column_right getExtensions 1726038567-1726038567

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1726038567-1726038567

TRẬN ĐÁNH GIỮA HANG Ổ KẺ THÙ

TRẬN ĐÁNH GIỮA HANG Ổ KẺ THÙ

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:26-05-2023

TRẬN ĐÁNH GIỮA HANG Ổ KẺ THÙ

Trước mặt tôi là một người phụ nữ đứng tuổi, vóc dáng bé nhỏ, lặng lẽ khiêm nhường trong bộ bà ba bình dị, chị Trần Thị Phương Thanh. Điều khiến tôi rất đỗi ngạc nhiên là chiến công mà chị lập được thời chống Mỹ, trong vai trò là một chiến sĩ quân báo mật, thuộc biên chế của Huyện đội Củ Chi.

Chiến sĩ quân báo Trần Thị Phương Thanh (Út Bớt)

Từ cái nôi Đất Thép

Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, đông con tại ấp Xóm Chùa, xã Tân An Hội, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay thuộc huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh). Là con thứ 13, chị Phương Thanh còn có tên gọi khác là Trần Thị Bớt (Út Bớt).

Trong hai cuộc kháng chiến, Tân An Hội là một trong những địa phương có phong trào du kích phát triển mạnh của vùng “Đất thép Thành đồng”. Khi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, chính thức đưa quân viễn chinh sang tham chiến ở Nam Việt Nam. Sau cuộc càn Crimp (cái bẫy) lên phía bắc Củ Chi thất bại, Mỹ điều sư đoàn bộ binh cơ giới số 25 “Tia chớp nhiệt đới” xuống phía nam, san ủi địa hình lập căn cứ Đồng Dù. Thuộc địa bàn xã Phước Vĩnh An, dưới thời thuộc Pháp, nơi này là một đồn điền cao su rộng chừng 35 hecta. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồn điền này bị phá hoại rồi bỏ hoang. Thời chính quyền Ngô Đình Diệm, khu đất rộng lớn này được trưng dụng làm bãi huấn luyện nhảy dù cho quân đội Sài Gòn. Vì vậy, người dân quanh vùng quen gọi “đồng dù” và lâu dần, nó trở thành một địa danh.

Toàn cảnh căn cứ Đồng Dù, Củ Chi

Với con mắt “nhà nghề” của kẻ xâm lược, Mỹ đã chọn vị trí này để xây dựng căn cứ với tổng diện tích lên tới 600 hecta, được cấu trúc hiện đại, có trận địa pháo, sân bay dã chiến, cùng nhiều trang bị kỹ thuật cho các binh chủng. Bên trong có tiện nghi sinh hoạt và các dịch vụ gần như một thành phố thực thụ. Sau khi hoàn tất đưa vào sử dụng, sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” của Mỹ đồn trú đầu tiên ở đây. Tổng quân số địch lên tới 4.500 tên. Bao quanh khu căn cứ rộng lớn có nhiều ấp chiến lược, cùng mạng lưới đồn bót khá dày đặc. Đồng Dù là một căn cứ đồn trú và hành quân của Mỹ, đồng thời là một pháo đài ngăn chặn hướng tiến công của lực lượng vũ trang cách mạng vào tây bắc Sài Gòn.

Dân quanh vùng bị dồn gom vào các “ấp chiến lược”, thực chất đó là những trại tập trung trá hình. Tận mắt chứng kiến kẻ thù sát hại dã man dân lành vô tội, thậm chí hành hạ cả thi thể của bộ đội, du kích đã hy sinh, cùng với người dân, Út Bớt uất nghẹn căm thù.

