column_right getExtensions 1713889751-1713889751

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1713889751-1713889751

“… AI KHÔNG HỌC LÀ LÙI”

“… AI KHÔNG HỌC LÀ LÙI”

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:11-06-2023

LTS. Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (từ khóa VIII đến khóa XI), nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (7-2007 đến 4-2016). Sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác, bà được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Là một chính khách luôn quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài, bà có bài viết tâm huyết về xây dựng một xã hội học tập theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

“… AI KHÔNG HỌC LÀ LÙI”

GS.TS NGUYỄN THỊ DOAN
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

GS.TS Nguyễn Thị Doan

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục

Từ năm1945 đến 1969, tư tưởng xuyên suốt của Bác Hồ về giáo dục là dạy người. Bác dặn: “… phải hướng vào dạy cho học sinh biết: Yêu nước, yêu lao động, dũng cảm, tự trọng; Sống có nghĩa, có tình, có hoài bão, vì sự phồn vinh của Tổ quốc”. Người đặc biệt lưu tâm đến giáo dục cả Đức, cả Tài: “Sẽ đặc biệt chú trọng đến sự rèn luyện đức tính cần thiết trong cuộc đời đoàn thể rộng rãi và năng lực kỹ thuật cần lao của con người”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn trong Di chúc: Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, phải vừa hồng vừa chuyên. Người yêu cầu mỗi công dân tùy theo hoàn cảnh phải học tập suốt đời.

Từ ham muốn “Ai cũng được học hành”, Bác Hồ giao nhiệm vụ “Ai cũng phải học suốt đời”. Điều ấy trở thành mục tiêu của cách mạng Việt Nam, thành chỉ tiêu phấn đấu của mọi lứa tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên, cán bộ công chức qua các thời kỳ. Người chỉ rõ: “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”, “Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời, còn sống thì còn phải học”.

Bác dạy: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, để phụng sự đoàn thể, giai cấp, nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Người khẳng định “Không học thì không theo kịp, công việc nó gạt mình lại phía sau”. Học không chỉ dành cho trẻ em, không chỉ dành cho người trẻ tuổi, mà dành cho tất cả mọi lứa tuổi, cả người lớn tuổi.

Về phương pháp học tập, Bác nêu, “Lấy tự học làm cốt”, ngoài học ở trường, ở lớp, phải học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân. Người cho rằng sao nhãng việc học là “một khuyết điểm rất to”. Chính vì thấu hiểu hậu quả của “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” nên ngày 11-6-1946, trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào: Diệt giặc đói; Diệt giặc dốt; Diệt giặc ngoại xâm.

Bác coi giặc dốt như giặc ngoại xâm, đều là 3 loại giặc cần phải tiêu diệt. Người viết “chống mù chữ cũng như chống giặc ngoại xâm”. “Mỗi gia đình là một lớp học bình dân học vụ” hoặc “không để một người nào trong gia đình còn mù chữ” và để đạt được mục đích đó, “Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo...”. Bác cũng chỉ cách nông dân, công nhân, trí thức... phải học gì, học như thế nào?

Tự thân Bác Hồ đã là một tấm gương sáng chói về tinh thần học tập. Mặc dù không được đến trường đại học, song Bác đã học ở mọi nơi, mọi lúc, kể cả trong nhà tù. Và Người trở thành vĩ nhân thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương ngời sáng về tinh thần học tập

Học để phát triển đất nước

Hồ Chí Minh luôn trọng người tài và nhắc nhở phải bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Ngay sau khi giành được độc lập (1945) Bác khuyến khích việc phát hiện và giới thiệu người tài ra làm việc cho Chính phủ (Tuyệt nhiên chưa thấy Bác nói đến bằng cấp trong chọn người tài).

Người coi “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, là một việc rất quan trọng”. Và “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời, thời đại chúng ta bây giờ là thời đại vệ tinh nhân tạo, nghĩa là thời đại khoa học kỹ thuật phát triển rất mạnh. Tình hình thế giới và trong nước luôn biến đổi, công việc của chúng ta nhiều và mới, kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ, những sự hiểu biết của chúng ta có hạn. Muốn tiến bộ kịp sự tiến bộ vô cùng tận thì chúng ta phải nghiên cứu học tập …”.

