column_right getExtensions 1732337674-1732337674

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732337674-1732337674

VỊ TƯỚNG CỦA CHIẾN TRƯỜNG

VỊ TƯỚNG CỦA CHIẾN TRƯỜNG

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:19-10-2023

VỊ TƯỚNG CỦA CHIẾN TRƯỜNG

Nguyễn Minh Ngọc

Thiếu tướng, Anh hùng, Liệt sĩ Kim Tuấn (1927-1979)

Trung tuần tháng 3-1979, khi đang ở Hải Phòng phụ trách Đội tiếp nhận vũ khí, khí tài cho Quân chủng Không quân, một hôm trên đường từ bến Sáu Kho ra cảng Chùa Vẽ, tôi vớ được tờ báo nói về sự hy sinh của Thiếu tướng Kim Tuấn - Tư lệnh Quân đoàn 3. Chỉ láng máng vậy thôi, chứ tôi đâu đã biết gì về vị tướng vừa ngã xuống trên chiến trường khi đang thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Nhưng tên tuổi của ông đã được định vị trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, với tên khai sinh Nguyễn Công Tiến. Mãi hơn 40 năm sau, tôi mới có dịp tìm hiểu và biết thêm nhiều điều về thân thế và binh nghiệp của vị tướng liệt sĩ.

Người con của xứ Đoài mây trắng chào đời năm Đinh Mão (1927) tại làng Phúc Lâm, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ (nay thuộc Hà Nội). Sinh trưởng trong một gia đình viên chức có 10 người con, ông cụ thân sinh làm sếp ga Lai Khê trên đất Hải Dương, cách Hải Phòng hơn 30km. Là con thứ hai, từ tấm bé, Nguyễn Công Tiến đã bươn chải phụ mẹ làm lụng, kiếm sống. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, chàng thanh niên tích cực tham gia hoạt động trong các phong trào của Việt Minh. Năm 1946, ông nhập ngũ và được cử đi học ở Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1) khóa I. Trường do ông Hoàng Đạo Thúy (1900-1994) làm Giám đốc. Tiền thân là Trường Quân chính kháng Nhật, được thành lập từ tháng 4-1945; sau Cách mạng Tháng Tám, lần lượt mang tên: Trường Quân chính Việt Nam, Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam. Đây là ngôi trường danh giá, nơi đào tạo ra nhiều tướng lĩnh tài ba, xuất sắc của quân đội ta.

Lấy bí danh là Kim Tuấn, tốt nghiệp khóa đào tạo, thông thạo tiếng Pháp, ông bắt đầu cuộc đời quân ngũ tại Trung đoàn 35 thuộc Khu 2. Kim Tuấn cùng hai người bạn đồng khóa là Lê Huy Luyện (Lê Duy) và Bùi Công Khánh (Quách Hùng) được điều động về Tiểu đoàn 60 ở Hòa Bình nhận nhiệm vụ.

Bấy giờ, thực dân Pháp trắng trợn phá hoại Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp (6-3-1946) và Tạm ước Việt - Pháp (14-9-1946) bởi họ nuôi dã tâm trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ráo riết tăng quân, mở rộng chiến tranh xâm lược, quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và ngang nhiên khiêu khích ở Hà Nội, khiến cho tình hình vô cùng căng thẳng. Mặc dù, Chính phủ Hồ Chí Minh luôn tỏ rõ thiện chí, yêu hòa bình, song với mưu đồ thâm độc của kẻ xâm lược, một cuộc chiến tranh bùng nổ là điều khó có thể tránh khỏi. Toàn quân, toàn dân ta gấp rút tích cực chuẩn bị mọi mặt.

