column_right getExtensions 1734797688-1734797688

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1734797688-1734797688

VỊ TƯỚNG CỦA BIỂN CẢ

VỊ TƯỚNG CỦA BIỂN CẢ

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:12-12-2024

Vị tướng của biển cả

NGUYỄN MINH NGỌC

Nói đến Hải quân nhân dân Việt Nam, không thể không nhắc đến các vị Tư lệnh như Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát, Đô đốc Giáp Văn Cương, Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh, bởi đó là những người đặt nền móng và có công lớn xây dựng, phát triển Hải quân thành một Quân chủng kỹ thuật hiện đại của quân đội ta…

Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh - Tư lệnh Quân chủng Hải quân (1994-2000)

Nhiều năm gần đây, hầu như Tết nào cũng vậy, một nhóm mấy anh em Hải quân thân thiết thường rủ tôi đến thăm Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân (1993-2000) tại nhà riêng ở Quận 2 (nay thuộc thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh). Trong câu chuyện của mình, vị tướng mực thước luôn từ tốn: “Trước hết phải khẳng định, chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ở biển Đông”.

Tướng Mai Xuân Vĩnh chào đời năm Canh Ngọ (1930) tại làng Thọ Linh Thượng, tổng Thuận Thị, phủ Quảng Trạch (nay là thôn Thọ Linh, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) trong một gia đình nông dân rất nghèo. Thủy tổ dòng họ Mai này gốc gác ở làng Trung Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, đạo Sơn Nam (nay là xã Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội). Cụ tổ Mai Phúc Khánh được triều đình (vua Lê Thái Tông, 1460-1497) giao cầm quân vào Nam dẹp loạn ở Ô Châu, và được phong tước Tham Nghị Trác Lộc Nam. Sau khi giành thắng lợi, trên đường lui binh trở về, thấy vùng đất dưới chân núi Ngùi bên dòng Rào Nan (một nhánh của sông Gianh) phong cảnh sơn thủy hữu tình, thổ địa phì nhiêu chưa có người khai phá, cụ Tham Nghị bèn vận động thân binh thuộc hạ và được triều đình cho phép, ở lại đây khẩn hoang, lập ấp. Và làng Kim Linh được hình thành từ cuối thế kỷ XV. Dưới thời vua Minh Mạng (1823) thấy tên làng mang chữ Kim, húy kỵ Đức Thủy tổ Cao hoàng nhà Nguyễn (Nguyễn Kim), nên triều đình bắt phải đổi sang chữ Thọ, làng Thọ Linh. Đến thời vua Khải Định, xét công lao của cụ Mai Phúc Khánh từ buổi đầu khai khẩn, tạo dựng cuộc sống cho dân bền vững, triều đình truy phong cho cụ tước “Đại lang Dực bảo Trung hưng, Trung đẳng Linh phù Tôn thần”.

Quê hương nghĩa nặng, tình sâu

Là hậu duệ đời thứ 15 của dòng họ Mai, tướng Mai Xuân Vĩnh là chắt nội của cụ Mai Lượng, một võ quan dưới triều vua Tự Đức. Sau khi phái chủ hòa hèn nhát trong triều đình Huế ký Hiệp ước Patenotre (6-6-1884), cụ Mai Lượng rũ áo từ quan về quê ẩn dật, bất hợp tác với những kẻ cam tâm bán nước cho ngoại bang. Ngày 25-3-1885, sau sự biến “kinh thành Huế”, vua Hàm Nghi xuất bôn ra Tân Sở, Quảng Trị, xuống chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân chống Pháp. Khi nhà vua xa giá đến Quảng Bình, cụ Mai Lượng đến xin yết kiến Sơn Triều và được vua Hàm Nghi phong chức Lãnh binh, sát cánh cùng với nhiều người khác phò vua, chống giặc. Người dân quanh vùng kính cẩn gọi cụ là Lãnh Mai. Giữa lúc nghĩa quân đang dồn sức kháng Pháp, thì cụ Mai Lượng chẳng may qua đời vì bệnh sốt rét ác tính, khi vừa tròn 53 tuổi. Thi hài cụ được nghĩa quân an táng trong rừng sâu để tránh sự trả thù tàn bạo của kẻ thù. Về sau, khi đất nước yên hàn, hài cốt của cụ Lãnh Mai được gia đình và bà con đưa về yên nghỉ tại làng Thọ Linh, quê nhà. Ngày 24-1-1998, mộ cụ Mai Lượng được Bộ Văn hóa-Thông tin cấp bằng “Di tích Lịch sử-Văn hóa”.

