column_right getExtensions 1738032676-1738032676

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1738032676-1738032676

AI YÊU CÁC NHI ĐỒNG BẰNG BÁC HỒ CHÍ MINH?

AI YÊU CÁC NHI ĐỒNG BẰNG BÁC HỒ CHÍ MINH?

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:31-07-2023

AI YÊU CÁC NHI ĐỒNG BẰNG BÁC HỒ CHÍ MINH?

NGUYỄN LAN CHI

Trên quả địa cầu này, hiếm có một vị lãnh tụ cách mạng nào tầm vóc vĩ đại, nhưng lại có lối sống thanh bạch, giản dị, và đặc biệt giàu tình thương bao la như Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969). Điều đó không có gì lạ, bởi như Tố Hữu từng viết từ hơn 70 năm trước: “Người là Cha, là Bác, là Anh. Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”.

Sinh thời, một trong những mối quan tâm lớn nhất của Bác Hồ là chăm sóc các cháu thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Hồ Chí Minh coi việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc cực kỳ quan trọng, mang tính chiến lược. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là dưới bàn tay chèo lái của Người, trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, con thuyền cách mạng đã vượt qua bao thác ghềnh hiểm trở và cập bến bờ thắng lợi vinh quang.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm yêu thương nhất cho các cháu thiếu nhi (Việt Bắc, năm 1950)

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở về Pác Bó (Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (5-1941), cùng với Trung ương Đảng điều chỉnh chiến lược cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết, tạm gác lại nhiệm vụ cách mạng ruộng đất, thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, lấy tên Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh).

Trong điều kiện hoạt động bí mật giữa vòng vây lùng sục của kẻ thù, đặc biệt là giữa một núi công việc bề bộn của cách mạng, Bác Hồ vẫn không thôi nghĩ về thế hệ tương lai. Ngày 21-9-1941, gần đến dịp Trung Thu, với tất cả tình yêu thương dào dạt và sự cảm thông, chia sẻ của một người Ông dành cho đàn cháu nhỏ, Người viết bài “Kêu gọi thiếu nhi” bằng thể thơ lục bát, câu chữ giản dị. Đây là bài thơ đầu tiên của Bác Hồ viết cho các cháu thiếu nhi:

Trẻ em như búp trên cành,

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan.

Chẳng may vận nước gian nan,

Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng.

Học hành giáo dục đã không,

Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa.

Sức còn yếu, tuổi còn thơ,

Mà đà khó nhọc cũng như người già.

Có khi lìa mẹ, lìa cha,

Để làm đầy tớ người ta bên ngoài”.

Người biết rõ, “Trẻ em như búp trên cành”, nếu được chăm sóc giáo dục tốt, thì thiếu nhi sẽ là một lực lượng cách mạng kế cận hết sức quan trọng, những chủ nhân tương lai của đất nước. Sau khi vạch rõ cảnh nước mất, nhà tan: “Vì ai nên nỗi thế này?/ Vì giặc Nhật, vì giặc Tây bạo tàn/ Khiến ai nước mất nhà tan/ Trẻ em cũng bị cơ hàn xót xa”. Từ lý do ấy, Bác Hồ kêu gọi: “Vậy nên trẻ em nước ta/ Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh/ Người lớn cứu nước đã đành/ Trẻ em cũng góp phần mình một tay”. Như vậy, từ rất sớm, quan điểm “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” luôn nhất quán trong cách nhìn, cách nghĩ rất biện chứng của vị lãnh tụ vĩ đại. Nhà thơ Hồ Chí Minh khép lại bài thơ bằng một niềm ước hẹn và đó cũng chính là đích đến của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân:

Bao giờ đuổi hết Nhật, Tây

Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”.

Tiếp nối nguồn mạch yêu thương đó, trên báo “Việt Nam độc lập” số 144, cuối tháng 11-1942, Bác Hồ có bài thơ “Trẻ chăn trâu”. Không chỉ thấu hiểu về tình cảnh thiếu nhi, tuổi nhỏ, không được đến trường mà phải lam lũ đi chăn trâu ngoài đồng, ngoài bãi, Người khêu gợi: Cùng nhau đánh đuổi Nhật, Tây/ Anh em ta mới có ngày vinh hoa/ “Nhi đồng cứu quốc” Hội ta/ Ấy là lực lượng, ấy là cứu tinh/ Ấy là bộ phận Việt Minh/ Dân mình khắc cứu dân mình mới xong.

