TRỞ LẠI TRÁI TIM MÌNH
Đến với bài thơ hay
TRỞ LẠI TRÁI TIM MÌNH
(Trích)
Tôi trở lại những bờ đường mùa xuân
Cây già trắng lá
Ôi thành phố tôi yêu kỳ lạ...
...Tôi trở lại những lối mòn quá khứ
Có tấm tình ta mắc nợ cha ông
(Nhịp chày sương hay tiếng trống thu không
Nét son đượm trên vòm cong mái cổ)
Hà Nội thức bao đêm ròng?
Không ai nhớ nữa
Nhưng mỗi sớm nhìn vào cửa chợ
Lại thấy hoa bày trên lối đi
Hà Nội bao lần chia ly?
Không ai nhớ nữa
Nhưng cách đánh quân thù phải sợ
Thì không đâu biết rõ như đây
Hà Nội mang tầm vóc hôm nay
Cộng với tầm cao lịch sử...
Có phải bao nhiêu vui buồn thời đại
Soi vào đây càng đậm sắc màu riêng
Tấm lòng Hà Nội thiêng liêng
Vẫn vẹn nguyên sau rất nhiều từng trải
Con đường lóa bóng hoa vàng trẻ mãi
Tiếng lanh canh trên gạch lát hồn nhiên
Âm vang bao biến thiên
Thế giới gửi nơi này ghi nhớ
Bao hạt cát hạt vàng lịch sử
Hà Nội kiên tâm gạn lọc công bằng
Nghe tiếng Bác mỉm cười đôn hậu
Nghe bước chân mình vững chãi tháng năm...
… Hà Nội bận dẫu không hề phút nghỉ
Vẫn còn nguyên phong thái hào hoa!
… Sông Hồng ơi! Dông bão chẳng thay màu
Rùa thần thoại vẫn nhô lưng đội tháp
Chùa Một cột đổ trên đầu giặc Pháp
Lại nở xòe trọn vẹn đóa hoa sen
Dù nhiều điều tôi nhớ tôi quên
Nhưng Hà Nội trong tôi là vĩnh viễn
Dù mười năm, hai mươi năm kháng chiến
Hà Nội vẫn rèn sắt thép lòng tin
Dù quân thù bắn phá cuồng điên
Tim ta đỏ vẫn nguyên lành Hà Nội
Ôi trái tim nóng hổi
Tôi về đây là thêm sức đi xa!
1967
BẰNG VIỆT
Lời bình của Nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC
Thế hệ chúng tôi sinh ra trong hòa bình và lớn lên trong mưa bom bão đạn của không quân Mỹ. Những năm tháng chiến tranh, dẫu chưa một lần đặt chân tới Thủ đô nhưng mỗi khi nghĩ về Hà Nội tôi thường nghĩ ngay đến bài thơ “Trở lại trái tim mình” của Bằng Việt. Một bài thơ dài với 86 câu, 619 chữ. Vậy mà không biết tự bao giờ, nhiều bạn bè cùng trang lứa đã yêu và thuộc lòng bài thơ ấy. Tình yêu đối với Hà Nội là tình cảm rất đỗi thiêng liêng của mỗi con dân đất Việt, dẫu họ ở chân trời góc bể nào cũng vậy.
Nhà thơ Bằng Việt tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng, tuổi Tân Tỵ (1941) quê ở Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) nhưng đời thơ của ông lại gắn bó nhiều với đất Thăng Long. Tốt nghiệp Đại học Luật tại Liên Xô (cũ), ông về công tác tại Viện Luật học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Bằng Việt tự nguyện xin vào Nam làm phóng viên chiến trường, quân số thuộc Đoàn 559, trở về làm cán bộ biên tập Tạp chí Tác phẩm mới rồi Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Ông từng làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ Hà Nội, Tổng biên tập báo Người Hà Nội, Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam. Bốn khóa liền, Bằng Việt là Thành ủy viên Thành ủy Hà Nội và hai khóa Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III và khóa V; Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội.
Một thi nhân nổi tiếng ngay từ thập niên 60 bằng sự rung động hào hoa, mê đắm bởi cái cốt cách văn hóa thẳm sâu. Bằng Việt đã cho ra mắt bạn đọc những tập thơ đáng chú ý như: Hương cây - Bếp lửa (in chung với Lưu Quang Vũ); Những gương mặt những khoảng trời; Đất sau mưa; Khoảng cách giữa lời; Cát sáng; Phía nửa mặt trăng chìm... Nói đến Bằng Việt không thể không nhắc đến những bài thơ được bạn đọc mãi đắm say như: “Trở lại trái tim mình”, “Nghĩ về Pauxtôpxki”. Thơ ông từng là bạn đồng hành của bao lớp thanh niên, sinh viên thời chống Mỹ. Bên cạnh sáng tác, với vốn ngoại ngữ điêu luyện, Bằng Việt còn là một dịch giả nổi tiếng tài hoa, ông thổi hồn vào những trang sách khiến bạn đọc không nghĩ đấy là văn học dịch. Không chỉ chuyển ngữ thơ Yevtushenko, Raxun Gamzatov, Tuyển thơ trữ tình thế giới thế kỷ 20; ông còn tham gia dịch các tuyển thơ Pushkin, Lermontov, Yannis Ritsos, Pablo Nerud, Bagriana; các tiểu thuyết “Muối của đất” (G. Markôp) và “TAS được quyền tuyên bố” (Yu. Sêmiônốp).
