column_right getExtensions 1713578214-1713578214

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1713578214-1713578215

KỶ NIỆM 100 NĂM SINH ĐỒNG CHÍ VÕ VĂN KIỆT (1922-2022) CHÂN DUNG MỘT CON NGƯỜI

KỶ NIỆM 100 NĂM SINH ĐỒNG CHÍ VÕ VĂN KIỆT (1922-2022) CHÂN DUNG MỘT CON NGƯỜI

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:02-01-2023

Kỷ niệm 100 năm sinh đồng chí VÕ VĂN KIỆT (1922-2022)
CHÂN DUNG MỘT CON NGƯỜI

Ông Võ Văn Kiệt (1922-2008)

Sáng 11-6-2008 (nhằm ngày 8-5 năm Mậu Tý), tôi cùng các bạn dự trại viết Văn nghệ Quân đội đi thăm Tân cảng Cát Lái. Đang nghe giới thiệu, bỗng chiếc điện thoại trong túi tôi rung lên. Tách ra một chỗ, tôi nhận hung tin: nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từ trần! Trước khi chú Sáu Dân ra Hà Nội dự Đại lễ Phật đản, tôi vừa đăng ký với thư ký riêng của ông, xin một cái hẹn và chú Sáu đã đồng ý, vậy mà…

Lần theo từng trang đời của chú Sáu Dân, tôi biết thêm nhiều thứ. Là con út trong một gia đình nông dân nghèo đông con, ông chào đời ngày 22-11-1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Người cha là Phan Văn Dựa, người mẹ là Võ Thị Quế. Cha mẹ đặt tên là Phan Văn Hòa (Chín Hòa). Do hoàn cảnh éo le, thân mẫu phải nuôi cùng lúc hai đứa trẻ (con của một người bên họ ngoại) nên bữa thì Chín Hòa bú mẹ, bữa phải đi bú nhờ. Rồi người chú họ Phan Văn Chi (Hai Chi) cùng xóm, không vợ con, sang xin Chín Hòa về nuôi. Hãy còn trứng nước, cậu bé đã phải rời xa cha mẹ ruột, hằng ngày người cha nuôi phải ẵm đi khắp xóm, gặp ai có sữa thì xin bú. Lên 13 tuổi đầu, Chín Hòa đi chăn trâu, rồi ở đợ, làm quần quật cả ngày. Chịu cảnh sống cơ cực từ tấm bé, ông càng thấm thía. Thương ba má, ông thấu hiểu và cảm thông với người cùng khổ.

16 tuổi, Chín Hòa có chân trong Hội Tương tế, rồi tham gia tổ chức bí mật Thanh niên Phản đế. Sau khi dự cuộc họp của tổ chức này do đồng chí Tạ Uyên - Bí thư Liên Tỉnh ủy Hậu Giang kiêm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long chủ trì, tháng 11-1939, Phan Văn Hòa được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ bí thư chi bộ rồi Quận ủy viên Quận ủy Vũng Liêm, trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, đêm 23-11-1940, Chín Hòa chỉ huy một mũi ở Bắc Nước Xoáy (bờ sông Măng Thít), đánh đồn giặc, đục chìm 2 chiếc bắc (phà), cắt đứt giao thông của địch từ Vĩnh Long xuống Vũng Liêm và Trà Vinh.

Cuộc khởi nghĩa thất bại, Liên Tỉnh ủy chủ trương gom các cơ sở cũ vào rừng U Minh, Chín Hòa về đây cùng xây dựng căn cứ. Tháng 8-1945, ông tham gia chỉ đạo khởi nghĩa và cướp chính quyền tại thị xã Rạch Giá và một số huyện khác trong tỉnh. Thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, ông ở mặt trận Long Mỹ, rồi Phước Long. Giữ các cương vị Bí thư Huyện ủy, rồi Phó Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá, Tỉnh ủy Bạc Liêu, năm 1950, ông Võ Văn Kiệt là đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II ở Chiêm Hóa, chiến khu Việt Bắc.

Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Võ Văn Kiệt

Đầu năm 1952, ông cùng đoàn cán bộ của Trung ương vượt Trường Sơn trở về Nam và tiếp tục làm Phó Bí thư, rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Ông là người trực tiếp bố trí đón đồng chí Lê Duẩn sau khi rời con tàu đi “tập kết” ở cửa sông Ông Đốc, bí mật đưa về một căn cứ ở Bạc Liêu. Tháng 10-1954, Xứ ủy Nam Bộ được thành lập thay cho Trung ương Cục, ông Võ Văn Kiệt là Xứ ủy viên, Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy miền Tây.

Từ tháng 5-1959, đạo luật phát xít 10/59 ra đời, kẻ thù lê máy chém đi khắp miền Nam. Có thời điểm cả Ban chấp hành Đảng bộ Khu chỉ còn lại mỗi mình Bí thư. Những năm tháng cực kỳ khốc liệt, các cán bộ lãnh đạo phải ngày đêm căng mình đối phó với sự ruồng bố gắt gao của chính quyền Ngô Đình Diệm “tố cộng, diệt cộng”. Thời kỳ đen tối, ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh. Lãnh đạo phải chịu sức ép lớn từ phía cơ sở ủng hộ cách mạng, nhất là sự bức xúc của cán bộ, đảng viên và cả những người dân yêu nước. Có lần chú Sáu Dân kể, trước khi có Nghị quyết 15, nhiều người dân chí cốt tìm gặp ông và nói thẳng, nếu chịu bàn để đánh đuổi Mỹ - Diệm thì nghe, còn không thì đi chỗ khác!

Khi ông Nguyễn Văn Linh làm Quyền Bí thư Xứ ủy, từ miền Tây Nam Bộ, năm 1959, ông Võ Văn Kiệt về giữ chức Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Bằng sự phân tích thấu đáo, ông Sáu Dân nhận thấy nội thành Sài Gòn không thể tách rời vùng nông thôn ngoại thành thuộc tỉnh Gia Định và cơ quan lãnh đạo thành phố cần có căn cứ ở nông thôn làm chỗ đứng chân. Ông kiến nghị với Xứ ủy sáp nhập hai Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn và Đảng bộ Gia Định thành Đảng bộ Khu Sài Gòn - Gia Định và được chấp thuận. Ông chỉ đạo xây dựng chỗ ở bí mật ở vùng Lộc Thuận, Trảng Bàng, Tây Ninh. Khu ủy chọn một số đảng viên và nòng cốt tích cực đưa ra vùng Bời Lời (xã Đôn Thuận, Tây Ninh) mở lớp huấn luyện “Rừng Xanh”, đào tạo gấp những cán bộ cốt cán để đưa về nội thành gây dựng lại cơ sở.

Năm 1960, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III họp tại Hà Nội, ông Võ Văn Kiệt được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đầu năm 1961, Trung ương Đảng quyết định tái lập Trung ương Cục miền Nam (thay Xứ ủy), ông Sáu Dân là Ủy viên Trung ương Cục, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, ông phụ trách Bộ chỉ huy Tiền phương 2 (Nam Sài Gòn) thọc sâu vào nội đô Sài Gòn.

Cuối năm 1970, ông Võ Văn Kiệt về làm Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu miền Tây Nam Bộ (nay là Quân khu 9). Về sau, có lần phu nhân Phan Lương Cầm nói vui với tôi rằng, hồi chống Mỹ, chú Sáu là “Tướng không sao”. Đến năm 1972, ông là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Kiệt cùng lực lượng TNXP (28-3-1976)

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Võ Văn Kiệt làm Bí thư Đảng ủy Quân quản (còn gọi là Đảng ủy đặc biệt) kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản đến đầu năm 1976. Ông lần lượt đảm nhiệm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), tiếp đó là các trọng trách nặng nề khác của Đảng và Chính phủ… Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, tên tuổi ông Sáu Dân gắn liền với đường dây 500 KV Bắc Nam, cùng rất nhiều các công trình trọng điểm quốc gia khác.