Bên dòng Rào Nan, thủa nhỏ, tướng Mai Xuân Vĩnh có một tuổi thơ hết sức cơ cực. Nhà quá nghèo, thân mẫu đau ốm không tiền thuốc thang và mất sớm, em gái cũng đi theo mẹ lúc chưa đầy hai tuổi. Đói rét, bệnh tật hành hạ, cậu bé Vĩnh lên cơn sốt hàng tháng trời, người gầy rộc, da vàng ệch, tóc rụng trụi. Không một viên thuốc, suýt chút nữa thì cậu bé đã không qua khỏi. Trong cơn quẫn bách và gần như tuyệt vọng, vì quá thương con nên người cha liều vay mượn mua được cái chân giò lợn đem luộc cho con trai ăn, kẻo sợ con chết đói… Lạ kỳ thay, có lẽ nhờ phương “thuốc thần” này mà cậu bé Vĩnh đỡ dần, rồi qua khỏi và sống sót.

Tháng 5-1950, chàng thanh niên Mai Xuân Vĩnh trúng tuyển vào bộ đội, chiến đấu trong đội hình của Tiểu đoàn 436, Trung đoàn 101 - Trần Cao Vân danh tiếng, trên chiến trường “Bình Trị Thiên khói lửa”. Chàng lính trẻ từng dự các trận đánh nổi tiếng, trận Thanh Hương (11-3-1951), trận chống càn Thanh Lam Bồ (6-1951), chiến đấu và đưa anh em thoát khỏi vòng vây của địch sau cuộc hành binh “Cá Sấu” (Operation Caiman) vào tháng 9-1952…

Khi đang chiến đấu ở chiến trường Hạ Lào và đông bắc Campuchia, Tiểu đoàn 436 nhận được điện của cấp trên. Sau khi củng cố biên chế, tổ chức, đêm 19-12-1953, Tiểu đoàn 436 lấy danh hiệu “Chí Long” tách khỏi đội hình Trung đoàn 101, Đại đoàn 325, trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh, lên đường. Mai Xuân Vĩnh được phân công đảm trách công tác hậu cần của tiểu đoàn.

Trước lúc lên đường làm nhiệm vụ, đơn vị nhận được bức thư viết tay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Các đồng chí đi lần này làm nhiệm vụ yêu nước và quốc tế, rất gian khổ, nhưng rất vẻ vang. Phương châm hoạt động là: quân sự và chính trị song song; độc lập hoạt động, tự lực tự cường và tự túc; chiến trường không hạn chế; thời gian không hạn định. Chúc các đồng chí đã đi là chiến thắng, xứng đáng với truyền thống bộ đội Cụ Hồ”.

Khắc ghi lời căn dặn ấy, trải qua hơn 200 ngày hành quân độc lập chiến đấu thọc sâu của Tiểu đoàn Chí Long vô cùng gian nan, vượt qua chặng đường núi non điệp trùng hiểm trở, chủ động tấn công địch, phối hợp với đơn vị bạn và quân dân Hạ Lào và đông bắc Miên để “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ. Cuối năm 1954, đầu năm 1955, kết thúc nhiệm vụ biệt phái, Tiểu đoàn 436 trở về trong đội hình của Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 đứng chân tại Quảng Bình. Ông Mai Xuân Vĩnh được bổ nhiệm làm Chính trị viên và là Bí thư chi bộ Đại đội 40 của tiểu đoàn. Khi quân đội triển khai thực hiện quy định về quân hàm các cấp cho sĩ quan, hạ sĩ quan trong toàn quân, ngày 20-11-1958, Mai Xuân Vĩnh được phong hàm Thượng úy, quyết định do Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp ký.

Sau ngày hòa bình lập lại, cuối năm 1958, ông được cử đi học trường văn hóa quân đội tại Lạng Sơn. Và trong thời gian học tập tại đây, Mai Xuân Vĩnh may mắn được gặp Bác Hồ đến thăm trường, được vinh dự nghe những lời căn dặn quý báu của Người…

