VỀ NƠI HƯỚNG THIỆN
VỀ NƠI HƯỚNG THIỆN
Những ngày mùa thu tháng 9, nối tiếp chuỗi hoạt động chính sách trong năm 2022, Ban Phụ nữ Quân đội (PNQĐ) chủ trì phối hợp với Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Văn phòng Tổng cục Chính trị (TCCT) tổ chức thăm, tặng quà cán bộ, nhân viên, chiến sĩ công tác tại các trại giam quân sự khu vực miền Bắc: trại giam T974 (Thạch Thành, Thanh Hóa), trại tạm giam T771 (Ba Vì, Hà Nội) và 29 nữ bị can, phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam trên.
Lặng thầm nghề quản giáo
Đi giữa một không gian tràn ngập màu xanh, cây cối được cắt tỉa gọn gàng, ngay hàng thẳng lối, cả đoàn công tác ngỡ như đang lạc vào một công viên nào đó. Không khí chân tình, sự tiếp đón cởi mở của cán bộ, chiến sĩ ở các trại đã làm cho thành viên của đoàn nhẹ nhõm khi đến một nơi “đặc biệt”.
Được tận mắt chứng kiến mới thấu hiểu sự vất vả, nguy hiểm của những người lính ở đây. Công việc của người quản giáo không chỉ đơn thuần là trông giữ phạm nhân mà còn có nhiệm vụ giáo dục, cảm hóa, thức tỉnh lương tâm của họ, giúp họ suy nghĩ tích cực để yên tâm cải tạo, biết ăn năn, tích cực học tập, lao động sớm được về với gia đình. Với những người phạm tội mới đến trại, việc trấn an tinh thần cho họ là rất cần thiết. Nhưng để làm được điều đó, đòi hỏi cán bộ quản giáo phải có phẩm chất đạo đức; luôn gần gũi, động viên để nghi can, phạm nhân tự giác chấp hành nội quy. Cán bộ, chiến sĩ ở trại luôn thực hiện đúng quy định pháp luật, nghiêm khắc nhưng mềm mỏng, luôn mang tính nhân đạo, nhân văn…
Thượng tá Nguyễn Ngọc Hà - Giám thị Trại T974 cho biết: Công việc của những cán bộ quản giáo là đánh thức lương tâm của những người lầm lỗi. Với tù chung thân hoặc dài hạn, họ rất cần sự chia sẻ, cần lắm một “bàn tay” để vịn. Không ít người cải tạo tốt, ra tù vẫn nhớ về những cán bộ quản giáo với tình cảm đặc biệt. Để cảm hóa, giáo dục một phạm nhân, thì cần biết khơi dậy những gì tốt đẹp trong con người họ, giúp họ nhận ra lỗi lầm và hợp tác với quản giáo. Mặc dù đây không phải là trường lớp, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy mình đang dẫn dắt cho những con người lạc lối thức tỉnh.
Đối với mỗi người Việt Nam, gia đình không chỉ là tổ ấm yêu thương, mà còn là nền tảng văn hóa, trường học đầu đời của mỗi con người. Trong đó, người phụ nữ có sứ mệnh thiêng liêng và quan trọng. Khi họ phạm sai lầm, phải lĩnh án thì gia đình, xã hội phải gánh chịu biết bao thiệt thòi, hệ lụy. Chính vì vậy việc giáo dục, giúp nữ phạm nhân lầm lỡ ăn năn, tích cực cải tạo tiến bộ hoàn thành thời gian chấp hành án để trở về cuộc sống lương thiện thì cần có sự phối hợp của các cơ quan, cộng đồng, gia đình phạm nhân và đặc biệt là vai trò của cán bộ, nhân viên trại giam - những người có tác động trực tiếp hằng ngày. Việc giáo dục, động viên, khích lệ, sẽ là động lực giúp các phạm nhân vượt qua mặc cảm, yên tâm tiếp tục cải tạo tốt. Trường hợp Lê Thị Thảo, sinh 1972, quê Thanh Hóa, phạm tội buôn lậu và đưa hối lộ, nhận mức án 13 năm. Sau thời gian phấn đấu tốt, Thảo được 2 lần giảm án, hiện tại thời gian thi hành án còn 4 năm. Thay mặt cho tập thể nữ phạm nhân phát biểu tại buổi gặp mặt, Thảo nghẹn ngào: Chúng tôi vô cùng trân trọng tình cảm chân thành, sự quan tâm đầy tình nhân ái, không kỳ thị của Ban PNQĐ. Được các chị đến thăm là điều mà chúng tôi chưa từng nghĩ tới...
Phạm Thị Bình, sinh 1975, từng công tác trong một đơn vị Hải quân, do thiếu hiểu biết, phạm tội tham ô tài sản, lĩnh mức án 17 năm tù. Tháng 4-2020, chuyển về Trại T771. Hoàn cảnh Bình có 2 con gái còn nhỏ, bố mẹ già yếu. Tháng 7-2022, mẹ Bình lâm bệnh nặng qua đời, nữ phạm nhân suy sụp về tinh thần. Được sự quan tâm, động viên kịp thời từ các giám thị, quản giáo, Bình tiếp tục yên tâm cải tạo.
