NHỚ THƯƠNG BÁNH MƯỚT…
NHỚ THƯƠNG BÁNH MƯỚT…
Giêng hai, chừng như không khí xuân hãy còn vương vấn. Bỗng nhớ món ăn dân dã, món bánh mướt xứ Nghệ. Thủa bé, tôi ở với ông bà nội, nhà chỉ ăn bánh mướt dịp gặt lúa mới hay rằm tháng bảy. Thường thì ông bà đặt từ vài hôm trước, đến hẹn, người bán mang đến, đổi bánh lấy gạo. Ai mua bánh ướt cũng vậy. Gạo đong bằng bát sắt B52, bánh thì đếm từng chục. Mua bán, toàn tính quạ, tương đối. Vì được tráng từ sớm nên khi mang đến, bánh đã nguội. Từng lớp bánh trắng mịn được xếp chồng lên nhau trong thúng lót lá chuối, có rắc lớp hành phi vàng, trên đậy tấm vỉ buồm. Vậy nhưng khi cắt miếng bánh mềm, cho vào bát, chan nước xáo vịt, nổi mỡ vàng ươm, thơm mùi hành tăm, nghệ, ớt vào. Xuýt xoa! Miếng ngon thấm cả vào trong giấc ngủ.
Học hành rồi xa quê đi làm. Vẫn biết món bánh cuốn Bắc cũng gần như món bánh mướt quê nhà nhưng vẫn không thích bằng. Cũng bột gạo, cũng hành phi mỡ, cũng kiểu tráng ấy và còn thêm cả nhân thịt băm vào mà sao bánh vẫn thiêu thiếu chút gì? Phải chăng thiếu hồn cốt quê hương?
Chồng tôi người Bắc nhưng nghiện món bánh mướt quê vợ. Mỗi lần về, món tủ điểm tâm của ông xã là bánh mướt. Làng quê giờ đổi khác xa ngày tôi ở nhà. Buổi sáng, không mấy ai còn dùng cơm nguội hay khoai, sắn mà chuyển sang hàng quà, tấm bánh. Quanh làng, hàng bánh mướt rất nhiều. Có nhà bán ngay trong sân, có nhà dựng cái lán nhỏ trước cổng. Bàn ghế đơn sơ, mộc mạc. Người bán ngồi tráng bánh bên bếp lửa hồng, khách tự tay múc nước chấm, lấy rau ghém trong khi chờ tới lượt mình. Không khí ấm áp thân tình, chuyện trò rôm rả.
Người tráng bánh như múa vậy. Tay thoăn thoắt nhấc vung lên, hơi nước bốc lên ngùn ngụt, cái bánh nở phồng lên. Rút thanh cật nứa cắm trong ống nước cạnh bếp lò, chị nhẹ nhàng vớt bánh lên, trải ra mâm đã thoa một lớp mỡ mỏng rồi tiếp tục múc bột, đổ vào khuôn bánh, xoa nhẹ. Cứ cuộn bánh lại, nhấc ra đĩa, cho dúm hành phi rải lên. Được ăn bánh nóng luôn tại bếp là cái thú. Hễ tráng được cái nào, ăn luôn cái đó. Miếng bánh trắng mịn, nóng hổi chấm với nước mắm nguyên chất, vắt tí chanh và thả vài lát ớt được ăn kèm với giò tăm hoặc chả cuốn và rau sống. Giò ăn kèm chỉ bằng ngón tay, gói lá chuối. Khi khách gọi, chủ mới cho vào nồi nhỏ bên cạnh bếp để hấp, đĩa bánh bày lên cũng là lúc giò chín. Miếng giò dẻo, dai, giòn mà ngọt, không chất hàn the hay vị ngọt lợ của mì chính. Mùi thơm đặc trưng của giò gói lá chuối là hạt tiêu cay. Bát hành phi để trước mặt, ai thích thêm tùy ý. Vừa ăn vừa hít hà vị cay nồng, nước mắt nước mũi giàn giụa. Người ăn bánh mướt, môi cứ bóng nhẫy, mềm mượt ra. Quanh bờ môi như vẫn còn chút vương vấn. Ôi! Cái không khí làng quê mới ấm áp làm sao! Ăn xong, chiêu một bát nước chè xanh, vị chát ngọt trong cuống họng.
Nghề làm bánh mướt tỉ mẩn. Gạo tẻ đem ngâm 2-3 tiếng đồng hồ rồi đem xay. Ngày trước dùng cối xay đá nặng nhọc, nay có máy xay điện. Bột gạo được ngâm thêm gấp đôi thời gian ngâm gạo, từ 3-6 tiếng tùy loại, rồi mới tráng bánh. Đồ ăn kèm bánh cũng phải chuẩn bị kỹ càng. Đặc biệt, quê tôi không ăn bánh mướt với chả nướng mà ăn kèm chả cuốn, tức món nem rán và giò tăm. Giò thì đặt, còn chả cuốn tự làm. Rau ghém ăn kèm chủ yếu là hoa chuối và giá đỗ... Chủ quán phải nổi lửa từ lúc chưa tỏ mặt người để khách kịp ăn sáng còn đi làm, đi học. Món quà quê ngon và rẻ bất ngờ? Chỉ từ 10 - 15 nghìn mà vẫn đầy đủ giò, chả!
Ra giêng, hàng bánh mướt nào cũng đông đúc. Nhiều nhà còn mua về để ăn bữa chính. Dạo một vòng quanh làng quê, thấy bồi hồi xao xuyến với sự đổi thay của nông thôn, bâng khuâng nhớ về một thuở chưa xa. Hồn quê gắn với những món ăn dân dã đậm đà!
HOÀNG THỊ TUẤN HƯƠNG