Vào tháng 6-1961, thượng úy Mai Xuân Vĩnh được cử sang Liên Xô học Trường Hải quân Ki-rov ở thủ đô Ba-cu (Azecbaijan), bên bờ biển Caxpiên… Đến giữa năm 1964, do tình hình quốc tế có những bất ổn, dù khóa đào tạo vẫn chưa kết thúc, nhưng các học viên Việt Nam được lệnh về nước. Trước âm mưu thủ đoạn của đế quốc Mỹ, liều lĩnh mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc Việt Nam, tháng 7-1964, Hải quân ta được lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Trở lại Quân chủng Hải quân, ông Mai Xuân Vĩnh làm Trợ lý Tác chiến Khu tuần phòng 2, trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Quân khu 4 ác liệt. Sau khi Khu tuần phòng 2 giải thể, ông chuyển sang làm cán bộ chỉ huy của Tiểu đoàn 8 radar bờ biển, rồi Hải quân khu vực 4 (tương đương trung đoàn, gọi là K4). Trung tuần tháng 4-1972, các trạm radar của K4 dưới sự chỉ huy của ông Mai Xuân Vĩnh đã hiệp đồng chặt chẽ, phát hiện mục tiêu và thông báo chính xác vị trí tàu khu trục Mỹ, giúp biên đội MiG-17 của phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy (B) thuộc Trung đoàn 923 xuất kích từ sân bay Gát. Biên đội MiG-17 ném bom làm 2 tàu khu trục Mỹ bị thương, trong đó có tàu Hegbee hỏng rất nặng. Đặc biệt, trước việc kẻ địch ngày càng lấn sâu vào đánh phá các mục tiêu ven biển, nhất là tuyến giao thông quốc lộ 1, Bộ Tư lệnh Hải quân lệnh cho K4 dùng thủy lôi đánh tàu khu trục Mỹ. Nhờ theo dõi nắm chắc hành tung của tàu địch, Phân đội 23 thuộc K4 đã nghiên cứu thành công việc dùng tàu gỗ thả thủy lôi trừng trị đích đáng kẻ cướp biển. Tháng 9-1973, Phân đội này được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND).

Kết thúc khóa học tại Học viện Hải quân Liên Xô, về nước, tháng 10-1976, ông Mai Xuân Vĩnh được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tác chiến, Bộ Tham mưu Quân chủng Hải quân. Mùa thu năm 1980, ông tiếp tục được cử sang học Trường Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô, trường đào tạo binh chủng hợp thành cao nhất của quân đội Xô viết lúc bấy giờ (Học viện Voroshilov). Tháng 7-1982, Đại tá Mai Xuân Vĩnh được bổ nhiệm giữ chức Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân. Công tác chỉ huy tham mưu, đặc biệt là các đợt diễn tập Hải quân, nhất là diễn tập hiệp đồng quân binh chủng có nhiều nét mới cả về quy mô lẫn chiều sâu.

*

Nửa cuối thập niên 80 (thế kỷ XX), tình hình trên biển Đông có nhiều diễn biến rất phức tạp. Với chủ trương nhất quán “Không dùng vũ lực và đe dọa vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thương lượng hòa bình”, Việt Nam đã có nhiều đối sách mềm dẻo, song kiên quyết. Đêm 24-10-1987, Tư lệnh Giáp Văn Cương ra lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cho tất cả các đảo thuộc Lữ đoàn 146 ở quần đảo Trường Sa. Ngày 9-1-1988, Đảng ủy Quân chủng Hải quân ra nghị quyết xác định: “Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo ở quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng nhất, khẩn trương nhất…”.

Do tình hình cấp bách, để kịp thời xử trí các tình huống, Tư lệnh và Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Quân chủng bàn và thống nhất lấy Thành phố Hồ Chí Minh làm Sở chỉ huy cơ bản, Hải Phòng là Sở chỉ huy hậu phương, còn Sở chỉ huy Quân chủng đặt ở Cam Ranh (Vùng 4) trực tiếp chỉ huy bảo vệ quần đảo Trường Sa.

Sáng sớm 17-2-1988 (mùng một Tết), đoàn cán bộ hơn 60 người (chủ yếu là cán bộ chỉ huy - tham mưu HQ) do các ông Giáp Văn Cương, Mai Xuân Vĩnh dẫn đầu lên máy bay AN-26 vào Cam Ranh. Qua ô cửa, thấy từng vạt mai núi rải sắc vàng trên khắp bán đảo. Nắng gắt và gió lộng. Ngoài kia, biển vẫn thăm thẳm một màu xanh bí ẩn. Kể từ thời điểm này, Tư lệnh Quân chủng và Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Mai Xuân Vĩnh thường xuyên túc trực tại Sở chỉ huy tiền phương. Hải quân ta huy động lực lượng tối đa với cường độ hoạt động lớn và tốc độ tương đối nhanh, bước đầu ngăn chặn được việc mở rộng xâm chiếm của đối phương.

Máu của cán bộ, chiến sĩ Hải quân đổ trong sự kiện 14-3-1988 đã ngăn chặn được hành động ngang ngược của đối phương. Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Mai Xuân Vĩnh chính là người đặt tên “CQ-88” cho cuộc chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa. Cái tên đó từ lâu trở nên thân thiết với mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân ta và nhân dân cả nước.

Tư lệnh Mai Xuân Vĩnh kiểm tra bãi đá ngập nước ở quần đảo Trường Sa

Cuối tháng 3, đầu tháng 4-1988, tướng Mai Xuân Vĩnh dẫn đầu đoàn cán bộ gồm hơn 60 người đi trên chiếc tàu vận tải HQ-613, ra thăm Trường Sa. Từ điểm đầu tiên là Song Tử Tây, từ bắc xuống phía nam, đoàn lần lượt ghé các đảo: Sơn Ca, Đá Thị, Nam Yết, Sinh Tồn… đến Cô Lin, đoàn gặp tàu HQ-505 sau cuộc đụng độ hiện vẫn ở đây. Mặc cho con tàu lổ chỗ vết đạn, anh em thủy thủ đều rất phấn khởi được gặp cấp trên và đồng đội. Không một ai tỏ ra nao núng.

