column_right getExtensions 1714673087-1714673087

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714673087-1714673087

MỘT CHUYỆN TÌNH CÓ HẬU

MỘT CHUYỆN TÌNH CÓ HẬU

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:13-05-2023

MỘT CHUYỆN TÌNH CÓ HẬU

Những lá thư với ký hiệu trên góc trái ghép 02 chữ “L” là Lưu, “N” là Nhu đã giúp ông Tạ Lưu và vợ trao gửi niềm thương, nỗi nhớ suốt hơn 10 năm xa cách. Vượt qua bom đạn, chiến thắng thử thách, giữ trọn lời hứa của người hậu phương với người tiền tuyến. Những lá thư là điểm tựa để họ cùng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Và khi đất nước thanh bình, ông bà bên nhau tận hưởng những tháng ngày sum họp.

Ông bà Nhu Lưu

Tình yêu nảy mầm

Thầy thuốc Tạ Lưu sinh năm 1931 tại xã Tương Giang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) ngày 18-6-1969, khi là Thượng úy, Bác sĩ, Đội phó Đội điều trị 14, Binh trạm 12, Đoàn 500 (Tổng cục Hậu cần).

Đại tá, TTƯT Tạ Lưu

Tháng 7-1954, kết thúc chiến dịch Trung-Lào, bệnh viện dã chiến nơi bác sĩ Tạ Lưu công tác, giải thể. Ông về tăng cường cho Viện K43 đóng ở Thanh Chương, Nghệ An. Thời gian này, ông quen và cảm mến cô Cao Thị Nhu. Cuối tháng 1-1955, bác sĩ Tạ Lưu nhận lệnh trở ra miền Bắc. Trước khi lên đường, ông ngỏ lời với người con gái mà ông thầm thương, trộm nhớ. Chỉ một nụ hôn vội trên má mà cho đến mãi sau này bà Nhu mới bộc bạch: Nhờ đó mà tin là ông ấy yêu bà thật lòng mà chờ đợi ông suốt 2 năm ròng.

Về Bắc, bác sĩ Tạ Lưu viết lá thư đầu tiên cho người con gái xứ Nghệ: “Nhu ơi! Anh báo tin mừng vào tờ giấy màu hồng, để Nhu biết là thầy u và các anh chị vẫn mạnh khỏe và hoàn toàn đồng ý về chuyện của chúng mình”.

Bác sĩ Lưu và vợ ngày ở chiến trường

Năm 1965, khi đang là Trưởng ban Ngoại của Đội điều trị 13, bác sĩ Tạ Lưu được lệnh vào miền Nam làm nhiệm vụ. Ở chiến trường, Đội phẫu thuật lưu động chốt tại các trọng điểm. Tuy bận rộn nhưng ông vẫn tranh thủ phút nghỉ ngơi hiếm hoi để viết thư gửi về hậu phương cho vợ. Trong nhiều lá thư đã nhận, bà Nhu nhớ nhất thư này:

“Trường Sơn, 12-2-1968.

Em và các con mến yêu!

Đất nước có chiến tranh, cực khổ muôn vàn. Anh rất thông cảm và thương em lắm, đã vất vả công tác, còn phải chăm nom nuôi dạy 3 con thơ dại. Anh tặng em mấy câu thơ để em suy ngẫm mà tự vươn lên:

Vợ lính từ xưa đã khổ rồi

Cả hai đều lính khổ nhân đôi

Đường dài gánh nặng em bươn chải

Thương lắm đành lòng nén chịu thôi”.

Những cánh thư kết nối yêu thương giữa 2 đầu nỗi nhớ, nhưng cũng có những lá thư chưa kịp gửi, được bác sĩ Lưu xếp dưới đáy ba lô, giữ đến ngày hòa bình và cho đến bây giờ, chúng trở thành kỷ vật thiêng liêng của họ.

Và hạnh phúc, sum vầy

Thành phố Bắc Ninh với những ngôi nhà cao tầng song vẫn giữ được nét cổ kính vốn có. Trên con phố nhỏ thuộc phường Thị Cầu, dù đã gần 70 năm đã trôi qua nhưng tình yêu của ông Lưu và bà Nhu thì vẫn vẹn nguyên như thủa ban đầu. Nhìn cách ông chăm sóc bà mới thấy sức khỏe của vợ là mối quan tâm hàng đầu của ông. Tuổi già, khớp xương đau nhức, ông ngày nào cũng dành thời gian xoa bóp để hồi phục chức năng cho vợ. Với ông đó là sự quan tâm và là cách đền đáp phần nào cho người đồng nghiệp, người vợ lặng lẽ hy sinh để ông dành toàn bộ tâm sức cho nhiệm vụ quân đội giao phó.

Sum vầy bên con cháu

Theo chồng về làm dâu đất Kinh Bắc, bà Nhu luôn thấy mình may mắn bởi từng ấy năm về chung sống dưới một mái nhà, họ đồng cam cộng khổ để cùng nhau vượt qua những giai đoạn đất nước khó khăn, cuộc sống thường ngày vất vả. Bằng tình yêu thương chân thành, bà luôn sẻ chia với người bạn đời trong công việc và nuôi dạy các con trưởng thành để giờ đây, ông bà được sum vầy bên các con, cháu.

Từ ngày nghỉ hưu, ông Lưu dành thời gian viết về những năm tháng đã sống, chiến đấu và cống hiến trong quân ngũ. Trong số những tựa sách của ông đã xuất bản, cuốn “Trường Sơn - máu lửa và hoa”, năm 2015, được Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải Ba. Từ năm 2016, ông khởi viết “Tình yêu thời chiến” kể về cuộc sống và tình yêu lứa đôi trong chiến tranh. Ngay trang đầu, ông đề tặng người vợ thân yêu của mình.

Khánh Chi
Ảnh: NVCC

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:179
Trong tuần:133225
Trong tháng:14816
Cả năm:840598
Tổng lượt xem:5151036