column_right getExtensions 1733246437-1733246437

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1733246437-1733246437

TRƯỜNG SA, MỘT HẢI TRÌNH ĐONG ĐẦY CẢM XÚC

TRƯỜNG SA, MỘT HẢI TRÌNH ĐONG ĐẦY CẢM XÚC

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:16-09-2022

TRƯỜNG SA, MỘT HẢI TRÌNH ĐONG ĐẦY CẢM XÚC

Cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông B chào lãnh đạo Đoàn công tác

Mùa hè 2019, tôi được cử tham gia Đoàn công tác của Tổng cục Chính trị ra thăm quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1/2. Một chị từng đi Trường Sa trước đây, bảo tôi rằng, đời người không dễ gì ra được chốn thiêng liêng này đâu. Nghe vậy, khi nhận kế hoạch, mặc dù đã xác định tinh thần từ trước nhưng tôi vẫn thấy xốn xang. Bên cạnh niềm vui, sự háo hức trước một chuyến công tác đầy ý nghĩa, tôi cũng có đôi chút lo lắng, ngại gặp thời tiết xấu, biển động, mọi người sẽ dễ bị say sóng, việc lên xuống các đảo sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng điều lo lắng của tôi đã không xảy ra, thời tiết rất thuận lợi và mọi việc suôn xẻ.

Sau hai ngày vượt hàng trăm hải lý, lướt sóng giữa đại dương bao la, đảo Đá Lớn B đã hiện ra trước mắt. Nhìn từ xa, khu nhà trên đảo quả thật nhỏ bé trước biển cả rộng lớn. Để lên được đảo, rời tàu, chúng tôi ngồi xuồng máy hoặc ca nô chuyển tải. Ngắm lá cờ Tổ quốc tung bay trong nắng sớm và dòng chữ “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” dần hiện ra, trong tôi dâng trào cảm xúc: Tổ quốc mình đây! Trường Sa - phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc đây rồi! Các chiến sĩ trên đảo xếp hàng đứng nghiêm chào đoàn. Những cái bắt tay, những cái ôm thắm tình đồng chí, như chào đón những người thân đi xa trở về. Những chàng lính trẻ tuổi đôi mươi, làn da sạm đen vì nắng gió của biển khơi, nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi. Vừa đặt chân lên đảo, đã nghe lời ca tiếng hát ngọt ngào của các ca sĩ Đoàn văn công Quân khu 1 hòa cùng chất giọng khỏe khoắn của các chiến sĩ hải quân, không khí của đảo như bừng lên sức sống mới. Mồ hôi chảy dài trên gương mặt nhưng tiếng hát, tiếng đàn vẫn quyện vào nhau, ấm tình người, thắm tình đồng chí, đồng đội.

Lãnh đạo Ban Thanh niên, Phụ nữ, Công đoàn tặng quà cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Lớn B

Ghé nơi làm việc, nơi ăn, nghỉ và nhất là khu vườn rau của các chiến sĩ, ai cũng mừng vì thấy đời sống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo ngày càng được đảm bảo tốt hơn. Bắt gặp những luống rau muống xanh mướt, những chậu rau thơm, rồi cả những giàn mướp, giàn bí đang kỳ trổ hoa, càng thêm yêu và cảm phục sự khéo léo, chịu khó của cán bộ, chiến sĩ. Anh em đã khắc phục khó khăn, vượt lên sự khắc nghiệt của thời tiết, đảm bảo một phần rau xanh, cải thiện các bữa ăn.

Tặng quà thầy trò lớp học trên đảo Sinh Tồn

Và không chỉ ở đảo Đá Lớn B, trong hành trình, đoàn công tác đã lên thăm các đảo: Nam Yết, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le A, An Bang, Trường Sa… và nhà giàn DK1/2. Dù là đảo chìm hay đảo nổi, thì việc tăng gia sản xuất, trồng rau, chăn nuôi luôn được chú trọng. Trên đảo Tiên Nữ - điểm cực đông của quần đảo Trường Sa, nơi được đón ánh mặt trời đầu tiên của đất nước, tôi vô cùng ngạc nhiên bởi vườn rau đặc biệt. Những bẹ cải, rồi vạt lá mùng tơi xanh mướt và to bằng chiếc mũ kêpi, không dễ gì có được ở các vườn rau trong đất liền. Lòng càng cảm phục cán bộ, chiến sĩ, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhưng các anh vẫn chăm được vườn rau tươi tốt lạ lùng.

Rau xanh Trường Sa

Ngoài rau xanh, trên đảo Thuyền Chài A, còn có những chậu hoa lan, hoa giấy đủ sắc màu. Và hầu như đảo nào cũng nuôi chó hoặc lợn, gà, vịt… và con vật nào cũng béo tốt. Những chú khuyển được huấn luyện tốt, rất tinh khôn. Chúng không chỉ là người bạn thân thiết, cùng làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ đảo ngày đêm mà còn là những trợ thủ đắc lực của các chiến sĩ trong việc bắt cá và nhiều chú chó bắt cá rất giỏi.