Thủ tướng Chính phủ gặp những gương mặt tiên tiến TNXP tại Nhà hát Lớn, Hà Nội

Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, ông có những đóng góp to lớn và xuất sắc, để lại những dấu ấn không phai mờ trong lòng đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế. Có thể nói, ông Võ Văn Kiệt là một trong những kiến trúc sư hàng đầu của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Mọi tư duy lớn của ông Sáu Dân đều xuất phát từ thực tế cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân. Với ông, thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Sinh thời, khi được hỏi về học vấn, ông kể mình chỉ được học trường làng (bậc tiểu học) rồi sau ra học ở trường đời, khi hoạt động thì học cấp trên, học anh em đồng chí, học trong lò lửa đấu tranh cách mạng. Ấy chính là tầm vóc lớn lao, vượt lên các chiều kích thông thường của một con người.

*

Trong chiến tranh, ông Sáu Dân từng phải gánh chịu nhiều nỗi đau mất mát. Đầu năm 1966, bà Trần Kim Anh (người vợ đầu) cùng với hai con (Ánh Hồng và Chí Tâm) ra Củ Chi thăm ông, đi chuyến tàu Thuận Phong chở gần trăm người trên sông Sài Gòn bị trúng bom Mỹ mất tích. Có lần ngồi ở với ông, bất chợt ngó thấy mảnh ván thuyền dựng trước chân ban thờ ở phòng cạnh, tôi nao cả người. Nghe tin má và hai em mất, người con trai lớn Võ Dũng đang học ở Hà Nội nằng nặc đòi về Nam. Anh ra đơn vị chiến đấu và hy sinh khi 20 tuổi.

Nhớ về ông, nhân dân thành phố mang tên Bác Hồ sẽ mãi còn lưu giữ hình ảnh về một ông “Chủ tịch gạo”… nhà lãnh đạo luôn trăn trở lo toan, thậm chí dám “xé rào” vì miếng cơm manh áo của người dân thời bao cấp. Với thế hệ trẻ, chú Sáu Dân là người đặc biệt quan tâm đến sự trưởng thành của thiếu nhi, thanh niên, học sinh, sinh viên. Ngay trong những ngày khốn khó, ông vẫn có cái nhìn đầy tin tưởng: “Thành phố soi thấy tương lai rất sáng của mình trên vầng trán các em”.

Cố vấn Võ Văn Kiệt với các nghệ sĩ (từ trái qua): Phùng Há, Thanh Kim Huệ, Bảy Nam tại Hội nghệ sĩ sân khấu TP. HCM (1998)

Là con người của nghĩa nhân sau trước đậm đà, dường như ông Sáu Dân không bỏ quên điều gì, đã làm thì làm tới nơi, tới chốn, không nửa vời. Từ việc giúp người hoạn nạn, hay cán bộ bị hàm oan, đến việc chăm sóc cụ Hai Chi, rồi chuyện tìm được người em cùng chung bầu sữa mẹ (Mười Đương) hơn 70 năm trước, ông đều chu đáo, tận tình. Tôi được nghe kể hồi ở Khu 9, dù hoàn cảnh chiến tranh, nhưng ông vẫn ráng thu xếp đưa người cha nuôi về gần để chăm sóc tuổi già được ít nào hay ít ấy, ngõ hầu báo đáp công dưỡng dục…

Đầu tháng 3-1992, hay tin bà Nguyễn Thị Hồng (Năm Hồng) nguyên Bí thư Quận ủy Vũng Liêm, một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long, người dìu dắt Chín Hòa khi mới chập chững đến với cách mạng, qua đời, dù bận công tác không kịp về nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi vòng hoa, với dòng chữ: “Kính viếng người chị, người thầy và đồng chí thân thương nhất”.