Là nữ du kích và mật báo viên, năm 17 tuổi, chị Trần Thị Bớt thuộc biên chế Ban quân báo (B14) thuộc Huyện đội Củ Chi. Vốn thông thạo địa hình, chị được cấp trên giao nhiệm vụ hoạt động hợp pháp trong vùng địch tạm chiếm. Út Bớt lân la bắt quen với một số người làm trong sở Mỹ, thông qua bảo lãnh của họ, chị được tuyển vào làm ở câu lạc bộ sĩ quan trong căn cứ Đồng Dù. Nhờ trẻ tuổi và có vẻ ngoài ưa nhìn, Út Bớt và Sáu Kháng được chọn làm tiếp viên câu lạc bộ. Đây là nơi phục vụ lính Mỹ vui chơi, giải trí sau mỗi đợt hành quân càn quét trở về. Bên trong câu lạc bộ có một phòng dành riêng cho nữ thay trang phục, tiếp viên mặc đồng phục để phân biệt với số lao động công nhật. Liền kề câu lạc bộ là một nhà kho chứa nước giải khát, thức ăn nhanh (Fastfood) cùng một số nhu yếu phẩm khác. Nhà kho chỉ độc một cửa ra vào và được kiểm soát rất gắt gao. Song nhờ khéo gây được cảm tình với viên trung úy phụ trách kho, tên là Rô, nên cả hai chị đều được phép ra vào nơi nghiêm ngặt này.

Út Bớt khi vào làm tại Câu lạc bộ sĩ quan trong căn cứ Đồng Dù

Sau khi thuộc hết đường đi lối lại trong căn cứ Mỹ, chị Út Bớt xin nghỉ làm để tranh thủ ra An Tịnh báo cáo với lãnh đạo B14. Cấp trên đánh giá đây là mục tiêu rất quan trọng nhưng không ổn định, bởi không phải lúc nào quân Mỹ cũng về nhiều. Do đó, việc lựa chọn thời cơ để tổ chức trận đánh là rất quan trọng. Út Bớt tiếp tục bám sát mục tiêu, nắm quy luật hoạt động. Qua tin tức thu nhận được, lần nữa Ban quân báo lại cho nhắn Út Bớt ra căn cứ ở Xóm Trại, bố trí giao liên đón và dẫn chị đi. Sau khi nghe báo cáo tường tận chi tiết, Huyện đội phó Chín Khánh phụ trách quân báo, cùng anh Hai Hoài, cân nhắc và phân tích thêm. Họ chính thức giao Út Bớt đánh câu lạc bộ Mỹ. Nhận nhiệm vụ, chị Út suy tính, nếu đem trái vô sớm rất dễ bị lộ vì hậu cần Mỹ thường xuyên bổ sung nguồn hàng; nhưng trễ quá thì sẽ vuột mất cơ hội. Vì vậy, chị tìm mọi cách bám tên trung úy háo sắc để nắm thời điểm lính Mỹ sẽ tập trung về câu lạc bộ đông nhất. Sau khi có được những thông tin cần thiết về địch, Út Bớt lần thứ ba trở ra căn cứ Ràng để báo cáo kết quả điều nghiên. Từ đây, chị được giao liên dẫn lên An Tịnh, rồi đưa đến một địa điểm bí mật ở trong rừng để huấn luyện phương cách chiến đấu. Tại đây, ông Bảy Sơn (cán bộ Quân khu Sài Gòn - Gia Định), cử người hướng dẫn cho Út Bớt cách lắp kíp mìn hẹn giờ, cũng như cách bảo quản và mang trái đi an toàn; chỉ rõ khoảng cách an toàn trong chiến đấu, cách giải quyết trái mìn trong tình huống gặp bất trắc. Không chỉ được huấn luyện một cách bài bản, tỉ mỉ, chị Út Bớt còn được thực tập ngay tại chỗ cho đến lúc thuần thục các thao tác. Anh cán bộ đặc công cho biết trái mìn được cấu tạo bằng chất nổ C4 có sức công phá mạnh hơn các loại chất nổ khác.

Trở lại làm việc trong câu lạc bộ, qua nguồn tin của gã trung úy, chị Trần Thị Bớt được biết khoảng 1 tuần nữa sẽ có một toán sĩ quan Mỹ từ Sài Gòn lên thay cho đồng bọn hành quân từ Tây Ninh về. Cùng với đám này, có một đoàn ca múa tạp kỹ đi theo để phục vụ giải trí. Lập tức, Út Bớt tìm cách báo ra bên ngoài và tin này được kiểm chứng trùng khớp với nguồn tin trinh sát đường dài của B14. Chị sống trong tâm trạng hồi hộp vì đây là trận đánh đầu tiên.