Phần lớn các đảo chìm ở Trường Sa được hình thành từ nền các bãi san hô ngập nước, vì vậy, nước biển rất trong và xanh. Ngồi trên ca nô cập đảo, thấy rõ từng dải san hô trắng, dài hàng trăm mét. Mặt trời dọi xuống khiến nước biển óng xanh như một tấm gương khổng lồ. Xa xa, cát trắng quanh các đảo An Bang, Sinh Tồn,… nom như những dải lụa. Từng hàng cây phong ba, bão táp, bàng vuông xanh điểm tô cho đảo thêm mướt mát, tràn đầy sức sống. Những loài cây mà chỉ nghe đến tên gọi đã gợi nhớ. Những người lính biển ở đây cũng tựa như những hàng cây phong ba, trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió, bảo vệ biển đảo, bảo vệ lãnh hải của Tổ quốc thân yêu.

Hoa bão táp

Do lệ thuộc vào chế độ thủy triều nên thời gian lên mỗi đảo của Đoàn công tác không nhiều. Ai nấy đều tranh thủ thời gian gặp gỡ, trò chuyện cùng cán bộ, chiến sĩ. Ngoài các phần quà chung tặng các chiến sĩ trên đảo, chúng tôi còn chia nhau đến từng tổ, tiểu đội thông tin, quân y… và cả người gác đèn biển, cùng những hộ dân đang sinh sống trên đảo. Ban Phụ nữ Quân đội gửi tới các chiến sĩ, các hộ dân những chiếc thẻ điện thoại, món quà tuy nhỏ nhưng góp phần kết nối yêu thương với người thân nơi đất liền, động viên các anh và bà con luôn giữ vững niềm tin, chắc tay súng, bảo vệ biển đảo quê hương. Tôi chuyển 5 phần quà của Ban PNQĐ tới 4 quân nhân và 1 hộ dân (trên đảo Sinh Tồn) có vợ, con mắc bệnh phải điều trị dài ngày. Thật cảm động khi tới thăm, tặng quà cho thầy trò của các lớp học trên đảo Sinh Tồn. Dù chỉ có 3 học sinh và trong lớp có em lớp 1, lớp 3 và cả mẫu giáo, nhưng thầy giáo vẫn rất tận tình. Còn các cháu rất ngoan ngoãn, lễ phép. Một cậu bé chừng 3 tuổi, vừa nhìn thấy các bác từ đất liền ra đã đứng khoanh tay chào: “Con chào các bác. Mời các bác vào thăm nhà con. Nhà con ở kia ạ!”. Nhìn các em nhỏ đọc bài ê a, thật xúc động, càng cảm nhận sức sống mãnh liệt, cũng như sự gần gũi, thân thương của con người nơi đảo xa, đúng như tên gọi của đảo “Sinh Tồn”.

Thăm, tặng quà gia đình hộ dân trên đảo Sinh Tồn

Hành trình 10 ngày trên biển kết thúc thật chóng vánh. Nhớ đêm ca nhạc giao lưu trên đảo Trường Sa, với những ca khúc thắm tình yêu quê hương, biển đảo đã phải kết thúc sớm hơn dự kiến do cơn mưa đầu mùa bất chợt đến, để lại bao nuối tiếc cho Đoàn công tác, cùng cán bộ, chiến sĩ và bà con trên đảo. Những câu hát, những lời chào tạm biệt lưu luyến, những cái bắt tay, vòng ôm thật chặt, những bức ảnh chụp vội nơi cầu tàu và cả những giọt nước mắt khi chia tay các chiến sĩ trên đảo. Từng hồi còi tàu dài kéo lên và chúng tôi vẫn đứng trên tàu vẫy tạm biệt các anh. “Hẹn gặp lại Trường Sa”, “Đất liền nhớ Trường Sa”… Những lời chào vang mãi không dứt cho đến khi bóng người khuất dạng.

Tặng thẻ điện thoại cho cán bộ, chiến sĩ đảo Thuyền Chài A

Giờ đây, khi đã trở về Hà Nội, giở lại những bức ảnh trên từng điểm đảo thì dường như tôi vẫn cảm thấy sóng sánh, ngất ngây với những cảm xúc khi lần đầu tiên đặt chân lên đảo, được gặp gỡ những người lính biển. Những cuộc gặp gỡ thân tình giữa các thành viên Đoàn công tác trên con tàu kiểm ngư KN-290… Sẽ có nhiều kỷ niệm đẹp còn đọng lại trong ký ức của mỗi người sau nhiều năm nữa. Nhưng chẳng dễ nguôi quên lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma, nhà giàn DK1/2 - cụm Phúc Tần; viếng Đài liệt sĩ, thăm nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đảo Trường Sa lớn… Qua chuyến đi, chúng tôi hiểu thêm về cuộc sống khó khăn gian khổ, vất vả của quân và dân trên các đảo và nhà giàn. Cùng với đó là những trăn trở, suy tư về trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc tham mưu đề xuất, kiến nghị với cấp trên những chủ trương, giải pháp để nâng cao sức mạnh tổng hợp cũng như đời sống vật chất, tinh thần cho Trường Sa, nhà giàn DK1/2 ngày càng: Mạnh về phòng thủ, tốt về đời sống, đẹp về cảnh quan, môi trường; mẫu mực về đoàn kết quân dân.

Chuyến tàu kết nối yêu thương

Mãi mãi biết ơn quân và dân Trường Sa luôn vì sự bình yên của biển đảo quê hương, làm thành phên dậu phía Đông của Tổ quốc cho hôm nay và mai sau…

Trung tá, Ths PHAN ÁI XUÂN
Phó Trưởng ban Phụ nữ Quân đội

BÀI VIẾT NỔI BẬT