VÀ ANH TỒN TẠI
Đến với bài thơ hay
VÀ ANH TỒN TẠI
Giữa bao la đường sá của con người
Thành phố rộng, hồ xa, chiều nổi gió
Ngày chóng tắt, cây vườn mau đổ lá
Khi tàu đông anh lỡ chuyến đi dài
Chỉ một người ở lại với anh thôi
Lúc anh vắng người ấy thường thức đợi
Khi anh khổ chỉ riêng người ấy tới
Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương
Người ấy chỉ vui khi anh hết lo buồn
Anh lạc bước, em đưa anh trở lại
Khi cằn cỗi thấy tháng ngày mệt mỏi
Em là sớm mai là tuổi trẻ của anh
Khi những điều giả dối vây quanh
Bàn tay ấy chở che và gìn giữ
Biết ơn em, em từ miền gió cát
Về với anh, bông cúc nhỏ hoa vàng
Anh thành người có ích cũng nhờ em
Anh biết sống vững vàng không sợ hãi
Như những nhà vườn, như người dệt vải
Ngày của đời thường thành ngày - ở - bên - em
Anh biết tình yêu không phải vô biên
Như tia nắng, chúng mình không sống mãi
Như câu thơ, chắc gì ai đọc lại
Ai biết ngày mai sẽ có những gì
Người đổi thay, năm tháng cũng qua đi
Giữa thế giới mong manh và biến đổi
“Anh yêu em và anh tồn tại”
Em của anh, đôi vai ấm dịu dàng
Người nhóm bếp mỗi chiều, người thức dậy lúc tinh sương
Em ở đấy, đời chẳng còn đáng ngại
Em ở đấy, bàn tay tin cậy
Bàn tay luôn đỏ lên vì giặt giũ mỗi ngày
Đôi mắt buồn của một xứ sở có nhiều mưa
Ngọn đèn sáng rụt rè bên cửa sổ
Đã quen lắm, anh vẫn còn bỡ ngỡ
Gọi tên em, môi vẫn lạ lùng sao
1976
LƯU QUANG VŨ
(Rút trong tập “Mây trắng của đời tôi”, Nxb Văn học 1989)
Lời bình của Nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC
Nói đến Lưu Quang Vũ là nói đến một hồn thơ, một nhà văn, nhà viết kịch Việt Nam tài năng đặc biệt và hết sức độc đáo. Sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống văn chương, nguyên quán quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, là trưởng nam của thi sĩ, kịch tác gia Lưu Quang Thuận (1921-1981) và là anh ruột nhà phê bình văn học, PGS-TS Lưu Khánh Thơ (Viện Văn học). Nhà thơ Lưu Trùng Dương (1930-2014) là chú ruột…
Như bao chàng trai của thời “ba sẵn sàng” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, 17 tuổi, Lưu Quang Vũ lên đường nhập ngũ, làm thợ máy ở Trung đoàn không quân 921. Tại đây, anh làm thơ, viết chèo và kịch được đồng đội yêu thích. Bước ngoặt bắt đầu từ khi Vũ được gọi về “Tổ gương” của Cục Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân. Từ “bệ phóng” này, anh chắp cánh bay lên…
Tuy nhiên, sinh thời, Lưu Quang Vũ mới chỉ có nửa tập thơ in chung trong “Hương cây - Bếp lửa” (Nxb. Văn học, 1968) khi còn tại ngũ. Khác với nhiều cây bút cùng trang lứa, ngay cả khi chưa xuất bản, thơ Vũ đã được công chúng yêu thích và truyền tụng. Anh quan niệm thơ và kịch gần nhau. Đó là hai thể loại lớn của văn học, là cuộc sống và thế giới tinh thần của con người được biểu hiện ở dạng tinh chất nhất, mạnh mẽ nhất. Ra quân năm 1970, trở về Hà Nội, người lính bắt đầu “nếm trải” những va đập của đời thường. Hai bàn tay trắng, trong nỗi đau khổ, cô đơn, có lúc anh gần như tuyệt vọng. Nhưng vốn thừa hưởng gene trội của con nhà nòi và tài năng thiên bẩm phát lộ sớm, Lưu Quang Vũ đã không chịu đầu hàng số phận.
