column_right getExtensions 1732353216-1732353216

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732353216-1732353216

VỀ MỘT CÁCH XƯNG HÔ

VỀ MỘT CÁCH XƯNG HÔ

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:20-09-2023

VỀ MỘT CÁCH XƯNG HÔ

Anh tôi luôn gọi vợ là “nhà” (Ảnh minh họa: Internet)

Anh tôi về nước sau những chuỗi ngày nổi nênh xứ người. Anh gầy, đen sạm nhưng rắn rỏi. Bàn tay anh quàng qua vai vợ tình cảm và ấm áp: “Đây mới đích thị là nhà của anh nè”. Nụ cười của anh thật tươi. Khuôn mặt chị dâu lấp lánh hạnh phúc sau những chuỗi ngày lo âu đợi chờ.

Anh tôi hay gọi vợ là “nhà”. “Nhà ơi”, ngày chưa lấy chồng tôi nghe hai tiếng đó sao mà thân thương. Đôi lần tôi thắc mắc với anh tôi, sao không xưng anh - em như người ta. Anh cười, vì với anh, chị là nhà. Lúc đó tôi không hiểu, nhưng sau khi lập gia đình riêng thì tôi thấm hết những ân tình sau tiếng gọi vợ là “nhà” một cách trìu mến đó.

Ngày anh phá sản, chị nước mắt ngân ngấn, không phải vì cơ nghiệp bạc tỷ bay vèo, mà chị lo anh nghĩ quẩn. Họ nắm níu nương nhau đi qua những khốn khó. “Nhà đợi anh về nhé”. Lời anh dặn vợ ở sân bay để đi xứ người tìm cơ hội mới khiến tôi nghẹn lòng.

Và chị đợi. Rời căn nhà to đẹp giữa phố, chị và con giải quyết bớt nợ nần để dọn về trọ ở một khu xa trung tâm hơn. Tôi nhận ra những ngày ấy mắt chị thâm quầng vì thiếu ngủ, nhưng mỗi lần nghe điện của chồng, giọng chị rất vui vẻ: “Anh đừng lo, ở nhà ổn lắm”.

Ba năm anh về, những khó khăn kinh tế đã qua. Và chị dâu, vẫn đúng nghĩa là nhà, là tổ ấm mà anh mong muốn. Họ vẫn gọi nhau trìu mến bằng hai tiếng “nhà ơi”.

Có lần, tôi tình cờ nghe một người đàn ông sừng sộ trong cơn say khi vợ gọi điện thoại: Mày gọi tao làm gì? Mày nghĩ mày là mẹ tao hay sao mà muốn gọi về lúc nào là gọi? Khi đó cả bàn nhậu bỗng im bặt. Bình thường với lời lẽ người say không ai để tâm, nhưng cách xưng hô “mày tao” gắt gỏng với vợ đã dự báo điều chẳng lành. Dù thế nào, vợ chồng cũng là người đầu gối tay ấp, người bạn đời đã rời xa cha mẹ, người thân để tới xây dựng cuộc sống cùng ta. Tiếng “mày”, thật bạc bẽo và hạ đẳng, không chút nghĩa tình?

Hồi mới cưới, vợ chồng tôi gọi nhau là anh - em, có bực dọc đến mấy cũng chỉ anh - tôi. Tới khi hai đứa nhỏ lần lượt chào đời, chúng tôi gọi nhau là ba, là mẹ vừa để các con bắt chước gọi theo, vừa nhắc nhở nhau chú ý sửa mình trong vai trò mới.

Bọn trẻ lớn lên, vợ chồng tôi vẫn quen gọi nhau ba - mẹ. Bạn bè lạ lắm. Nhưng tôi thấy bình thường. Cách xưng hô của chồng vợ, hàm chứa những ý nghĩa khác nhau. Gọi bằng cách nào để người trong cuộc thấy mình được bạn đời tôn trọng, yêu thương là ổn.

Tôi nhớ câu thơ của Bùi Giáng: “Mình ơi! Tôi gọi bằng nhà”. Rõ ràng khi lập gia đình, nhiều người mới thực sự bước vào giai đoạn trưởng thành. Nhà là nơi để sinh sống, là nơi để những đứa con lớn lên, là nơi mỗi khi đi xa ai cũng đau đáu muốn trở về, là nơi mà thành công hay thất bại nhà vẫn luôn bao trọn cả trái tim ta.

ĐINH HƯƠNG

BÀI VIẾT NỔI BẬT