Bởi yêu thương trìu mến trẻ thơ hết lòng, nên Bác Hồ thực sự vui mừng phấn khởi khi biết tin các cháu thiếu nhi học hành tiến bộ. Người gửi tặng một cháu thiếu nhi dân tộc Tày sách vở, nhằm khuyến khích cháu gắng học để trở thành người có ích cho xã hội. Trong bài thơ tứ tuyệt mẫu mực “Tặng cháu Nông Thị Trưng”, công bố năm 1944, Bác viết:

Vở này ta tặng cháu yêu ta,

Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là.

Mong cháu ra công mà học tập,

Mai sau cháu giúp nước non nhà”.

Cao hơn thơ, đó là tình cảm mến thương đậm đà của Người dành cho đàn cháu nhỏ xiết bao yêu quý. Ý thơ thể hiện tư tưởng lớn lao của Hồ Chí Minh, coi thiếu nhi là vốn quý, là tương lai của đất nước, của dân tộc!

Bác Hồ với đại biểu thiếu nhi Thủ đô trong dịp đón mừng năm mới 1959, tại Phủ Chủ tịch

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, với cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, dù bận trăm công ngàn việc, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến các công dân tí hon. Ngày 24-10-1946, trong “Thư gửi các cháu thiếu nhi” trên báo Cứu Quốc số 385, Người trải lòng: “Bác đi Pháp mấy tháng. Nhớ các cháu luôn. Chắc các cháu cũng luôn luôn nhớ Bác.

… Nay Bác viết mấy chữ, để cảm ơn các cháu và khuyên các cháu:

1. Phải siêng học,

2. Phải giữ gìn sạch sẽ,

3. Phải giữ kỷ luật,

4. Phải làm theo đời sống mới,

5. Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ, anh em”.

Đầu năm 1949, thời điểm cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn cầm cự hết sức gian nan, vị Tổng Tư lệnh tối cao vẫn nhớ đến con trẻ. Trong “Thư chúc Tết các cháu nhi đồng toàn quốc”, Người viết những lời chan chứa yêu thương:

Tết này là Tết kháng chiến thứ ba của các cháu. Tết kháng chiến thứ tư của các cháu miền Nam…

Năm mới, Bác chúc các cháu vui vẻ, mạnh khỏe và tiến bộ nhiều hơn năm ngoái.

Bác không có quà Tết biếu các cháu, Bác chỉ gửi các cháu nhiều cái hôn”.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, khi cùng Trung ương và Chính phủ rời Hà Nội lên “Thủ đô gió ngàn” để lãnh đạo kháng chiến, sống giữa khung cảnh núi rừng ngút ngàn, nhìn trăng, Bác Hồ khôn nguôi nhớ đàn cháu nhỏ. Xúc cảm của Người vào thi ca dào dạt, tự nhiên mà thấm đượm. Ngôn từ giản dị, đẹp long lanh và lắng sâu.

Trung thu trăng sáng như gương

Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng

Sau đây Bác viết mấy dòng

Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung”.

(Thư Trung Thu, 1951)

Bài thơ toát lên tư thế ung dung, tự tại, tâm hồn cao khiết và tầm vóc lồng lộng của vị lãnh tụ suốt đời vì dân, vì nước. Người đặt trọn niềm tin yêu vào thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Bác Hồ thăm các cháu thiếu nhi trường mầm non thị xã Thanh Hóa (1961)

Trong bài thơ tứ tuyệt “Vô đề”, viết ở núi rừng Việt Bắc, Bác Hồ mô tả công việc thường ngày như sau: “Quân cơ, quốc kế thương đàm liễu. Huề dũng giai đồng quán thái viên”. Ông Xuân Thủy dịch là “Việc quân, việc nước đã bàn. Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau”. Và không có gì lạ khi tới mùa trăng giữa thu năm sau, Bác lại gửi tình thương yêu vô bờ bến đến các cháu nhỏ gần xa.

