column_right getExtensions 1732180033-1732180033

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732180033-1732180033

BÁCH NIÊN, DÌ BẢY HUỆ

BÁCH NIÊN, DÌ BẢY HUỆ

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:29-06-2023

BÁCH NIÊN, DÌ BẢY HUỆ

18 tuổi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. 22 tuổi là Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 tại địa phương. Hai lần bị thực dân Pháp bắt giam, bị kết án khổ sai chung thân. Đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, IV, v.v… Đó là bà Ngô Thị Huệ, tên gọi thân mật là Dì Bảy, phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Bà Ngô Thị Huệ, phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Cách nay hơn 9 năm về trước, tôi xin phép đến gặp Dì Bảy tại nhà riêng (quận 3, TP. Hồ Chí Minh), để lấy tư liệu cho bài báo. Ngồi trước mặt tôi là một người phụ nữ hiền hậu, tóc mây, phong thái khoan hòa. Gương mặt bà đậm chất Nam Bộ, toát lên nét dịu dàng, đôn hậu như bao bà má miền Nam mà tôi từng gặp. Khi có báo xuân Canh Dần 2010, tôi mang lên biếu Dì Bảy. Bà lấy tập sách ảnh về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vừa được Nxb Thông tấn ấn hành và tự tay viết: “Bảy tặng đồng chí Nguyễn Minh Ngọc” rồi ký tên.

Dì Bảy với tác giả

Chào đời năm 1918 trong một gia đình nông dân ở xã Mỹ Qưới, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng; nhà nghèo nên 12 tuổi, cô bé Ngô Thị Huệ phải nương nhờ cửa Phật, với mong ước để bớt một miệng ăn, đỡ cực cho cha mẹ phải bươn chải nuôi đàn con đông. Được người anh rể là Trần Văn Bảy - Bí thư Tỉnh ủy tuyên truyền giác ngộ, bà hoàn tục. Năm 1936, được kết nạp vào Đảng, bà thoát ly hoạt động cách mạng, và lần lượt đảm trách huyện ủy viên Huyện ủy Cầu Ngang, Trà Vinh; tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Trà Vinh, tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Cần Thơ; ủy viên Liên Tỉnh ủy Hậu Giang (gồm 6 tỉnh miền Tây).

Từ sau Hội nghị Trung ương lần thứ 6 họp tại Hóc Môn, Gia Định (11-1939), Đảng ta chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc. Phong trào cách mạng của quần chúng lan rộng. Mùa hè năm 1940, chính phủ Vichy ký hiệp ước, Pháp đầu hàng nhục nhã Đức quốc xã! Trong bối cảnh ấy, Xứ ủy Nam Kỳ chủ trương khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền về tay nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quần chúng cách mạng khắp nơi bí mật rèn giáo mác, luyện tập võ nghệ, học chiến thuật du kích, học cách nhồi thuốc nổ, v.v…

Chỉ thị hoãn khởi nghĩa của Trung ương chưa về kịp thì cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ đã nổ ra. Theo kế hoạch, nửa đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa sẽ nổ ra trước tiên ở Sài Gòn, điện tắt và tiếng súng nổ sẽ là hiệu lệnh chung cho các địa phương lân cận tiến hành. Mặc dù kế hoạch ở Sài Gòn không thành, do nhiều đồng chí lãnh đạo bị bắt, nhưng cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra ở nhiều nơi. Tại tỉnh Vĩnh Long, chị Năm Hồng, Bí thư Quận ủy chỉ huy đánh chiếm quận lỵ Vũng Liêm. Quần chúng reo hò vang dậy, binh lính địch khiếp sợ hạ súng đầu hàng. Đồng chí Phan Văn Hòa (Võ Văn Kiệt) dẫn lực lượng lấy đồn bắc Nước Xoáy. Phó bí thư Tỉnh ủy Ngô Thị Huệ trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở quận Châu Thành và thị xã Vĩnh Long. Tuy nhiên, kế hoạch khởi nghĩa tại thị xã bị lộ, nên địch đề phòng nghiêm ngặt. Bà kịp thời chuyển hướng chiến thuật, điều nghĩa quân quay lại phía sau đánh chiếm các đồn bốt lẻ và tuyên truyền vũ trang bao vây thị xã. Sau khi phân công hai đồng chí Phước và Minh đưa quân đi phá bến đò Mỹ Thuận và bến đò Cần Thơ, ngăn không cho địch đưa viện binh đến, bà Ngô Thị Huệ dẫn một đội nghĩa quân đánh vào thị trấn Long Hồ, từ đó rút về Rừng Dơi (xã An Đức, Phước Hậu) rồi giải tán bọn tề ở Chánh Hội (Cái Nhum).