Đến nay, Bằng Việt được nhận nhiều giải thưởng văn học trong và ngoài nước, năm 2001, là Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt đầu tiên; năm 2003, Giải thưởng ASEAN.
Bài thơ nói trên được viết trong những ngày cả miền Bắc còn chìm ngập trong khói lửa cuộc chiến tranh phá hoại tàn khốc của giặc Mỹ. Ngay sau khi xuất hiện trên thi đàn, “Trở lại trái tim mình” đoạt giải Nhất về Văn học nghệ thuật Hà Nội năm 1967. Từ nơi sơ tán, nhà thơ lại về Thủ đô. Bổi hổi bồi hồi, lặng ngắm mỗi góc phố, mỗi con đường từng gắn bao kỷ niệm của đời người, Bằng Việt đã không nén nổi lòng mình. Và ông gọi cái sự trở về ấy là “Trở lại trái tim mình”. Có lẽ đó cũng là xúc cảm chân thành của những người yêu Hà Nội đắm say. Tôi trở lại những lối mòn quá khứ/Có tấm tình ta mắc nợ cha ông/Nhịp chày sương hay tiếng trống thu không/Nét son đượm trên vòm cong mái cổ. Những câu thơ thật hiện đại mà vẫn gợi được cái hồn cổ kính của quá khứ nghìn năm văn hiến. Nghe phảng phất đâu đây câu ca dao: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”. Lại có một chút gì gợi nhớ áng văn đẹp lạ lùng của Thạch Lam.
Từ cổ chí kim đã có không biết bao nhiêu áng thơ bất hủ viết về Hà Nội. Ấy là thi phú của Trần Quang Khải, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huy Lượng, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ... Một thi sĩ của đất phương Nam cũng từng viết: “Từ độ mang gươm đi mở cõi. Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” (Huỳnh Văn Nghệ). Bao đời nay, đất kinh kỳ vẫn vậy, hào hoa mà điềm tĩnh lạ lùng. Trái tim của nước Việt thân yêu từng trải bao cơn binh lửa mà vẫn không hề rối nhịp. Hà Nội thao thức bao đêm ròng/ Không ai nhớ nữa/ Nhưng mỗi sớm nhìn vào cửa chợ/Lại thấy hoa bày trên lối đi. Thật giản dị mà hết sức an nhiên tự tại. Phải yêu đến nghẹn lòng mới có thể bật ra được những câu thơ có sức lay động nhường ấy. Hà Nôi bao lần chia ly/ Không ai nhớ nữa/ Nhưng cách đánh quân thù phải sợ/Thì không đâu biết rõ như đây. Hơn ai hết, người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng vốn rất yêu chuộng hòa bình nhưng cũng không hề sợ chiến tranh. Khi buộc phải cầm súng để giữ gìn giang sơn gấm vóc của ông cha để lại, người Hà Nội biết mình phải làm gì.
Có phải bao nhiêu vui buồn thời đại/Soi vào đây càng đậm sắc màu riêng/Tấm lòng Hà Nội thiêng liêng/Vẫn vẹn nguyên sau rất nhiều từng trải. Tác giả hỏi đấy rồi lại tự trả lời. Mạch nguồn sâu lắng, câu thơ hào sảng, tính khái quát cao mà vẫn giữ được nét đằm thắm thiết tha. Có được điều đó là bởi cảm xúc rất thật, rất chân thành được thăng hoa bởi một tài năng thơ đích thực. Những ngày khói lửa chiến tranh, hẳn ở nơi xa có bao người con Hà Nội đã không cầm được nước mắt khi đọc những dòng thơ này. Khóc vì nhung nhớ, vì sung sướng và tự hào!
Cảm hứng chủ đạo của bài thơ toát lên từ cái nền lịch sử oai hùng của ngàn năm Thăng Long, Hà Nội. Không chỉ hướng lòng mình vào những cái lớn lao, cao cả, Bằng Việt dẫn bạn đọc quay về từng ngõ nhỏ, ngắm “vòm cong mái cổ”, dắt nhau qua “cầu phao cót két”, lắng lòng mình nghe “tiếng lanh canh trên gạch lát hồn nhiên”. Nhà thơ yêu quý từng hàng ô rô, nhớ từ ánh đèn neon cho đến khóm hoa màu tím... những nét thân thương gần gũi với cuộc sống con người Tràng An. Sông Hồng ơi/ Dông bão chẳng thay màu/ Rùa thần thoại vẫn nhô lưng đội tháp.
Mạch thơ nhẩn nha, tác giả thủ thỉ như trò chuyện tâm tình cùng bạn đọc. Sức cuốn hút của bài thơ là ở chỗ lẩy ra được cái hồn thiêng của quá khứ để thúc giục con người tiến lên, quay về nhìn lại cũng như cách nạp thêm năng lượng. Tim ta đỏ vẫn nguyên lành Hà Nội/ Ôi trái tim nóng hổi/Ta về đây là thêm sức đi xa.
Bởi như Bằng Việt khẳng định: Dù nhiều điều tôi nhớ tôi quên/ Nhưng Hà Nội trong tôi là vĩnh viễn. Vâng, năm tháng sẽ đi qua, song những áng thơ như “Trở lại trái tim mình” hào sảng mà đắm đuối sẽ còn mãi với thời gian!