THƯ MÙA ĐÔNG
Đến với bài thơ hay
THƯ MÙA ĐÔNG
Thư viết cho em nhòe nét mực
Phên thưa sương muối cứ bay vào
Núi rét đêm qua chừng mất ngủ
Sáng ra thêm bạc một nhành lau.
Ở đây tuyết trắng bên chăn mỏng
Bếp đỏ cơm trưa núi vẫn mờ
Mực đóng thành băng trong ruột bút
Hơ hoài than đỏ chảy thành thư.
Chắn gió cây run trong rễ tím
Hạt ngô gieo xuống cũng co mầm
Có hôm đồng đội đi công tác
Nhớ đấy, nhưng mà… thêm lớp chăn.
Gà buốt gáy lười dăm tiếng khản
Ca bát khua cho đỡ bất thường
Núi giấu trong lòng trăm thứ quặng
Anh bòn không kiếm đủ rau ăn…
Gạo thường lên sớm, thư thời chậm
Đài mở thâu đêm đỡ vắng hầm
Bao năm không thấy màu con gái
Vó ngựa nghe nhầm tiếng guốc em.
Mây đến thường rủ anh mơ mộng
Biết vậy, khuya em đủ ánh đèn
Ước gì có chút hương bồ kết
Cho đá mềm đi, núi ấm lên…
HỮU THỈNH
Lời bình của Nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC
Trong bốn mùa: xuân, hạ, thu đông xoay vần đắp đổi thì dường như mùa nào cũng có nét riêng quyến rũ đến mê hồn. Sống giữa cảnh sắc thiên nhiên, tâm hồn con người cũng giống như cây đàn muôn điệu, cùng ngân lên để giao hòa với tạo vật. Mùa đông cây khô lá úa chính là đêm trước của mùa xuân đâm chồi, nẩy lộc khai hoa. Mùa đông là mùa của nhung nhớ, mùa của ước mơ về những niềm hoan lạc, hạnh phúc. “Thư mùa đông” cũng giống như một tấm thiệp của người chiến sĩ nơi biên cương được vẽ bằng nét bút tài hoa tựa như một bức tranh thủy mặc gửi về xuôi cho người ở hậu phương.
Bài thơ rút trong tập thơ cùng tên của Hữu Thỉnh từng được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1980). Sau cuộc chiến tranh biên giới, những người lính lại trẩy ngược chiều gió bấc lên đóng chốt tại các điểm cao phía bắc để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Tác giả thay lời người lính kể về cuộc sống thường nhật nơi biên cương xa xôi. Hiểu biết cặn kẽ và thấu cảm đến tận cùng mọi ngõ ngách đời sống của những lính, nhà thơ hóa thân để rút những lời gan ruột nhất. Hữu Thỉnh có biệt tài ký họa bằng ngôn ngữ thơ sắc sảo, giản dị mà sống động đến không ngờ. Sáu khổ thơ giống như sáu bức liễn xếp liền kề bên nhau được tạo dựng bởi một ngòi bút có thần, thể hiện khung cảnh và sắc thái chốn biên cương mờ mịt khói sương, nơi những người lính đang ngày đêm bám trụ. Thư viết cho em nhòe nét mực/Phên thưa sương muối cứ bay vào/Núi rét đêm qua chừng mất ngủ/Sáng ra thêm bạc một nhành lau. Chỉ ngần ấy thôi, mùa đông đã hiện lên với đầy đủ những nét gian truân, khắc nghiệt. Không khí nhòe ướt, sương muối khiến cỏ cây héo úa, cái lạnh như dao cứa xiết vào da thịt, buốt tận tâm can. Cứ ngỡ chơi vơi và mong manh lắm, nhưng ở đây cảnh vật và con người bện quyện với nhau thành một khối. Bởi có sự nhớ nhung mới thành ra thao thức, và cũng bởi thao thức cho nên mái núi mới “thêm bạc một nhành lau”.
Sự tìm tòi trong cách thể hiện cùng với những thao tác trau chuốt ngôn ngữ đã đem lại một bức tranh mùa đông hoàn hảo. Tuyết trắng xếp bên chăn mỏng thì đã hẳn cái sự gian nan, thiếu thốn nhưng khi “Bếp đỏ cơm trưa núi vẫn mờ” nghĩa là cái rét khắc nghiệt luôn thường trực, vây bủa. Rét đến “Mực đóng thành băng trong ruột bút” thì quả là ghê gớm. Cho nên lúc viết thư cho em, anh phải đem bút sấy cho ấm lên. “Hơ hoài than đỏ chảy thành thư”. Câu thơ mới thật thần tình làm sao, bởi nó hàm chứa nhiều điều. Cho dù ruột bút có đóng băng nhưng lòng anh đây nhớ em thì lúc nào cũng sẵn sàng nóng chảy. Ấy là tình yêu của người lính ấm ấp hừng hực, không chút màu mè.
Chắn gió cây run trong rễ tím/Hạt ngô gieo xuống cũng co mầm. Sự nghiệt ngã của mùa đông càng lúc càng tăng, nhưng người lính trên điểm chốt vẫn không chịu lùi, tình cảm đồng đội ngày một thêm keo sơn gắn bó. Có hôm đồng đội đi công tác/Nhớ đấy, nhưng mà… thêm lớp chăn. Câu thơ gợi niềm thương yêu, trân trọng vì sự tỏ bày chân thực đến tận cùng, chao ôi, nó thực như như đời lính vậy.
Thi sĩ triệt để khai thác những nét đời thường, dung dị của những người lính trên điểm chốt. Gà buốt gáy lười dăm tiếng khản/Ca bát khua cho đỡ bất thường/Núi giấu trong lòng trăm thứ quặng/Anh bòn không kiếm đủ rau ăn… Một chút xa xót nhẹ thôi nhưng vượt lên trên hết vẫn là một điều ước: giá như “trăm thứ quặng” trong ruột núi ấy mà hoá được thành rau nhỉ? Xin hãy chú ý đoạn thơ này: Gạo thường lên sớm, thư thời chậm/Đài mở thâu đêm đỡ vắng hầm/Bao năm không thấy màu con gái/ Vó ngựa nghe nhầm tiếng guốc em… Thương lắm chứ, mềm lòng lắm chứ. Tình cảm ấy rất người và cũng rất đời, nó trong trẻo mà thẳm sâu vời vợi. Trong tâm tưởng người lính lúc nào cũng in đậm bóng hình một người con gái, thế nên một âm thanh bất chợt nào đó vẳng đến cũng khiến anh mơ mộng về em. Nghe tiếng vó ngựa dồn dập, anh cứ ngỡ như tiếng guốc chân em đang chạy đến với anh. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ cho người lính cảm thấy bâng khuâng vì chút hạnh phúc thoáng qua.
Hữu Thỉnh khép lại bài thơ cũng bằng một điều ước nho nhỏ mà mông mênh. ước gì có chút hương bồ kết/Cho đá mềm đi, núi ấm lên… Chút hương bồ kết ấy chính là tình em, sự hiện diện của em sẽ khiến cho chân cứng đá mềm, khiến cho cả khối núi chìm trong băng giá kia như được ấm lên, em ạ. Một phong thư tình thanh khiết, tinh khôi, đậm đà chất lính được viết thành lời bằng một thứ mực tàu trải trên giấy đỏ. Ấy là “Thư mùa đông” ấm áp đến không ngờ!
N.M.N