Vừa về đơn vị, còn chưa kịp làm quen, cả ba cán bộ liền được Tiểu đoàn trưởng giao việc soạn thảo một chương trình huấn luyện tân binh và yêu cầu phải xong trong ngày. Với kiến thức được trang bị ở trường, lại có thêm cuốn tài liệu “Ghi nhớ của người cai” bằng tiếng Pháp, các ông Kim Tuấn, Lê Duy và Quách Hùng bắt tay vào công việc rất nhanh, gọn và nộp “quyển” luôn vào buổi chiều. Người chỉ huy tiểu đoàn tấm tắc khen ngợi và phân công luôn việc tổ chức huấn luyện các trung đội tân binh vừa tuyển xong cho ba người. Vượt qua thử thách đầu tiên, ai nấy đều phấn khởi.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, các cơ quan Đảng, Chính phủ và bộ đội đều rút lên ATK Việt Bắc. Được đà, quân Pháp nống ra chiếm đóng tuyến sông Đáy. Ông Kim Tuấn được cử làm Đại đội phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 60, đóng tại Pheo. Đại đội trưởng là ông Lê Duy. Các nhiệm vụ trên giao, như đóng cọc xuống sông Đà ngăn ca-nô địch ngược Hòa Bình, phá hoại đường số 6… đều được hai ông chỉ huy đơn vị hoàn thành ngoạn mục. Khi giặc Pháp tiến công Việt Bắc (10-1947), chúng nhảy dù chiếm Phương Lâm, thị xã Hòa Bình. Tiểu đoàn 60 nhận lệnh bám đánh địch, án ngữ Dốc Cun, bảo vệ các cơ quan tỉnh sơ tán xung quanh các thung lũng.

Quan sát thấy trận địa phòng ngự khá dài, trong khi đại đội không có phương tiện chỉ huy, hai ông Lê Duy và Kim Tuấn bèn chia nhỏ thành từng tổ, chọn các anh em khỏe mạnh, gan dạ đưa ra phía trước, chốt tại các vị trí xung yếu. Đơn vị bố trí súng máy đặt chéo cánh sẻ và lấy những quả đạn 70ly của Nhật, lắp kíp nổ, chôn thẳng đứng giữa đường chặn xe cơ giới. Đại đội đặt chòi quan sát và chỉ huy chung, quy định hiệu lệnh báo động là 3 phát súng trường. Vừa chỉ huy trận đánh, Đại đội phó Kim Tuấn còn lo nuôi quân, tổ chức một trạm xá phía sau điều trị cho số anh em bị sốt rét.

Cuộc chiến đấu diễn ra trong hơn 2 tiếng đồng hồ. Xe cơ giới địch bị nổ tung, khẩu đội cối moóc-chiê tan xác. Bộ đội hăng hái, dũng mãnh, truy kích, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Dốc Cun, nơi quân Pháp phải nếm trải thất bại cay đắng. Đây là trận thử lửa đầu tiên giành thắng lợi của Đại đội 1 dưới quyền chỉ huy của hai cán bộ vừa tốt nghiệp Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Năm 1948, không chỉ được đứng trong hàng ngũ của Đảng, ông Kim Tuấn còn có mặt trong đoàn quân Tây Tiến. Nói về sự gian khổ hy sinh này, nhà thơ Quang Dũng (1921-1988) một Đại đội trưởng Tây Tiến, có bài thơ với những câu để đời: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Đại đội trưởng Kim Tuấn (giữa) trong đoàn quân Tây Tiến, 1948

Đầu năm 1951, Đại đoàn 320 được thành lập ở Nho Quan, Ninh Bình với những chiến công vang dội. Đại đội trưởng Đại đội 46, Kim Tuấn chỉ huy đánh đồn Vật Lại. Đồng đội còn nhắc mãi tấm gương anh dũng, quả cảm của ông trong trận chiến đấu ngày 19-1-1951. Khi viện binh của địch từ Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc tràn sang hòng tiêu diệt Trung đoàn 48, Đại đội trưởng Kim Tuấn nhận nhiệm vụ chặn hậu và rút cuối cùng. Không chỉ ngoan cường chiến đấu, ông còn lo băng bó cho chiến sĩ bị thương và dìu họ qua cầu tre, vượt sông Tích Giang, vào rừng Quảng Oai, Sơn Tây.

