column_right getExtensions 1714940693-1714940693

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714940693-1714940693

NGƯỜI CON GÁI DIÊN AN

NGƯỜI CON GÁI DIÊN AN

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:09-07-2023

NGƯỜI CON GÁI DIÊN AN

Bức họa chân dung Anh hùng LLVTND Trần Thị Tính

Ở thôn Phú Ân Nam, xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có một gia đình cơ sở cách mạng đông con. Đó là gia đình má Phan Thị Dài. Người con gái lớn của má có tên khai sinh là Trần Thị Thơ. Nhỏ con, song cô rất lanh lẹn và hiếu động chẳng khác nào con trai.

Nhà nghèo, Thơ phải đi ở đợ từ năm 14 tuổi. Lớn lên, tham gia hoạt động, cô được cách mạng đặt tên Trần Thị Tính. Do vị trí nằm kề trục đường giao thông nối thành Diên Khánh với thị xã Nha Trang, xã Diên An là bàn đạp nối chiến khu Đồng Bò với thị xã Nha Trang, nên Mỹ - ngụy luôn coi đây là một trọng điểm “bình định” đánh phá. Tỉnh trưởng Lý Bá Phẩm nhiều lần về đây thị sát, trực tiếp bày mưu tính kế hòng đánh bật lực lượng cách mạng ra khỏi địa bàn cực kỳ lợi hại này. Vì vậy, quanh vùng nhan nhản cảnh sát đặc biệt, rồi tề điệp và lính nghĩa quân, thêm vào đó là những kẻ chiêu hồi. Ngày đêm, chúng sục sạo dò tìm các hầm bí mật, triệt phá các cơ sở của ta. Ngôi nhà của ba má và các em Tính cư ngụ là một trong những điểm mà kẻ địch thường xuyên để mắt tới, vì chúng biết là các cán bộ của ta vẫn hay lui tới nơi này. Ông Trần Tương, ba của Tính, từng bị địch bắt bớ khảo tra rồi tống vô nhà giam “Bịt mắt” ở Nha Trang.

Sớm giác ngộ, Trần Thị Tính được tổ chức giao nhiệm vụ rải truyền đơn trong thôn xóm vào ban đêm, để bà con biết lực lượng ta vẫn tồn tại và ở rất gần dân. Thi thoảng, cô còn thảy được cả bản cáo trạng của cách mạng vô nhà mấy tên ác ôn để cảnh cáo, răn đe. Thấy con gái đi đêm về hôm, má Dài sinh nghi, rầy la, Tính chỉ cười rồi gục đầu vô lòng mẹ. “Con gái của má không phải đứa hư thân đâu, má đừng lo”. Dù con không nói ra, song má Dài cũng đã lờ mờ đoán biết.

Tuổi dậy thì, Tính lớn vụt thành một thiếu nữ mặn mà, duyên dáng với suối tóc dài đen nhánh. Đám lính mỗi khi ngó thấy mái tóc ấy xõa nghiêng trên bờ vai tròn lẳn của cô gái, nhiều tên như bị hút hồn. Mỗi khi có lính ập tới nhà, cô vồn vã chào hỏi, nói cười đưa đẩy như không. Tính dắt mũi cả đám lính ra vườn hái xoài, lựa mít chín cho chúng ăn. Bằng ấy thời gian đủ để cán bộ ta đương ở trong nhà lánh êm xuống hầm bí mật.

Có lần, Tính được giao nhiệm vụ mua hàng văn phòng phẩm cho căn cứ cách mạng trên núi Đồng Bò. Lúc về, ngang qua chợ, cô sực nhớ mua thêm cặp gà làm sẵn với mấy chai bia Con Cọp phòng hờ. Đêm ấy, anh em mình bị kẹt nên không thể về lấy hàng. Canh chừng thâu đêm, tới gần sáng mệt quá, Tính thiếp đi lúc nào không hay. Sáng bảnh, cô giật mình choàng dậy. Phải giấu ngay số hàng này kẻo tụi lính ập tới thì nguy tai. Tính dồn hết số sách vở, giấy mực vô hết trong cái lu lớn để góc bếp, rồi phủ lá sầu đông (xoan), đắp lá chuối khô lên trên rồi lấy dây buộc quanh hệt như cách như đang dấm chuối vậy. Lát sau, một toán lính xộc vào hằm hè đòi khám nhà. Biết là đã có kẻ mật báo với địch chuyện Tính mua hàng, như mọi khi, cô vọt ra đon đả, song vẫn giữ vẻ thản nhiên. Lục soát hồi lâu chẳng tìm thấy gì, thấy có tên xông đến bên cái lu dòm ngó, Tính liền tỉnh rụi: “Tội quá, anh hai! Buồng chuối má tui vừa dấm, để kịp phiên chợ ngày mốt. Dở ra, mất hơi, thúi cả buồng. Má tui, bả cuốc mả lên đó!”. Chợt nhớ cặp gà với ít bia, cô bèn dụ tụi lính gầy nhậu. Nghe vậy, tên nào cũng khoái, chúng dựng súng nằm ngả nghiêng ca vọng cổ, chờ mồi.