Ngày đầu khi về trại, Bình rất hoang mang, lo sợ. Nhưng được sự giáo dục tận tình của giám thị và các quản giáo, sự đùm bọc sẻ chia của các chị em phạm nhân cùng với sự phấn đấu nỗ lực của bản thân, dần dần Bình đã đạt được nhiều thành tích như: Giải xuất sắc cuộc thi tìm hiểu pháp luật (2021) của phạm nhân, khen thưởng mức 1 năm 2021, biểu dương 6 tháng đầu năm 2022. Hiện nay, Bình được giao làm quản lý bếp ăn phạm nhân - bị can với công việc làm thực đơn, kết sổ và hướng dẫn bếp thực hiện chế độ ăn theo đúng quy định của pháp luật. Mặc dù lượng tiền ăn theo quy định ít ỏi nhưng với sự quan tâm, tạo điều kiện từ giám thị, các phạm nhân đã có những bữa ăn đủ dinh dưỡng để yên tâm cải tạo. Nguồn thu từ tăng gia sản xuất như trứng, thịt, rau xanh... được đưa vào chế độ ăn thêm vào các dịp lễ, tết...
Chiếm tỷ lệ không nhiều trong các trại giam, mỗi một nữ phạm nhân với tuổi đời khác nhau, hoàn cảnh, số phận khác nhau, người trẻ tuổi nhất sinh năm 1986, người cao tuổi nhất sinh năm 1959... nhưng họ đều có chung một khát khao mong sớm được hoàn lương, để trở về với gia đình, hòa nhập với xã hội, cộng đồng. Họ đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, bảo ban nhau chấp hành tốt mọi nội quy, quy định của trại và hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Với phạm nhân nữ, giám thị luôn tạo điều kiện bố trí lao động phù hợp với tuổi tác, sức khỏe, tâm sinh lý của từng người.
Quản giáo khối nữ phạm nhân ở Trại T771 là Trung úy Nguyễn Thị Nga. Tuy còn trẻ nhưng cô rất có tinh thần trách nhiệm trong công việc, thường xuyên thăm hỏi, chia sẻ và động viên các phạm nhân, kịp thời báo cáo lãnh đạo trại những việc phát sinh nên được họ tin yêu. Nga và cán bộ, hội viên Hội phụ nữ Cục Điều tra hình sự đã phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động quan tâm, chia sẻ đến cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các trại giam cũng như các phạm nhân đang thi hành án tại các trại giam, trại tạm giam quân sự, góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn đích thực.
Giá trị của sự sẻ chia
Đại tá, TS. Phùng Thị Phú - Trưởng ban PNQĐ, phát biểu những lời đầy ân tình đã khiến cho những người tham dự chương trình hết sức xúc động, đặc biệt với các nữ phạm nhân. Chỉ vì không vượt qua được cám dỗ tầm thường, không kiềm chế được sự nông nổi, những người phụ nữ vốn đang có một công việc, vị trí ổn định vững vàng trong cuộc sống, một gia đình êm ấm, đã phải đánh đổi cả một tương lai bằng một giá đắt. Rất nhiều nước mắt của sự hối hận đã rơi, sự dày vò của lương tâm, của nỗi nhớ da diết về một cuộc sống gia đình ấm êm trước đây đã dằn vặt họ mỗi khi đêm xuống…
Sự rụt rè, mặc cảm, cũng như những giọt nước mắt hối hận của những con người lầm đường ấy khiến cả đoàn công tác đều rưng rưng. Sự cẩn thận, chỉn chu từ đầu tóc, quần áo, đôi dép đi... cho thấy họ vẫn là những người đầy nữ tính, khát khao vươn tới cái ĐẸP, luôn hướng về phía ánh sáng, về cái THIỆN. Các nữ phạm nhân được Trưởng ban PNQĐ trực tiếp tặng quà, tuy giá trị vật chất không lớn, nhưng là nguồn động viên tinh thần, giúp họ chấp hành nghiêm nội quy của trại, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời khơi dậy động lực tích cực học tập, lao động cải tạo tiến bộ để sớm được trở về hòa nhập cộng đồng và tuyệt đối không tái phạm tội, vi phạm pháp luật.
Đại tá, TS. Phùng Thị Phú đã tặng quà và gửi lời chúc đến toàn thể cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Trại T974 và Trại T771 luôn mạnh khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; coi trọng công tác giáo dục, cảm hóa người phạm tội, bằng tình thương và trách nhiệm để giúp phạm nhân gột bỏ lỗi lầm, cải tạo tốt, trở thành người có ích, trả về xã hội những công dân hữu ích.
Đại tá Phạm Văn Huấn - Giám thị Trại tạm giam T771, người đã có 32 năm làm công việc đặc biệt này. Là một người rất bản lĩnh nhưng anh rất cảm xúc khi được nghe những lời chia sẻ đầy nhân văn của Trưởng ban PNQĐ. Câu thơ “Không có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử” của Yvgeny Yevtushenko (1933-2017), một nhà thơ Nga nổi tiếng (Bằng Việt dịch) được Đại tá, TS. Phùng Thị Phú đọc, một lần nữa khẳng định rằng, chẳng có ai thay đổi được quá khứ, nhưng chúng ta có thể quyết định được tương lai. Đó cũng là lời nhắn nhủ các nữ phạm nhân hãy bền bỉ, tích cực thay đổi bản thân để có một tương lai tươi sáng.
Trận mưa thu khiến trời se lạnh, nhưng trên đường về, mỗi thành viên trong đoàn đều thấy lòng mình ấm lạ.
Bài và ảnh: HẢI VÂN - TUẤN DŨNG