Từ đảo chìm Len Đao đến Sinh Tồn Đông, đi về đảo Phan Vinh, rồi qua bãi đá Ba Đầu, dẫu đất nước và quân đội còn nhiều gian nan, song ở đâu đoàn cũng thấy những người lính đảo hừng hực quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Thay mặt Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng, vừa thăm hỏi, biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm kiên cường bảo vệ chủ quyền biển đảo của các đơn vị, đồng thời Phó Tư lệnh Mai Xuân Vĩnh cũng yêu cầu cán bộ, chiến sĩ ta phải cảnh giác sẵn sàng chiến đấu. Dọc hải trình định sẵn, mặc dù đối phương cho tàu lớn di chuyển với tốc độ cao ra uy hiếp và khiêu khích, nhưng với bản lĩnh của người chỉ huy dạn dày kinh nghiệm trận mạc, ông truyền cho anh em sự điềm tĩnh. Ông bảo, biển đảo của ta, chủ quyền của ta, tàu cứ đi theo hướng và tốc độ không đổi. Nếu đối phương cố tình húc vào tàu ta thì tàu của chúng không bể đầu cũng lủng ruột! Thấy chiếc tàu khu trục tên lửa chuyển hướng chạy song song cách tàu ta chừng 500m, vị tướng Hải quân cười hóm hỉnh: “Chỉ có nguyên thủ quốc gia đi trên biển mới có tàu chiến lớn hộ tống! Hôm nay, đoàn ta… rất oai!”.

Sau chuyến đi thăm và kiểm tra sẵn sàng chiến đấu ở các đảo trở về, ông Mai Xuân Vĩnh có bài thơ “Gửi anh chiến sĩ Trường Sa” đầy cảm xúc, thân thương và gần gũi. Bài thơ lục bát mộc mạc, dễ đọc, dễ nhớ.

Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh và tác giả bài viết trong một sự kiện

Trên cương vị là Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh đã chỉ huy thành công nhiều cuộc diễn tập hiệp đồng chiến đấu của Hải quân ta với sự linh hoạt và quyết đoán, được cấp trên đánh giá cao. Ông trực tiếp chỉ đạo xây dựng các công trình lâu bền và công sự chiến đấu trên quần đảo Trường Sa. Từ việc kiên quyết chỉ đạo làm nhà bê tông cốt thép trên lô cốt để rút kinh nghiệm, ông đã thuyết phục được cấp trên đồng ý với Hải quân. Điều đó không có gì lạ, khi đầu năm 2017, ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh (đồng tác giả) cho cụm công trình: “Các giải pháp khoa học công nghệ trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng cụm công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa…”. Vào độ tuổi “xưa nay hiếm” (3-2000) ông mới được cấp trên cho nghỉ hưu.

Vị tướng cùng vợ và các con, cháu

Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 4-2017, Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trở về với cuộc sống đời thường, vị tướng của biển cả vẫn luôn giữ cho mình sự mực thước, an nhiên, tự tại. Khi còn trong quân ngũ, ông nổi tiếng là người luôn yêu cầu cao, song hết mực thương lính; quan tâm và thấu hiểu cấp dưới, ông tạo mọi điều kiện để anh em được cống hiến và trưởng thành. Có lẽ vì thế không có gì lạ, dù vị tướng đã nghỉ từ hơn hai chục năm nay, song ngôi nhà của ông vẫn luôn là điểm hẹn của những người lính biển. Nhiều sĩ quan Hải quân từ ngoài Bắc hay các địa phương khác đến thành phố thường tìm đến để được trò chuyện và nắm tay với người thủ trưởng mà họ hằng kính trọng.

Với cháu ngoại Trần Thành Trung nhận bằng tốt nghiệp Trường đại học Macquarie, Australia (9-2011)

Trong cuộc đời binh nghiệp nửa thế kỷ, ông có hơn 40 năm gắn bó với biển cả, hai lần được đào tạo bài bản và nâng cao về Hải quân tại Liên Xô, tốt nghiệp Học viện Voroshilov danh tiếng, song Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh luôn là người khiêm nhường, đức độ đến mẫu mực. Ông bảo, đến giờ phút này đọng mãi trong tâm trí người lính già vẫn là ân tình sâu nặng với Đảng, với cách mạng, với quân đội và với nhân dân.

Ảnh: NVCC

BÀI VIẾT NỔI BẬT