column_right getExtensions 1732350039-1732350039

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732350039-1732350040

VIẾNG LĂNG BÁC

VIẾNG LĂNG BÁC

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:23-08-2023

Đến với bài thơ hay

VIẾNG LĂNG BÁC

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát,

Ôi! hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

 

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng,

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ,

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.

 

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên,

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền.

Dẫu biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim?

 

Mai về miền Nam, thương trào nước mắt,

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác.

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây,

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

 

4-1976
VIỄN PHƯƠNG
(Rút trong tuyển “Thơ Việt Nam 1945 - 1985, Nxb Văn học, H.1985)
Lời bình của Nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC

Nhà thơ Viễn Phương, tên khai sinh là Phan Thanh Viễn (1928-2005), quê ở Tân Châu, An Giang. Tham gia cách mạng từ năm 1945, là thanh niên cứu quốc, rồi Vệ quốc quân, cán bộ Sở Giáo dục Nam Bộ, rồi Sở Thông tin Nam Bộ. Sau hiệp định Giơnevơ, ông ở lại hoạt động nội thành, làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Viễn Phương có nhiều năm lăn lộn, gắn bó với vùng “Đất thép Củ Chi”, ông để lại nhiều tác phẩm được bạn đọc mến mộ và nhận được nhiều giải thưởng văn học. Đặc biệt, bài ký “Đời đời ghi nhớ” của nhà thơ Viễn Phương (1995), được chọn khắc vào bia đá đặt trang trọng ngay trước chính điện Đền Bến Dược, Củ Chi. Bài văn bia đạt đến tầm của một áng hùng văn, hàm chứa sự uy nghi và bi tráng của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Ngôn từ vừa đậm chất cổ văn lại vừa hiện đại, trau chuốt, sáng trong, làm toát lên hào khí ngất trời của cả một dân tộc quyết không chịu sống quỳ!

Bài thơ “Viếng lăng Bác” được nhà thơ Viễn Phương viết sau ngày non sông liền một dải. Ở vào thời điểm của năm hòa bình đầu tiên ấy, được về Thủ đô Hà Nội vào lăng viếng Bác Hồ là ước nguyện của hàng triệu người dân Việt Nam, từ cụ già đến các cháu thiếu nhi. Đặc biệt với đồng bào, đồng chí miền Nam, những người vừa trải qua suốt 30 năm ròng cầm súng đánh giặc, thì đó còn là khát vọng cháy bỏng. Vì vậy, ngay khi vừa mới xuất hiện, bài thơ đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Bởi nó đã diễn tả rất đúng, rất trúng và rất sâu tình cảm thiêng liêng của mỗi con dân đất Việt đối với vị Cha già dân tộc muôn vàn kính yêu. “Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ/ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”. Bài thơ tuyệt hay lại càng thêm nổi tiếng và được chắp cánh bay xa sau khi nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc. Thi phẩm và nhạc phẩm quyện hòa đến độ thật khó mà phân biệt rạch ròi đâu là thơ, đâu là nhạc.

Điều dễ nhận thấy ở bài thơ là sự chân thực và dung dị đã đạt đến mức huyền diệu. Tấm lòng thành kính và sự biết ơn vô bờ bến đã khơi mạch nguồn cho cảm xúc tuôn trào. Sinh thời, Bác Hồ luôn nặng lòng vì Nước, vì Dân. Người nói: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”. Giờ đây, những đứa con của miền Nam ruột thịt được quần tụ về quanh Người, thỏa niềm mong ước bấy nay.

Bài thơ mở đầu nhuần nhị. Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác/ Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát/ Ôi! hàng tre xanh xanh Việt Nam/ Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng. Thật tự nhiên mà dung dị, nhà thơ như đang trần thuật với người thân và bạn bè về một sự kiện đặc biệt trong đời. Nét độc đáo của bài thơ là rất giàu nhạc tính. Nhịp điệu khoan thai, chậm rãi, tình cảm sâu lắng mà thiết tha. Buổi ban mai, hòa trong dòng người chầm chậm đi trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, ngắm nhìn hàng tre xanh, thi sĩ suy ngẫm về sự trường tồn của đất nước. Tự bao đời nay, cây tre tượng trưng cho dân tộc Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng hòa bình nhưng không bao giờ chịu khuất phục trước mọi kẻ thù xâm lược.

Từ những quan sát tinh tế, tác giả sử dụng phép liên tưởng: Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/ Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ. Hình tượng so sánh ở đây vừa hoành tráng, mĩ lệ lại vừa giàu sức gợi cảm. Đã có nhiều thi sĩ dùng hình tượng này khi nói về Bác Hồ “Người rực rỡ một mặt trời cách mạng” (Tố Hữu)… Nhưng đọc thơ Viễn Phương vẫn thấy mới mẻ, bởi câu thơ bật lên từ sự rung cảm chân thành của con tim yêu kính và ngưỡng mộ lãnh tụ. Dường như tác giả không phải dụng công gì nhiều mà lạ thay từng câu, từng chữ vẫn cứ óng chuốt lung linh và diệu kỳ như có cánh.

Cứ ngỡ như thi sĩ vừa đi trên quảng trường vừa rưng rưng nhẩm đọc những câu thơ trước khi trải lên trang giấy. Ý trước gọi lời sau, mạch lạc, da diết. Bác nằm trong giấc ngủ bình yên/ Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền. Tình cảm thành kính được dồn nén và đẩy lên cao trào. Dẫu biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim? Âm điệu bài thơ bỗng ngân dài, vút lên, day dứt. Lấy cái vô hạn của đất trời để nói cái hữu hạn trong cuộc đời, phải chăng tác giả muốn qua đó khẳng định sự vĩnh hằng? Chỉ biết rằng cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm các thế hệ người Việt; tư tưởng Hồ Chí Minh luôn soi sáng con đường cách mạng Việt Nam.

Những ai trong đời lần đầu được vào lăng viếng Bác, được kính cẩn nghiêng mình lướt thật nhẹ đi vòng quanh linh cữu của Người, được ngắm “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên” thật khó có thể kìm nổi những giọt nước mắt. Khóc vì khôn nguôi nỗi niềm thương nhớ Bác. Khóc vì ân hận chưa kịp rước Bác vào thăm đồng bào, đồng chí miền Nam để thỏa lòng mong ước của Người lúc sinh thời.

Khổ thơ cuối khép lại toàn bài trong niềm rung động chân thực mà dạt dào sâu lắng. Mai về miền Nam, thương trào nước mắt/ Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác/ Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây/ Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này. Điệp từ “muốn” được lặp đi lặp lại làm bật lên niềm mong ước bình dị của đứa con miền Nam, ấy cũng là tấm lòng của mỗi người dân đất Việt.

Đây là một trong những bài thơ hay nhất viết về Bác Hồ muôn vàn kính yêu, là tiếng lòng chân thật và xúc động tưởng nhớ người anh hùng giải phóng dân tộc. Sự sàng lọc khắt khe của thời gian chứng tỏ sức sống lâu bền của tác phẩm. Như hương hoa thanh khiết cứ thấm vào hồn người đọc, câu thơ cứ rủ rỉ ngân lên: Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác... Lời thơ giản dị, xúc động lại được chuyên chở bằng một giai điệu giàu sức biểu hiện. Bài thơ – bài hát “Viếng lăng Bác” mãi mãi là một bài ca đi cùng năm tháng và chúng con, những người con trung hiếu đều thầm hứa “Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi/ Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn” (Tố Hữu).

BÀI VIẾT NỔI BẬT