NHẬT KÝ CHỐNG SỐC KHI CON VÀO TUỔI DẬY THÌ
GIỚI THIỆU SÁCH CỦA NHÀ XUẤT BẢN PHỤ NỮ VIỆT NAM
Nhật ký chống sốc khi con vào tuổi dậy thì
“Mẹ… Con không có thấy thích con gái bằng con trai, kiểu cảm xúc của người khác giới dành cho nhau ý mẹ, mẹ có yêu con không?”. Cuốn sách “Cong ăn cong Thẳng ăn thẳng” của tác giả Võ Minh Họa mở đầu bằng tình huống cậu con trai cả hỏi mẹ như vậy. Đặt mình vào vị trí của người mẹ, bạn sẽ trả lời con như thế nào?
Câu chuyện của người mẹ đơn thân đối mặt với sự khủng hoảng của hai cậu con trai, khi chúng đến tuổi dậy thì. Đó cũng là sự khủng hoảng của người mẹ vốn coi con là niềm vui, là lẽ sống sau khi hôn nhân tan vỡ. Những tưởng cuộc sống cứ thế trôi đi vì “Hai con của tôi khi còn học trung học cơ sở rất chăm chỉ, thực hiện tốt nội quy của nhà trường và rất hiểu chuyện”. Gió, bão, sấm sét bắt đầu nổi lên khi bước vào năm thứ 2 trung học phổ thông, các con chị trở thành một phiên bản khác, một phiên bản đậm chất ổi xanh chát xít và ngang như cua càng, chị luôn ở trạng thái căng như dây đàn, cảm xúc tồi tệ xuất hiện thường xuyên.
Cuốn sách được viết dưới dạng nhật ký của một người mẹ, với những trường đoạn mà có lẽ gia đình nào cũng có thể gặp là, khi con biết yêu, khi nhà trường thông báo con bị kỷ luật; rồi con tự ý bỏ học vì nghĩ học chẳng để làm gì, lao ra đường kiếm tiền cho nhanh. Là khi con nghĩ có tiền rồi thì mẹ không có quyền can thiệp vào chuyện tiêu pha của con; khi con cho mẹ “ra rìa”. Vô vàn những tình huống oái oăm mà con cái đặt người mẹ vào chuyện đã rồi, trong đó có chuyện con trai thú nhận ở phần trên…
Đối mặt với những tình huống vậy, mỗi gia đình sẽ có cách giải quyết khác nhau: mắng chửi, đòn roi, khuyên nhủ… không xong thì buông xuôi, hoặc tìm đến các bác sĩ tâm lý… Người mẹ đơn thân trong sách, ban đầu vô cùng loay hoay tự vấn lương tâm: “Vẫn là những câu hỏi mẹ tự đặt ra cho chính mình, mẹ chưa đúng ở đâu, mẹ cần thay đổi điều gì? Những câu hỏi đè nặng tâm trí, dồn nén cảm xúc, mẹ không thể tập trung làm được việc gì”.
Khi bình tĩnh lại, chị khuyên nhủ và kêu gọi tất cả những người có ảnh hưởng tới con cùng tác động. Lúc thì chị bí mật theo con, lúc thì chị thủ thỉ với con, dùng mọi cách để đưa con về quỹ đạo tốt. Có lẽ, những ai đã từng trải qua giai đoạn đối mặt với sự nổi loạn của con đều có tâm sự: “Chia sẻ niềm vui với năng lượng tích cực rất dễ nhưng chia sẻ nỗi buồn và sự bất lực trước con cái là điều vô cùng khó khăn. Chia sẻ với người bạn nào để nhận được sự thấu hiểu và lời khuyên phù hợp, điều đó cũng khiến mẹ suy nghĩ và cân nhắc”.
Ánh sáng cuối đường hầm của người mẹ là khi hai cậu con trai trở lại với trường học, và gần như trở về là những cậu bé “khi xưa”, lại bắt đầu cởi mở tâm sự với mẹ, ở một dạng thức khác: cao lớn hơn, trưởng thành hơn, bắt đầu kiếm được những đồng tiền chính đáng, và có những thành công nhất định, được nhà trường và xã hội ghi nhận.
Có được niềm vui ấy, là do người mẹ xác định không bao giờ bỏ cuộc trong việc cùng con bước qua khủng hoảng tuổi dậy thì, nếu buông xuôi, thì các con sẽ khó mà vượt qua được những cám dỗ luôn bủa vây giới trẻ.
Tác giả ghi lại hành trình cùng các con mình vượt qua thử thách tuổi vị thành niên, giúp nhiều bậc phụ huynh hiểu hơn về sự thay đổi trong tính cách của trẻ ở độ tuổi này, còn độc giả là giới trẻ sẽ thấu cảm cho sự lo lắng và quan tâm có chút thái quá của cha mẹ. Xin hãy nắm tay con để cùng chúng vượt qua thử thách tuổi mới lớn suôn sẻ nhé.