Đêm xuống, Tính vội gói ghém các thứ đem chôn ngoài vườn, ngụy trang cẩn thận, rồi kiếm buồng chuối ương đem sắp vào lu như cũ. Sáng sớm hôm sau, tốp lính khác hùng hổ xông đến. Việc đầu tiên chúng đòi khám lu. Vẻ ngoài, Tính vờ khép nép, sợ hãi, nhưng trong bụng cười thầm. Một lần, Trần Thị Tính được giao trừng trị một tên ác ôn có nhiều nợ máu. Sau khi trinh sát nắm quy luật hoạt động của tên Trọng méo, ngay giữa trưa, cô quyết định dẫn tổ công tác dùng súng ngắn khử tên này ngay tại quán cóc.

Vốn thông thuộc địa hình, Tính len lỏi khắp nơi thu thập tin tức, kịp thời báo cho tổ chức thông qua hòm thư mật. Nhiều lần, cô trực tiếp dẫn đường đưa cán bộ ta đi công tác, rồi những chuyến đưa các bác, các chú lãnh đạo từ trên núi về bám địa bàn chỉ đạo phong trào. Một tên chiêu hồi khai ra việc ba Tính chôn giấu đồ tiếp tế cho cách mạng ở vườn xoài, địch bắt ông Trần Tương lần thứ hai. Trước tình thế gia đình Trần Thị Tính bị đưa vào diện tình nghi, theo dõi “đặc biệt”, cấp trên quyết định đưa cô thoát ly ra cứ.

Sau khi Tính “nhảy núi” trót lọt, má Dài lên “trình” với chính quyền, rằng con gái mình “theo bồ bịch”, bỏ đi đâu chẳng rõ. Biết là không dễ đánh lừa chúng, song việc cần làm thì phải làm; cực chẳng đã má đành phải “bôi lem” phẩm hạnh con mình, để tạo thế hợp pháp. Bằng cớ là chỉ vài ngày sau, địch cho dán hình truy nã “cộng nữ” Trần Thị Thơ (tức Ngã) ở nhiều nơi và treo thưởng cho ai bắt được những hai trăm ngàn đồng, một khoản tiền không hề nhỏ.

Cuộc sống trên cứ, cực khổ, thiếu thốn, nhưng Tính như con chim sổ lồng. Từ việc tham gia chống càn, tránh bom pháo, tới việc thường xuyên di chuyển chỗ ở, dò mìn, dẫn đường đưa cán bộ… việc gì cô cũng làm lẹ như không. Rảnh rỗi, Tính thường lần xuống suối mò cua, bắt cá về nấu canh lá giang, cải thiện cho anh chị em trong đơn vị. Những đêm không đi công tác, cô thường đốt nến ngồi khâu vá giúp các đồng đội nam. Một anh bộ đội thuộc trung đoàn Sao Thủy, quê ở ngoài Bắc đem lòng yêu thương và đã ngỏ lời, Tính thầm hẹn chờ ngày đất nước thống nhất.

Mùa xuân năm 1972, Trần Thị Tính được cấp trên cử ra Bắc đi học. Đây là niềm mơ ước của bao người, song nghĩ đến quê hương và gia đình, sau vài ngày cân nhắc, cô đề đạt nguyện vọng xin được ở lại tiếp tục chiến đấu. Biết không thể thuyết phục được, tổ chức đành chấp thuận.

Hè năm ấy, lớp tập huấn cán bộ hoạt động nội thành vừa kết thúc tại căn cứ. Cấp trên phân công Tính cùng tổ trinh sát vũ trang phải khẩn trương đưa đoàn trở lại Nha Trang ngay trong đêm. Đây là vốn quý mà tổ chức mất nhiều công sức mới gầy dựng được. Sau khi thống nhất phương án với anh em trong tổ, Tính đem khẩu AK ra lau chùi cẩn thận, kèm thêm mấy quả lựu đạn US...