Chỉ trong một thời gian ngắn, với sức làm việc phi thường, anh có 50 vở kịch được dàn dựng và xuất bản, nức tiếng như “Sống mãi tuổi 17”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Tôi và chúng ta”, “Bệnh sĩ”, “Lời thề thứ 9”. Một mình anh làm rực sáng ánh đèn sân khấu cả nước trong thập niên 80 của thế kỷ XX và là người có công lớn góp phần vực dậy cả một nền kịch nghệ đang có nguy cơ bị tụt hậu. Ngày ấy, ở đâu, đi đâu cũng nghe thiên hạ trầm trồ bàn luận về kịch Lưu Quang Vũ. Trước anh và sau anh chưa có người thứ hai làm được vậy. Có được thành công vang dội ấy, ngoài tài năng đích thực và sự nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ của cá nhân, phải nói đến công lớn của một người phụ nữ đã có “mắt xanh”, dám tin cậy và chia sẻ cùng anh, người bạn đời mà anh hết sức yêu thương, trân trọng.
Sau khi anh qua đời, các tập thơ “Mây trắng của đời tôi”, “Bầy ong trong đêm sâu”, “Lưu Quang Vũ thơ và đời”, “Lưu Quang Vũ, thơ tình” lần lượt được gia đình và bằng hữu chọn xuất bản. Nếu tính hiện đại và thời sự đậm chất triết luận trong kịch Lưu Quang Vũ, thì thơ anh lại rất đỗi tài hoa, ngôn ngữ đằm thắm, giàu sức gợi mở và liên tưởng.
Bài thơ “Và anh tồn tại” được viết vào năm hòa bình đầu tiên (1976). Khác với tâm hồn trẻ tráng trong tập thơ đầu đời, trải nhiều sóng gió cuộc đời, nhất là sự đổ vỡ trong cuộc hôn nhân lần đầu, đã khiến Lưu Quang Vũ nhiều khi lâm vào tình cảnh bi đát, đối diện với nhiều trắc trở khó khăn tưởng chừng không thể vượt nổi. Giữa lúc gần như tuyệt vọng, thì anh gặp được “người ấy”.
Bài thơ như sự giãi bày về một tình yêu lớn lao, và cao hơn cả tình yêu là ân tình về một người phụ nữ tuyệt vời, người đã cho tác giả một điểm tựa. Những quan sát tinh tế, ắp đầy sắc màu cuộc sống với bao dự cảm, tất cả ùa vào trong thơ Lưu Quang Vũ, tạo nên một giọng điệu rất đỗi khác biệt. Giữa bao la đường sá của con người/ Thành phố rộng, hồ xa, chiều nổi gió/ Ngày chóng tắt, cây vườn mau đổ lá. Như ống kính lia từ xa tới gần, chỉ vài nét phác qua, khung cảnh phố phường đã hiện ra thật sinh động. Nhưng đó là cái cớ dẫn dắt để thi sĩ trần tình. Khi tàu đông anh lỡ chuyến đi dài/ Chỉ một người ở lại với anh thôi. Đắm hồn trong ca dao, tục ngữ, Lưu Quang Vũ đã vận vào thơ mình thật nhuần nhị. Từ một “người dưng” xa lạ, “người ấy” trở thành đối tượng của sự trìu mến, sẻ chia. Lúc anh vắng người ấy thường thức đợi/ Khi anh khổ chỉ riêng người ấy tới/ Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương/ Người ấy chỉ vui khi anh hết lo buồn.
Và đến đây, cung bậc tình cảm bắt đầu chuyển động. Từ “người ấy” chuyển sang “em” xiết bao gần gụi, ấm áp. Anh lạc bước, em đưa anh trở lại. Ai từng biết người cựu binh không quân đã phải lăn lộn làm nhiều nghề khác nhau để nuôi con, từ bốc vác đến vẽ tranh, viết báo, làm thơ, thì mới hiểu câu ấy… Tình yêu đã vực Lưu Quang Vũ đứng dậy và đưa anh trở lại với quỹ đạo của lao động sáng tạo, nhờ vậy, đất nước mới có một văn tài tầm cỡ vụt sáng. Khi cằn cỗi thấy tháng ngày mệt mỏi/ Em là sớm mai là tuổi trẻ của anh/ Khi những điều giả dối vây quanh/ Bàn tay ấy chở che và gìn giữ. Vượt qua sự chênh chao về tuổi tác, với bao điều thị phi, đàm tiếu, họ vững lòng đến với nhau bằng một tình yêu sáng trong và cao cả. Em là tất cả của anh thôi. Ân tình lắm chứ. Anh thành người có ích cũng nhờ em/ Anh biết sống vững vàng không sợ hãi/ Như những nhà vườn, như người dệt vải. Thật không gì quý giá và hạnh phúc hơn khi mà “Ngày của đời thường thành ngày - ở - bên - em”.
