column_right getExtensions 1731479827-1731479827

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1731479827-1731479827

NHỮNG CÂY SÁNG KIẾN

NHỮNG CÂY SÁNG KIẾN

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:25-09-2024

Những cây sáng kiến

Bài và ảnh: MINH HÀ

Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Thu công tác ở Đội bảo quản phụ tùng, Kho K850, Tổng cục Kỹ thuật (TCKT). Khói bụi cùng dầu mỡ tại Xưởng bảo dưỡng và sửa chữa vừa các loại súng pháo, khí tài quang học vẫn không làm giảm đi nét duyên thầm của chị.

Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Thu thao tác cách thông nòng súng 12,7mm

Nhiều năm gắn bó với chuyên môn kỹ thuật, chị Thu không ngừng học hỏi và cho ra đời nhiều sáng kiến có giá trị, áp dụng vào quá trình làm việc. Nhanh thoăn thoắt, vừa thao tác thông nòng súng bằng dụng cụ do chính mình sáng chế, chị vừa diễn giải về quá trình hình thành sáng kiến. Xuất phát từ quá trình bảo dưỡng thực tế súng 12,7mm, khi thông nòng súng rất khó khăn khiến chị trăn trở. Trước đây, khi thông nòng súng bằng phương pháp thủ công phải cần đến hai người thợ, một người giữ nòng súng thẳng đứng, một người thông từ bên trên xuống, dùng lực rất mạnh để tống gỉ sét, bẩn trong nòng súng ra, mất rất nhiều công sức. Vì vậy, chị Thu ấp ủ và cho ra đời sáng kiến dụng cụ thông nòng súng trên giá di động. Khi đưa vào áp dụng đã giảm được nhiều sức lao động. Việc thao tác cũng đơn giản hơn, người thợ đưa súng lên giá di động, sau đó sử dụng mô tơ đã quấn giẻ để thông nòng súng. Sáng kiến có thể tăng từ 3 - 5 lần năng suất so với thông nòng súng thủ công.

Phụ nữ làm việc trong môi trường độc hại, nặng nhọc không khỏi ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý. Tuy nhiên, “nghề chọn người”, nên chị luôn trân quý công việc. Sáng kiến của Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Thu được đưa vào áp dụng từ năm 2022 tại đơn vị và đoạt giải Khuyến khích giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân, 2023. Sự ghi nhận của đơn vị cũng như giải thưởng là nguồn động viên để chị thêm yêu công việc, yêu đơn vị và thôi thúc đam mê sáng tạo.

Cùng dáng người nhỏ nhắn và nước da trắng như đồng đội, nữ Đại úy QNCN Nguyễn Trí Nam, nhân viên Phân kho Vật tư 1, Kho J06 lại gây ấn tượng bởi lối nói chuyện hài hước, dí dỏm. Là một trong những người có đề tài sáng kiến được giới thiệu trong Đại hội Thi đua Quyết thắng của Kho J106 nhưng chị vẫn khiêm nhường cho rằng, sáng kiến của mình đơn giản là việc cần làm của một quân nhân khi thấy công việc gặp khó khăn, vướng mắc thì tháo gỡ.

Sáng kiến “Dụng cụ cắt giấy bảo quản” của Đại úy QNCN Nguyễn Trí Nam

Từ cuối năm 2019, theo yêu cầu công việc, phân kho thường xuyên thực hiện bao gói lại vật tư với số lượng lớn. Trước đây thì giấy bao gói được cung cấp bằng giấy tờ nên việc phân giấy ra bao gói theo từng loại vật tư rất thuận tiện. Tuy nhiên, khi cơ sở cung cấp giấy bao gói thay đổi từ giấy tờ sang giấy cuộn. Quy cách của cuộn đường kính 800mm, chiều rộng 800mm và cân nặng trên dưới 150kg. Đối với những người thường xuyên phải bao gói vật tư, việc phân giấy ra theo quy cách để bao gói hết sức khó khăn vì cuộn giấy nặng và không có bộ gá nên cứ phải chạy vòng quanh, năng suất thấp. Thêm nữa, việc phân chia giấy theo tiêu chuẩn không được chính xác dẫn đến giấy lúc thừa, lúc thiếu khi bao gói vật tư. Từ khó khăn đó, chị Nam nảy ra ý tưởng thực hiện sáng kiến “Dụng cụ cắt giấy bảo quản”. Quá trình thiết kế gia công và hiệu chỉnh sáng kiến tuy còn một số hạn chế nhưng khi đưa vào áp dụng đã đạt năng suất cao, quan trọng nhất là tiết kiệm được giấy bao gói, thao tác vận hành cũng đơn giản, sau khi lắp các cuộn giấy vào vị trí thì phụ nữ cũng thực hiện dễ dàng.

Vốn luôn được coi là “mì chính cánh” ở các đơn vị quân đội, đặc biệt là các đơn vị nghiên cứu trong TCKT, nhưng không vì thế mà các nữ quân nhân chịu lép vế. Tại Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự, dù cả Viện chỉ có hơn 20 nữ nhưng chị em cũng không hề kém cạnh nam giới trong công việc cũng như trong công tác nghiên cứu khoa học, triển khai thực hiện sáng kiến kỹ thuật.

Theo giới thiệu của Đại tá, TS. Trần Hữu Lý - Viện trưởng Viện Kỹ thuật Cơ giới Quân sự, chúng tôi gặp Trung tá, Kỹ sư Lê Thị Hương Giang - Trợ lý nghiên cứu, Phòng Công nghệ và Vật liệu. Chị là tác giả sáng kiến đoạt giải Ba cấp Bộ với đề tài “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo lán che công sự pháo phòng không 57mm phục vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu”, được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen.

Trung tá Lê Thị Hương Giang nhiệt huyết và đam mê

Chia sẻ về ứng dụng của đề tài, chị Hương Giang cho biết, sáng kiến lán che công sự pháo phòng không 57mm được chế tạo và lắp đặt tại Lữ đoàn 297, Quân khu 2. Từ thực tế quá trình gia công chế tạo, lắp đặt, thử nghiệm và sử dụng tại đơn vị cho thấy, sáng kiến có thiết kế đáp ứng được đầy đủ các chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật đề ra như: Thao tác triển khai và thu hồi nhanh, hoạt động ổn định, độ tin cậy cao; kết cấu đơn giản, gọn nhẹ, dễ dàng tháo lắp, triển khai, sử dụng vật liệu có độ bền cao (khung thép Inox, vải bạt quân sự...) đảm bảo độ bền sản phẩm khi lắp đặt sử dụng lâu dài ở ngoài trời; việc gia công chế tạo dễ dàng, phù hợp với điều kiện công nghệ trong nước.

Phụ nữ làm việc trong môi trường kỹ thuật quân sự thường gặp nhiều vướng bận về gia đình. Nhưng không vì thế mà lửa nghề, tinh thần sáng tạo ở họ vơi đi. Càng khó khăn thì chị em càng cố gắng hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có lẽ đó là điểm nổi bật của nhiều nữ quân nhân đang công tác tại các đơn vị thuộc TCKT. Cho dù làm việc ở đâu, thì chị em vẫn nỗ lực hết mình, sáng tạo và làm chủ kỹ thuật.

BÀI VIẾT NỔI BẬT