Nhớ về ông, tôi luôn nhớ và kính trọng nhân cách một con người, nhân cách Võ Văn Kiệt. Ở ông có một sức hút đặc biệt không gì cưỡng nổi đối với trí thức, văn nghệ sĩ. Tất cả xuất phát từ phong thái, bản lĩnh, tấm lòng nhân ái bao dung và sức sáng tạo không biết mệt mỏi của một nhà lãnh đạo suốt đời vì dân. Ngay cả với những người bình thường, ông vẫn luôn bày tỏ thái độ trọng thị và gần gũi. Ai được tiếp xúc với ông Sáu Dân, dù chỉ một lần, cũng không thể nào quên được cung cách ứng xử vừa chân tình, cởi mở, vừa ân cần của ông. Mọi người quý trọng gọi ông là ông Sáu, chú Sáu. Nụ cười hào sảng của ông thể hiện cái nhìn lạc quan, tin tưởng, “nụ cười vượt khó” trong những bước ngặt nghèo. Ngay cả khi đã thôi giữ trọng trách người đứng đầu Chính phủ, ông vẫn thường xuyên quan tâm đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; ông tỏ bày chính kiến tâm huyết trước những vấn đề trọng đại của dân tộc và của đất nước.

Đầu năm 2005, tôi chuyển công tác vào thành phố mang tên Bác Hồ. Là cán bộ biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (QĐND) và thường trực Tạp chí Văn hóa Quân sự (VHQS) phía Nam, tôi xin được gặp ông Sáu Dân để đặt bài. Biết lịch công việc của ông luôn kín đặc, vì vậy, xin được vài chục phút là hết sức quý giá. Thú thực, mặc dù nghe nói nhiều về nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhưng khi được diện kiến ông, tôi có phần e ngại. Vậy mà ngay buổi đầu tiên, ông đã tạo cho tôi một ấn tượng đặc biệt. Nghiêng mái đầu tóc trắng xóa, ông hỏi tôi về công việc, về nhà cửa, vợ con rất thân tình. Ngồi hầu chuyện ông, được nghe giọng nói sôi nổi đầy âm sắc Nam Bộ, tôi thấy ấm lòng. Tôi đặc biệt quý ngôn ngữ đất phương Nam mà chú Sáu Dân sử dụng. Ông rủ rỉ “Không ai được lựa cửa sinh ra” cháu ạ. Câu này nhiều tờ báo và cả sách nữa, người ta thay chữ “lựa” bằng chữ “chọn”, trật dìa. Hoặc hiếm hoi, ông hé với tôi, rằng khi còn ở trong Nam, chú nghe xầm xì chuyện anh B lướt cụ A. Nhưng ra Bắc làm việc, chú thấy hoàn toàn không phải vậy. Lời đồn quả là ác ý. Không đề cập tới nội dung, tôi mê luôn từ “lướt” của ông, vì nó quá hay và chuẩn.

Khi tạp chí VHQS đăng bài “Côn Đảo, di sản lịch sử vô giá cần được tôn vinh xứng tầm”, tôi mang báo biếu và nhuận bút đến, ông cười và nói vui: “Nếu các đồng chí dám đăng thì tôi dám viết lắm chớ!”. Từ đó trở đi, ngôi nhà 16 Tú Xương, Quận 3, trở thành địa chỉ quen thuộc với tôi. Dẫu bận rộn nhưng một khi đã hẹn, ông đều dành thời gian để tiếp.