Ở Tiểu đoàn 884 (nay là Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320), nhiều cán bộ, chiến sĩ, có cả những vị tướng khi ấy là chiến sĩ thuộc quyền của Kim Tuấn đã hồi tưởng lại những trận đánh mà ông từng chỉ huy với tất cả niềm kính phục, sự ngưỡng mộ tài năng và đức độ. Trong chiến dịch ở tây nam Ninh Bình (1953), Tiểu đoàn trưởng Kim Tuấn nổi bật với tác phong linh hoạt, sáng suốt, dũng cảm và quyết đoán, biết chớp thời cơ, chỉ huy đơn vị vận động chiến, chia cắt địch ra từng mảng để tiêu diệt. Bị đánh bất ngờ, tiểu đoàn ngụy người Thái tan rã, tiểu đoàn lê dương ôm đầu máu tháo chạy về phía Rịa. Quân ta diệt và bắt gần 400 tên địch, bắn rơi 1 máy bay trinh sát, 1 máy bay ném bom B26… Tiểu đoàn được Bộ Tổng tư lệnh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba. Ông Kim Tuấn có công lớn xây dựng Tiểu đoàn 3 từ chỗ hoạt động phân tán từng đại đội độc lập riêng lẻ về tập trung đội hình xây dựng cách đánh quy mô hiệp đồng cấp tiểu đoàn, trung đoàn; từ một tiểu đoàn bình thường trở thành một trong những đơn vị chiến đấu dày dạn, có nhiều trận đánh đạt hiệu suất cao, được mang danh hiệu “Tiểu đoàn Tiên Yên” thuộc Đại đoàn Đồng bằng (nay là Sư đoàn 320). Kinh nghiệm chiến đấu của tiểu đoàn được Bộ Tổng Tham mưu đưa vào lịch sử tổng kết và phổ biến rộng rãi.

Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông Kim Tuấn về làm Tham mưu phó Sư đoàn 332, Quân khu Đông Bắc. Bấy giờ, bà Lê Thị Tú Khuê làm y tá Trung đoàn 248 Việt Bắc cũng chuyển về đây. Hai đơn vị cùng đứng chân ở thị trấn Tiên Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh. Lần gặp gỡ tình cờ ở Hà Nội, khiến hai người cảm mến nhau và nên duyên chồng vợ. Đám cưới của đôi quân nhân diễn ra giản dị, không hoa, không rượu, không chụp ảnh; quà tặng chỉ mấy quyển sổ tay, chiếc bút máy và những vần thơ ấm áp nghĩa tình đồng đội. Đặc biệt, có đơn vị mang đến tặng một cặp sam biển đóng hộp, với ngụ ý vợ chồng luôn quấn quýt bên nhau. Sau đó, ông Kim Tuấn chuyển về Sư đoàn 320, đóng ở Kiến An, Hải Phòng. Thời gian dành cho vợ con rất ít, vì nhiệm vụ, ông cứ biền biệt xa nhà.

Năm 1963, ông Kim Tuấn được bổ nhiệm giữ chức Cục phó Cục Quân lực. Một lần, ông vừa tới cổng Thành, thì gặp xe của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đại tướng xuống xe chúc mừng và vắn tắt phân tích, nếu Kim Tuấn ở đơn vị chiến đấu thì phù hợp hơn và có điều kiện phát triển tốt. Lời gợi ý chân tình của người Anh Cả quân đội, đã giúp Kim Tuấn đi đến quyết định chóng vánh. Ông đề đạt nguyện vọng với cấp trên và ít lâu sau thì nhận quyết định trở lại Sư đoàn 320.