Theo đúng kế hoạch, Út Bớt nhận trái mìn từ tổ trưởng Sáu Mừng tại bãi giữ xe ngoài cổng. Thuốc nổ được nhồi chặt vào hộp guigoz, bên trên là một lớp cơm và một ít thức ăn khô. Chị thản nhiên mang hộp đi qua 05 vọng gác của địch, mỗi chỗ có 02 lính trấn giữ, một quân cảnh (MP) Mỹ và một lính quân đội Sài Gòn. Đến trước mỗi trạm gác, chị Út Bớt đều chủ động mở nắp hộp “cơm” cho bọn gác kiểm tra. Liên tiếp trong ba buổi sáng, chị Út Bớt đã mang trót lọt được 03 trái mìn qua cổng, đem vào giấu trong các thùng đựng xà bông. Lần thứ tư, Út Bớt mang tiếp 03 kíp mìn hẹn giờ đem cất ở một nơi gần đó. Sau khi chọn xong vị trí đặt trái, chị báo về B14: mọi việc đã xong!

Và thời cơ đến!

Sáng 12-4-1969, như bao buổi sáng bình thường khác, hai nhân viên phục vụ Út Bớt và Sáu Kháng hối hả quét dọn bên trong câu lạc bộ, sắp xếp lại bàn ghế, trải khăn bàn, cắm hoa… Tầm 10 giờ sáng, đoàn ca múa tạp kỹ từ Sài Gòn vừa đến nơi liền bắt tay vào dàn dựng chương trình. Đám sĩ quan và tụi lính Mỹ đi càn về đêm qua đang lũ lượt tụ tập cùng với bọn đi thay quân, chờ xem biểu diễn. 11 giờ trưa, câu lạc bộ tấp nập lính Mỹ. Út Bớt lẹ làng vào kho để tra kíp mìn và bấm hẹn giờ. Cả 03 trái mìn được bỏ dưới đáy các thùng đựng rác, bên trên che phủ bằng một lớp ly giấy. Lần lượt từng thùng “rác” được chị Út Bớt mang để vào đúng nơi quy định.

Kim đồng hồ chỉ 11 giờ 30 phút.

Út Bớt chủ động rủ những người làm công nhật ra bên ngoài, đến bên gốc cao su cách nhà kho chừng hơn 200 mét để ngồi ăn. Liếc mắt thấy mọi người ra đủ và lần lượt giở cơm ra ăn, chị Út vẫn chưa thật yên tâm. Viện cớ đi lấy nước uống, Út Bớt quay vào bên trong câu lạc bộ, đưa mắt liếc nhanh, thấy mọi thứ vẫn đâu vào đấy, chị thở phào và trở ra cùng ngồi ăn cơm với mọi người.

Nắng rót lửa xuống mặt đất. Hơi nóng bốc lên hầm hập. Út Bớt đứng ngồi không yên. Bất thình lình, ba tiếng nổ chập một rung chuyển, một cột khói đen cuốn bụi mù mịt bốc lên cao. Còi báo động rú điên loạn, lính Mỹ từ các nơi xách súng nháo nhào lao ra công sự. Lát sau, 03 chiếc máy bay trực thăng vũ trang quần đảo lượn vòng trên căn cứ Đồng Dù. Ngoài vườn cao su, số anh chị em lao công đang ăn cơm, thảy đều ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra.

15 phút sau, khói bụi vẫn còn chưa tan hết. Toàn bộ dãy nhà câu lạc bộ và sân khấu biến mất, chỉ còn trơ lại một đống sắt ngổn ngang. Đám lính bị thương kêu la thảm thiết. Nhiều tên Mỹ nằm bất động trên vũng máu, các tấm tole mái vòm tung tóe trên diện rộng. Xe quân cảnh MP đổ lính bao vây quanh câu lạc bộ. Các đội cứu thương ra vào liên tục đào bới trong đống đổ nát. Máy bay trực thăng nhiều lần hạ cánh cho đến lúc chiều muộn mới bốc hết số sĩ quan và lính bị thương vong. Kết quả có 127 sĩ quan Mỹ bị thương vong, trong đó có 18 sĩ quan cấp tá (04 đại tá).