Rất chân thực, thi sĩ thiết tha tỏ bày tình cảm. Biết ơn em, em từ miền gió cát/ Về với anh, bông cúc nhỏ hoa vàng. Xuân Quỳnh là một thi sĩ tài năng, từ công việc ở báo Văn nghệ, chị chuyển về Nhà xuất bản Tác phẩm mới (nay là Nxb Hội Nhà văn). Chị từng có nhiều tập thơ, như “Gió Lào cát trắng”, cũng như anh từng có vở kịch “Bông cúc xanh trong đầm lầy”. Một hình tượng quyện hòa song đôi thật đẹp và ý vị. Là người luôn ắp đầy những dự cảm, trân trọng cuộc sống nhưng tác giả không hề ảo tưởng. Anh biết tình yêu không phải vô biên/ Như tia nắng, chúng mình không sống mãi/ Như câu thơ, chắc gì ai đọc lại/ Ai biết ngày mai sẽ có những gì. Rất chân thành và chẳng mảy may tiêu cực. Một cái nhìn điềm tĩnh, một sự ngẫm ngợi rất biện chứng. Bởi lẽ, Người đổi thay, năm tháng cũng qua đi/ Giữa thế giới mong manh và biến đổi. Nhưng tác giả biết chắc một điều: “Anh yêu em và anh tồn tại”.
Mạch thơ liên hoàn, không chia đoạn, không ngắt ra từng khổ. Toàn bài là một sự tri ân được nâng lên theo từng cấp độ sâu lắng, đậm đà, chan chứa yêu thương, trân quý. Em của anh, đôi vai ấm dịu dàng/ Người nhóm bếp mỗi chiều, người thức dậy lúc tinh sương. Không cành vàng lá ngọc, người phụ nữ của tổ ấm gia đình bình dị vậy thôi. Nhưng đó không chỉ đơn thuần là người nội trợ trong gia đình, mà chị còn là một nhà thơ danh tiếng, một cán bộ biên tập, với một núi công việc ở cơ quan. Nhưng yêu anh, chị đã quên cả bản thân mình để chăm lo cho chồng, cho con. Đức hy sinh tảo tần quá lớn.
Và câu thơ chừng như se lại. Đó cũng là nỗi lòng người chồng rất đỗi thương yêu vợ, cảm thông và sẻ chia với những vất vả cực nhọc thường nhật của người bạn đời. Em ở đấy, bàn tay tin cậy/ Bàn tay luôn đỏ lên vì giặt giũ mỗi ngày/ Đôi mắt buồn của một xứ sở có nhiều mưa. Ai đã sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn biết cảnh thức đêm, thức hôm chực chờ hứng nước; thời củi quế, gạo châu, vất vưởng trăm đường. Và chỉ một va chạm nhỏ cũng dễ khiến con người ta dễ cáu bẳn, to tiếng. Còn gì đáng khâm phục hơn, khi đã vẹn tròn bổn phận “nội tướng”, hằng đêm người phụ nữ ấy lại ngồi trước trang viết. Ngọn đèn sáng rụt rè bên cửa sổ. Chữ rụt rè không mới nhưng đặt trong văn cảnh này nó khiến đầy nữ tính. Để tác giả nhìn vào không khỏi ngạc nhiên. Đã quen lắm, anh vẫn còn bỡ ngỡ/ Gọi tên em, môi vẫn lạ lùng sao.
“Và anh tồn tại” là một bài thơ ngôn từ giản dị, tình cảm ấm nồng, sáng trong, thể hiện sự tôn vinh phái đẹp, sẽ còn được bạn yêu thơ lưu giữ mãi.
Ra đi ở tuổi 40, để lại một gia tài tác phẩm đồ sộ, năm 2000, Lưu Quang Vũ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II về Văn học nghệ thuật. Mối tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ đã trở thành bất tử. Hẳn ở một nào đó rất xa, anh chị sẽ rất ấm lòng bởi trong trái tim của công chúng vẫn cứ mãi ngân lên “Anh yêu em và anh tồn tại”. Nhớ về họ, là nhớ về “Điều không thể mất”.