Nhờ vậy mà tài năng quân sự của ông Kim Tuấn có “đất” nẩy nở trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ấy cũng là phong cách con người ông, tình nguyện xông pha trận mạc, sát cánh cùng đồng đội đánh giặc, chứ không chọn nơi an nhàn cho bản thân. Những trận đánh thể hiện tài thao lược của ông suốt quãng đời trận mạc, từ chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Quảng Trị, đến chiến dịch bắc Tây Nguyên; từ trận chặn địch trên đường Cheo Reo - Phú Bổn, đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử… Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, Kim Tuấn luôn được cấp trên tin tưởng, được cấp dưới tin yêu và kính phục. Cuối tháng 3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Quân đoàn 3, danh hiệu Binh đoàn Tây Nguyên, ông Kim Tuấn được bổ nhiệm làm Tư lệnh phó Quân đoàn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm Quân đoàn 3.
Tư lệnh Kim Tuấn cùng Đại tướng duyệt đội danh dự (1977)

Sau ngày 30-4-1975, non sông liền một dải, đất nước ta vừa có hòa bình vừa đứng trước nguy cơ xảy ra chiến tranh, bởi mưu đồ đen tối của các thế lực lực thù địch và phản động. Từ các cuộc xâm lấn, đánh chiếm một số đảo ở vùng biển Tây Nam của Việt Nam, tập đoàn Khơme Đỏ liều lĩnh xua quân lấn chiếm dọc tuyến biên giới từ An Giang đến Tây Ninh, cướp phá của cải và sát hại dân lành. Binh đoàn Tây Nguyên được lệnh phối hợp chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Chấp hành nghị quyết của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Kim Tuấn, Quân đoàn 3 nghiêm túc thực hiện xuất sắc nhiệm vụ.

Tư lệnh Binh đoàn Tây Nguyên chỉ huy chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam

Điều đáng nói là cuối năm 1978, sau 30 năm ròng rã trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu trên nhiều mặt trận, Thiếu tướng Kim Tuấn được cấp trên điều động về Bộ Tổng Tham mưu nhận công tác mới. Công việc bàn giao đã xong, ông về Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị ra Bắc. Những tưởng từ đây, ông sẽ có những ngày tháng sum vầy bên vợ con. Nhưng không, bấy giờ diễn tiến tình hình ở biên giới Tây Nam trở nên căng thẳng và phức tạp hơn bao giờ hết. Là người chỉ huy sáng tạo, giàu kinh nghiệm chiến trường, vị tướng được cấp trên yêu cầu quay lại nắm Quân đoàn. Nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, không chút chần chừ, tướng Kim Tuấn lập tức nhận nhiệm vụ.

Với phương châm “vừa chiến đấu, vừa xây dựng củng cố”, Quân đoàn nhanh chóng khắc phục khó khăn, đánh nhiều trận quyết định, từng bước giữ vững và mở rộng địa bàn, tích cực giúp đỡ lực lượng cách mạng Campuchia phát triển. Với thế và lực mới, mùa xuân năm 1979, với sức mạnh áp đảo, toàn Quân đoàn vượt chặng đường 600km từ Biển Hồ, giải phóng 6 tỉnh phía bắc và tây bắc, góp phần giải phóng hoàn toàn đất nước Chùa Tháp. Với tinh thần quốc tế vô sản cao cả, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn hết lòng giúp bạn bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, giúp dân Campuchia trở về quê cũ phục hồi sản xuất.

Tổng Tham mưu phó Lê Trọng Tấn (phải) và Tư lệnh Kim Tuấn tại Mi Mốt

(Campuchia, tháng 1-1979)

Trong chiến dịch truy quét lớn tàn quân, Quân đoàn 3 được giao nhiệm vụ đánh chiếm làm chủ các căn cứ trọng yếu Battambang nằm về phía tây Campuchia, tiêu diệt, làm tan rã đại bộ phận quân địch, tóm gọn những tên đầu sỏ. Để thông qua kế hoạch đánh Tà Sanh của Sư đoàn 31 tại Xiêm Riệp, ông Kim Tuấn đang ốm, Thường vụ Đảng ủy Quân đoàn hội ý, cử người khác đi thay. Vị tướng không nghe, ông bảo, nhiệm vụ đánh vào sào huyệt cuối cùng của Pol Pot cực kỳ quan trọng, Tư lệnh Quân đoàn phải có mặt. Từ chối xe bọc thép, trên đường di chuyển, chiếc UAZ chở ông bị phục kích ở núi Thơm. Thiếu tướng Kim Tuấn bị thương nặng. Trên chiếc trực thăng UH-1, hồi tỉnh lại, ông vẫn thều thào thăm hỏi anh em và nhắn nhủ ân tình cho bác sĩ Tú Khuê, nói lời cảm ơn người vợ hiền thục đã thay ông nuôi dạy các con thành kỷ, thành nhân. Vị tướng giã biệt cõi đời lúc 14 giờ ngày 17-3-1979, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, cho đồng đội, đặc biệt là với cấp trên.