Sau trận đánh, toàn bộ số lao công đều bị bắt và đem nhốt vào các phòng trong khu nhà vòm gần đó và bị thẩm vấn. Đến 8 giờ đêm, không khai thác được gì, chúng phải thả hết anh chị em này về. Ngày hôm sau, chị Út Bớt và mọi người vẫn đi làm bình thường. Họ thản nhiên dọn dẹp, cọ rửa hiện trường như chưa có chuyện gì xảy ra.

Hai tuần sau, chị Trần Thị Bớt được triệu tập ra căn cứ An Tịnh. Tại đây, chị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì và danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp ưu tú. Đặc biệt, chiến sĩ quân báo Trần Thị Phương Thanh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Tuổi 20 phơi phới

Tuy nhiên, sau trận bộ đội địa phương huyện đánh đồn Lào Táo (xã Trung Lập, Củ Chi) một cơ sở nội ứng của ta bị địch bắt. Người này chịu đòn không xiết đã khai ra tổ trưởng Sáu Mừng. Bị bắt và bị đánh đập dã man, Sáu Mừng hèn nhát chỉ điểm Út Bớt. Vào một buổi sáng như thường lệ, Út Bớt và Sáu Kháng đang quét dọn thì bất ngờ có 03 chiếc xe MP ập tới, tụi lính lăm lăm súng M16, chúng bịt hết các lối đi. Sáu Mừng xuống xe, mặt cúi gằm, y đi giữa hai tên sĩ quan an ninh và tiến thẳng đến chỗ hai cô gái. Tụi quân cảnh liền tra còng vào tay Út Bớt và ném chị lên xe. Sau khi thẩm vấn tại chỗ, bọn chúng dẫn chị về phòng điều tra Đức Hòa, tỉnh Hậu Nghĩa (nay thuộc tỉnh Long An). Từ đây, chị Út Bớt bị đánh đập tàn nhẫn rồi đưa về Tổng nha cảnh sát Đô thành để hoàn tất hồ sơ, tống giam ở nhà lao Thủ Đức.

Không moi được thêm gì ở Trần Thị Bớt, địch đưa chị ra tòa. Tổ chức chỉ đạo cơ sở ta mướn luật sư biện hộ cho Út Bớt. Vì không đủ chứng cứ, địch buộc phải trả tự do cho chị.

Với đồng đội ngày họp mặt (chị Phương Thanh áo tím)
Tác giả bài viết với chị Phương Thanh trong lễ giỗ các nữ du kích Củ Chi

Sau ngày đất nước thống nhất, chị vào làm công nhân tại Xí nghiệp dệt Việt Thắng. Vì nghỉ sinh hoạt đã lâu, năm 1988, chị phấn đấu và được kết nạp Đảng trở lại. Người bạn đời của chị là Phạm Xuân Hùng, quê Giồng Trôm, Bến Tre, anh từng công tác tại Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh TP. HCM, nay đã mất. Anh chị có hai con trai, trong đó, người con trưởng là công an phường 13, quận Tân Bình. Chị sống cùng vợ chồng cậu út ở phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú… Hỏi chị có oán hận gì người đã khai báo với địch, chị cười nhẹ tênh, không hề. Hằng năm, tụi tôi vẫn dự các buổi gặp mặt đồng đội cũ, gặp lại Sáu Mừng, tôi coi như không có chuyện gì xảy ra, dù được tha thứ nhưng ảnh vẫn rất ân hận.

Bài và ảnh: NGUYỄN MINH NGỌC

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:1
Trong ngày:1919
Trong tuần:7572
Trong tháng:35106
Cả năm:1745537
Tổng lượt xem:6055975