column_right getExtensions 1731479385-1731479385

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1731479385-1731479385

NHỮNG BƯỚC TIẾN CỦA PHỤ NỮ CHÂU Á TRONG LĨNH VỰC CHÍNH TRỊ

NHỮNG BƯỚC TIẾN CỦA PHỤ NỮ CHÂU Á TRONG LĨNH VỰC CHÍNH TRỊ

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:02-09-2024

Những bước tiến của phụ nữ châu Á trong lĩnh vực chính trị

Việc tăng phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo sẽ khuyến khích nữ giới cải thiện địa vị của họ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội...

 

Hạn ngạch có hiệu quả không?

Đương kim Thống đốc Tokyo Yuriko Koike đã đánh bại 55 đối thủ để tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 7-7 vừa qua. Năm nay 71 tuổi, bà Koike từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và nghị sĩ ở cả 2 viện của Nhật Bản.

Thống đốc Tokyo Yuriko Koike (phải) và nhà lập pháp đối lập Renho Murata

Một trong số ứng cử viên cạnh tranh với bà Koike trong đợt vừa rồi cũng là phụ nữ, đó là nhà lập pháp Renho Murata. Đây được xem là điều hiếm hoi trên chính trường Nhật Bản. Trong 47 tỉnh của Nhật Bản, chỉ có 2 thống đốc là nữ. Ở cấp quốc gia, tỷ lệ này cũng tương tự - chỉ có khoảng 11% thành viên Hạ viện là nữ.

Nhật Bản hiện không có hạn ngạch về giới bắt buộc đối với các chính trị gia. Theo Mikiko Eto, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Josei, việc đề ra hạn ngạch sẽ là “điểm quan trọng nhất” để giải quyết sự mất cân bằng.

Không giống như Nhật Bản, nhiều quốc gia đã thực hiện hạn ngạch về giới để tăng số lượng phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị. Ở Indonesia, tỷ lệ đại diện của phụ nữ trong Quốc hội khá thấp trước khi áp dụng hạn ngạch 30% ứng cử viên là nữ.

Năm 1999, cứ 10 nhà lập pháp ở Indonesia thì có khoảng 1 người là nữ. 2 thập kỷ sau, con số đó đã tăng lên 1/5.

Nankyung Choi, một học giả chuyên về phụ nữ và chính trị ở Đông Nam Á, cho biết: “Tại những quốc gia mà tỷ lệ nữ trong chính trị còn thấp, các biện pháp như hạn ngạch về giới là bước đầu tiên cần thực hiện”.

Năm 2023, Ấn Độ thông qua dự luật dành 33% số ghế trong Hạ viện cũng như trong các hội đồng bang cho phụ nữ. Nhưng hạn ngạch đã không được thực hiện trong cuộc tổng tuyển cử năm nay tại nước này. Vì vậy, trong số 543 nhà lập pháp được bầu, chỉ có 74 người là phụ nữ, chiếm khoảng 14%.

Ở Singapore, khoảng 30% nghị sĩ là nữ. Đây là kết quả của việc bổ nhiệm nhiều nữ giới hơn vào Quốc hội nước này mà Chính phủ tiến hành nhằm cải thiện mức độ tín nhiệm.

 

Cần tăng số lãnh đạo nữ

Bà Nankyung Choi nhận định, một số nghiên cứu so sánh cho thấy, phần lớn nữ nghị sĩ ở châu Á là phụ nữ trung niên, có học thức và chuyên môn, trong khi thiếu vắng người trẻ và tầng lớp lao động. Hơn nữa, số lượng nữ giới tăng lên trong các cơ quan lập pháp nhưng sự hiện diện đó có dẫn tới tiến bộ về bình đẳng giới hay không lại là vấn đề khác.

Theo báo cáo “Lãnh đạo nữ trong chính trị năm 2024” của Cơ quan Liên hợp quốc vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), tỷ lệ nữ bộ trưởng ở Trung Á và Nam Á là 9,5% - khu vực được xếp hạng thấp nhất.

Hiện tại, Bangladesh chỉ có 2 phụ nữ trong nội các - một trong số đó là Thủ tướng Sheikh Hasina. Trong nội các mới của Pakistan sau cuộc bầu cử hồi tháng 2/2024, chỉ có một người là nữ. Tại Nhật Bản, tỷ lệ này cao hơn, phụ nữ hiện chiếm 1/4 số thành viên nội các, sau cuộc cải tổ vào năm 2023.

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina

Trong khi đó, ở Trung Quốc, tỷ lệ nữ trong Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) tăng đều đặn trong 20 năm qua kể từ khi cơ quan này áp dụng hạn ngạch về giới. Tuy nhiên, chưa từng có phụ nữ nào vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, gồm 7 thành viên, cơ quan lãnh đạo cao nhất của đất nước kể từ năm 1949.

Theo nhà nghiên cứu Nankyung Choi, việc thiếu vắng lãnh đạo nữ bắt nguồn từ truyền thống văn hóa bảo thủ của khu vực châu Á. Trong vài trường hợp, phụ nữ trở thành Tổng thống hoặc Thủ tướng, hầu hết họ đều xuất thân từ gia đình có truyền thống chính trị - từ cựu thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi đến cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và cựu tổng thống Philippines Corazon Aquino.

Thế nhưng, trong những năm gần đây, đã có sự thay đổi tích cực, trong đó có Tổng thống Ấn Độ đương nhiệm Droupadi Murmu, người phụ nữ thuộc cộng đồng bộ lạc đầu tiên của Ấn Độ giữ vị trí nguyên thủ quốc gia.

Tổng thống Ấn Độ đương nhiệm Droupadi Murmu

Một nghiên cứu năm 2023 của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy, mặc dù Nhật Bản chưa từng có nữ Thủ tướng nhưng nhiều người nước này tin rằng, phụ nữ và nam giới đều là những nhà lãnh đạo giỏi như nhau.

Giáo sư Mikiko Eto cho rằng, đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy đảng cầm quyền Nhật Bản dưới quyền Thủ tướng Fumio Kishida đang tích cực bổ nhiệm phụ nữ làm bộ trưởng. Việc tăng phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo sẽ khuyến khích nữ giới cải thiện địa vị của họ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội.

Ngự Bình
(Nguồn: DW)

BÀI VIẾT NỔI BẬT