Là vị chỉ huy từ cấp đại đội đến quân đoàn, ở đâu ông Kim Tuấn cũng yêu thương và quý trọng cấp dưới, nhất là chiến sĩ. Trong chiến đấu cũng như lúc hòa bình, ông chia sẻ niềm vui, cũng như nỗi buồn cùng anh em, nhân ái, giúp đỡ họ trưởng thành. Sống giản dị, với tác phong sâu sát, kiểm tra đến nơi đến chốn, thấy sai ông phê bình nghiêm khắc, nhưng cách xử sự luôn nhất mực ân tình, thủy chung. Ở mặt trận, có được bát canh ngon, hay đĩa rau xanh, thậm chí cả tiêu chuẩn bồi dưỡng, ông đều san sẻ cho anh em cùng hưởng; ông quan tâm từ chiến sĩ công vụ, đến người lái xe.

Khẩu súng ngắn K54, kỷ vật của vị tướng từ 1977-1978

Với gia đình riêng, ông đối xử hiếu thuận với bố mẹ, anh em ruột. Ông là người chồng mẫu mực, người cha hết lòng vì con cái. Những lá thư của ông giúp hai người con luôn tự hào về bố, mẹ, khiêm nhường, sống tự lập, biết đi lên bằng chính đôi chân của mình. Người con gái đầu lòng của ông, TS. Nguyễn Thị Thanh Hà, từng làm Trưởng ban Phụ nữ Quân đội. Giữ chức Chính ủy Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội, năm 2013, chị Hà được thăng quân hàm Thiếu tướng. Người con trai út, Đại tá Nguyễn Công Hiệu từng công tác ở TCII, Bộ Quốc phòng…

Gia đình Thiếu tướng, Anh hùng, Liệt sĩ Kim Tuấn (2010)

Đảng, Nhà nước và Quân đội ta tổ chức trọng thể lễ tang Thiếu tướng Kim Tuấn tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, với sự hiện diện của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao và tướng lĩnh Quân đội. Đại diện các quân chủng, binh chủng, quân khu, quân đoàn, đã đến viếng và chào tiễn biệt Thiếu tướng Kim Tuấn. Lời điếu của Quân ủy Trung ương do Thượng tướng Trần Văn Trà - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đọc tại lễ tang, có đoạn: “Đồng chí Kim Tuấn không còn nữa, nhưng tinh thần và đức tính của đồng chí còn sống mãi trong lòng chúng ta. Càng thương tiếc đồng chí bao nhiêu, chúng ta càng quyết tâm phấn đấu bảo vệ vững chắc và xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, ra sức phấn đấu xây dựng Quân đội ta ngày càng lớn mạnh, chính quy, hiện đại, tinh nhuệ…”.

Với những thành tích và công lao đặc biệt, Thiếu tướng Kim Tuấn đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý. Ngày 20-12-1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sĩ Thiếu tướng Nguyễn Công Tiến tức Nguyễn Kim Tuấn. Tên tuổi của ông được vinh danh trong tập “Chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh” do Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) biên soạn và ấn hành 2001. Năm 2012, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã cho ra mắt cuốn sách “Chân dung vị tướng Anh hùng, Liệt sĩ Kim Tuấn” với lời tựa của Đại tướng Phùng Quang Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tập hợp nhiều bài viết đặc sắc của một số tướng lĩnh, cùng nhiều cán bộ từng sát cánh chiến đấu và người thân của Thiếu tướng Kim Tuấn.

Ảnh: GĐCC

BÀI VIẾT NỔI BẬT