column_right getExtensions 1737976470-1737976470

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1737976470-1737976470

LỜI MỜI TRƯỚC BỮA ĂN …

LỜI MỜI TRƯỚC BỮA ĂN …

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:22-01-2025

Lời mời trước bữa ăn …

THẠCH BÍCH NGỌC

Lời mời trước bữa ăn - nét văn hóa đẹp của người Việt

Lời mời trước mỗi bữa ăn thực ra không chỉ có ở trong các gia đình tại Việt Nam, mà đó cũng là nét văn hóa đẹp trước mỗi buổi tiệc tùng ở một số quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Ai-len… Đối với nhiều dân tộc, thì việc mời chào, nói lời hay ý đẹp trước bữa ăn là để bày tỏ sự trân trọng với thức ăn cũng như sự quan tâm đến mọi người trong bữa ăn.

Ở nước ta từ lâu, bất kể vùng miền nào, việc có lời mời trước mỗi bữa cơm luôn được coi là “nếp” sinh hoạt. Mâm cơm gia đình Việt thân thương và gần gũi, nhiều người vẫn sống cùng bố mẹ ngay cả khi trưởng thành. Nhiều gia đình gồm hai, ba thế hệ chung sống... Những đứa trẻ khi mới bập bẹ biết nói thì cha mẹ, ông bà, hay anh chị… đã hướng dẫn câu mời trước mỗi bữa ăn, để khi lớn lên thì câu mời trước mỗi bữa ăn đã thành “nếp”, như: “Cháu mời ông bà ăn cơm; con mời bố mẹ ăn cơm; em mời anh-chị ăn cơm…”. Nếu lỡ bé nào do háu đói, vội ăn mà quên mời thì sẽ bị nhắc nhở để lần sau không được quên. Thực ra thì không chỉ có con, cháu mới phải mời ông bà, bố mẹ; mà người lớn cũng thường mời con, cháu thân tình. Ví dụ, ông bà thường mở lời: “Các con, các cháu ăn cơm đi…”.

Ngày tôi còn nhỏ, bà nội luôn dặn rằng: Cháu đi ăn cỗ ở đâu cũng nhớ mời mọi người nhé. Khi ngồi ăn cùng mâm với những người lớn tuổi, cháu không nhất thiết phải mời gọi từng người một, mà chỉ cần nói: “Cháu mời các ông các bà, các bác, các cô các chú ăn cơm…!”. Còn nếu khi lớn lên rồi, đi dự tiệc cùng bạn bè đồng trang lứa…, thì chỉ cần nói: “Mời mọi người dùng bữa!”, vậy là đủ lịch sự rồi. Tôi nghĩ rất nhiều đứa trẻ cũng từng được ông bà, cha mẹ bày dạy như vậy…

Tuy nhiên, thời nay, nét sinh hoạt văn hóa đó đang dần bị mai một. Lời mời trước bữa cơm ngày càng thiếu vắng trong các gia đình, nhất là các đô thị. Nhiều người, nhất là các bạn trẻ cho rằng ăn uống diễn ra thường ngày, việc mời trước bữa ăn ở thời hiện đại không còn phù hợp, nó rườm rà mất thời gian… Bởi thế, lắm người thường bỏ qua hoặc xem nhẹ văn hóa trong bữa ăn. Trong gia đình, các bậc ông bà, cha mẹ cũng quên nhắc nhở con cháu biết mời trước lúc ăn. Có lần tới nhà người bạn chơi, tôi được mời ở lại dùng bữa với gia đình. Lúc ngồi ăn, tôi thấy hai con của bạn, trai lớn học trung học cơ sở, gái út học tiểu học, cắm cúi ăn mà không hề mời chào bố mẹ và khách. Khi các con của bạn đã về phòng, tôi góp ý thì bạn tôi cười bảo: Ôi, phép tắc đó cổ lỗ sĩ rồi bạn ơi. Thế kỷ 21, chứ có phải thời phong kiến mà bắt con mời mọc như vậy… Nghe giải thích vậy, biết bạn mình không còn coi trọng nét văn hóa đời thường đó, tôi cười và chuyển đề tài khác…

Lời mời trước bữa ăn là một nét đặc trưng văn hóa truyền thống trong mỗi gia đình người Việt. Không nên viện bất kỳ lý do nào để nét đẹp đó bị mai một. Thiết nghĩ các bậc làm cha, làm mẹ cần chú tâm dạy dỗ con em mình, uốn nắn từ việc nhỏ… Chính những lời mời tưởng chừng như vô thức ấy đã giáo dục cho con người ta hiểu lẽ biết ơn, biết nhận diện những hạnh phúc đơn thuần, bình dị, cũng là để biết trân quý, tôn trọng sự có mặt của nhau. Bữa cơm gia đình của người Việt ẩn chứa nhiều đạo lý, thể hiện tình cảm yêu thương gắn bó giữa các thành viên trong gia đình đồng thời thể hiện nét văn hóa ứng xử khéo léo của người Việt. Những nguyên tắc ngầm này không được ghi chép thành sổ sách nhưng bất cứ đứa trẻ nào cũng phải học bởi đó là nét đẹp, là truyền thống dân tộc từ bao đời nay.

Ảnh minh họa: Internet

BÀI VIẾT NỔI BẬT