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nhà văn Nguyễn Minh Ngọc

Giữa năm 2006, nhân sắp đến sinh nhật lần thứ 84 của chú Sáu Dân, tôi xin phép ông được tập hợp những bài viết, bài nói rải rác để in thành sách. Từ khâu xây dựng đề cương đến việc đặt tên sách, viết lời tựa, tôi đều chuẩn bị kỹ lưỡng và mang đến trình bày trực tiếp. Ông chọn một trong 09 tựa sách do tôi đề xuất: “Võ Văn Kiệt - Đổi mới, bản lĩnh và sáng tạo”. Tôi đưa câu: “Đổi mới không phải là xóa bỏ hoàn toàn cái cũ hay từ bỏ chủ nghĩa xã hội mà là nhận thức lại một cách đúng đắn hơn về một chủ nghĩa xã hội nhân bản, hoàn thiện, với lý tưởng phục vụ con người, vì con người” ra bìa 4 của sách, có chữ ký của ông. Về bản thảo, tôi báo cáo với ông từng bài một. Riêng bài “Lấy từ bi diệt hận thù” đã in trên một tờ báo có đông độc giả, bài tuyệt hay, song cái tít thì xem ra chú Sáu vẫn còn chút băn khoăn. Tôi về cơ quan, ông gọi điện khuyến khích bảo cháu ráng tìm thêm. Trăn trở mãi, hôm sau tôi đến báo cáo xin sửa: “Lấy từ bi cởi bỏ hận thù”. Ông khen hay và bảo, hận thù chỉ có thể “cởi bỏ” chứ không thể nào “diệt” được. Các bài viết “Người Công giáo gặp Chúa trong lòng dân tộc”, “Đại đoàn kết dân tộc, cội nguồn sức mạnh của chúng ta”, thể hiện tầm nhìn cao rộng và tấm lòng nhân ái bao dung của một nhà lãnh đạo tầm cỡ.

Ở phần nói về các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, khi xuất hiện dưới dạng những bài báo lẻ, có một số ý kiến phản hồi. Vì vậy, khi đưa vào sách, tôi xin phép chú Sáu Dân được rà thêm chút xíu. Tôi mang bản bon sạch đến trình ông xem lại, ông đồng ý và đặt bút ký vào trang đầu, trang cuối. Cuốn sách hơn 400 trang, trình bày trang nhã, in đẹp, như là một món quà mừng sinh nhật nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Sách ra, kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam trang trọng giới thiệu ở mục “Mỗi ngày một cuốn sách”. Báo Sài Gòn giải phóng đăng bài viết của tôi về cuốn sách vào đúng dịp kỷ niệm 66 năm ngày khởi nghĩa Nam Kỳ (1940-2006). Tôi biết ông vui.

Từ đó trở đi, tôi may mắn được nhiều lần hầu chuyện ông. Trong số vài việc nhỏ nhặt mà chú Sáu Dân nhờ, có thể kể đến việc tôi giúp ông hoàn chỉnh thư phúc đáp nhà văn Võ Bá Cường, tác giả cuốn sách “Chuyện tướng Độ” (Nxb QĐND, H. 2007). Bên cạnh phần nói về công lao của tướng Trần Độ, một số đề xuất được ông chấp nhận. Xin trích: “… Đảng ta không chủ trương lấy công thay cho lỗi lầm; ngược lại cũng không vì có lỗi lầm mà phủ định hết giá trị của những cống hiến. Vấn đề ở đây phải rất công bằng, là đánh giá tác hại và ảnh hưởng đúng với sự thật khách quan, có sức thuyết phục, không chụp mũ và giá trị xác đáng của sự cống hiến (không cường điệu).

… Lịch sử sẽ phán xét công minh, nhưng trước tiên mỗi một cá nhân cũng phải sòng phẳng với lịch sử. Với tinh thần ấy, tôi tin việc xuất bản cuốn sách “Chuyện tướng Độ” là việc làm kịp thời và hết sức có ý nghĩa!”.

Thấm thoắt, chú Sáu Dân đã về cõi thiên thu được 14 năm! Và tròn 100 năm ngày sinh của nhà lãnh đạo Võ Văn Kiệt, một CON NGƯỜI viết hoa!

NGUYỄN MINH NGỌC
Ảnh: TL & tác giả

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:6
Trong ngày:1206
Trong tuần:2848
Trong tháng:2848
Cả năm:2848
Tổng lượt xem:2848