column_right getExtensions 1732354027-1732354027

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732354027-1732354027

TỔ QUỐC BAY LÊN BÁT NGÁT MÙA XUÂN

TỔ QUỐC BAY LÊN BÁT NGÁT MÙA XUÂN

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:19-08-2023

Đến với bài thơ hay

TỔ QUỐC BAY LÊN BÁT NGÁT MÙA XUÂN

Bộ đội đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu

Nhà thơ Lê Anh Xuân tên khai sinh là Ca Lê Hiến (1940-1968) sinh trưởng trong một gia đình trí thức yêu nước ở Bến Tre. Năm 1954, anh tập kết ra Bắc. Tốt nghiệp khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Ca Lê Hiến được giữ lại trường làm phụ giảng. Cuối năm 1964, anh tình nguyện trở về Nam, công tác ở Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban tuyên huấn Trung ương Cục; sau đó, chuyển về Hội văn nghệ Giải phóng. Trong số các nhà thơ trưởng thành thời đầu chống Mỹ, thì Lê Anh Xuân được đông đảo bạn đọc mến mộ với cảm tình đặc biệt. Thường trực trong thơ anh luôn là những cảm xúc nhiệt thành đối với quê hương, đất nước.

Lê Anh Xuân được truy tặng Giải thưởng Nhà nước đợt đầu tiên (2001) và danh hiệu Anh hùng LLVTND (2011).

DÁNG ĐỨNG VIỆT NAM

Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt

Nhưng Anh gượng đứng lên tỳ súng trên xác trực thăng

Và Anh chết trong khi đang đứng bắn

Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.

Chợt thấy Anh, giặc hốt hoảng xin hàng

Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn

Bởi Anh chết rồi, nhưng lòng dũng cảm

Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công.

Anh tên gì hỡi Anh yêu quý

Anh vẫn đứng lặng yên như bức thành đồng

Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ

Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong.

Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ

Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh lúc lên đường

Chỉ để lại cái dáng - đứng - Việt Nam tạc vào thế kỷ:

Anh là chiến sĩ Giải phóng quân.

Tên Anh đã thành tên đất nước

Ơi anh Giải phóng quân!

Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt

Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.

 

3-1968
LÊ ANH XUÂN
(Rút trong tuyển “Thơ Việt Nam 1945-1985” - Nxb Văn học, H.1985)
Lời bình của Nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC

Thuở nhỏ, Ca Lê Hiến sống cùng cha mẹ ở miền Tây Nam Bộ. Đắm mình trong không khí của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, 12 tuổi, anh vừa học vừa tập việc ở một nhà in thuộc Sở giáo dục Nam Bộ. Mê văn học và làm thơ từ khá sớm, nhưng phải đợi đến khi bài “Nhớ mưa quê hương” đoạt giải Nhì cuộc thi thơ do Tạp chí Văn Nghệ (nay là báo Văn Nghệ) tổ chức năm 1960, thì tài năng thơ của Ca Lê Hiến mới phát lộ và được khẳng định. Năm ấy, anh vừa tròn 20 tuổi.

Từ cuối năm 1964 trở về Nam, anh đã có tập “TIẾNG GÀ GÁY” cùng với một số thi phẩm khác, báo hiệu một tài năng thơ chói sáng! Những năm tháng ở chiến trường, gắn bó mật thiết với cuộc sống chiến đấu, Lê Anh Xuân thể hiện tâm thế của một nhà thơ - chiến sĩ. Đợt 2 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, Lê Anh Xuân cùng một số văn nghệ sĩ, nhà báo theo các cánh quân vào nội đô.

