, để có thêm nguồn tin, tổ chức yêu cầu cô tìm cách lọt vào cơ quan tình báo Hải quân Mỹ. Nhờ mối quan hệ rộng rãi trong giới thượng lưu Sài Gòn, thông minh và xinh đẹp, Tám Thảo đã lọt qua cửa “vũ môn” với sự soi xét cực kỳ ngặt nghèo. Đặc biệt, cô còn bình thản vượt qua cả máy kiểm tra sự thật (Polygraph Toast) dụng cụ chiến tranh tâm lý hiện đại của Mỹ. Chủ yếu máy kiểm tra nhịp tim, ai hoảng hốt thì đường tâm đồ sẽ rối loạn. Tám Thảo vào làm thông dịch cho viên Thiếu tá tình báo Hải quân tên James. Buổi sáng, thi thoảng chàng “gia sư” chở Tám Thảo tới chỗ làm, buổi chiều, lắm hôm ngài James thân chinh lái chiếc Mercury đưa người đẹp (mang tài liệu) về tận nhà. Một sự “hộ tống” trên cả tuyệt vời khiến đám mật vụ chìm cũng phải lác mắt. Tư Cang vẫn đùa: Đời điệp báo, em là số một. Sáng có thiếu tá tình báo Việt cộng đưa đi làm, chiều có thiếu tá tình báo Mỹ đưa về. Tuy nhiên, thường ngày cô vận áo dài nền nã đạp xe đi làm. Lắm khi do yêu cầu của công việc, nhà báo Phạm Xuân Ẩn thường dùng chiếc xe hơi Renault-4 chở Tám Thảo di chuyển.

Người Mỹ vốn rất nguyên tắc và cảnh giác với tất cả nhân viên làm việc, nên Tám Thảo lúc nào cũng thân thiện và tinh tế để lấy lòng họ. Qua việc biên dịch, cô thu thập được nhiều tài liệu giá trị, song có thứ phải nhớ nhập tâm rồi về nhà chép lại. Cơ hội trời cho khi James khoe chiếc máy ảnh mới, hắn nổi hứng chụp kỷ niệm cho Mỹ Nhung ở nhiều vị trí bên trong Bộ tư lệnh Hải quân (bến Bạch Đằng). Bộ ảnh ngài thiếu tá tặng người đẹp, lập tức được gửi ra cứ, để ta lập sa bàn tác chiến xuân Mậu Thân. Đặc biệt, cô lấy được tài liệu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn nhận định Vici (VC) sẽ không đánh tiếp đợt 2, giúp cấp trên có cơ sở hạ quyết tâm chuẩn xác. Với thành tích này, Tám Thảo được nhận Huân chương Chiến công hạng Ba.

Phải có thần kinh thép mới có thể trụ vững trước những đòn cân não. Có lần, một tên sĩ quan bất ngờ chào “đồng chí” Tám Thảo. Người đẹp cười tự nhiên “vâng, chào đồng chí”, vẻ mặt không chút biến sắc. Trong năm 1968, gia đình cô đã che chở, bảo vệ Tư Cang khỏi bị địch bắt trong gang tấc. Sau này, cụ Nguyễn Đăng Phong được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.

Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Phạm Xuân Ẩn và lưới H63, ngày 26-11-1969, cấp trên quyết định rút Tám Thảo ra chiến khu. Bấy giờ, trong cứ, cô em Mỹ Linh làm công tác tình báo kỹ thuật, chuyên nghe các cuộc đàm thoại của tụi Mỹ trên không qua máy PCR-25, báo cáo lãnh đạo kịp thời có phương án chủ động phòng tránh và đánh địch rất hiệu quả.

Với sự tác hợp của tổ chức, mối tình chiến khu nẩy nở. Tám Thảo lập gia đình với Võ Thành Giáp (bí danh Lê Văn Phong), một cán bộ quân đội quê ở Củ Chi. Ông Sáu Trí - Đoàn trưởng Đoàn tình báo Miền J22 làm chủ hôn cho đôi trai tài, gái sắc này. Một đám cưới giản dị mà xiết bao ấm áp.

*

Sau ngày hòa bình lập lại, Thượng úy Nguyễn Thị Yên Thảo tiếp tục công tác. Năm 1979, bà chuyển ngành về Sở Văn hóa và Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh, làm Trưởng phòng Tổ chức Trung tâm Nghiên cứu dịch thuật của Sở. Năm 1993, Trung tâm phát triển lớn mạnh, trở thành Hội Nghiên cứu dịch thuật trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, bà Tám Thảo giữ chức Phó chủ tịch Thường trực Hội. Đến năm 2002, thì nghỉ hưu.

Rèn luyện giữ gìn sức khỏe
Cô Tám Thảo và nhà văn Nguyễn Minh Ngọc trong một sự kiện

Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 30-8-2018, bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Nguyễn Thị Yên Thảo) được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND. Vượt qua ngưỡng cửu thập, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, song bà vẫn rất mẫn tiệp. Nét xuân sắc mặn mà cùng sự tinh anh thời con gái vẫn còn phảng phất trên gương mặt, bồng bềnh tóc mây. Trở về với đời thường, người nữ anh hùng vui vầy cùng con cháu. Hằng ngày bà vẫn tưới cây, chăm chỉ đọc sách tiếng Anh và luyện sức khỏe. Nhà người em Nguyễn Thị Mỹ Linh cũng ở gần đó. Hiếm có một gia đình nào trên đất nước này được như vậy.

Anh hùng tình báo Nguyễn Thị Mỹ Nhung và đồng đội! Ảnh: Trần Duy Tình

NGUYỄN MINH NGỌC
Ảnh: Tư liệu

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:387
Trong tuần:1297
Trong tháng:1297
Cả năm:1297
Tổng lượt xem:1297