TỪ NỮ DU KÍCH MẬT ĐẾN THÀNH ỦY VIÊN
TỪ NỮ DU KÍCH MẬT ĐẾN THÀNH ỦY VIÊN
Gặp lại chị Lê Thị Vân (Ba Vân) trong bộ trang phục bà ba truyền thống, với chiếc khăn rằn vắt vai, gương mặt chị toát lên nét chân chất, thật dễ mến. Chị sinh trưởng tại ấp Bến Cỏ, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, tỉnh Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Được tiếp xúc với chị Ba Vân, cảm nhận đầu tiên về chị ấy là sự khiêm nhường, giản dị; đặc biệt là sự chín chắn, sâu sắc và nghĩa tình của một cán bộ từng lăn lộn trong cuộc chiến khốc liệt và trải qua nhiều cương vị công tác.
Hồi 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quê hương chị là một trong những căn cứ địa của tỉnh Gia Định. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Phú Hòa Đông từng là nơi đứng chân của Khu ủy Sài Gòn-Gia Định, của Huyện ủy Củ Chi, cùng một số đơn vị lực lượng vũ trang cách mạng. Đây cũng là địa phương đi đầu trong phong trào Đồng khởi (1960), vùng lên phá ách kìm kẹp của địch.
Chịu ảnh hưởng của chiến trường trọng điểm Củ Chi, xã Phú Hòa Đông tiếp giáp với vùng căn cứ giải phóng thuộc tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Do vị trí địa lý, nơi này trở thành bàn đạp để lực lượng cách mạng tiến vào nội thành hoặc trở ra vùng căn cứ; là đầu mối tiếp nhận lương thực, thuốc men... Trên địa bàn xã có nhiều lõm căn cứ nằm rải rác ở các ấp Phú Mỹ, Phú Hiệp và Phú An. Đặc biệt, tại xóm rừng có lõm chạy cặp theo tỉnh lộ 15, chỉ cách đồn địch chừng hơn 800 mét. Nơi đây có địa hình cây cối rậm rạp, một số nhà dân có hầm bí mật nối thông ra hệ thống địa đạo chính. Địa đạo có nhiều tầng lên xuống, mỗi tầng đều có nắp đậy miệng hầm, xung quanh có hàng rào chiến đấu, ụ chiến đấu. Về sau được bố trí thêm hầm chông tre, hố chông đinh. Du kích xã, ấp còn gài mìn và lựu đạn để bảo vệ lực lượng cách mạng.
Phong trào đấu tranh của phụ nữ Phú Hòa Đông gắn bó khăng khít với phong trào cách mạng của quân và dân “Đất thép Thành đồng”. Sát cánh hoạt động cùng Đội du kích xã, lực lượng du kích mật chủ yếu là chị em phụ nữ, trong đó có chị Ba Vân. Với ưu thế của mình, nữ du kích mật có thể tiếp cận các đồn bót mà ít bị kẻ địch nghi ngờ, nhiều chị len lỏi hoạt động trong các ấp chiến lược. Các chị tổ chức nuôi giấu cán bộ, bí mật theo dõi bọn ác ôn, tham gia diệt ác phá kìm, hoặc làm giao liên... Từ cao trào Đồng khởi, chị Lê Thị Vân đào địa đạo, đào hầm bí mật, làm công tác quần chúng ở xã Phú Hòa Đông. Là tổ trưởng dân công hỏa tuyến, chị đi tải thương, tải đạn, phá hoại cầu đường,… đồng thời, chị tích cực vận động thanh niên tòng quân đánh giặc. Đến năm 1964, do bị lộ nên chị Ba Vân thoát ly gia đình. Chị được phân công làm công tác thanh niên và phụ nữ. Năm 1966, chị vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, tổ chức yêu cầu chị Ba Vân chuyển công tác sang mạn tỉnh lộ 8 và quốc lộ 1 (nay là quốc lộ 22) để hoạt động. Tại đây, chị đã xây dựng được một số cơ sở nòng cốt cách mạng, thúc đẩy đấu tranh chính trị; đặc biệt là xây dựng cơ sở nội tuyến trong hàng ngũ địch, phát triển du kích mật…