Vào đêm 30, rạng ngày 31-1-1968, tức đêm mùng 1, rạng mùng 2 Tết Mậu Thân (theo lịch cũ). Tiếng súng tổng tiến công rung chuyển khắp các đô thị miền Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn, trung tâm đầu não của Mỹ - ngụy. Lực lượng biệt động Sài Gòn cùng các đơn vị mũi nhọn đã chiến đấu cực kỳ dũng cảm, khiến cho kẻ thù kinh hồn bạt vía. Từ hơn một năm trước (12-1966), đơn vị F100 biệt động Sài Gòn đã có trận cường tập vang dội vào sân bay Tân Sơn Nhứt, phá hủy 260 máy bay, cùng hàng trăm tấn bom, hàng chục xe quân sự. Các chiến sĩ biệt động đánh giáp lá cà với lính Mỹ, vật lộn với cả bầy chó bec-giê cực kỳ hung hãn… Hình ảnh người chiến sĩ sáng ngời trong lửa đạn luôn choán ngợp tâm hồn nhà thơ. Sự tích chiến công ấy tích tụ và được “kích hoạt” qua đợt đầu tổng tiến công đã giúp Lê Anh Xuân có một liên tưởng kỳ diệu. Và nhà thơ đã khắc họa nên chân dung anh Giải phóng quân vô cùng dũng mãnh, quả cảm.

Với cảm quan nghệ thuật của mình, Lê Anh Xuân đã phát hiện ra phẩm chất phi thường của người chiến sĩ Giải phóng, từ đó khái quát và nâng lên tầm cao của cả một dân tộc đang chiến đấu giành độc lập, tự do. “Dáng đứng Việt Nam”, bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất của Lê Anh Xuân được viết ra trong bối cảnh ấy và trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Nhà thơ trìu mến gọi người chiến sĩ Giải phóng quân bằng “Anh”.

Mở đầu bằng một hình tượng lẫm liệt, Lê Anh Xuân đã không chút ngần ngại khi dựng lại: “Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt/ Nhưng Anh gượng đứng lên tỳ súng trên xác trực thăng/ Và Anh chết trong khi đang đứng bắn/ Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng”. Trận tiến công vào sân bay Tân Sơn Nhứt là một trong những trận huyết chiến do tương quan lực lượng địch - ta quá ư chênh lệch. Bởi vậy, bài thơ tựa như một cuốn phim phóng sự về chiến tranh. Tác giả “lia” góc máy rộng ra để bạn đọc có thể hình dung: “Chợt thấy Anh giặc hốt hoảng xin hàng/ Có thằng sụp dưới chân Anh tránh đạn/ Bởi Anh chết rồi, nhưng lòng dũng cảm/ Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công”.

Và khúc đoạn tiếp theo mang âm hưởng ngợi ca, tỏ bày niềm xúc cảm dâng trào, không thể kìm nén. Tiếng thơ trìu mến ngân lên: “Anh tên gì hỡi Anh yêu quý/ Anh vẫn đứng lặng yên như bức thành đồng/ Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ/ Mà vẫn một màu bình dị sáng trong”.

Mạch cảm xúc tiếp tục được tác giả nâng lên một cấp độ mới, xoáy vào lòng người sự yêu thương vô hạn. “Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh lúc lên đường”. Giản dị vậy thôi, người chiến sĩ Giải phóng quân chỉ biết chiến đấu và hiến dâng cho Tổ quốc. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây thôi, thì bài thơ chưa tới độ. Biệt tài của Lê Anh Xuân là ở chỗ đó, thi sĩ dấn thêm một nhịp nữa thì một tượng đài thơ sừng sững hiện ra. “Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ:/ Anh là chiến sĩ Giải phóng quân. Tên Anh đã thành tên đất nước/ Ơi Anh Giải phóng quân!”.

Vâng, quả là không thể khác được: “Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân!”. Một sự khái quát và sáng tạo tuyệt vời! Và đến lượt mình, trên đường tiến vào nội đô, ngày 24-5-1968, nhà thơ Lê Anh Xuân ngã xuống trong tư thế của người chiến sĩ, để lại bao tiếc thương cho đồng bào, đồng chí và bạn đọc cả nước.

Bài thơ ra đời đã gây niềm xúc động mạnh. Đầu thập niên 70 (thế kỷ XX), khi bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” được nhạc sĩ Nguyễn Chí Vũ phổ nhạc, thì sự lan tỏa, vang xa càng rộng lớn hơn bao giờ hết. Và dự cảm của nhà thơ - chiến sĩ “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” trở thành bất tử!

BÀI VIẾT NỔI BẬT