Ai yêu các nhi đồng

Bằng Bác Hồ Chí Minh?

Tính các cháu ngoan ngoãn

Mặt các cháu xinh xinh”.

Với lời lẽ hết sức ngắn gọn, giản dị và khúc triết, Người nhẹ nhàng khuyên nhủ:

Mong các cháu cố gắng

Thi đua học và hành

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Tùy theo sức của mình

Các cháu hãy xứng đáng

Cháu Bác Hồ Chí Minh”.

(Thư Trung Thu, 1952)

Cảnh vật vần xoay, trong bốn mùa xuân - hạ - thu - đông, mùa nào cũng đẹp, cũng có nét riêng, nhưng mùa thu là mùa của tựu trường, mùa của hương cốm mới và của biết bao ước vọng con trẻ. Khi cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc bước vào giai đoạn cuối - giai đoạn tổng phản công, dẫu bề bộn việc nước, việc quân, vị Tổng Tư lệnh tối cao vẫn dành cho thiếu niên nhi đồng những tình cảm vô cùng thắm thiết. Và chùm thơ Trung Thu là một trong những chùm thơ bất hủ của nhà thơ Hồ Chí Minh viết cho thế hệ tương lai của đất nước. Mỗi bài thơ đánh dấu một chặng đường đã qua và báo hiệu những niềm vui sẽ đến, gieo niềm tin tất yếu vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Trong bài “Thơ Trung Thu gửi các cháu nhi đồng” trên báo Nhân Dân số 136, ra ngày 16-9-1953, Bác viết, chan chứa tình yêu thương:

Chín Tết Trung thu,

Tám năm kháng chiến,

Các cháu khôn lớn,

Bác rất vui lòng.

Thu này Bác gửi thơ chung,

Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa

Các cháu vui thay!

Bác cũng vui thay!

Thu sau so với Thu này vui hơn”.

Với các dũng sĩ thiếu niên miền Nam ra thăm miền Bắc (1969)

Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, miền Bắc hậu phương lớn thi đua với tiền tuyến lớn miền Nam, toàn dân đánh giặc, “ra ngõ gặp anh hùng”. Tuổi nhỏ cả nước hăng hái thi đua làm theo “5 lời Bác Hồ dạy”. Lúc này, mặc dầu tuổi đã cao, cộng với những năm bị đọa đầy trong ngục tù đế quốc, sức khỏe của Bác đã bị giảm sút nhiều, song Người vẫn luôn quan tâm theo dõi phong trào “Việc nhỏ, nghĩa lớn” của thiếu niên, nhi đồng. Bác Hồ nặng lòng với đồng bào, đồng chí miền Nam, nhất là các cháu nhỏ đang từng ngày từng giờ trong cảnh nước sôi, lửa bỏng. Trong thư “Gửi các cháu miền Nam” (1965), Người tin tưởng chắc chắn rằng:

Bắc Nam sẽ sum họp một nhà

Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung.

Nhớ thương các cháu vô cùng

Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”.

Nhà thơ Tố Hữu có những dòng vừa cô đúc, đậm đà, vừa mang tầm khái quát cao về tình cảm của Bác Hồ dành cho thiếu nhi.

Và các em, có hiểu vì sao

Lòng Bác mênh mông vẫn dạt dào

Yêu nụ mầm non, yêu tuổi trẻ?

Biển thường yêu vậy sóng xôn xao

(Theo chân Bác)

Trước lúc về với thế giới Người Hiền, Bác Hồ đã kịp để lại một bản Di chúc lịch sử với tầm nhìn sâu rộng, thấu đáo của một người cộng sản vĩ đại. Đó chính là di sản vô giá, cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh mãi trường tồn cùng non sông đất nước. Người viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.

Giờ đây, hơn nửa thế kỷ Bác Hồ đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Người để lại cho hậu thế mãi vẫn còn tươi mới tính thời sự, đậm chất nhân văn, mãi cùng các thế hệ con cháu vững bước trên hành trình tiến vào tương lai!

Ảnh: Tư liệu

BÀI VIẾT NỔI BẬT