Điều hết sức giản dị trong phương pháp giảng dạy giúp người học: “Hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh”, “Thầy siêng dạy”, “Trò siêng học”. “Việc giảng dạy hết sức thiết thực”, “Học phải đi đôi với hành”... Với phương pháp: “Tự học là chính”, “Học lẫn nhau”… Bác cũng chỉ dẫn rất cụ thể nội dung học tập cho từng nhóm đối tượng. Để đảm bảo cho đất nước phát triển trong một thế giới luôn biến đổi thì phải có tri thức, phải có tầm cao trí tuệ và chỉ có học, học suốt đời mới có được điều đó.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đào tạo, về xây dựng xã hội học tập là một di sản văn hóa lớn, vô cùng quý giá đối với dân tộc Việt Nam. Tư tưởng đó đã chỉ đường cho chúng ta đi trong suốt thời gian qua. Nó phù hợp với xu thế và sự phát triển của thời đại và thực tế đã chứng minh đó là chân lý mãi trường tồn. Điều đáng khâm phục là Bác đã dự báo trước sự phát triển của xã hội, của đất nước, của thế giới là chỉ có dựa vào “sự học”, dựa vào tri thức.

Người cho rằng, vận mệnh của đất nước phụ thuộc vào sự cố gắng học hành của học sinh, sinh viên: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc ta có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính phần lớn là nhờ vào công học tập của các em”. Muốn cho nước ta trở thành một nước giàu mạnh thì dân tộc ta phải là một dân tộc thông thái.

Như vậy Bác không chỉ giao nhiệm vụ học tập cho thanh, thiếu niên mà Bác còn giao nhiệm vụ học tập cho cả dân tộc. Tư tưởng của Người về sự học được thể hiện ở 4 điểm chính: Ai cũng được học hành. Học tập cho đến phút cuối cùng. Công nông hóa trí thức. Dân tộc thông thái.

Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng phố Hàng Than, Hà Nội (1958)

Thực hiện công bằng trong giáo dục

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương và nhiều quyết sách về giáo dục; xây dựng xã hội học tập và thúc đẩy việc học tập suốt đời trong nhân dân. Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13-4-2007 của Bộ Chính trị “Về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”; Quyết định 112/QĐ-TTg năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Kết luận 49 KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị đã cụ thể hóa quan điểm của Bác.

Tất cả những nội dung về tư tưởng và phương pháp giáo dục, đào tạo của Bác Hồ đã được Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo và các cấp ủy Đảng, chính quyền, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường, Hội Khuyến học Việt Nam triển khai trong suốt những năm qua. Những lời huấn thị của Người trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt về giáo dục đào tạo luôn là những vấn đề cốt lõi, không phải chỉ giai đoạn này mà sẽ là mãi mãi đối với dân tộc ta.

Hơn nửa thế kỷ qua, quán triệt sâu sắc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn đất nước và đã thu được những thắng lợi đáng trân trọng. Coi giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, thể hiện ở Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) năm 1996. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho con người. Nghị quyết chỉ rõ: “Mọi người đi học, học thường xuyên, học suốt đời”. Thực hiện công bằng trong giáo dục. Đây là điểm cốt lõi: Tự học làm cốt. Học không bao giờ cùng. Học đi đôi với hành. Học ở mọi nơi, học lẫn nhau và học dân.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ thế giới chia sẻ về nhiều lĩnh vực. Một thế giới mà tri thức đang trở thành lực lượng sản xuất chủ yếu, trực tiếp, luôn gắn với con người và phát triển hoàn toàn mang tính chủ quan, do yếu tố khách quan chi phối. Tri thức phát triển phải thông qua học và tự học mà có, song nó có được sử dụng và phát huy hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào cách quản lý tri thức và quản lý nguồn tri thức của đất nước. Tri thức sẽ phát triển hơn khi được động viên, tạo môi trường cho tính sáng tạo của tri thức được phát huy, được tự do vùng vẫy trong môi trường mà tri thức được coi trọng.

Như vậy mới có nhiều đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước khi mà “Tình hình thế giới và trong nước luôn biến đổi, công việc của chúng ta nhiều và mới, kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ, sự hiểu biết của chúng ta có hạn. Muốn tiến bộ kịp sự tiến bộ vô cùng vô tận thì chúng ta phải nghiên cứu, học tập” như lời Bác đã dạy.

Người bạn của học viên - Ảnh minh họa: Nguyễn Văn Hải

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:2401
Trong tuần:4669
Trong tháng:11192
Cả năm:11192
Tổng lượt xem:11192