Đêm 18-6-1972, nhằm ngày 8-5 năm Nhâm Tý. Trăng thượng huyền mỏng manh như chiếc liềm ai bỏ quên sau vụ gặt. Ánh trăng non hư ảo khiến cho mỗi mô đất, bụi cây đều trở nên bí hiểm. Đúng 8 giờ tối, cả đoàn xuất phát. Tổ trinh sát đi trước, tiếp đến một quãng là Trần Thị Tính. Đội công tác cùng đoàn cán bộ đi sau rốt. Con đường mòn nhỏ nhoi dẫn đến thôn Võ Kiện, xã Diên An, băng qua cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ, trống trơn. Từ xa, nom thấy ngôi chùa, Tính dừng lại trước bờ mương. Cô mọp xuống, quan sát kỹ mé bên kia đường. Một sự im ắng đến rợn người. Linh tính cho hay có sự không bình thường. Thoảng trong gió nhẹ có mùi thuốc lá. “Tụi nó phục rồi!”. Ý nghĩ ấy lóe lên, Tính vừa kịp ra dấu cho cả đoàn nằm xuống, thì đã thấy từng đường đạn đỏ lừ, đan chéo cánh sẻ ngay trước mặt.

Tính xoay người nói với đồng đội: “Đưa anh em rút lẹ qua hướng khác. Để tui cản hậu!”. Nói xong, chị xách súng lom khom di chuyển theo con mương cạn, điểm xạ từng loạt ngắn. Lập tức, hỏa lực địch bị thu hút cả về hướng này. Chúng bắn rát như vãi đạn. Mươi phút sau, trên trời xuất hiện 2 chiếc máy bay C-47 (DC-3) thuộc phi đoàn Hỏa Long, ập tới thả pháo sáng. Suốt một dải từ cánh đồng, vượt qua đường xe lửa, vô tới chân núi Đồng Bò, sáng như ban ngày. Nhận rõ sắc phục bọn cảnh sát dã chiến, Tính rút 2 quả US để sẵn. Nghe tiếng AK nổ đanh nhưng đơn độc, địch bắc loa gọi hàng và hò nhau xông lên.

Tính hiểu phải cầm chân địch, đủ thời gian để các anh em rút êm. Dưới làn mưa đạn của địch, chị thấy chân mình tê dại, đau thốn tận óc, mắt nảy đom đóm. Mảnh đạn M79 làm đôi chân giập nát. Máu ra nhiều khiến Tính lịm đi. Tỉnh dậy, ngó thấy tốp lính lốc nhốc bò trên mặt ruộng, chị nghiến răng ghì súng xiết cò. Thêm hai cây thịt đổ vật cách mũi súng chỉ trong tầm với. Tiếng loa vẫn xói vào tai: “Hàng đi! Hàng thì sống! Quốc gia sẽ khoan hồng!”. Tính đĩnh đạc trả lời bằng lựu đạn. Có tiếng giãy giụa, rồi tiếng chửi bới, văng tục.

Bắn hết đạn, Tính tháo rời khẩu AK thành nhiều bộ phận và ráng sức đập gãy báng súng, vứt mỗi thứ một nơi. Nén đau, chị ngó trăng lần cuối… Gọi hàng không kết quả, địch điên cuồng trút đạn về phía bờ mương. Dính thêm nhiều vết đạn, Tính đã hy sinh, vậy mà hàng tiếng đồng hồ sau tụi cảnh sát dã chiến mới dám xông vào. Khi biết đối thủ là một nữ Việt cộng, cả bọn gầm lên tức tối.

Đêm ấy, đoàn cán bộ về đến thị xã an toàn. Tổ công tác và tổ trinh sát không hề hấn gì, chỉ thiếu mỗi Tính. Lễ truy điệu chị được tổ chức trên cứ vào ngày hôm sau, đồng đội nghẹn ngào tiếc thương. Ba má chị tìm cách lấy được thi thể con gái đưa về an táng trong vườn nhà.

Gần ba năm sau, tỉnh Khánh Hòa được giải phóng. Ngày 6-6-1976, liệt sĩ Trần Thị Tính được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tên chị được đặt cho một con đường ở phường Phước Hòa, thành phố Nha Trang. Giờ đây, chị yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Diên Khánh (Suối Hiệp). Khi đến dâng hương trước phần mộ chị, tôi chợt nghe như có tiếng gió thì thầm. Gió kể rằng, có một người con gái Diên An…!

NGUYỄN MINH NGỌC

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:79
Trong tuần:79
Trong tháng:8269
Cả năm:8269
Tổng lượt xem:8269