HÀNH TRÌNH TRI ÂN
Hành trình tri ân
CAO XUÂN THU NGỌC
Họa sĩ Đặng Ái Việt, tên khai sinh là Đặng Thị Bông, quê ở Tiền Giang, nguyên Trưởng phòng Công tác chính trị, Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM). Bà là người truyền cảm hứng về tinh thần yêu nước, về lòng tri ân, được báo chí trong và ngoài nước ca ngợi. Đó là công trình “vẽ bằng trái tim” của một cây cọ đi khắp đất nước, vẽ chân dung các Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) - những bà mẹ Việt Nam có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế…
Họa sĩ kể, năm 1994, trong một lần được gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông cho biết kỳ này Quốc hội sẽ thông qua Pháp lệnh phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH, tha hồ mà vẽ nhé. Thế là nữ họa sĩ cùng chồng là NSND Phạm Khắc lập đề cương và kế hoạch ký họa chân dung về các mẹ. Theo số liệu từ Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đến nay, cả nước đã phong tặng, truy tặng gần 140.000 Bà mẹ VNAH. Điều này càng thôi thúc họa sĩ thực hiện dự án vẽ chân dung về đề tài nhân chứng lịch sử. Ý tưởng và kế hoạch đã có, thế nhưng mãi đến đầu năm 2010, bà mới bắt đầu thực hiện được. 14 năm, họa sĩ rong ruổi qua 63 tỉnh, thành để về với các mẹ. Và kết quả có trên 3.000 bức chân dung Bà mẹ VNAH đã được bà tỉ mỉ ký họa.
Ở tuổi 76, họa sĩ Đặng Ái Việt vẫn miệt mài với những việc làm cao đẹp đáng khâm phục. Bà là người quý trọng thời gian, chạy đua với thời gian, bà luôn sợ “khi mình tới nơi thì Mẹ đã ra đi… không kịp vẽ chân dung”. Theo số liệu thống kê, hiện nay chỉ còn 2.988 Bà mẹ VNAH còn sống, được Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, nhân dân quan tâm và phụng dưỡng suốt đời.
Bà cho tôi xem bức ảnh tấm pano về bộ phim “Ký sự Mekong” của NSND Phạm Khắc mà bà mang theo trong hành trình tri ân, báo đáp của mình. Nhắc về người bạn đời đã đồng cam cộng khổ với mình trong kháng chiến, cũng như khi hòa bình cùng chung tay xây dựng đất nước, ánh mắt của bà thật rạng rỡ: “Tôi đi với tình yêu của tôi, không cô đơn đâu nhé!”. Các con trai và con dâu tôi bảo: “Ước nguyện của mẹ, chúng con không ngăn, nhưng đúng 6 giờ tối mẹ phải nghỉ ngơi”.
Cuốn sổ tay bé nhỏ được bà ghi chép hằng ngày: “Kết thúc cuốn 19. Đã vẽ 2.857 mẹ. Thái Bình: 78 mẹ; Nam Định: 28 mẹ và 11 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Hà Nam: 15 mẹ…”. Những dòng ghi chú cứ nối dài…
*
Từng có mặt trên chiến trường, họa sĩ Đặng Ái Việt thấu hiểu sự khắc nghiệt của chiến tranh và nỗi đau khi đồng đội hy sinh. Với nữ họa sĩ, mỗi bức chân dung về Bà mẹ VNAH được hoàn tất là một lời tri ân dành cho đồng đội đã hy sinh. “Các mẹ là người gánh chịu nỗi đau lớn nhất khi mất đi chồng, con - những người thân yêu nhất. Hình ảnh các mẹ đủ để khái quát cả cuộc chiến tranh. Họ là hình ảnh đại diện cho đất nước, quá trình đấu tranh anh hùng của cả dân tộc” – Nữ họa sĩ chia sẻ.
Việc làm của họa sĩ Đặng Ái Việt là một công trình quốc gia, nên đi đến đâu bà cũng được ủng hộ và tạo mọi điều kiện để hoàn thành công việc. Toàn bộ chân dung Bà mẹ VNAH do họa sĩ Đặng Ái Việt ký họa đã được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).
Các bạn trẻ ở Sở Khoa học & Công nghệ TP. HCM đã thiết kế trang web “Chân dung Bà mẹ VNAH” để lưu giữ và làm tư liệu chung. “Mẹ trải máu tim hồng cho Tổ quốc/Các con đi tô thắm non sông/ Núm ruột mẹ con mang về với đất/Mẹ Việt Nam/Con anh hùng - Mẹ anh hùng” - đó là những lời thơ từ gan ruột của nữ họa sĩ trên Website.
14 năm, họa sĩ Đặng Ái Việt đã có mặt khắp Bắc, Trung, Nam… để vẽ hơn 3.000 bức ký họa chân dung Bà mẹ VNAH, tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh chân dung. Với những đóng góp đó, bà đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á ghi nhận đạt Kỷ lục gia vẽ nhiều tranh về Bà mẹ VNAH nhất. Sự kiên trì, nghị lực và tấm lòng nhân ái của bà đã được ghi nhận và tôn vinh. Năm 2021, họa sĩ Đặng Ái Việt được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Gặp lại nữ họa sĩ ở Bạc Liêu lần thứ hai khi bà tiếp tục thực hiện dự án không có điểm dừng của mình mang tên “Nét thời gian”. Không nghệ thuật nào tả hết được từng nếp thời gian trên gương mặt các mẹ, bởi đó là tác phẩm của tạo hóa. Những ký ức đau thương, mất mát, gấp vào trong từng nếp nhăn trên gương mặt hằn sâu dấu ấn thời gian của các mẹ. Những hy sinh thầm lặng, vô cùng to lớn, cao cả và thiêng liêng của các mẹ là biểu tượng cho phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam, là những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Lần này, họa sĩ lên kế hoạch vẽ 42 chân dung Bà mẹ VNAH. Ngày 15-3-2024, vẽ các mẹ ở huyện Vĩnh Lợi. Nhà mẹ Nguyễn Thị Chính ở ấp B2, xã Châu Thới khá xa. Mẹ đã 93 tuổi, khi nhớ, lúc quên… Tìm đến nhà Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Nhan, ở phường 2, thành phố Bạc Liêu, mới hay mẹ xuống Cà Mau ở với con gái. Không quản ngại xa xôi, lại quay xuống Cà Mau tìm mẹ. Sau khi hoàn thành chân dung mẹ Nhan, lại quay về địa phương xin chữ ký xác nhận.
Họa sĩ Đặng Ái Việt rưng rưng kể, có mẹ khi vừa ký họa xong chân dung thì qua đời. Tuổi các mẹ ngày càng cao, thời gian của bản thân cũng không còn nhiều, đó là điều nữ họa sĩ luôn trăn trở, day dứt...
Chia tay, bịn rịn. Hành trình của nữ họa sĩ tiếp tục hướng về Sóc Trăng. Dõi theo chiếc xe máy của bà với lỉnh kỉnh đồ dùng cá nhân để thực hiện một công trình không có điểm dừng với trái tim nhiệt huyết, tấm lòng cao cả. Thật nể. Mong ước, một dịp nào đó, sẽ có một cuộc triển lãm Chân dung các Bà mẹ VNAH của tỉnh Bạc Liêu do họa sĩ Đặng Ái Việt thực hiện.