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại và bị dìm trong biển máu. Giặc Pháp thẳng tay đàn áp, giết chóc, bắt bớ, tù đày. Cuối tháng 12-1940, khi được cử lên Sài Gòn báo cáo với Xứ ủy, bà Ngô Thị Huệ bị sa vào tay địch. Sau 8 tháng bị nhốt ở khám Phú Mỹ, không có bằng cớ, chúng buộc phải thả bà về quê. Lại lao vào hoạt động, tháng 6-1942, bà bị bắt lần thứ hai, bị tuyên án khổ sai chung thân và trải qua nhiều nhà tù. Tại khám Chí Hòa, bà tổ chức cho chị em bạn tù trèo tường vượt ngục nhưng bị địch bắt lại. Tháng 6-1945, được giải thoát về Bạc Liêu, bà Ngô Thị Huệ tham gia Tỉnh ủy lâm thời và cướp chính quyền tại đây.

Tháng 1-1946, bà Ngô Thị Huệ là một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa đầu tiên. Ra Hà Nội họp, bà được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nghe Người căn dặn trước khi trở về Nam. Giữa năm 1947, dưới sự chủ trì của Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn, Hội nghị cán bộ Đảng toàn thành Sài Gòn - Chợ Lớn họp tại kinh Bà Vụ, Vườn Thơm, Trung Huyện (nay là huyện Bình Chánh, TP. HCM). Hội nghị bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ thành phố, gồm 15 đồng chí. Ông Nguyễn Văn Cúc (Mười Cúc, Út) làm Bí thư. Bà Ngô Thị Huệ là Thành ủy viên nữ duy nhất.

Tháng 5-1948, bà kết duyên cùng ông Mười Cúc (trong kháng chiến chống Mỹ, ông lấy tên con trai là Nguyễn Văn Linh làm bí danh). Trong một lần Thành ủy họp tại Chợ Lớn, thay mặt Xứ ủy, ông Lê Văn Sĩ đứng ra tuyên bố thành hôn cho hai người. Món quà của chủ hôn tặng cô dâu, chú rể khá độc đáo và hiếm có. Ấy là 100 trái bông gòn khô dùng độn gối cưới. Ngặt nỗi hoàn cảnh kháng chiến thiếu thốn cơ cực, kiếm đâu ra vải để may áo gối? Chỉ đơn sơ vậy, mà xiết bao ấm áp, sâu đậm tình người. Sau Hiệp định Giơnevơ, trong khi ông Nguyễn Văn Linh nhận trọng trách của Đảng ở lại lãnh đạo cách mạng miền Nam, thì cuối năm 1959, bà Ngô Thị Huệ cùng các con được tổ chức đưa ra miền Bắc. Thời gian sum họp gia đình thời son trẻ của ông bà chỉ tính bằng ngày, tháng. Trước lúc nghỉ hưu, bà Ngô Thị Huệ là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Ban Tổ chức Trung ương Đảng.

Gặp lại Dì Bảy

Là một trong những người đề xướng ý tưởng xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (202 Võ Thị Sáu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh), bà Ngô Thị Huệ còn trực tiếp tham gia biên soạn công trình “Lịch sử Phụ nữ Nam Bộ kháng chiến” (Nxb CTQG, H.2006). Tiếng là nghỉ hưu, nhưng chẳng mấy khi bà được rảnh rỗi. Đóng góp công sức cho nhiều chương trình từ thiện, bà có công lớn trong việc vận động để lập ra Bệnh viện miễn phí An Bình (nay thuộc Sở Y tế TP. HCM). Cũng chính Dì Bảy đề xuất với Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố. Từ năm 1994-2009, bà là Phó chủ tịch Hội này. Dẫu tuổi đã cao, bà vẫn hăng hái vận động các nhà hảo tâm cùng góp công sức, tiền bạc, thuốc men, vận động các bác sĩ nổi tiếng đi cùng để chăm lo cho các cụ già nghèo, neo đơn, các trẻ em nghèo bất hạnh của thành phố và trên cả nước. Đặc biệt, bà Ngô Thị Huệ có một bức tượng bán thân được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, nơi bà là một trong những người sáng lập. Đây là điều chưa có tiền lệ với những người đang sống. Tượng được làm bằng chất liệu đồng, cao 50cm, do nữ điêu khắc gia Kim Thanh thực hiện từ cuối năm 2010, theo yêu cầu của bà Trần Thu Hồng, một cựu tù chính trị từng được bà Ngô Thị Huệ dìu dắt. Năm 2016, bà được nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng. Sinh thời, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận xét: “Ý chí và nghị lực của chị Bảy thể hiện đúng nghĩa là một chiến sĩ cách mạng kiên trung. Chị Bảy Huệ là một biểu tượng rất đẹp của người phụ nữ Nam Bộ, người phụ nữ Việt Nam”.

Trong lễ đón danh hiệu Anh hùng LLVTND (9-2018)

Tháng 9-2018, tôi được gặp lại Dì Bảy ngồi xe lăn đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND cho các tập thể và cá nhân trong kháng chiến chống Mỹ. Xuân Kỷ Hợi này, bà bước sang tuổi 101. Trên gương mặt của bà, một gương mặt được chạm khắc bằng sự điềm tĩnh và niềm tin yêu vô bờ bến, dường như không có tuổi…

Bài và ảnh: NGUYỄN MINH NGỌC

BÀI VIẾT NỔI BẬT