VỆ SINH TỦ BẾP CHỐNG NẤM MỐC, VI KHUẨN
Vệ sinh tủ bếp chống nấm mốc, vi khuẩn
Trong các căn bếp hiện đại, tủ bếp là sản phẩm không thể thiếu. Tuy nhiên, rất ít người nghĩ đến việc vệ sinh chúng định kỳ, đấy là chưa kể có gia đình cả năm không dọn dẹp. Nhiều gia đình mở tủ bếp ra đã thấy xộc vào mũi mùi hôi hám của nấm mốc và vi khuẩn.
Bốc mùi hôi
Hầu hết chị em phụ nữ đều ý thức vệ sinh nhà bếp sạch sẽ. Tuy nhiên, nhiều người mới chỉ chú ý vệ sinh bếp nấu, các thiết bị để trong nhà bếp như lò vi sóng, tủ lạnh mà quên mất việc vệ sinh tủ bếp, nhất là khu vực bên trong tủ bếp. Trong khi thực tế, tủ bếp lại là khu vực vô cùng bẩn nếu không được chú ý vệ sinh.
Khi nấu nướng, dầu mỡ, hơi nước bắn lên bề mặt tủ, nếu không được vệ sinh chúng sẽ bám lại thành những vết bẩn cứng đầu rất khó vệ sinh. “Thực tế, nhiều gia đình không chú ý chính gầm tủ bếp trên là một ổ vi khuẩn khổng lồ do hơi nước và hơi dầu mỡ bốc lên, cùng với bụi bẩn tích tụ lâu ngày tạo thành các mảng bám dày đặc, két bẩn. Nguy hiểm hơn, khi nấu nướng hơi nước bốc lên, đọng thành giọt và lại cuốn theo những vi khuẩn, bụi bẩn này nhỏ xuống bếp nấu, thậm chí là cả nồi chảo đang chế biến món ăn của gia đình”.
Đặc biệt là khu vực bên trong tủ bếp. Nhiều người có thói quen “tống” tất cả mọi thứ trong bếp vào tủ bếp nhằm mục đích “cho gọn”. Vì vậy, tủ bếp không chỉ là nơi để xoong chảo, dao, thớt mà còn là nơi để tất tần tật từ đồ khô như túi lạc, túi đỗ tương… đến tệp bánh đa nem dùng không hết, vài gói bột canh chưa dùng đến, túi bột đa năng để làm bánh mới dùng hết một nửa, vài đôi đũa không dùng đến… Tất cả đều được “ném” vào các ngăn kéo của tủ bếp. Điều đáng nói, tủ bếp là nơi kín, bí, vì thế, rất dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Rất nhiều gia đình khi mở tủ bếp, nhất là các ngăn tủ phía dưới chân sẽ thấy mùi hôi, mốc xộc thẳng vào mũi. Ngoài ra, không ít chị em cho biết, sau cả năm không vệ sinh đến các ngăn kéo tủ bếp, đến lúc “dọn dẹp” đã phát hiện vài đôi đũa đã bị mốc, túi lạc dùng chưa hết đã bị mốc meo, nấm mốc bám đầy…
Chú ý khe kẽ
Việc vệ sinh tủ bếp cần được chị em chú ý và thực hiện thường xuyên. Với mặt ngoài của tủ bếp, những khu vực bị dầu mỡ, hơi nước bám vào cần vệ sinh ngay sau khi kết thúc nấu nướng. Ngoài ra, cần vệ sinh toàn bộ mặt ngoài của tủ bếp mỗi tuần/lần. Việc vệ sinh tủ bếp không khó, bạn có thể dùng khăn lau mềm, nước ấm, giấm trắng (hoặc bạn có thể thay thế 1 quả chanh pha với nước ấm), nước tẩy rửa loại nhẹ. Chất tẩy rửa bạn pha cùng nước ấm, rồi dùng giẻ rửa bát lau rồi chà vào vị trí có vết bẩn. Sau đó, pha 100ml giấm trắng vào 2 lít nước ấm. Nhúng khăn lau vào dung dịch đã pha, vắt khô nước rồi lau toàn bộ các bề mặt bên trong và bên ngoài tủ bếp.
Với phần bên trong tủ bếp, bạn cần vệ sinh định kỳ hằng tháng. Đầu tiên hãy mang hết đồ đạc cất trong tủ để phân loại, cái gì cần dùng để riêng một chỗ, cái gì không dùng hoặc đã bị hỏng thì bỏ ngay vào thùng rác. Hãy bắt đầu bằng khăn mềm, nước ấm, giấm trắng (hoặc quả chanh), chú ý các khe kẽ thường là nơi bụi bám, vi khuẩn, tế bào nấm mốc.
Bạn nên nhớ rằng, đừng nghĩ tủ bếp là nơi kín thì có thể vứt mọi thứ vào trong tủ. Khi để đồ vào các ngăn tủ cần phải phân loại, đồ gì để vào ngăn nào và cần phải ngăn nắp, gọn gàng. Những đồ đang dùng dở, cần phải được bao/gói kỹ khi để trong tủ.
Huy Khánh
Bộ phận máy khử mùi phía trên bếp thường được thiết kế âm tủ hoặc liền kề trong hệ thống tủ bếp trên, cũng là nơi bám rất nhiều dầu mỡ sau những ngày nấu ăn. Ngoài việc chú ý vệ sinh sạch sẽ để tránh hơi dầu mỡ, vi khuẩn, bụi bẩn bám dính theo hơi nước nhỏ xuống bếp và nồi nấu, bạn cũng cần phải lưu ý đến việc thay lớp than hoạt tính của máy hút mùi khi vật liệu này bị bão hòa.