Thực hiện ba mũi giáp công, năm 1972, chị Lê Thị Vân tổ chức diệt ác phá kìm, phá ấp chiến lược, đưa dân bung về ruộng vườn cũ sản xuất. Chấp hành sự chỉ đạo của Huyện đội Củ Chi, chị Ba Vân sử dụng cơ sở nội tuyến Nguyễn Văn On (liên toán trưởng đội phòng vệ dân sự của địch ở tỉnh Hậu Nghĩa và huyện Củ Chi), để diệt tên Hen là chiêu hồi, nhưng việc không thành do bị lộ. Tuy vậy, ta vận động được 12 tên lính đem theo vũ khí trở về với cách mạng. Biết thóp tên Hen vốn háo sắc, chị Ba Vân tiếp tục bám nắm và lên kế hoạch dùng kế mỹ nhân, quyết trừng trị bằng được tên ác ôn này. Trong năm 1973, chị Ba Vân chỉ đạo du kích phối hợp với cơ sở nội tuyến, dụ tên Hen ra bìa ấp chiến lược, bắt và đem về căn cứ Tân Phú Trung để cách mạng xử tội. Đến năm 1974, một cơ sở nội tuyến khác là lính bảo an (do chị Ba xây dựng), dùng lựu đạn diệt gọn tên ác ôn ở xã Phước Vĩnh An, đồng thời găm bản án lên ngực hắn để cảnh cáo những tên khác.
Liên tục bám trụ chiến đấu và công tác, đến ngày 30-4-1975, chị Lê Thị Vân được giao nhiệm vụ cùng bộ phận tiếp quản, phân loại số binh sĩ quân đội Sài Gòn ở căn cứ Đồng Dù và các xã lân cận đưa về tập trung tại trường học xã Phước Vĩnh An. Chị tuyên truyền, kêu gọi sĩ quan và binh lính chế độ cũ ra trình diện. Cuối năm 1975, chị được Huyện ủy chỉ định làm Bí thư Huyện đoàn Củ Chi. Sau thời gian đi học văn hóa, năm 1977, chị Lê Thị Vân được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phân công làm Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, phụ trách Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Hội trưởng Hội phụ nữ huyện Củ Chi. Năm 1978, chị nhận nhiệm vụ ở Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc ở Hà Nội trở về, chị Ba Vân là Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, công tác ở ngoại thành liên tục cho đến năm 1985.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IV, chị Lê Thị Vân được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ thành phố, công tác ở Phân ban Nông thôn của Thành ủy. Tiếp đến Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ V, chị tái đắc cử Thành ủy viên, giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân thành phố. Năm 1997, chị được Thành ủy điều động làm Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Chương trình xóa đói giảm nghèo thành phố.
Đến năm 2000, tròn 61 tuổi, chị Ba Vân mới được nghỉ hưu. Trở về với cuộc sống đời thường, chị và gia đình sống cùng cha mẹ già ở xã Phú Hòa Đông. Như một người nông dân thực thụ, chị trồng hoa lan, chăn nuôi bò sữa, trồng nấm… kiếm tiền nuôi các con ăn học nên người. Là một đảng viên mẫu mực, tận tụy, chị Ba Vân không nề hà khi tham gia công tác tại nơi cư trú. Thực hiện kế hoạch xóa nhà tranh tre ở địa phương, chị trực tiếp đi nhiều nơi vận động các công ty, xí nghiệp cùng một số cá nhân ủng hộ tiền, xây dựng được 10 căn nhà tình thương… Ngoài ra, chị Ba Vân còn tích cực làm công tác xã hội từ thiện. Chị tham gia Ban liên lạc Đội nữ du kích Củ Chi, sưu tầm gom nhặt tư liệu phục vụ biên soạn cuốn sách về phong trào du kích mật và lực lượng du kích Củ Chi. Dù đã bước qua ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm”, tuy sức khỏe có giảm sút nhưng ở chị vẫn vẹn nguyên tinh thần trách nhiệm và sự gương mẫu. Hiện chị Ba Vân là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi ấp Bến Cỏ, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi.
Trong quá trình hoạt động và công tác, chị Lê Thị Vân được tặng thưởng 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 1 Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, 2 Huân chương Độc lập hạng Ba. Chị được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Bài và ảnh: Nguyễn Minh Ngọc